| Hotline: 0983.970.780

Chúng tôi đã từng thất bại

Thứ Hai 12/07/2010 , 09:30 (GMT+7)

Chúng ta là người nông thôn, con nhà nông. Lạ gì nông nghiệp. Làm nông dễ, cần gì học. Chính sự dễ dãi trong quan điểm đầu tư nghề nông đã đẩy không ít người lâm cảnh khốn đốn. Loạt bài này, PV NNVN lấy cái nhìn thực tế, với mong muốn những "cú ngã" của người đi trước để người sau tránh đi...

LTS: Chúng ta là người nông thôn, con nhà nông. Lạ gì nông nghiệp. Làm nông dễ, cần gì học. Chính sự dễ dãi trong quan điểm đầu tư nghề nông đã đẩy không ít người lâm cảnh khốn đốn. Loạt bài này, PV NNVN lấy cái nhìn thực tế, với mong muốn những "cú ngã" của người đi trước để người sau tránh đi...

Cú ngã của một ông chủ trang trại

Trong một khuôn viên rộng lớn, những dãy chuồng nằm lặng im, phủ bụi, trơ tróc mái, chứng tỏ đã bị bỏ hoang từ lâu lắm. Những khu ao nuôi cũng váng xanh nổi đầy báo hiệu không có nhiều thứ bơi lội gì bên dưới. Chỉ có ngôi nhà, giờ là văn phòng cty xung quanh tường treo la liệt những bằng khen, giấy khen, những tấm ảnh cỡ lớn trong đó chủ nhân của trang trại cười tươi roi rói.

Những nụ cười đúng chất được mùa bên những mẻ cá nặng trĩu chực rách lưới thu, bên những lồng gà oằn vai người gánh. Giờ, tôi nghe một số người đồn đại rằng anh Trần Văn Nhạ - chủ nhân của trang trại này đã bỏ đi đâu vì vỡ nợ cả tỷ đồng nhưng khi hỏi, vợ anh gạt đi, bảo rằng anh vẫn đang đi học tập kinh nghiệm ở chốn nảo, chốn nào xa lơ, xa lắc để về phát triển kinh tế. Vốn là một nông dân chân chỉ hạt bột thuần tuý, anh Trần Văn Nhạ, xã Đoàn Tùng (Thanh Miện, Hải Dương) luôn bị ước mơ làm giàu hun đúc đến cháy bỏng. Không chịu cảnh “lấy đít trâu làm thước ngắm”, vợ chồng anh bươn bả, vật lộn đủ kiểu từ nuôi lợn, làm bánh đa, kéo vó bè, chạy chợ vặt, gánh đồng nát đến đào đãi vàng thổ phỉ, buôn cám, đại lý thức ăn chăn nuôi…  

Trang trại anh Nhạ hồi còn làm ăn tấn tới

Quay như chong chóng với một đống nghề, mướt mồ hôi, nhọc tâm can, chừng mươi năm trước, anh Nhạ tích cóp được một số vốn kha khá. Kể ở quê như thế cũng là giàu, có thể rảnh rang sống được nhưng anh đâu chấp nhận an nhàn. Tiền tích cóp anh đem mua dồn dần được gần 3 ha đất hoang hoá dành đầu tư trang trại.

Chị Sáu - vợ anh kể lại: “Đang ở trung tâm xã bước một bước ra đường nhựa, đến chỗ thùng đấu um tùm, điện không có, đường cũng không, trời mưa đi xe ngã oành oạch, tôi nản lắm nhưng chồng đã quyết đành phải theo. Đến nay số tiền vốn chôn vào đây trị giá cả mấy tỉ đồng mới cải tạo, thành hình trang trại. Đầu tiên chúng tôi nuôi lợn thịt, lợn nái nhưng không hiệu quả nên chuyển sang gà trắng công nghiệp. Trúng mấy năm liền nhờ nuôi gà nhưng từ lúc có dịch H5N1 đầu ra thất thường đã đành vụ rét năm 2007 chúng tôi dính cú quá đau, mất cỡ trên 1 tỉ. Trời rét đột ngột và khắc nghiệt quá.

Trên 10.000 con gà, mọi khi mùa lạnh chúng tôi chỉ bố trí 5-6 lò sưởi bằng than đá/chuồng 1.000 con là đủ thậm chí nếu rét ít chỉ cần sưởi bằng mấy cái bóng đèn điện cũng xong. Không lường trước tình huống có lúc rét cắt da, cắt thịt như vậy nhất là khi nuôi kiểu chuồng hở nên thấy rét mỗi ngày một dữ dội vợ chồng tôi mới cuống cuồng đi mua lò sưởi, tăng gấp đôi cơ số lò cộng với phủ bạt xung quanh nhưng cũng không thể cứu vãn được tình thế. Đã quá muộn! Trong vòng dăm bảy ngày, gà cứ lũ lượt chết sạch. Giờ đây toàn bộ dãy chuồng gà gia đình tôi bỏ không nhưng nếu có ý định nuôi lại tôi sẽ sửa thành chuồng gà loại kín chứ không dùng chuồng hở nữa”. 

Vợ anh Nhạ: "Đến nay số tiền vốn chôn vào đây trị giá cả mấy tỉ đồng"

Hết trầy trật với con gà, anh Nhạ lại xoay sang đào ao, nuôi cá thương phẩm trắm, trôi, mè chép, rô phi đơn tính. Ngặt nỗi rô phi đơn tính gì mà mới bé tí đã đẻ sòn sòn, chất lượng kém, lớn chậm, bán chẳng mấy sinh lời. Nghe đài báo tuyên truyền nuôi cá tra hiệu quả, anh Nhạ sục lên Hà Nội tìm giống, hỏi kỹ thuật về nuôi khảo nghiệm một vụ. Cá lớn nhanh, rất dễ nuôi nhưng thị trường chậm, bán lải rải mãi mới xong nên vụ sau không buồn nuôi nữa. Đang bí không biết nuôi con gì tiếp theo, tình cờ, có đứa cháu ruột lấy chồng Thái Lan rủ sang chơi. Đến xứ Phật vàng, anh nhà quê Hải Dương thấy cái gì cũng lạ, cũng háo hức. Mà lạ nhất là ở chợ anh thấy họ bán giống cá rô phi to lắm, ngắm sướng mắt lắm! Đã thế thịt cá rất ngon, lại dày chứ không mỏng tang như giống cá rô phi “đa tính” của ta.

Say như điếu đổ, Nhạ lân la hỏi chỗ bán giống. Qua mấy lần bay qua, bay lại Thái Lan để tìm đến các trại con giống, anh cũng tìm được đầu mối đặt nhập cá rô phi, điêu hồng về. Anh chị cũng mạnh dạn lập hẳn Cty TNHH Nắng Biển để muốn thoát hẳn ra cái bóng của làm ăn không chuyên. Tuy nhiên, quá trình nuôi cá vẫn vấp nhiều lận đận.  

Cảnh đìu hiu của một góc trang trại

Đợt rét đậm mấy năm trước do không lường được, cá trong ao chết cỡ 1/3 dù đã được nâng mực nước, lấy thêm bèo để che mặt ao, giữ ấm. Hết lao đao vì cá chết rét, năm 2009 cá rô phi lại bị dịch xuất huyết, kém ăn, bơi lờ đờ do môi trường ao quá ô nhiễm, khi thời tiết thay đổi, vi khuẩn phát sinh bùng lên thành dịch. Trong vùng vô số nhà nuôi cá trắng tay khiến anh chị Nhạ càng hoảng hốt. Hết bơm nước sạch vào, sát trùng, cho ăn kháng sinh… nhưng tình thế như ván cờ đã phân địch thua thắng rõ ràng. Vụ đó anh chị mất trên 100 triệu.

Anh chị ngộ ra nhiều điều từ đận ấy: “Nuôi thuỷ sản nếu không thay nước theo chu kỳ thì phải phụ thuộc vào quan sát. Cứ thấy thời tiết từ lạnh sang nóng, oi bức cần quan sát kỹ xem cá ăn uống thế nào. Thấy khác thường như cá lên nổi đầu, ăn kém phải kiểm tra màu da. Hồi đó tôi non kinh nghiệm, bắt cá lên không biết bệnh gì… Nuôi thuỷ sản phòng bệnh là chính. Phòng thường xuyên bằng cách cứ nửa tháng cho ăn kháng sinh, mùa nóng phòng bệnh xuyết huyết là chủ yếu, mùa xuân mưa phùn ẩm nhiều phòng nấm, nhất là giai đoạn chuyển mùa phải xử lý nước. Mỗi khi thu hoạch cần phơi đáy ao 10 ngày, làm vệ sinh thật kỹ. Nuôi thuỷ sản khó hơn gia súc, gia cầm ở chỗ khó quan sát tình trạng bệnh, khi bị bệnh không thể tát cạn ao, bắt từng con, vạch mồm cho uống thuốc, tiêm thuốc được. Mà thuỷ sản đã bệnh là thường bỏ ăn nên dù có trộn thuốc vào thức ăn cũng không hiệu quả”.

Nuôi cá thịt đã khó, nuôi cá giống còn khó hơn nhiều. Mẻ đầu tiên anh Nhạ nhập giống cá Thái Lan do nóng, làm thủ tục hải quan lâu nên cá hương chết 30-40%, lỗ nặng. Hiện tại dù thường xuyên có kỹ sư thủy sản theo dõi nhưng những khó khăn vẫn chưa buông tha, khiến cho anh Nhạ phải tổn hao tâm trí, tiền bạc.

Xem thêm
Mang Yang là nơi rất tốt để phát triển đàn bò sữa

Khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, nguồn nước sạch…, là những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển bò sữa ở Mang Yang, Gia Lai.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Bình Định lên phương án né hạn cho vụ hè thu

Bình Định đang lên phương án chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, tập trung vận động người dân tiết kiệm nước để đảm bảo thắng lợi vụ hè thu 2024.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.