| Hotline: 0983.970.780

Bán tháo rừng keo non để... trồng sắn

Thứ Tư 16/03/2011 , 08:48 (GMT+7)

Giá sắn (mì) liên tục tăng cao. Thế nên từ sau Tết Nguyên đán đến nay hàng trăm hộ dân xã Hương Phú, Hương Hữu, Thượng Long, Hương Lộc... (huyện Nam Đông, TT – Huế) đổ xô đốn hạ hàng trăm héc-ta rừng keo lai, tràm... để trồng sắn mong sớm đổi đời!

Người dân phá rừng để keo non để đầu tư trồng sắn

Giá sắn (mì) liên tục tăng cao. Thế nên từ sau Tết Nguyên đán đến nay hàng trăm hộ dân xã Hương Phú, Hương Hữu, Thượng Long, Hương Lộc... (huyện Nam Đông, TT – Huế) đổ xô đốn hạ hàng trăm héc-ta rừng keo lai, tràm... để trồng sắn mong sớm đổi đời!

Dọc theo con đường nhựa vào xã Hương Phú, Thượng Long, Hương Lộc... chúng tôi chứng kiến rất nhiều diện tích rừng keo lai, tràm khoảng 2 năm tuổi đã, đang bị người dân đốn hạ, đốt trụi... không thương tiếc. Thay vào những dãy keo, tràm mới bị “cạo trọc” là những dãy sắn mới trồng đang đâm chồi và nhiều diện tích đất trống người dân mới chặt phá keo chưa kịp trồng sắn. Đi sâu vào các thôn Xuân Phú, Hà An, Thanh An, Phú Mậu… (xã Hương Phú) là nơi được xem có diện tích rừng keo bị phá nhiều nhất. Ông Trương Công Bòn, thôn Xuân Phú cho biết: “Vụ sắn vừa rồi giá tăng lên vùn vụt, thấy vậy năm nay gia đình tôi cũng như người dân trồng sắn trong huyện đều mở rộng diện tích. Nhiều gia đình phải phá nhiều diện tích rừng keo, tràm... mới có thêm quỹ đất để trồng cây sắn. Ngoài ra, người dân còn trồng sắn xen giữa cao su, keo, tràm...”.

Ông Nguyễn Dưỡng, vừa phá gần 2 ha keo để trồng sắn ở thôn Thanh An, xã Hương Phú nói: Cây sắn trồng dễ, ít chăm sóc, sau 7 tháng sẽ cho thu hoạch. Với giá thu mua hiện nay mỗi ki lô gam từ 2.000-2.200 đồng, bình quân mỗi hecta sau khi thu hoạch trừ chi phí cho lãi ròng trên 25- 30 triệu đồng. Trong khi, thời gian trồng keo lai, tràm kéo dài từ 5–7 năm mới cho khai thác, trừ mọi chi phí chỉ cho lãi được khoảng 5-10 triệu đồng/ha. Bởi vậy, nhiều người dân trong thôn cũng như những địa phương khác đều đổ xô đốn hạ keo non bán với giá rẻ để lấy đất trồng sắn.

Tìm hiểu của chúng tôi, ngoài gần 700 ha diện tích trồng sắn trên toàn huyện hàng năm, để có đất mở rộng diện tích trồng sắn người dân phải khai thác keo non từ 2-3 tuổi để bán, trong đó xã Hương Phú có diện tích phá nhiều nhất lên trên 200 ha, còn lại rải rác ở các xã từ 30-100 ha. Đến chiều 14/3, nhiều diện tích rừng keo non vẫn còn bị đốn hạ để trồng mới cây sắn. 

Ông Trương Công Bòn đang trồng sắn trên diện tích rừng keo non mình mới phá

Trước “phong trào” người dân phá rừng keo, chặt phá lấn chiếm rừng để trồng sắn, ông Hồ Tăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Hương Phú cho biết, địa phương đã có động thái vận động người dân không nên “phá” rừng nhằm hạn chế tình trạng lũ quét, sạt lở đất trong mùa mưa bão, tuy nhiên vì lợi nhuận trước mắt nhiều người dân không đồng tình mà vẫn tiếp tục khai thác rừng keo non để bán. Những diện tích keo trên là của người dân trồng nên xã cũng khó can thiệp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Tấn Son, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Nam Đông cho biết, huyện đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra để phát hiện và ngăn chặn kịp thời những trường hợp có động thái phá rừng keo để trồng sắn. Ngoài ra, tiếp tục rà soát quỹ đất, khai thác những vùng đất hoang hóa để tiếp tục mở rộng diện tích trồng sắn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Để thuận lợi trong việc thu mua, bao tiêu sản phẩm cho người dân, Nhà máy Tinh bột sắn Phong An (huyện Phong Điền) đã thoả thuận sẽ tiêu thụ hết toàn bộ sản phẩm sắn trên địa bàn huyện. Trước đó, nhà máy đã cam kết có chính sách hỗ trợ hom giống và trợ giá cho mỗi hộ người dân tộc thiểu số 500 ngàn đồng/ha và hộ người Kinh được trợ giá 300 ngàn đồng/ha, ông Ngô Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết.

Hàng năm toàn huyện chỉ tổ chức trồng gần 700 ha sắn, nhưng doanh thu lên trên 22 tỷ đồng. Năm nay giá sắn tăng cao, huyện cũng đang khuyến khích người dân mở rộng thêm diện tích trồng sắn lên trên 1.300 ha (kể cả diện tích trồng xen giữa cao su, keo...). Trong đó, xã Hương Phú có diện tích trồng sắn lớn nhất huyện lên 600 ha, tiếp đó là xã Thượng Long 120 ha, Hương Hữu 100 ha, Thượng Nhật 100 ha... Đến nay, các xã đã trồng được gần 1.000 ha.

Trước thực trạng người dân đổ xô khai thác rừng keo non để trồng sắn, ông Ngô Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông giải thích: Người dân thấy cây gì có lợi thì họ trồng. Huyện chỉ vận động người dân nếu chặt keo phải đúng chu kỳ (6-7 năm) nhưng vẫn ít người tuân theo. Hàng năm quỹ đất trồng sắn của huyện chỉ dừng lại ở 700 ha, trong đó chuyên canh trên 200 ha, còn lại xen canh sắn với cây cao su, keo... và không thể mở rộng được bởi quỹ đất dành cho trồng sắn đã hết.

Năm nay diện tích trồng sắn toàn huyện Nam Đông lên 1.300 ha và có thể tăng hơn nữa. Để có số diện tích trồng sắn người dân phải khai thác các diện tích rừng keo đang vào thời kỳ cho khai thác và cả rừng keo non... mới đủ đất mở rộng được diện tích trên (!).

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.