| Hotline: 0983.970.780

Bao giờ hết cảnh mía chạy lũ?

Thứ Sáu 24/08/2012 , 10:43 (GMT+7)

Câu chuyện “ép mía chạy lũ” đang là đề tài nóng trước niên vụ mía đường 2012-2013 ở ĐBSCL.

Hậu Giang là tỉnh có vùng mía nguyên liệu lớn nhất ĐBSCL với trên 14.000 ha. Tuy nhiên, có đến 2/3 diện tích trồng mía được trồng ở vùng trũng, bị ảnh hưởng lũ hàng năm, chủ yếu tập trung ở huyện Phụng Hiệp. Theo ngành nông nghiệp địa phương, sớm nhất cũng phải đến năm 2015 mới có thể hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống đê bao cho vùng mía.

Thu hoạch sớm- điều không mong muốn

Câu chuyện “ép mía chạy lũ” đang là đề tài nóng trước niên vụ mía đường 2012-2013 ở ĐBSCL. Trong khi ngành nông nghiệp địa phương muốn các nhà máy đường vào vụ sớm từ trung tuần tháng 8 để tránh tình trạng quá tải khi lũ về thì Hiệp hội Mía đường Việt Nam lại muốn trễ hơn (đầu tháng 9) để tránh tình trạng ép mía non, gây thiệt hại cho cả nông dân lẫn nhà máy.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu bức bách, ngày 15/8 thì NM đường Long Mỹ Phát đã chính thức khởi động vào vụ ép. 2 NM còn lại trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là Phụng Hiệp và Vị Thanh (Cty CASUCO) sẽ lần lượt vào vụ cách nhau 5 ngày. Như vậy, niên vụ mía đường năm nay được khởi động sớm hơn 1 tháng so với niên vụ trước.

Để tránh tình trạng năm nào cũng phải vào vụ sớm nhằm ép mía chạy lũ, tỉnh Hậu Giang đã quyết định đầu tư 153 tỷ đồng xây dựng hệ thống đê bao chống lũ khép kín bảo vệ hơn 5.000 ha mía bị ngập sâu ở Phụng Hiệp. Tuy nhiên năm nay mới chỉ thực hiện được 2.000 ha. Diện tích còn lại sẽ tiếp tục thực hiện trong năm 2013.


Vào vụ ép sớm sẽ giúp nông dân thoát cảnh thu hoạch mía chạy lũ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc phải thu hoạch mía sớm để tránh lũ là chuyện không mong muốn đối với nông dân. Vì khi chặt mía non thì năng suất và chữ đường đều thấp, trong khi giá cả cây mía cao hay thấp lệ thuộc rất lớn vào chữ đường.

Ông Trương Văn Được ở ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng, Phụng Hiệp cho biết: “Hầu hết diện tích đất canh tác ở đây đều là vùng trũng nên thường xuyên bị ngập, cứ nước lên là người dân bắt buộc phải bán mía, dù có đủ chữ đường hay chưa để tránh bị thiệt hại. Trận lũ lịch sử năm 2011, nước lên quá nhanh, liếp mía bị ngập sâu đến gần nửa mét nước, nhiều hộ thu hoạch không kịp làm năng suất mía giảm hơn 15%. Từ lâu người dân chúng tôi đã mong ước có được tuyến đê bao bảo vệ cây mía”.

Ông Trương Văn Hiền, Chủ nhiệm “Câu lạc bộ 200” (năng suất mía đạt 200 tấn/ha trở lên) xã Hiệp Hưng phấn khởi nói: “Năm nay xã được đầu tư hệ thống đê bao bảo vệ vùng mía nên nông dân ai cũng mừng. Mặc dù hiện nay đã vào vụ, mía cũng đạt khoảng 8 tháng tuổi nhưng các thành viên CLB thống nhất sẽ để thêm khoảng 2 tháng nữa mới thu hoạch, chờ cho năng suất và chữ đường tăng thêm, lợi nhuận sẽ cao hơn”.

Theo ông Hiền, nhiều nông dân địa phương đang SX theo mô hình mía-lúa (lấp lại vụ lúa trên liếp mía vào mùa lũ). Tuy nhiên, nếu muốn làm như vậy thì gia đình phải có nhân công mới có lời, chứ cái gì cũng mướn hết thì không ăn thua. Thà rằng chấp nhận bỏ vụ lúa, “neo” mía thêm khoảng 2 tháng nữa thì người trồng cũng có lợi không thua kém gì làm thêm vụ lúa.

Nâng cấp đê bao bảo vệ mía

Tương tự, ông Trần Thanh Sơn, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp vui mừng nói: “Năm nay có được hệ thống đê bao kiên cố rồi người dân chúng tôi không còn lo cảnh nước lũ đe dọa đến cây mía nữa nên không cần phải bán mía non như những năm vừa qua. Do bị lũ nên nông dân ở đây năm nào cũng tốn tiền mua giống mía trồng lại chứ không thể lưu gốc như những vùng khác. Hy vọng khi có đê bao chúng tôi sẽ đi học hỏi kỹ thuật trồng mía lưu gốc nhằm giảm chi phí đầu tư”.

Theo ông Đồng, việc xây dựng hệ thống đê bao hướng tới nhiều mục tiêu, vừa bảo vệ mía khởi ngập lũ, vừa tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư cơ giới hóa trong trồng mía sau này để giảm giá thành. Đồng thời, còn kết hợp làm giao thông để xây dựng nông thôn mới. Do đó, cần phải có thời gian và nguồn kinh phí để thực hiện một cách đồng bộ.

Ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng phòng NN-PTNT Phụng Hiệp cho biết, vụ mía năm nay toàn huyện xuống giống được 9.037 ha, hiện các giống mía chín sớm đã bắt đầu cho thu hoạch. Lo ngại lớn nhất hiện nay là nhiều vùng mía chưa có đê bao, nước lũ về sớm thu hoạch không kịp sẽ gây thiệt hại nặng. Năm nay tỉnh đã đầu tư vốn để thực hiện nâng cấp đê bao cho những vùng có nguy cơ bị lũ uy hiếp cao của huyện gồm xã Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng, Hòa An, thị trấn Búng Tàu và Cây Dương, với tổng diện tích 5.000 ha.

Tuy nhiên, do thời gian quá gấp rút nên năm nay chỉ đầu tư được 2.014 ha cho hai xã đầu nguồn, nước lũ đổ về sớm là Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng. Những vùng khác phải qua năm 2013 mới hoàn thành. Do đó, vụ mía năm nay vẫn phải ưu tiên ép cho những nơi chưa có đê bao. Còn để khép kíp toàn bộ vùng mía nguyên liệu của huyện thì tùy thuộc vào nguồn kinh phí ở trên cấp cho huyện và sớm nhất cũng phải hết năm 2015.

Ông Nguyễn Văn Đồng, GĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, lý do NM vào vụ sớm là để ép mía trồng trên đê lấy mặt bằng thi công cho kịp trước khi lũ về, đồng thời rải vụ nhằm tránh thu hoạch quá dồn dập dễ làm mía rớt giá. Còn về giá thu mua, tối thiểu giá mía tại rẫy cũng phải ở mức 1.000 đồng/kg thì nông dân mới có lời. Vì giá thành SX mía của tỉnh vụ này vào khoảng 850 đồng/kg.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Bảo vệ lúa hè thu trước nắng hạn và xâm nhập mặn

HẬU GIANG Ngành nông nghiệp Hậu Giang khuyến cáo bà con nông dân triển khai các biện pháp bảo vệ lúa hè thu trước tình hình nắng hạn gay gắt và xâm nhập mặn tăng cao.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.