| Hotline: 0983.970.780

Kết thúc phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ Cty ICC kiện NNVN: Công lý đã thất bại!

Thứ Hai 01/11/2010 , 19:33 (GMT+7)

LS-TS luật Trần Đình Triển: ICC coi tòa cứ như của nhà mình, ICC khởi kiện cái gì là tòa thụ lý cái đó, ICC coi hồ sơ vụ kiện như hồ sơ của nhà mình, thích rút cái gì thì rút, thích để cái gì thì để…

* Người chống tham nhũng, bảo vệ tài sản Nhà nước thua cuộc

* Từ một bộ hồ sơ bị “rút ruột” đến một bản án bất công

Những chi tiết bất bình thường tại TAND TP Hà Nội đã được báo Người Cao Tuổi đặt vấn đề từ giữa năm 2008, như bài viết trên đây.

14 giờ ngày 1/11/2010, HĐXX phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ Cty ICC và ông Hoàng Kim Đồng, Tổng giám đốc ICC, kiện báo NNVN và nhà báo Nghiêm Thị Hằng, đã tuyên án.

Trước khi nêu nội dung bản án, chúng tôi xin điểm qua một chút về quá trình tố tụng của vụ kiện này. Ngay từ khi Cty ICC và ông Hoàng Kim Đồng có đơn khởi kiện cho đến nay, chúng tôi đã thấy các cấp tòa của Hà Nội có những biểu hiện không bình thường trong quá trình tố tụng của vụ kiện. Đó là TAND quận Hoàn Kiếm (cấp sơ thẩm) đã chấp nhận, ra quyết định thụ lý bất cứ nội dung khởi kiện nào của ICC và ông Hoàng Kim Đồng, trong đó có khá nhiều nội dung mà ông Hoàng Kim Đồng cũng như ICC không có quyền khởi kiện.

Bởi những quyền đó thuộc về UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Khánh Hòa và cá nhân ông Trần Nhật Quang, nguyên chủ tịch UBND phường Cống Vị, quận Ba Đình (Hà Nội), đồng thời lại cho ông Hoàng Kim Đồng rút 104 tài liệu của bút lục 775 trong hồ sơ vụ kiện trái quy định của pháp luật. Đúng như lời nhận xét của LS - TS luật Trần Đình Triển, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn:

- ICC coi tòa cứ như của nhà mình, ICC khởi kiện cái gì là tòa thụ lý cái đó, ICC coi hồ sơ vụ kiện như hồ sơ của nhà mình, thích rút cái gì thì rút, thích để cái gì thì để…

Theo yêu cầu của ICC và của ông Hoàng Kim Đồng, cấp sơ thẩm là TAND quận Hoàn Kiếm đã đi thu thập hồ sơ, tài liệu để làm chứng cứ cho nguyên đơn, trong khi ở cấp phúc thẩm, nhà báo Nghiêm Thị Hằng đã 6 lần có đơn đề nghị tòa thu thập một số tài liệu để làm chứng cứ mà vì lý do bất khả kháng, chị không thể thu thập được, nhưng tòa không một lần hồi âm. Đơn của nhà báo Nghiêm Thị Hằng đề nghị HĐXX triệu tập một số người có liên quan đến phiên tòa cũng bị HĐXX lơ đi.

TAND TP Hà Nội còn phân công thẩm phán Nguyễn Thị Kim Dung, người nhà của ông Hoàng Kim Đồng, làm chủ tọa phiên tòa. Và chính trong thời gian này, 25 bút lục trong hồ sơ vụ kiện đã biến mất. Theo tố cáo của nhà báo Nghiêm Thị Hằng, thì chính trong thời gian này, đã có dấu hiệu của việc “chạy án”, cụ thể là một ông tên H. đã “chạy” ở tòa cấp sơ thẩm, ông này có con rể là T.A. thời kỳ đó làm phó tổng giám đốc ICC.

Lên đến phúc thẩm, lại xuất hiện một bà cũng có tên H. tìm đến các thẩm phán để tác động. Báo Cựu chiến binh đã có bài điều tra, vạch rõ và cảnh báo về đường dây “chạy án” này, nhưng không được lãnh đạo TANDTP Hà Nội lưu tâm. Chỉ đến khi có sự phản đối quyết liệt của bị đơn và của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn, TANDTP Hà Nội mới có quyết định thay thẩm phán Nguyễn Thị Kim Dung bằng thẩm phán Trần Thị Phương Nga, thì ông H. người đã “chạy” ở cấp tòa sơ thẩm, lại rất thân với chồng của thẩm phán Trần Thị Phương Nga, dẫn đến 31 tháng kể từ sau khi khi chống án, phiên tòa phúc thẩm mới được mở.

Bản án phúc thẩm đã được tuyên bằng một giọng rất nhỏ, người ngồi cách vị chủ tọa khoảng 4 mét đã rất khó nghe, trong khi bên ngoài, những người thợ sửa chữa trụ sở của tòa án cứ vô tư làm việc, âm thanh chói tai của máy khoan tay, của tiếng động khác trong quá trình sửa chữa ùa vào cùng với tiếng còi hơi của các loại xe đi trên đường Trần Hưng Đạo, khiến các nhà báo và hàng chục người dự khán cứ phải căng tai. Tòa lại không cho phép ghi âm, nên không ai dám chắc sau này, bản án in trên giấy với bản án tuyên bằng lời này có trùng khớp với nhau không?

Điều kỳ lạ là trong nội dung bản án, toàn bộ những văn bản, chứng cứ do ICC đưa ra đều được HĐXX tận dụng một cách triệt để để chứng minh cho sự “đúng đắn” của nguyên đơn. Ví như yêu cầu khởi kiện của ICC và ông Hoàng Kim Đồng về việc báo NNVN đã viết rằng UBNDTP Hà Nội giao đất cho ICC mà không qua đấu giá đã gây thất thoát cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng, là không đúng, thì bản án đã viện dẫn ngay các văn bản của Thanh tra TP Hà Nội và UBNDTP Hà Nội để chứng minh yêu cầu khởi kiện trên là có cơ sở.

Điều lạ lùng và khó hiểu chính là ở chỗ này. Tại tòa, nhà báo Nghiêm Thị Hằng và các luật sư đã chứng minh bằng những căn cứ không thể bác bỏ: UBND TP Hà Nội không có quyền gì lấy hai khu đất của một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ NN- PTNT để giao cho tư nhân là Cty ICC mà không được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ NN- PTNT cũng như Bộ Tài chính, theo quy định của Luật Ngân sách và Luật Doanh nghiệp Nhà nước.

Lấy đất ấy giao cho ICC bằng một cái giá gần như cho không đã sai rồi, trong khi cả nghị định của Chính phủ lẫn văn bản của UBND TP Hà Nội về việc đấu giá quyền sử dụng đất đã có, mà vẫn không đưa ra đấu giá, lại càng sai hơn. Mục đích của báo NNVN khi đưa những việc làm này của UBND TP Hà Nội lên báo để cảnh báo, chỉ bằng một động cơ rất trong sáng và một tinh thần công dân, một trách nhiệm xã hội rất cao là để bảo vệ tài sản cho nhà nước và phát hiện những hành vi có dấu hiệu tiêu cực. Không phải ba thẩm phán trong HĐXX không hiểu những quy định này, nhưng những chứng minh đó của phía bị đơn đều bị lơ đi.

Điều lạ lùng nữa là toàn bộ chứng cứ của bị đơn đưa ra để chứng minh mình đã viết đúng, bao gồm hàng trăm tài liệu, tất cả đều được thu thập đúng theo quy định của Bộ luật TTDS, tất cả đều chính xác, và đều được nộp cho Tòa, nhưng đều bị lờ đi, không một chứng cứ nào được HĐXX nhắc đến, cứ như thể hồ sơ của vụ kiện chỉ có toàn tài liệu, chứng cứ của nguyên đơn.
Những phát biểu của các luật sư của phía bị đơn cũng bị HĐXX lờ luôn mà không đề cập, không chứng minh rõ lý do vì sao ý kiến của họ lại không được chấp nhận, coi như họ không có trong thành phần những người tham gia tố tụng vậy. Việc tòa sơ thẩm để cho ICC rút 104 tài liệu trong bút lục 775 không được nhắc đến, việc mất 25 bút lục chỉ được HĐXX lý giải bằng 1 câu “25 bút lục này, bà Nghiêm Thị Hằng đã được xem”. Nhà báo Nghiêm Thị Hằng khẳng định, chị chưa hề được xem 25 bút lục đó kể từ khi phát hiện chúng bị mất.

Bằng một bộ hồ sơ bị “rút ruột” như vậy, bằng việc lờ hết những chứng cứ của bị đơn, những lời phát biểu tranh tụng của các luật sư phía bị đơn, HĐXX phiên tòa phúc thẩm vụ Cty ICC và ông Hoàng Kim Đồng kiện báo NNVN đã tuyên một bản án với phán quyết rất bất công, gần như lặp lại nguyên xi án sơ thẩm, chỉ sửa lại một chút ít, là số tiền bồi thường mà báo NNVN phải chịu từ 180 triệu ở án sơ thẩm, thì nay là 163 triệu. Tất cả những phần mà án sơ thẩm buộc báo NNVN phải cải chính một cách bất công, thì nay đều được giữ lại ở án phúc thẩm.

Với bản án này, công lý đã thất bại. Người chống tham nhũng, bảo vệ tài sản nhà nước đã thua cuộc.

* Để hiểu rõ hơn những tình tiết không bình thường của phiên tòa này và sự bất công của bản án, bạn đọc có thể tìm đọc các bài viết trên chuyên mục Pháp luật của www.nongnghiep.vn và phần Chuyên đề về ICC cũng nằm trong chuyên mục này (hoặc gõ từ khóa "ICC" ở hộp tra cứu).

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.