| Hotline: 0983.970.780

Nóng bỏng dịch bệnh, hóa chất cấm

Thứ Năm 09/02/2012 , 09:26 (GMT+7)

Đó là hai vấn đề bức xúc nhất được nhiều đại biểu nêu ra tại Hội nghị tổng kết tình hình nuôi tôm nước lợ năm 2011 và triển khai kế hoạch SX 2012...

Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo hội nghị
Đó là hai vấn đề bức xúc nhất được nhiều đại biểu nêu ra tại Hội nghị tổng kết tình hình nuôi tôm nước lợ năm 2011 và triển khai kế hoạch SX 2012 do Bộ NN- PTNT tổ chức tại TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) vào chiều qua 8/2 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Một năm đầy sóng gió

Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2011 cả nước thả nuôi được 656.425 ha tôm nước lợ, với sản lượng đạt 495.657 tấn, tăng 2,71% về diện tích và 5,48% về sản lượng so với năm 2010.

Trong đó, riêng ĐBSCL thả nuôi được 602.416 ha, chiếm 91,8% diện tích cả nước. Tuy nhiên, trong năm qua tình hình dịch bệnh trên diện rộng đã làm cho người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn; đặc biệt là ở các tỉnh ĐBSCL. Năm 2011 toàn khu vực bị thiệt hại 97.691 ha, nghiêm trọng nhất là tỉnh Sóc Trăng với hơn 25.000 ha tôm nuôi thâm canh, bán thâm canh bị mất trắng. Hiện tượng tôm chết xảy ra trong một thời gian dài (từ tháng 2 đến tháng 6), chủ yếu tôm bị teo gan tụy và chết sau thời gian thả nuôi từ 15- 40 ngày.

Theo ông Tuấn, kết quả phân tích cho thấy tác nhân khiến tôm chết hàng loạt trong năm qua là do hội chứng ngộ độc bắt nguồn từ hóa chất nông dược. Phần lớn các hộ bị thiệt hại thường dùng các sản phẩm nông dược có thành phần Cypermethrin, Deltamethrin để diệt tạp trong vùng nuôi và cải tạo ao. Thậm chí có có nhiều hộ còn dùng trực tiếp các loại thuốc BVTV như Padan, Dexit, Visher…

Đây là những loại thuốc có tác dụng diệt tạp tốt do tính độc cao, dễ mua, lại có giá thành rẻ hơn nhiều so với thuốc chuyên ngành thủy sản. Các chất này tồn lưu rất lâu trong lớp bùn đáy, khi thời tiết biến động mạnh, mội trường bất lợi người nuôi phải dùng quạt để tạo oxy cho tôm vô tình đã làm sục các chất sa lắng này lên, gây ngộ độc cho tôm.

Còn theo Cục Thú y, trong năm 2011 dịch bệnh đốm trắng đã gây thiệt hại cho 13 tỉnh, thành trên cả nước, với tổng diện tích 869 ha; trong đó Ninh Thuận là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất với 216 ha. Còn bệnh hoại tử gan tụy đã gây thiệt hại nặng nề ở hầu hết các vùng nuôi tôm trọng điểm của cả nước, có nơi diện tích bị thiệt hại lên đến 65% tổng diện tích thả nuôi.

Năm 2011 cũng là năm mà tôm XK của Việt Nam bị cảnh báo về dư lượng kháng sinh rất nhiều, đặc biệt là thị trường Nhật Bản. Vào đầu tháng 6/2011, Nhật Bản đã áp dụng biện pháp kiểm tra 100% Enrofloxacin đối với tôm NK từ Việt Nam, trong khi ngành tôm vẫn đang “loay hoay” với hàng loạt lô tôm XK chứa dư lượng Trifluralin, một hoạt chất diệt cỏ bị phía Nhật thắt chặt kiểm tra tới 100%.

Đại diện Hiệp hội chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, ngoài dư lượng kháng sinh, thì năm 2011 cũng là năm “đáng nhớ” đối với các DN chế biến và XK tôm của Việt Nam do khan hiếm nguyên liệu và giá tôm tăng mạnh. Từ tháng 3/2011, giá tôm bắt đầu tăng mạnh và ổn định ở mức trên 200.000 đồng/kg đối với cỡ 30- 35 con/kg. Nguyên nhân chính là do nhiều vùng nuôi bị dịch bệnh, dẫn đến nguồn cung bị sụt giảm.

Không chỉ giá tôm sú mà tôm thẻ chân trắng (TCT) cũng tăng mạnh, giá tôm TCT cỡ 100 con/kg cao nhất trong năm lên đến 106.000 đồng/kg, tăng khoảng 30% so với đầu năm. Bên cạnh đó, các DN còn bị thương nhân Trung Quốc cạnh tranh thu mua tôm nguyên liệu gay gắt ngay trên sân nhà.

Tăng cường quản lý

Bàn về biện pháp triển khai vụ nuôi tôm nước lợ 2012, hầu hết các ĐB đều cho rằng, phải tăng cường công tác quản lý từ khâu SX con giống, quy trình nuôi và chế biến XK. Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2011 cả nước SX được hơn 50,5 tỷ con tôm giống. Tuy nhiên, chất lượng con giống hiện rất đáng lo ngại do đa phần các trại SX quy mô nhỏ lẻ, phân tán, thiếu nguồn tôm bố mẹ chất lượng. Thậm chí một số cơ sở còn mua tôm từ cơ sở khác về trộn với tôm ở cơ sở mình hoặc tôm mua trôi nổi ngoài thị trường rồi đóng thương hiệu để bán.

Ông Chu Văn An, Phó TGĐ Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau) cho rằng, Việt Nam là nước có nhiều lợi thế để nuôi tôm nhưng hiện nay giá tôm nguyên liệu của ta đang cao hơn Thái Lan từ 22.000-35.000 đồng/kg, dẫn đến khó cạnh tranh trên thị trường XK. Nguyên nhân chính là chất lượng đầu vào của ta thấp, quy mô nuôi nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập, tỷ lệ dịch bệnh cao. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải tăng cường khâu quản lý để nông dân nuôi đạt hiệu quả hơn.

Ông An đề nghị nên thành lập các Cty cổ phần nuôi tôm bằng cách người dân góp đất, DN đầu tư vốn để tăng quy mô SX. Đại diện Hiệp hội Nuôi tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) cho rằng, hiện nay người nuôi tôm đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, chi phí tăng cao, dịch bệnh nhiều. Vì vậy mà nhiều người không dám mở rộng đầu tư, thậm chí treo ao.

Bộ trưởng Cao Đức Phát:

Chúng ta không thể chấp nhận giá thức ăn tăng nhưng chất lượng lại giảm hoặc công bố chất lượng một đằng làm một nẻo. Cuối cùng là phải thay đổi quy trình nuôi theo hướng hiện đại, theo công nghệ vi sinh, tập trung hình thành những vùng nuôi lớn. Các địa phương cần rà soát lại quy hoạch vùng nuôi một cách khoa học, trên cơ sở đó Bộ NN-PTNT sẽ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng để đảm bảo nuôi bền vững.

Theo TS. Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS II thì đã nuôi tôm tất yếu phải đối phó với dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Vấn đề đặt ra là chúng ta quản lý như thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất. TS Hảo thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân dịch bệnh nhiều trên tôm nuôi ở nước ta là do quy trình nuôi quá lạc hậu, người nuôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và nghe theo hướng dẫn của DN cung cấp vật tư đầu vào. Người nuôi lại quá tham lam trong việc tận dụng diện tích thả nuôi, không còn chỗ để xử lý môi trường trước và sau khi nuôi. Trong khi đó, ngành nông nghiệp lại chưa tuyên truyền, tập huấn tốt cho người dân. Chính vì vậy, dịch bệnh xảy ra nhiều là tất yếu.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các cơ quan chức năng, các địa phương phải tập trung tăng cường công tác quản lý. Về con giống, cần phải kiểm soát tốt từ khâu nhập bố mẹ, đến quá trình SX để nông dân có được nguồn giống tốt, an toàn về dịch bệnh. Những cơ sở nào không đạt chất lượng thì không cho SX giống, đồng thời không nhượng bộ với những cơ sở làm ăn gian dối. Tăng cường kiểm soát việc sử dụng hóa chất xử lý môi trường, hướng dẫn người nuôi thực hiện theo đúng quy trình.

"Các địa phương phải làm cương quyết vấn đề này, đảm bảo làm sao trên thị trường không còn loại tôm có tồn dư các chất cấm. Quản lý chặt chẽ các cơ sở SX thức ăn thủy sản, nếu phát hiện vi phạm thì xử lý tận gốc; buộc phải thu hồi toàn bộ cả lô hàng chứ không chỉ một vài bao ở nơi phát hiện", Bộ trưởng chỉ đạo.

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm