| Hotline: 0983.970.780

Đền bù chưa xong đã… dâng nước?

Thứ Ba 30/10/2012 , 15:09 (GMT+7)

Ngày 5/5/2012, khi thủy điện Chiêm Hóa, huyện Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang “đóng nước”, phục vụ cho việc phát điện. Nước từ từ tràn vào các ngõ ngách vùng ngập úng của thôn Nghe xã Hùng Mỹ, làm cho những người dân bị thiệt hại mà chưa nhận tiền cứ như ngồi trên chảo lửa...

Ngày 5/5/2012, khi thủy điện Chiêm Hóa, huyện Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang “đóng nước”, phục vụ cho việc phát điện.

>> Dâng nước hồ Thủy điện Chiêm Hóa, người dân kêu trời?

Nước từ từ tràn vào các ngõ ngách vùng ngập úng của thôn Nghe xã Hùng Mỹ, làm cho những người dân bị thiệt hại mà chưa nhận tiền cứ như ngồi trên chảo lửa, chỉ vì bao nhiêu cây trái, lúa màu thậm trí cả công trình kiến trúc trên đât bị ngập vẫn chưa thống kê đầy đủ, kể cả phương án đền bù vẫn chưa thống nhất đã bị nhấn chìm trong bể nước!

Thế nhưng, người dân vẫn biết, họ phải chấp hành việc di chuyển để phục vụ cho nước dâng phục vụ phát điện, nên nước dâng đến đâu, lúa rau màu có bị ngập trắng thì người dân cũng đành chấp nhận, vì họ tin tưởng vào Quyết định phê duyệt phương án đền bù số 2105/QĐ-CT, ngày 21/8/2012 của UBND huyện Chiêm Hóa do ông Ma Phúc Đào – Chủ tịch huyện ký, đã thể hiện rõ: “Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, khi nhà nước thu hồi đất giải phóng mặt bằng công trình: Thủy điện Chiêm Hóa tại thôn Nghe, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa.. với Tổng số tiền được phê duyệt theo QĐ này là 36.759.312.674 đồng, trong đó có 34.678.885.778 đồng sẽ được chuyển đến tận tay 98 hộ dân, chủ yếu là dân thôn Nghe, xã Hùng Mỹ và trong đó sẽ có bồi thường lúa màu đến kỳ thu hoạch.


Nhiều vườn mía sắp được thu hoạch tại thôn Nghe xã Hùng Mỹ cũng đã chìm dưới nước của thủy điện Chiêm Hóa

Câu chuyện lại khác suy nghĩ của bà con nông dân, bởi khi Quyết định phê duyệt phương án bồi thường này ban hành, cũng là lúc người dân thôn Nghe mới được tiếp cận với văn bản pháp quy, khẳng định mỗi nhà sẽ được nhận bao nhiêu tiền đền bù, đền bù thứ gì, đối với đất thì được chia áp theo các mức giá, vị trí đất khác nhau...

Các hộ dân bắt đầu xem xét lại từng chi tiết của việc thống kê đền bù, từ việc tính diện tích đến tài sản, vật kiến trúc, lúa màu trên đất, đồng thời vận dụng các quy định của nhà nước vào công tác đền bù với mục tiêu làm sao nhận đủ tiền trước khi chấp nhận di chuyển. Trong quá trình dò xét lại, họ mới bắt đầu tá hỏa khi phát hiện việc thống kê còn thiếu, cách tính đền bù chưa phù hợp… thế nhưng, bây giờ nước dâng kín rồi, đo làm sao được nữa, người dân phát hoảng đành gửi đơn thư khiếu nại với mong muốn được đền bù đúng theo quy định.


Mất ruộng đất, dân thôn Nghe xã Hùng Mỹ chuyển sang dùng vó đánh cá kiếm cơm

Trong nội dung kiến nghị, người dân chỉ phàn nàn về mức giá bồi thường, khu giá đất liền kề và vị trí tính cho từng loại đất khác nhau, hay cùng một diện tích đền bù cho cùng mục đích sử dụng là làm hồ đập, nhưng cho nhiều giá theo các vị trí, làm cho việc nhận tiền của dân bị thiệt thòi. Ví dụ nhà ông Ma Doãn Lực, sinh năm 1967 trú tại thôn Nghe xã Hùng Mỹ cho rằng: “số diện tích đường đi lại 362 mét, chưa được Ban Bồi thường tính đền bù và tất cả đất liền kề tính vào 2 đến 3 vị trí là chưa hợp lý”.

Còn ông Ma Doãn Giang, thôn Nghe xã Hùng Mỹ thì “tố” rằng: Ruộng đất của gia đình ông Giang có tất cả là 2.922 m2, tuy nhiên chỉ được bồi thường 1.651 m2, còn lại không bồi hoàn và không có giải thích rõ lý do, nên ông Giang rất bức xúc, cũng đã làm đơn tố cáo …! Còn chị Ma Thị Đặm, thôn Nghe xã Hùng Mỹ đã thắc mắc như sau: “Gia đình tôi chưa lấy tiền, tại sao lại đắp nước lên để cuộc sống của tôi phải vất vả. Nước ngập lúa không thu hoạch được mà không thấy cơ quan nào bồi thường”.


Nước dâng nhanh, một căn nhà tại thôn Nghe chỉ kịp tháo gỡ tấm lợp

Còn ông Ma Văn Anh, sinh năm 1957, thôn Nghe xã Hùng Mỹ phàn nàn: “ Thủy điện Chiêm Hóa đắp nước ngập nhà cửa của dân và hoa màu lúa, ngô ngập chìm trong biển nước, trong khi Thủy điện vẫn chưa có Quyết định thu hồi đất của dân, trong đó có cả nhà tôi chưa lấy tiền vì đo đếm chưa đủ, còn thiếu, vị trí thì phân ra từ mức 1 đến mức 5, gia đình tôi toàn được vị trí thấp. Tỉnh, huyện có lấy rừng phòng hộ xuống cân đối với ruộng, làm như thế có đúng hay không…?” và tất cả các hộ dân gửi đơn thư tới các cơ quan, trong đó có Báo chí Trung ương thì đều chỉ ra những thiếu sót trong việc kiểm kê đền bù và bất cập của việc dùng đất đồi đem cân đối với đất ruộng, để nhằm ổn định đời sống cho người dân là không có cơ sở pháp lý cũng như thực tiễn. Vì đất đồi dốc không thể trồng cây lương thực, nhất là lương thực có hạt như ngô và lúa.

“Tổng số tiền thực hiện xây dựng nhà máy Thủy điện Chiêm Hóa khoảng hơn 1.700 tỷ đồng, do Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Quốc tế làm chủ đầu tư. Khởi công ngày 12/10/2009, khánh thành và phát điện vào lưới điện quốc gia ngày 7/7/2012. Đây là nhà máy thủy điện cốt nước thấp đầu tiên tại Việt Nam, công suất 48 MW, sử dụng công nghệ tuabin bóng đèn chạy thẳng, nên chỉ cần mực nước chênh lệch trên 2,5 mét, là nhà máy có thể phát điện. Ưu điểm của công nghệ này là diện tích mặt nước dâng không lớn, đã hạn chế nước ngập làm mất nhiều diện tích đất sản xuất và kinh phí cho việc di dân.”

Tuy nhiên, người dân thì cho rằng, nhà cửa bị nước bao vây, cuộc sống gần sông nước sẽ không an toàn, họ muốn phía Ban Bồi thường GPMB và Chủ đầu tư xây dựng Thủy điện Chiêm Hóa đền bù toàn bộ những khu vực đất của dân đã bị nước bao quanh, giúp người dân có tiền di dời cuộc sống khỏi vùng lòng hồ ngập lụt, có như vậy mới bảo đảm đời sống về lâu dài.

Trong danh sách nhận đền bù, hỗ trợ hoa màu, tài sản chỉ có vài nhà được nhận hơn 1 tỷ đồng, còn lại chủ yếu chỉ vài trăm triệu đồng/hộ, nếu so với tài sản của người dân nghèo, nhận về con số trăm triệu đồng đúng như đang nằm trong mộng, vì cả đời sẽ hiếm có cơ hội được cầm tay cả trăm triệu đồng!. Thế nhưng, người dân thôn Nghe lại rất bình tĩnh phân tích giá trị thật sau khi hoán đổi, họ sẽ mua được nhà ở đâu, chỗ mới có bằng nơi ở cũ không? Chính từ việc so sánh đó, một số hộ nghèo thậm trí còn thiếu gạo ăn từng bữa, nhưng đến giờ vẫn nhất quyết chưa nhận tiền, vì họ biết rằng, nếu nhận tiền về ngay mà chưa mua được đất ở, đất sản xuất thì số tiền đó chẳng mấy ngày sẽ trở thành tiền mua gạo, khi tiêu hết biết bấu víu vào đâu?


Nước vây nhà dân thôn Nghe xã Hùng Mỹ như một ốc đảo

Chính vì lo lắng, tính toán hơn thiệt nên người dân thôn Nghe vẫn đang ngóng về một giải pháp đồng bộ của Ban Bồi thường GPMB huyện và Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Quốc tế (Chủ đầu tư xây dựng thủy điện Chiêm Hóa), sẽ có giải pháp giúp dân ổn định sản xuất, đời sống thông qua việc thu hồi đất ở, đất sản xuất phải có giải pháp xây dựng khu tái định cư và có đất sản xuất bền vững, cũng như đào tạo nghề, giúp nông dân mất đất sản xuất chuyển đổi nghề nghiệp. Chỉ có như thế, người dân thôn Nghe mới ổn định cuộc sống về lâu dài.


Video ông Hà Đức Chiến, thôn Đài Thị xã Yên Lập bức xúc khi bị Ban Bồi thường GPMB huyện Chiêm Hóa “tạm giữ” tiền đền bù, mà chưa giải thích rõ lý do?

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất