| Hotline: 0983.970.780

Xã hội hóa làm đường hay cơ hội làm ăn?

Thứ Năm 25/07/2013 , 14:14 (GMT+7)

Cho đến nay, việc thu tiền tại ngầm tránh cầu Suối Mang vẫn đang được thực hiện. Bót thu tiền được đặt giữa đường ngầm.

Ngay sau khi được phép tự đầu tư xây dựng đường tránh phục vụ phương tiện của doanh nghiệp lưu thông trong thời gian sửa chữa cầu suối Mang trên Quốc lộ 37 thuộc địa phận huyện Đại Từ, Cty CP Đầu tư công nghiệp Thành Long (thành phố Thái Nguyên) đã tổ chức lập barie, thu tiền của các phương tiện tải trọng lớn khác lưu thông qua đây.


Chắn barie để thu tiền các phương tiện qua ngầm.

Cầu Suối Mang nằm trên Quốc lộ 37 thuộc thị trấn Đại Từ (huyện Đại Từ) sau nhiều năm khai thác đã xuất hiện sự cố.

Theo Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Thái Nguyên, cầu bị vỡ bản cách dầm chữ T đe dọa đến sự an toàn của các phương tiện lưu thông qua cầu, đặc biệt là các xe có tải trọng lớn.

Sở Giao thông - Vận tải đã thực hiện ngay biện pháp làm giải phân cách giữa cầu để tránh các phương tiện đi vào giữa, đồng thời kiến nghị đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam có phương án sửa chữa cầu.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã khảo sát và đồng ý cho sửa chữa cầu, đồng thời mở rộng mặt cắt cầu từ 7m lên 9,4m.

Trong thời gian sửa chữa, các phương tiện có tải trọng trên 15 tấn không được phép đi qua cầu để đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, trong phương án sửa chữa không có hạng mục đường tránh để các xe trọng tải lớn lưu thông qua cầu. Để đi từ Tuyên Quang sang Thái Nguyên, các xe trọng tải lớn buộc phải san tải hoặc đi đường vòng xa hơn hàng trăm km.

Ngày 11/6/2013, Sở Giao thông - Vận tải Thái Nguyên đã có công văn gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị cho phép đầu tư hạng mục đường tránh. Thế nhưng, ngay từ ngày 31/5, Cty CP Đầu tư Công nghiệp Thành Long đã “nhanh tay” thảo công văn gửi Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên, UBND tỉnh và Sở Giao thông - Vận tải đề xuất được cùng một số doanh nghiệp vận tải hàng hóa trên địa bàn cùng góp vốn tự đầu tư thi công đường ngầm (đường tránh qua suối Mang).

Động thái trên được Cục đường bộ, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng như Sở Giao thông - Vận tải tỉnh đánh giá cao về chủ trương xã hội hóa xây dựng giao thông.

Ngày 10/6, Tỉnh ủy Thái Nguyên có công văn giao Sở Giao thông - Vận tải xem xét và báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy theo hướng đồng ý về chủ trương để Cty CP Công nghiệp Thành Long tự đầu tư kinh phí thi công đường ngầm.

Đến ngày 25/6, UBND tỉnh Thái Nguyên có văn bản đồng ý chủ trương cho Cty CP Đầu tư công nghiệp Thành Long tự bỏ kinh phí đầu tư đường tránh cho xe tải nặng của doanh nghiệp lưu thông tạm thời.

Trên thực tế, chưa cần văn bản đồng ý của UBND tỉnh, Cty Thành Long đã tự thi công đường ngầm qua suối Mang từ trước, đồng thời có những phản ánh từ các tài xế xe tải nặng về việc phải nộp tiền khi đi qua đoạn đường này.

Theo phản ánh của tài xế N.V.H, từ khoảng sau ngày 20/6 để đi đoạn đường ngầm qua suối Mang anh đã phải trả 400.000 đồng/lượt xe. Chúng tôi đã cùng anh H. chứng kiến nhân viên thu tiền trên đoạn đường dài khoảng 50m này.

Nhân viên ngồi tại nơi gọi là phòng điều hành nói anh H. phải nộp 400.000 đồng, khi tài xế kêu đắt, người thu tiền nói: “Xe nào chả thế, xe cát 350 nghìn, xe than 400 nghìn”. Anh H. đành ngậm ngùi trả tiền.

Tài xế này cho biết, do nhà có vài chiếc xe chở hàng, chở than nên chỉ trong vòng một tuần đã rất nhiều lần đi qua đường ngầm này, tổng số tiền phải nộp lên đến hàng chục triệu đồng.

Với mức thu như kể trên, có thể coi đây là đoạn đường có mức thu cao nhất cả nước hiện nay, cao gấp đôi mức thu cao nhất khi lưu thông trên tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Trong văn bản đồng ý chủ trương của UBND tỉnh Thái Nguyên có đoạn “các DN, cá nhân khác nếu có nhu cầu sử dụng đường tránh phải hợp đồng góp vốn với nhà đầu tư để chia sẻ chi phí đầu tư, quản lý, khai thác đường tránh”. Việc góp vốn phải dựa trên ba yếu tố là chi phí đầu tư, quản lý và khối lượng vận chuyển.

Nay trong công văn xin phép đầu tư đường tránh, Cty Thành Long cho biết những doanh nghiệp vận tải có tham gia góp vốn làm đường ngầm đều có hợp đồng cụ thể để làm căn cứ. Vậy nhưng khi đoạn đường được đưa vào khai thác và phía Thành Long đứng ra thu tiền từng xe đi qua thì những “hợp đồng góp vốn cụ thể” vẫn là một bí ẩn.


Cty Thành Long dựng hẳn nội quy khi đi qua ngầm.

Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi đã gặp người đàn ông tên Dũng - tự nhận có liên quan trong việc quản lý, khai thác đoạn đường ngầm qua cầu suối Mang kể trên. Ông Dũng đã đưa ra những văn bản của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên có dấu đỏ đồng ý về mặt chủ trương cho Cty Thành Long được đầu tư thi công đường tránh.

Khi được hỏi về số lượng doanh nghiệp đã có hợp đồng góp vốn, ông Dũng trả lời “có vài DN” và dẫn chứng việc một đơn vị vận tải ở Đại Từ mấy ngày trước phản ứng dữ dội nhưng sau đó đã được dàn hòa để đóng tiền đi qua đường tránh.

Ông Dũng cũng không công bố về chi phí xây dựng đoạn đường này là bao nhiêu mà chỉ nói là hàng tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Dũng thừa nhận việc những ngày trước đó có tổ chức thu tiền của các xe tải nặng đơn lẻ đi qua đường ngầm với mức thu 300 nghìn đồng/xe.

Ông Vũ Tiến Thành (Giám đốc Cty CP đầu tư công nghiệp Thành Long) khẳng định, việc thu tiền không phải là chủ trương của Cty Thành Long. Trên thực tế, Cty chỉ có tiền của duy nhất một doanh nghiệp góp vốn với số tiền khoảng trên 100 triệu, ngoài ra, không hề có đồng tiền nào từ doanh nghiệp khác. Ông Thành cho biết, giá trị xây dựng ngầm tránh theo dự ước ban đầu vào khoảng 700 triệu.

Vài ngày nữa, Cty Thành Long sẽ chuyển cho doanh nghiệp khác đang khai thác đường tránh đó hoặc bàn giao cho tỉnh. Phương án khác là cho doanh nghiệp đang xây dựng cầu thuê lại.

Tài xế của xe tải BKS 20C-00xxx sau khi nộp tiền cho biết, họ có ghi cho một tờ giấy là đơn tự nguyện góp tiền xây dựng đường ngầm, giá 300 ngàn. Đấy là chỗ xe qua lại liên tục, chứ xe lạ thì phải là 500 ngàn.

Cho đến nay, việc thu tiền tại ngầm tránh cầu Suối Mang vẫn đang được thực hiện. Bót thu tiền được đặt giữa đường ngầm.

Trong cuộc trao đổi với PV, ông Đỗ Vũ Bình (Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Thái Nguyên) đã nhiều lần khẳng định “không được thu phí qua đoạn đường tránh” và “không ai chỉ đạo thu tiền”.

Ông Bình cho hay: “Sở có kiến nghị với UBND tỉnh đồng ý chủ trương để doanh nghiệp tự đầu tư đường tránh nhưng chúng tôi không có hướng dẫn các DN phải thương thảo như thế nào, không có chỉ đạo thu tiền”.

Liên quan đến việc đội thanh tra giao thông thuộc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Thái Nguyên làm việc ngay bên cạnh cầu Suối Mang, ông Bình cho hay, đội thực hiện nhiệm vụ phân làn, phân luồng, kiểm soát tải trọng đối với phương tiện vận tải lưu thông qua cầu Suối Mang chứ không hề liên quan đến việc thu tiền tại ngầm của doanh nghiệp. Việc các chủ phương tiện nộp tiền khi qua ngầm là sự thỏa thuận giữa 2 bên.

Đặt vấn đề về việc các chủ phương tiện đã “lỡ” đi vào đường tránh mà không biết có việc thu tiền thì sẽ gây ra xung đột, ông Bình cho rằng, Sở Giao thông - Vận tải đã cắm biển báo ở đầu của đường Quốc lộ 37, đồng thời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc cầu yếu và bắt buộc hạn chế tải trọng. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, Sở sẽ tính đến việc đặt biển báo, chỉ cho phép những doanh nghiệp góp vốn cùng chủ đầu tư để xây dựng ngầm mới được đi vào.

Rõ ràng, việc đồng ý cho doanh nghiệp thực hiện đầu tư đường tránh với hình thức “góp vốn” đã tạo kẽ hở để thu tiền bổ đầu phương tiện lưu thông qua đây. UBND tỉnh đồng ý về chủ trương cùng ba yếu tố cần phải có khi góp vốn xây dựng đường tránh nhưng lại không chỉ ra cơ quan nào sẽ giám sát việc doanh nghiệp đầu tư, góp vốn, thu chi ra sao.

Nhiều tài xế lưu thông qua đây sẵn sàng chấp nhận việc mất tiền để đi qua đường tránh nhưng phải công khai chi phí xây dựng, số tiền thu được để hoàn vốn chứ không thể biến việc sửa chữa cầu trên đường Quốc lộ thành cơ hội làm ăn cho bất kỳ ai.

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.