| Hotline: 0983.970.780

BHXH tỉnh Yên Bái “móc túi” giáo viên?

Thứ Năm 26/12/2013 , 09:18 (GMT+7)

Hàng ngàn giáo viên ở tỉnh Yên Bái hai năm nay vô cùng bức xúc với việc Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái truy thu tiền lãi phụ cấp thâm niên ít ỏi của giáo viên với lý do nộp chậm.

Hàng ngàn giáo viên ở tỉnh Yên Bái hai năm nay vô cùng bức xúc với việc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Yên Bái truy thu tiền lãi phụ cấp thâm niên ít ỏi của giáo viên với lý do nộp chậm.

Việc chậm nộp không phải do giáo viên mà do việc ban hành các văn bản hướng dẫn của các Bộ có liên quan. Đây có phải là việc làm cố tình “móc túi” giáo viên của BHXH Yên Bái không?

Ngày 4/11/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 54/2011/NĐ-CP quy định “Nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm (60 tháng) thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên”, mức phụ cấp thâm niên được tính như sau: “Nhà giáo đủ 5 năm (60 tháng) giảng dạy, giáo dục được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%. Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng BHXH, BHYT, BHTN”.


Bảng thống kê tiền lãi thâm niên do Liên đoàn Lao động tỉnh Yên Bái cung cấp

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2011. Tuy nhiên, đến ngày 30/12/2011 liên Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội mới ban hành Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số  54/2011/NĐ-CP.

Tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư nói trên: “Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/2/2012.” Khoản 2 ghi rõ: “Chế độ phụ cấp thâm niên quy định tại Thông tư liên tịch này được tính hưởng kể từ ngày 1/5/2011”.

Việc ban hành Thông tư hướng dẫn chậm là trách nhiệm của các Bộ có liên quan. Theo Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT thì giáo viên được truy lĩnh phụ cấp thâm niên là đúng theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình xét duyệt hàng ngàn giáo viên được hưởng phụ cấp thâm niên phải qua nhiều cấp, nên phải có thời gian nhất định, giáo viên phải truy đóng BHXH đối với phần phụ cấp thâm niên là điều không phải bàn cãi. Việc chậm đóng BHXH phụ cấp thâm niên do các Bộ có liên quan ban hành Thông tư hướng dẫn chậm, người sử dụng lao động (các cơ sở giáo dục, phòng giáo dục...) triển khai việc xét duyệt người được hưởng thâm niên giảng dạy phải có thời gian nhất định, không thể xét duyệt à uôm được. BHXH tỉnh Yên Bái cũng đã thừa nhận lý do đóng chậm BHXH trong văn bản trả lời ý kiến cử tri tỉnh Yên Bái trong Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVII.


Trụ sở to lớn của BHXH tỉnh Yên Bái

Sự trái khoáy ở đây là BHXH tỉnh Yên Bái lại cố tình áp dụng khoản 2 Điều 134, khoản 3 Điều 138 Luật BHXH để buộc giáo viên phải trả tiền lãi đối với số tiền thâm niên đóng BHXH chậm đó.

Việc đóng BHXH chậm đối với số tiền thâm niên của giáo viên không phải do giáo viên gây ra, thì lý do gì lại bắt giáo viên phải trả tiền lãi đó? Việc đóng BHXH chậm - nếu thật sự cố tình - thì người sử dụng lao động phải trả lãi chứ không phải giáo viên. Nhưng thực tế không phải như vậy, như đã phân tích ở trên, đó là sự cố tình của BHXH tỉnh Yên Bái. Phải chăng đây là việc làm của BHXH tỉnh Yên Bái là cố tình “móc túi” giáo viên?

Ông Nguyễn Huy Cường, Phó Ban Pháp chế HĐND tỉnh Yên Bái, đặt câu hỏi: Ai là người vi phạm, trong khi BHXH đã truy thu và thu lãi tiền chậm đóng của các đơn vị trường. Nếu phải thoái trả số tiền lãi chậm đóng cho các đơn vị trường thì BHXH có trả lãi cho các đơn vị này không?

Tại công văn số 1177/BHXH-CSXH ngày 04/04/2012 của BHXH Việt Nam chỉ hướng dẫn BHXH các tỉnh là truy thu tiền đóng BHXH đối với việc thực hiện phụ cấp thâm niên nghề, chứ không hề nói tới việc tính lãi.

Ông Nguyễn Công Vạng, GĐ BHXH tỉnh Yên Bái, bất chấp thực tế, một mực cho rằng BHXH làm theo quy định của Luật BHXH. Ông Vạng cho biết ngày 3/01/2013 BHXH Yên Bái có văn bản gửi BHXH Việt Nam báo cáo và xin ý kiến về việc việc thu lãi do chậm đóng phụ cấp thâm niên nhà giáo, nhưng đến nay BHXH Việt Nam chưa có ý kiến trả lời chính thức về nội dung này. Như vậy, có thể thấy BHXH tỉnh Yên Bái không chỉ “cầm đèn chạy trước ô tô” mà còn “sáng tạo” ra chiêu “móc túi” giáo viên.


Ông Vạng trả lời chất vấn trước HĐND tỉnh Yên Bái ngày 18/12/2013 không nhận được sự đồng tình của cử tri

Theo số liệu thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh Yên Bái tổng số tiền lãi mà BHXH Yên Bái thu của giáo viên do đóng thâm niên chậm năm 2012 và 2013 là 4,266 tỷ (lấy tròn số), giáo viên đã trả là 1,289 tỷ, còn nợ là 2,155 tỷ.

Để trả được số tiền này nhiều trường phải trích từ kinh phí hoạt động khác của nhà trường nộp cho BHXH đã ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động của nhà trường. Nhiều giáo viên bức xúc, với số tiền thâm niên ít ỏi vừa được lĩnh đã phải cắn răng nộp lãi cho BHXH.

Sáng 24/12/2013, PV Báo NNVN tới BHXH tỉnh Yên Bái đăng ký làm việc với lãnh đạo, Thường trực ở đây cho biết các lãnh đạo đều đi họp vắng, PV xin số và gọi điện cho ông Nguyễn Công Vạng, do thấy số lạ nên ông Vạng không nghe máy và cũng không gọi lại.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất