| Hotline: 0983.970.780

Bài 10: Rà soát xong, đất rừng vẫn "treo"

Thứ Tư 04/06/2008 , 14:20 (GMT+7)

Nhằm phát huy tác dụng phòng hộ đa mục tiêu cũng như bảo vệ môi trường sinh thái, tăng tài nguyên và vốn rừng để góp phần nâng cao đời sống của người dân sống cạnh rừng, hơn một năm nay toàn quốc đã hoàn tất việc rà soát 3 loại rừng, người dân mong mỏi được giao rừng và đất rừng để sản xuất, nhưng đến nay nhiều địa phương diện tích rừng và đất rừng vẫn còn "treo" đấy...

Quy hoạch... trên trời

Ông Hà Đức Hưng - PGĐ sở NN-PTNT Yên Bái: Trước khi giao rừng khoanh nuôi cho người dân phải đánh giá lại tài sản trên đất, về khối lượng gỗ cũng như chất lượng gỗ. Việc này phải có tiền để tổ chức kiểm đếm, đo đạc. Không thể cứ giao cho dân là xong….

Viện Quy hoạch thiết kế nông lâm nghiệp tỉnh Yên Bái được giao nhiệm vụ phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại 3 loại rừng theo Chỉ thị 38/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến tháng 6/2006 có báo cáo kết quả rà soát của các huyện, thị. Tháng 3/2007 tỉnh Yên Bái hoàn tất việc rà soát lại 3 loại rừng.

Trước khi rà soát Yên Bái có 35.247 ha rừng đặc dụng; 295.863 ha rừng phòng hộ, trong đó chỉ có 192.728,8 ha có rừng, 103.134,3 ha chưa có rừng; 207.708 ha rừng SX, trong đó có 158.855 ha có rừng, còn lại không có rừng. Sau khi rà soát, rừng đặc dụng có diện tích 36.508 ha; rừng phòng hộ giảm xuống còn 189.514 ha, trong đó có rừng là 136.999 ha, chưa có rừng 52.515 ha; rừng SX được qui hoạch lên 253.707ha (tăng 45.999 ha)

Đây là tin vui đối với những người dân sống cạnh rừng, gần 50.000 ha rừng phòng hộ không có hiệu quả được chuyển sang rừng sản xuất. Quy hoạch được chính quyền địa phương và đơn vị thiết kế quy hoạch ký tên đóng dấu vào báo cáo kết quả rà soát và bản đồ. Đây là căn cứ pháp lý cho việc giao đất, giao rừng cho người dân và tổ chức xã hội trong quá trình bảo vệ và phát triển rừng trong nhiều năm tới. Thế nhưng, khi đối chiếu với thực tế thì nhiều diện tích rừng lại được qui hoạch ở…trên trời. Xin được nêu hai ví dụ.

Ví dụ thứ nhất tại Khu bảo tồn và sinh cảnh huyện Mù Cang Chải.  Ông Đinh Công Nguyên - Phó phòng Quản lý bảo vệ rừng - Chi cục Kiểm lâm Yên Bái cho biết: Theo kết quả rà soát thì vùng đệm của Khu bảo tồn có 8.000 ha là đất trống đồi núi trọc (không có rừng), thực tế số diện tích này đang là rừng tái sinh, cần giao cho dân bảo vệ. Do đó, Chi cục KL Yên Bái khi được giao nhiệm vụ lập hồ sơ giao khoán cho người dân, phải gộp số diện tích này vào, coi đây là diện tích ưu tiên bảo vệ. Đưa diện tích rừng khoanh nuôi bảo vệ lên 95.892ha.

Ví dụ thứ hai, Khu vực Khe Ron, xã Hồng Ca (Trấn Yên) tiểu khu 401, khoảnh 4,5,6,7,8 là đất nhà, ruộng, vườn, rừng trồng của dân thì lại được qui hoạch là rừng tự nhiên, với diện tích hơn 100 ha. Sự trái khoáy theo kiểu “qui hoạch trên trời”, đang thách đố đơn vị giao khoán cho các hộ nông dân.

Qui trình ngược

Ông Nguyễn Duy Lễ, giới thiệu diện tích “qui hoạch trên trời”

Từ cuối tháng 2/2008 đến giữa tháng 4/2008, hàng chục nông dân ở hai xã Y Can và Việt Cường kéo nhau lên phát, phá hàng chục ha rừng thuộc diện tích Chương trình 661 của huyện Trấn Yên và diện tích rừng do UBND tỉnh Yên Bái cho DN tư nhân sản xuất trồng rừng 327 thuê (DN 327). Đây là diện tích sau khi đã rà soát DN 327 lập dự án trồng, cải tạo rừng nghèo kiệt được các cơ quan chuyên môn cũng như các ngành có liên quan và chính quyền địa phương đề nghị, UBND tỉnh Yên Bái quyết định cho DN 327 thuê đất để trồng rừng trong thời gian 50 năm. Sợ mình không được chia đất nên một số hộ đã kéo nhau lên phát rừng chiếm đất, gây nên sự bức xúc trong một bộ phận dân chúng.

Theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như của Bộ NN-PTNT, sau khi hoàn tất việc rà soát lại 3 loại rừng thì chính quyền địa phương tổ chức xét nhu cầu để ưu tiên giao đất rừng và rừng cho những đối tượng thuộc diện: gia đình chính sách, dân tộc thiểu số, hộ nghèo thiếu đất SX, hộ công nhân lâm nông trường sau khi DN thực hiện đổi mới để có đất SX ổn định đời sống, sau đó mới cho các DN, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội thuê. Việc UBND tỉnh Yên Bái cho DN 327 thuê đất trồng và cải tạo rừng nhằm thu hút vốn đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng rừng là việc làm đúng qui định của pháp luật, nhưng đây là “qui trình ngược”, khiến người dân ồ ạt kéo nhau phát, phá rừng. Hiện DN 327 phải tạm dừng triển khai dự án theo yêu cầu của UBND tỉnh Yên Bái, mặc dù đang là mùa trồng rừng, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ làm thiệt hại cho DN và hàng chục hộ dân đã ký hợp đồng trồng rừng với DN 327.

Thiếu tiền, rừng treo 

Nông dân khai thác rừng trồngTỉnh Yên Bái giao cho Chi cục Kiểm lâm lập hồ sơ tổ chức giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên sản xuất, rừng khoanh nuôi tái sinh, rừng trồng theo dự án 661 do các lâm trường chuyển giao. Hạt Kiểm lâm huyện Trấn Yên đã tổ chức giao khoán bảo vệ rừng hoàn thiện cho 4/7 xã. Ông Nguyễn Duy Lễ - Cán bộ trực tiếp giao rừng và đất rừng cho dân, than thở: Việc giao cho dân phải có những hồ sơ kèm theo: Đơn xin nhận giao khoán của các hộ và nhóm hộ, biên bản họp thôn, danh sách các hộ tham gia bảo vệ, diện tích lô khoảnh, QĐ của UBND xã công nhận nhóm tổ BVR, QĐ của UBND huyện, hợp đồng khoán, bản đồ…do chưa có tiền nên hạt phải “cắm nợ” ở các quán photocopy. Đấy là chưa nói tiền xăng xe đi lại mà chúng tôi phải chi phí, thì làm sao đẩy nhanh được tiến độ? Thời gian nào thì giao khoán hết diện tích rừng cho dân, tôi không thể trả lời được…

Đấy là rừng giao khoán bảo vệ còn thiếu tiền, còn giao rừng SX là câu chuyện dài dài. Bởi mục đích rà soát lại 3 loại rừng không phải để đấy, bà con hãy kiên nhẫn chờ...

-----------------

Bài 9: Đất để không, chủ rừng thiếu đói

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất