| Hotline: 0983.970.780

Xếp hàng nộp đơn xin... giảm giá cá tra!

Thứ Tư 06/08/2008 , 10:15 (GMT+7)

Nhiều người nuôi cá tra ở Cần Thơ, An Giang đến doanh nghiệp chế biến xếp hàng làm “đơn xin giảm giá” để được sắp lịch bắt cá. Chuyện chưa từng thấy này xảy ra, cho thấy vấn đề tiêu thụ cá tra đang "nóng" hơn bao giờ hết.

Méo mặt... làm đơn giảm giá

Đợi chờ để xin giảm giá tại Cty CP Nam ViệtAnh L.L.H (Tân Lộc, Thốt Nốt, Cần Thơ) cầm trong tay hợp đồng bán hơn trăm tấn cá cho Cty CP Nam Việt (An Giang) có hiệu lực từ ngày 10/6. Trước đó, Cty đã đến ao mổ cá, lấy mẫu xét nghiệm và định giá 13.900đ/kg. Với giá này, cũng như mọi người khác, anh H. đã chịu lỗ trên 1.000đ/kg, nhưng "bán được là may rồi" nên anh H. gật đầu liền.

Bình thường thì sau khi có hợp đồng, trong vòng 1 tuần Cty xuống bắt cá, 2 tuần sau trả tiền. Về sau này thì có khi 20 ngày, 1 tháng mới trả tiền- anh H. cho biết. Nhưng lần này, hết tuần này đến tuần nọ vẫn không thấy ai xuống bắt cá. "Tui đã lên Cty... 8 lần, nhưng đều chỉ nhận được cái hẹn tuần sau. Khi ký hợp đồng cá 850gr/con, đến nay đã lên 1,2kg/con". Cho đến ngày 29/7 anh H. tiếp tục đến hỏi ngày bắt cá, thì: "Được chỉ qua gặp chị Xuân- phụ trách thu mua, chị Xuân liền bảo: muốn được mau bắt cá thì qua bên anh Minh (ngồi kế bên) để làm đơn... xin giảm giá cá".

Anh H. liền tới gặp anh Minh- được đưa cho một tờ đơn xin giảm giá cá đã viết sẵn, chỉ cần điền họ tên vào rồi ký tên. Tờ giấy này chỉ làm một bản và phía Cty giữ. Anh H. cho biết: Tui suy nghĩ kỹ lắm, 2 ngày sau tui mới chịu ký đơn giảm giá, bớt xuống 800đ/kg để được sắp lịch bắt cá. Bởi vì tui liên hệ 5-6 Cty khác cũng không ai chịu mua, chỗ thì bảo đang bận bắt cá của sếp, chỗ thì nói lịch bắt cá còn rất nhiều, muốn bán thì phải chờ...Thà giảm giá chớ biết làm gì hơn, doanh nghiệp không bắt, cá quá kích cỡ thì càng tai họa. Xót ruột lắm, chỉ một chữ ký đi 80 triệu đồng chớ ít đâu.

Con cá thành... con nợ

 Nhiều nông dân “xúm nhau bỏ đói cá” hoặc chỉ cho ăn cầm chừngTrong vai những người cần bán cá, chúng tôi theo chân anh H. đến Cty, và đã gặp rất nhiều người cùng cảnh ngộ. Một đôi vợ chồng ở Phú Tân (An Giang) cho biết có hơn trăm tấn cá, ký hợp đồng ngày 9/6/2008, nhưng đến nay (ngày 1/8) cũng chưa bắt cá, nên dù "đã xin giảm giá một lần rồi, nhưng chỉ có 500đ/kg, nên bữa nay xuống xin giảm thêm 300đ/kg nữa, còn 13.100đ/kg để mau được bắt cá". Sau khi vào làm đơn xin giảm giá xong, được cái hẹn "tuần sau bắt" vợ chồng chị ra về với nét mặt thật khó tả. Vừa mừng vui vì đã "được xếp lịch", vừa thiểu não vì đã lỗ nay chồng thêm lỗ.

Một người phụ nữ trạc ngoài 40, vẻ mặt rất giận dữ, cho biết từ Châu Đốc xuống đây đã 3 lần kể từ ngày có hợp đồng: "Hơn 80 cây số chớ ít sao. Mà lần nào cũng hẹn hoài". Chị cũng đã làm đơn xin giảm giá 800đ/kg, vì "cá gần 2kg/con hết rồi". Chị có hơn 5.000 tấn cá, lần này bán hơn 1.000 tấn, bởi thế giảm giá thêm 800đ/kg, nghĩa là mất thêm hơn 800 triệu đồng.

Một đôi vợ chồng khác, quần áo nhầu nhĩ, vừa vào làm đơn xin giảm giá ra cho biết, xin giảm hẳn 1.000đ/kg, còn 12.800đ/kg để được xếp lịch bắt liền trong tuần này. Một anh cũng quê Phú Tân, nước da sạm đen, gương mặt hốc hác, chẳng buồn bắt chuyện với ai. Khi chúng tôi lân la tới hỏi, anh cau có: "Tui đã làm đơn xin giảm giá 800đ/kg rồi, nhưng hẹn hoài mà không xuống. Nếu lần này không bắt nữa là tui bỏ hợp đồng, bán cá chợ. Kệ, bán ngày vài chục tấn nhưng được trả tiền mặt". Anh nuôi 5 hầm cá, đã lỗ 3 tỷ đồng. Khi chúng tôi ra về, vẫn có rất nhiều người đang tới để dò giá xem "có nên xin giảm giá thêm nữa không". Một bác nông dân gầy đen, than thở: Thiệt chưa khi nào thấy khó khăn như lúc này.

TIN LIÊN QUAN

Khi đi cùng một hộ bán cá vào hỏi xem có lịch bắt chưa, chúng tôi nhìn thấy nhiều xấp giấy học sinh, trên đó ghi “Đơn xin giảm giá”. Đơn xin gồm có họ tên người bán cá, tự nguyện giảm giá cá, số tiền và ký tên. Chúng tôi lén lật lên xem, hầu hết các đơn đều “xin giảm 1.000đ/kg”. Con cá tra đang thật sự trở thành con nợ, nên hầu hết nông dân đều tìm cách rũ ra nhanh nhất. Phải chăng vì thế, doanh nghiệp có thể "điểm ngay yếu huyệt" làm nông dân phải "tự nguyện làm đơn xin giảm giá" để được bán cá mau hơn.

Chưa  bao giờ khổ như lúc này

Anh H. nói: “Tui nuôi cá hơn 14 năm chưa bao giờ thấy khó như lúc này. Giá thức ăn tăng mỗi tuần, lãi suất ngân hàng tăng gần gấp đôi. Mà cá thì bán không được". Hiện anh đang có 3 ao cá, 1 ao đợi bán khoảng 100 tấn, trước tình hình này “2 ao còn lại tui bỏ đói 2 tháng nay rồi”. Xúm nhau bỏ đói cá, đó là giải pháp được nhiều nông dân áp dụng cho ao cá của mình. Có nhiều hộ đã bỏ đói 3-4 tháng nay. Thậm chí, tại cù lao Tân Lộc, nhiều "đại gia" ngày trước nay đành bỏ nhà, bỏ cá để... đi lang thang. Né chủ nợ thức ăn, thuốc men, vay nóng tới hạn,v.v...

Việc doanh nghiệp đề nghị người nuôi cá "xin giảm giá" so với hợp đồng đã ký mới sắp lịch bắt cá, đã khiến nhiều người cảm thấy “sốc” thật sự. Anh H. nói: Bây giờ không xin giảm cũng không được. Nợ ngân hàng đã tới hạn, cá đã quá lứa. Nếu tiếp tục bỏ đói thì cá bệnh, chết, càng lỗ nặng. Nhưng tụi tui thắc mắc nhất: Hợp đồng kinh tế ký rồi, vậy mà vẫn vô hiệu sao?

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.