| Hotline: 0983.970.780

"Kỳ án" tòa nhà 28 Mạc Đĩnh Chi khu liên cơ quan

Thứ Năm 14/08/2008 , 11:34 (GMT+7)

Hơn 1 năm nay, cả 3 đơn vị - TCty Vật tư Nông nghiệp (TCty VTNN), Cty CP VINACAM (Vinacam) và Cty Quản lý Kinh doanh nhà TP HCM (Cty kinh doanh nhà) đều tuyên bố là chủ sở hữu toà nhà trên. Tại sao họ lại tranh chấp nhau như vậy?

Lịch sử tòa nhà

Khu Liên cơ quan tại số 28 Mạc Đĩnh Chi, Q1, TP HCM có nhiều nhà thuộc nhiều cơ quan khác nhau, trong đó có phần nhà của TCty VTNN với diện tích 206m2 giao cho Chi nhánh của TCty này tại TP HCM sử dụng và đứng tên ký hợp đồng thuê nhà với Cty Kinh doanh nhà TP HCM. Đây là toà nhà cũ đã bị xuống cấp trầm trọng nên năm 2002, chi nhánh TCty đã lập dự án dỡ bỏ nhà cũ, xây nhà mới với diện tích sàn 1.515m2.

Dự án đang được chuẩn bị khởi công thì bất ngờ căn nhà cũ bị sụp đổ vào giữa mùa mưa năm 2003. Sự kiện này đã được Công ty kinh doanh nhà, Phòng Công sản- Ban vật giá, Sở Tài chính Vật giá, Chi nhánh TCty VTNN tại TP HCM lập biên bản xác nhận “Nhà hư sập hoàn toàn, các vật liệu như tôn prociment đã hư bể, gỗ đỡ mái đã mối mọt hư gãy, cửa hư mục...Tất cả đều không tận thu được”.

Sau hai tháng kể từ khi nhà bị sụp đổ, tháng 7/2003 công trình được khởi công và hoàn thành vào tháng 10/2004 với tổng mức đầu tư 3.991.774.130 đồng. Ngày 12/4/2005, HĐQT TCty VTNN quyết định đưa toà nhà trên cùng một số tài sản khác vào làm vốn góp thành lập Cty CP Vinacam và đã tiến hành bàn giao từng tài sản một cho Vinacam, trong đó có tòa nhà với cam kết “Kể từ ngày bàn giao, TCty VTNN từ bỏ mọi quyền và lợi ích có liên quan đến tài sản đã bàn giao”.

Tháng 3/2006, Cty CP Vinacam- đơn vị kế thừa các quyền lợi và nghĩa vụ của Chi nhánh TCty, đã ký hợp đồng trực tiếp thuê nhà (với diện tích cũ 206m2) với Cty Kinh doanh nhà TP HCM. Từ tháng 9/2005 đến 6/2006, TCty VTNN đã chuyển nhượng lại hết số CP đã góp cho Vinacam lấy tiền mặt, chi nhánh TCty giải thể. Toàn thể CBCNV của TCty làm việc tại chi nhánh được Cty CP Vinacam tiếp nhận.

Tháng 12/2006, Cty CP Vinacam đề nghị với Cty Quản lý Kinh doanh nhà TP HCM được chuyển từ HĐ thuê nhà sang thuê đất với lập luận căn nhà cũ đã bị đổ sập, nhà mới được xây dựng từ vốn của TCty VTNN mà TCty VTNN đã bán cho Vinacam là tài sản của Vinacam. Đề nghị trên của Vinacam không được Cty kinh doanh nhà chấp nhận và hành trình tranh chấp, khiếu kiện giữa 3 đơn vị xung quanh chủ sở hữu và quyền được thuê nhà bắt đầu.

TCty VTNN: “Trách nhiệm thuộc về người đang bị tạm giam...”

TIN LIÊN QUAN

Ngày 8/4/2008, TCty VTNN gửi công văn cho Vinacam đòi lại 2 tầng lầu của tòa nhà mới, yêu cầu khôi phục quyền được thuê nhà trực tiếp với Cty Kinh doanh nhà và cho rằng đấy là sai lầm đáng tiếc trong việc CPH thuộc về một số lãnh đạo TCty hiện đã bị khởi tố và tạm giam. Không hiểu sao TCty VTNN cũng không đòi lại toàn bộ căn nhà mà chỉ đòi lại 2 tầng và hứa sẽ thối lại tiền xây dựng 2 tầng đó cho Vinacam theo giá trị quyết toán.

Về quyền được thuê nhà: TCty VTNN cho rằng việc Chi nhánh cũ của TCty trước đây (đã bị giải thể khi đã bán hết CP trong Vinacam) đề nghị Cty kinh doanh nhà chuyển hợp đồng thuê nhà từ chi nhánh sang Vinacam là vượt thẩm quyền (Văn bản này do GĐ Chi nhánh TCty VTNN ký vào ngày 20/12/2005 khi chưa giải thể nhưng sau khi có quyết định góp vốn số 82 kèm biên bản bàn giao tài sản của TCty VTNN).

Trên thực tế TCty VTNN đã từng trực tiếp ký hợp đồng thuê nhà với sự chấp thuận của Giám đốc Vinacam theo như hợp đồng cũ mà Cty kinh doanh nhà đã ký với Chi nhánh TCty trước đây nhưng văn bản chấp thuận trên của giám đốc Vinacam đã bị HĐQT Vinacam bác vì cho rằng vượt thẩm quyền và trái với điều lệ.

Cty kinh doanh nhà: Cho nhiều đơn vị thuê trên một nền đất

Trên cùng một nền đất và một căn nhà không còn dấu vết nhưng Cty kinh doanh nhà vẫn ký cho nhiều đơn vị thuê, cụ thể  ngày 20/3/2006 cho Vinacam thuê lại chính ngôi nhà của họ 207m2 nhà biệt thự hạng 3, và cũng diện tích đó đến 2007 lại cho TCty VTNN thuê. Lý giải vấn đề này, Cty kinh doanh nhà cho là hợp pháp bởi lẽ trong các văn bản xin phép xây dựng phía chi nhánh TCty lúc ấy đều giao ước là sẽ đảm bảo tiền thuê nhà theo hiện trạng cũ.

Và chính căn cứ vào giao ước ấy thì Cty kinh doanh nhà mới thuận cho việc Chi nhánh TCty tự xây dựng lại và đấy vẫn là tài sản của nhà nước, nghĩa là tài sản do Cty kinh doanh nhà quản lý. Còn việc cho TCty VTNN thuê tiếp chính là do có văn bản của Vinacam đề nghị. Trên thực tế hợp đồng thuê nhà của TCty VTNN đã bị hủy bỏ vì TCty không chịu ký quỹ, không chịu thanh toán và giải thích “trên thực tế tại địa chỉ trên không có loại nhà biệt thự hạng 3 nào như đã nêu tại điều 1 của hợp đồng” (sau này TCty cho người đến xin thanh toán và khôi phục hợp đồng nhưng Cty kinh doanh nhà từ chối).

Trên thực tế, tòa nhà còn được Cty kinh doanh nhà cho nhiều đơn vị khác thuê nữa. Giải thích việc này phía Vinacam cho biết, để khỏi lãng phí diện tích trống, trong lúc Vinacam không hiểu cách thức cho thuê, Vinacam đã được Cty kinh doanh nhà hướng dẫn Vinacam giới thiệu khách có nhu cầu thuê để Cty kinh doanh nhà ký hợp đồng trên cơ sở giá nhà nước, Vinacam ký thêm thoả thuận riêng với khách phần chênh lệch theo giá thị trường...

Vinacam: “Phải được thanh tra và xét xử”

Trong tất cả các văn bản, Vinacam đều khẳng định tòa nhà là tài sản của Vinacam, với đầy đủ các thủ tục pháp lý, bởi vậy việc TCty đòi lại 2 tầng nhà là không có cơ sở. Tòa nhà trên cũng không thể là của Cty kinh doanh nhà bởi căn nhà của Cty kinh doanh nhà đã bị sụp đổ với sự chứng kiến của bao nhiêu ban ngành, trong đó có cả đại diện của Cty kinh doanh nhà. Phần còn lại của nhà nước hiện nay chỉ còn lại 206m2 đất. Trong tất cả các văn bản, nghị quyết của Đảng, Nhà nước đều ghi các thành phần kinh tế bình đẳng với nhau nên Cty CP Vinacam cũng có quyền được mua hoặc thuê lại diện tích đất ấy như bao công ty khác. Trên thực tế, TP HCM cũng đã giải quyết cho một số trường hợp tương tự như Vinacam được mua lại. Quan điểm của Thanh tra Bộ Xây dựng cũng cho rằng sẽ không có khiếu kiện nếu TP HCM bán đất cho doanh nghiệp ngay sau khi nhà bị sập.

Về yêu cầu của TCty VTNN về khôi phục quyền thuê nhà, Vinacam cho rằng chưa thấy văn bản nào quy định quyền thuê nhà là tài sản nên quyền thuê nhà không được bàn giao từ TCty VTNN sang Vinacam. Tuy nhiên trong đề án thành lập Vinacam đã được HĐQT TCty VTNN duyệt có ghi rất rõ “Trụ sở Vinacam tại số 28 Mạc Đĩnh Chi (chuyển đổi hợp đồng thuê nhà của Chi nhánh với Cty quản lý kinh doanh nhà)”. Tự tin vào chứng cứ và lập luận của mình, Vinacam hiện đang đề nghị các cơ quan chức năng hoặc cho thanh tra, hoặc sẽ khởi kiện ra tòa án.

Mấy dòng tóm lược trên được rút ra từ 209 trang tài liệu của mấy chục văn bản qua lại giữa các đơn vị. Thiết nghĩ công tác cải cách hành chính đang gặp phải những trở ngại lớn, nhất là từ những văn bản pháp quy. Hầu hết những văn bản pháp quy hiện nay đều được các cơ quan hành pháp chắp bút soạn thảo, không thể tránh chuyện “vừa đá bóng vừa thổi còi” nên khi có việc mà cần phải huy động nhiều văn bản của các ngành khác nhau , thời điểm ban hành khác nhau thì sẽ bị vênh và tài vận dụng sẽ được phát huy.

Trở lại chuyện tranh chấp trên, nếu TP HCM bán hoặc cho Vinacam thuê thì quản lý nhà nước sẽ được cả lý lẫn tình (toàn bộ CBCNV của TCty VTNN nguyên làm việc tại chi nhánh trước đây đang tiếp tục làm việc tại Vinacam), ngân sách nhà nước không mất gì, thậm chí được lớn nhưng TCty VTNN và Cty kinh doanh nhà sẽ mất lớn, mất nguồn thu có khi lên đến hàng tỷ đồng, vậy 2 công ty trên sẽ ngăn cản quyết liệt. Quyền được thuê nhà không được pháp luật qui định là tài sản, nhưng nó thực sự là tiền, thậm chí rất nhiều tiền. Đấy là chổ hổng pháp lý không nhỏ.

QUANG NGỌC

---------------------------

Ý kiến bạn đọc

Hoan nghênh Báo NNVN đã đưa ra công luận bài viết về toà nhà 28 Mạc Đĩnh Chi. Qua bài báo “Kỳ án” toà nhà 28 Mạc Đĩnh Chi khu liên cơ quan, phóng viên đã phản ánh tương đối đầy đủ về những vấn đề mà cổ đông Cty CP Vinacam đang rất quan tâm và có nhiều bức xúc.

Tôi là một cổ đông của Cty CP Vinacam. Vừa qua tôi có tham gia Đại hội Cổ đông thường niên của Vinacam tổ chức ngày 19/05/2008. Tại đại hội này chúng tôi được ban lãnh đạo Cty thông báo công văn số 85 về việc TCty VTNN đòi hỏi tiếp nhận lại 02 tầng lầu của toà nhà 28 Mạc Đĩnh Chi thuộc Vinacam. Đòi hỏi vô lý này đã gây lên sự bất bình đối với tất cả cổ đông có mặt hôm đó. Nhiều đại biểu cổ đông rất bức xúc, phát biểu ý kiến đề nghị HĐQT làm sáng tỏ vụ việc trên, nếu cần đưa ra Toà để giải quyết theo pháp luật.

Là một trong những cổ đông tham gia đầu tiên vào quá trình hình thành Cty CP Vinacam, tôi hiểu rất rõ về vụ việc này. Trước hết xin nói rõ: Cty CP Vinacam được thành lập mới hoàn toàn theo Luật Doanh nghiệp chứ không phải được cổ phần hoá từ DNNN là Chi nhánh TCty VTNN tại TP.HCM. Cùng với một số cá nhân, đơn vị khác, TCty VTNN là một trong những cổ đông tham gia góp vốn . Phần vốn góp của TCty là trụ sở văn phòng tại 28 Mạc Đĩnh Chi và một số tài sản khác nữa. Tất cả các tài sản này đều được cơ quan chức năng kiểm toán, đánh giá thành tiền tại thời điểm đó và được phía TCty VTNN ký xác nhận, đã lập biên bản bàn giao chi tiết theo đúng luật với cam kết: Kể từ ngày ký Biên bản bàn giao TCty VTNN "từ bỏ mọi quyền và lợi ích có liên quan đến tài sản đã bàn giao”.

Sau đó, trong quá trình kinh doanh, do bị áp lực về tài chính từ phía Ngân hàng nên TCty VTNN đã đề nghị bán cho Vinacam phần vốn góp của mình. HĐQT Vinacam và các cổ đông đã phải cố gắng thu xếp tiền bạc để mua lại toàn bộ số cổ phần của TCty mặc dù Cty CP đang trong giai đoạn phát triển ban đầu còn rất nhiều khó khăn … Vậy mà đến nay TCty VTNN lại “ngang nhiên” đòi lại một phần tài sản không phải của mình. Chúng tôi rất tán đồng với ý kiến của phóng viên: “Không hiểu sao TCty không đòi lại toàn bộ căn nhà mà chỉ đòi 02 tầng …”.

Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, các cổ đông đã có kiến nghị gửi đến Quốc Hội, Văn phòng Chính phủ , Bộ Nông nghiệp & PTNT... Chúng tôi mong muốn Báo NNVN và các cơ quan công luận làm sáng tỏ vụ việc trên, mang lại sự công bằng và quyền lợi chính đáng cho cổ đông Cty CP Vinacam. Xin chân thành cám ơn.

Cổ đông VINACAM

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất