| Hotline: 0983.970.780

Tạm biệt Bắc Cần Thơ

Thứ Năm 22/04/2010 , 17:00 (GMT+7)

Ngày 24/4/2010, cầu Cần Thơ chính thức được thông xe, đưa vào sử dụng, phà Cần Thơ sẽ hết vai trò đưa khách sang sông.

Những chuyến phà đêm
Ngày 24/4/2010, cầu Cần Thơ chính thức được thông xe, đưa vào sử dụng, phà Cần Thơ sẽ hết vai trò đưa khách sang sông.

Phà Cần Thơ có lịch sử trên 90 năm. Theo ông Nguyễn Văn Mắn (Tư Mắn) sinh năm 1920, người thủy thủ của Sở Đò, Bến Bắc Cần Thơ, những năm 1940 cho biết: “Qua không biết rõ bắc được lập từ năm nào. Lúc qua sanh ra hoặc trước đó vài năm thì đã có. Nhưng từ khi qua được làm sở đò với cương vị thủy thủ, bắc chỉ có một đầu và chở được 2 xe, còn gọi là “đò hai”, rồi dần phát triển thành “đò năm, đò mười”.

Về đêm, đò không hoạt động, nhưng cũng có trực. Có hai chiếc, mỗi chiếc đậu một bến: Cần Thơ, Cái Vồn. Hai bến cách nhau gần 2 cây số. Không có chuyện gì thì sáng 4 giờ mới chạy. Sau giải phóng, qua làm thêm 5 năm nữa thì mới nghỉ. Bây giờ sắp có cầu thay bắc, qua cũng thấy vui. Trời cho qua được phước sống tới ngày nay để đi cầu Cần Thơ, chớ bạn bè làm sở đò ngày ấy với qua thì đã mất hết rồi”.

Hiện tại, phà Cần Thơ có cả thảy 14 chiếc phà, 7 chiếc 200 tấn và 7 chiếc 100 tấn, làm nhiệm vụ đưa khách đi lại các tỉnh, thành còn lại của miền Tây. Trao đổi với anh Trần Văn Tây, đội phó đội vượt sông, được anh cho biết, phà trực vận chuyển khách qua sông 24/24. Bình quân mỗi ngày đêm, phà chuyên chở 60 – 70.000 lượt người và xe hai bánh, khoảng 9.000 xe ôtô các loại. Phà lớn chở được 10 xe tải lớn, xe con thì cũng được 20 chiếc. Mỗi phà có 4 kíp nhân viên phục vụ 3 ca, mỗi ca 8 tiếng, làm một ca nghỉ được 24 giờ. Ngoài bộ máy lãnh đạo phòng, ban, phà vận hành phải có 3 đội ngũ nhân sự: đội vượt sông, và 2 đội điều hành ở hai bến, mỗi bến khoảng 60, 70 người. Riêng đội vượt sông khoảng một trăm mấy chục người. Bình quân một ca phà có 3-4 người, gồm: thuyền trưởng, thợ máy và 1-2 thủy thủ, được bố trí tùy theo trọng tải phà.

Ở một nơi mà xe và hành khách tập hợp về với số lượng lớn thì vấn đề an toàn phải là yêu cầu hàng đầu. Anh tự hào: “Sở dĩ không có những đáng tiếc lớn xảy ra là nhờ toàn thể ý thức cao sự an toàn cho vận hành. Còn việc ùn tắc là do lưu lượng xe về không đều, khiến phà không giải phóng kịp, nên nhiều lúc làm cho người đi phà bực bội, cáu gắt, ít ai thông cảm cho anh em vận hành. Cái nghề đưa khách qua sông mà anh”. Vào những tháng nước đổ, mưa giông và những ngày có sương mù, tình trạng an toàn không được đảm bảo, nhưng anh em cố gắng khắc phục để đảm bảo phà vẫn hoạt động thông suốt. Trừ trường hợp đặc biệt lắm thì mới dừng phà.

Theo chuyến phà L200, rời bến Cần Thơ lúc 22h, thuyền trưởng Bành Thế Danh, 42 tuổi, 15 năm nghề cho biết: “Lái tàu khó nhất là mùa mưa bão, mùa nước chảy xiết, việc điều khiển dễ bị va chạm. Trong năm, có 6 tháng căng, 6 tháng tương đối ổn. Lái ban đêm thì cực hơn ban ngày, vì tầm quan sát kém. Ban ngày cũng mệt vì ghe tàu, xà lan ngang dọc trên sông Cần Thơ liên tục, lại có nhiều ghe tàu rất ẩu, khiến cho việc lái tàu cũng căng thẳng. Bình quân một chuyến phà mất 16 phút, nhưng có khi cũng lâu hơn do con nước”. Khi xe lên phà, thuyền trưởng phải ghi nhật kí số xe của những xe ôtô đi phà. Công việc không nhiều, nhưng liên tục. Khi cho phà rời bến, lập tức anh lấy quyển nhật kí và chiếc radio, lại phòng lái ở đầu bên kia phà và tiếp tục điều khiển.

Anh tâm sự, công việc lái phà có niềm vui là được phục vụ người và phương tiện sang sông, lại cũng nhẹ nhàng. Nhưng do tinh gọn biên chế, nên thuyền trưởng đôi lúc cũng gặp những khó khăn đột xuất, như khi nhức đầu, đau bụng vẫn phải điều khiển phà rời bến, rồi nhờ thủy thủ tạm coi. Hoặc những lúc nước chảy xiết, buộc lòng thuyền trưởng phải chạy 1 đầu cho an toàn, tránh va chạm khi ra bến. Về đến bờ bên kia, quay đầu cũng không muộn.

Với thuyền trưởng Danh, nguyện vọng của anh là được đi theo phà, dù phải đi đâu, chớ anh không thể bỏ nghiệp sông nước mà anh đã chọn. Có thể anh sẽ được phân công theo phà về Vàm Cống hoặc một bến phà nào đó của vùng sông nước miền Tây. Còn thợ máy Lê Văn Có cho biết: “Tôi có gần 40 năm công tác, năm 1973, vào bộ đội theo nghề thợ máy hải quân. Đến năm 1982, chuyển ngành về đây. Vì là nghề nặng, độc hại, nên tôi được hưởng diện chính sách 55 tuổi. Nay tôi đã 56, nên đợt này, tôi xin về nghỉ. Có 18 người ở vào trường hợp như tôi.”. Riêng hai thủy thủ thì chưa đến tuổi nghỉ, nhưng hai anh cho biết, sẵn sàng theo sự phân công đơn vị.

Hiện nay chưa có quyết định dừng phà. Anh em vẫn yên tâm hoạt động bình thường. Hơn nữa, lãnh đạo phà cũng đã có hướng sắp xếp cho trên 300 nhân sự, không ai phải mất việc. Có thể nói, toàn thể anh em cũng đã an tâm để chờ nhận công tác khác, hoặc ở nơi khác. Xin có lời tri ân chung những người đưa đò cho khách sang sông.

Nỗi buồn có thể có là những người làm nghề mua bán, dịch vụ cơm nước, quà cáp cho hành khách đi phà. Có thể có những bực bội từ phía hành khách về những hành xử quá lố của người bán hàng; nhưng công bình mà nói, nếu không có họ, việc đợi phà sẽ trở nên buồn chán và lấy ai để giải quyết những nhu cầu bức thiết của khách. Xin có lời cảm ơn và cầu chúc họ tìm được những công việc làm ăn thích hợp. Mai này, có người sẽ rời Cần Thơ đến những nơi khác để theo nghiệp phà mà mình đã chọn. Có người vì điều kiện tuổi tác, sức khỏe, gia đình, sẽ ở lại để làm một công việc khác. Dù ai đi đâu, làm gì; những năm tháng qua là một kỉ niệm đáng nhớ, đáng trân trọng ở họ.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.