| Hotline: 0983.970.780

Sống cũng dở, chết không xong

Thứ Hai 18/10/2010 , 10:13 (GMT+7)

Tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, thực trạng các NLT và những Cty Lâm nghiệp (sau chuyển đổi) cũng không kém phần bi đát so với Yên Bái.

Keo rất được giá nhưng các Cty lâm nghiệp tại Quảng Ngãi đang bế tắc vì khát vốn

Trong các số báo trước, NNVN đã đề cập đến những khó khăn của các lâm trường  phía Bắc mà cụ thể là 7 lâm trường trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, thực trạng các NLT và những Cty Lâm nghiệp (sau chuyển đổi) cũng không kém phần bi đát.

>> Toa thuốc nào cho những NLT bên bờ vực phá sản?
>> Đói vốn

Tiền đâu mà lấy sổ đỏ

Hiện  toàn tỉnh Quảng Ngãi có 4 Cty Lâm nghiệp gồm Cty Lâm nghiệp Sông Re, Cty Lâm nghiệp Trà Tân, Cty Lâm nghiệp Ba Tơ và Cty Nông lâm nghiệp 24/3, trong đó Cty Lâm nghiệp Ba Tơ trực thuộc TCty Lâm nghiệp Việt Nam còn lại là trực thuộc tỉnh. Nhắc đến hoạt động của  các NLT, ông Bùi Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Quảng Ngãi lắc đầu ngao ngán: Từ năm 2003, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đóng cửa rừng, không cho các đơn vị khai thác gỗ tự nhiên nữa. Trong khi đó, hoạt động sản xuất, thu lợi từ hoạt động trồng rừng thì không có gì đáng kể. Vì vậy, các NLT sống rất èo uột. 

Những tưởng điều ông Sơn nói là nghịch lí, bởi Quảng Ngãi có điều kiện đất đai rất tốt, phù hợp với cây keo, năng suất bình quân đạt khoảng 120 – 130m3/ha, thậm chí huyện Ba Tơ là một trong những vùng mà năng suất gỗ keo cao nhất nước lên tới 150 – 170m3/ha, trong khi đó gỗ keo hiện nay rất được giá. Vì vậy, mỗi NLT chỉ cần 3.000 – 5.000ha rừng trồng hẳn là sống khoẻ. Vậy tại sao các NLT vẫn bi đát?

Đem điều này trao đổi với ông Đỗ Kim Bảy, Phó Giám đốc Cty Lâm Nghiệp Sông Re, huyện Ba Tơ, ông Bảy trần tình: Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa có quyết định chuyển đổi thành Cty TNHH MTV nên vẫn hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước. Cty hiện quản lý 7.347ha rừng và đất rừng, trong đó rừng tự nhiên 4.226ha, còn lại là đất rừng. Toàn bộ diện tích rừng tự nhiên, chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ mà không được “đả động” gì tới, nếu để mất thì chúng tôi phải chịu trách nhiệm. Không có “bầu sữa mẹ” để tồn tại, chúng tôi đã làm phương án trồng rừng keo trên diện tích rừng sản xuất đã được tỉnh giao. Tuy nhiên, để trồng rừng thì phải có vốn, mà đơn vị chúng tôi tiền không có, chỉ việc lo chạy trả lương cho cán bộ nhân viên Cty đã bở hơi tai rồi thì lấy đâu ra tiền tỷ trồng rừng.

Được biết, trước đây, để kiếm vốn trồng rừng, Cty Lâm nghiệp Sông Re đã xây dựng phương án SXKD và được Ngân hàng ĐT- PT duyệt cho vay với số vốn lên tới 64 tỷ đồng và năm 2007, Cty đã được giải ngân 5,4 tỷ đồng. Có được đồng vốn ban đầu, CBCNV nô nức  phấn khởi đi trồng rừng, kết quả được 750 rừng keo. Tuy nhiên niềm vui chẳng tày gang, bởi phía ngân hàng yêu cầu, muốn vay tiếp, Cty phải có sổ đỏ.

 Để có cái “bùa hộ mệnh” ấy, Cty Lâm nghiệp Sông Re chạy vạy khắp nơi, gõ cửa các cơ quan chức năng xin cấp số đỏ cho toàn bộ diện tích rừng đã được UBND tỉnh giao trước đó. Tuy nhiên, ông Bảy chua chát: Hiện nay tỉnh đã có quyết định cấp sổ đỏ cho đơn vị chúng tôi và cái bìa đỏ ấy cũng đã nằm trên bàn của Sở TN- MT. Thế nhưng để lấy được sổ thì phải nộp tiền thuế sử dụng đất từ năm 2006 – 2010, số tiền lên tới trên 2 tỷ đồng. "Nếu không có ngần ấy nộp vào thì hãy quên chuyện lấy sổ đỏ. Thử hỏi, một đơn vị như chúng tôi, lo ăn từng bữa còn chưa xong thì đào đâu ra số tiền khổng lồ ấy" - ông Bảy chán nản nói.

Làm thuê kiếm sống

Đã rất lâu rồi chúng tôi mới có dịp quay trở lại Cty Lâm nghiệp Trà Tân, vậy nhưng Cty vẫn chẳng có gì đổi khác. Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Cty thở dài: “Hai năm nay, anh em cán bộ Cty chẳng có việc làm, đất rừng thì đầy ra đấy mà đành chịu. Nhìn thiên hạ trồng keo năng suất, giá bán cao mà sốt ruột quá anh ạ”.

Ông Đỗ Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Quảng Ngãi: "Các NLT hoạt động đặc thù, mặc dù là trồng rừng sản xuất, nhưng rõ ràng cũng tạo ra môi trường sinh thái tốt mà cả xã hội cùng được hưởng lợi. Hiện các NLT còn quá khó khăn, do vậy các ngành chức năng cần có chính sách miễn thuế 3 – 5 năm hay cả một chu kỳ trồng rừng ban đầu để các DN lấy được sổ đỏ vay vốn trồng rừng. Nếu không giải quyết được nút thắt này, các NLT rất khó phát triển".
Tìm hiểu chúng tôi được biết, Cty Lâm nghiệp Trà Tân hiện có 6.500ha rừng và đất rừng, trong đó rừng tự nhiên phải bảo vệ là 2.000ha. Còn lại khoảng 4.500ha đất rừng sản xuất tại hai huyện miền núi Tây Trà và Trà Bồng. Nếu Cty Lâm nghiệp Sông Re còn xoay được ít vốn do tiến xây dựng phương trồng rừng sản xuất từ năm 2006, thì Cty Lâm nghiệp Trà Tân do chậm chân, nên đến nay vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng ĐT- PT. Lí do cũng rất giản đơn, vì chưa có sổ đỏ!

Không có vốn để trồng rừng, mà không trồng được rừng thì cũng đồng nghĩa là chết. Chính vì vậy, Cty Lâm nghiệp Trà Tân đã kêu gọi, liên doanh liên kết được với một số doanh nghiệp tư nhân tiến hành trồng trong 3 năm (2006 – 2008) được 800ha rừng keo. Ông Dũng bảo: Vốn của DNTN cũng có hạn nên chỉ trồng được từng ấy là phải ngưng. Hai năm qua anh em chúng tôi chỉ lo chăm sóc bảo vệ ngần ấy diện tích. Để có cái “bùa hộ mệnh” cho việc vay vốn, trong năm 2009 Cty Lâm nghiệp Trà Tân đã làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho toàn bộ diện tích rừng và đất rừng mà Cty đang quản lý, bảo vệ.

Tuy nhiên nhìn tình cảnh của Cty Lâm nghiệp Sông Re, ông Dũng lắc đầu: Nếu phải nộp với số tiền lớn như vậy, chúng tôi cũng đành chào thua cái sổ đỏ ấy. "Không có việc làm, vốn Cty cũng không có, vậy cán bộ “nhịn ăn” à?” - tôi hỏi. “Hiện Cty có 20 cán bộ, mỗi tháng lo trả lương hết 50 triệu đồng, chưa kể đóng bảo hiểm, chi phí đi công tác. Để có tiền trả lương cho anh em, chúng tôi đã tận dụng máy móc sẵn có đi khai thác rừng thuê cho mấy Cty ngoài tỉnh Nghệ An, đồng thời cho DN khác thuê lại nhà xưởng kiếm chút ít" -ông Dũng thật thà kể khổ.

Bên cạnh vất vả kiếm mối xin làm thuê kiếm sống, điều ông Dũng hiện đang lo ngại nhất là, nếu không có vốn để nhanh chóng trồng rừng thì diện tích đất rừng đã được giao  sẽ bị người dân địa phương lấn chiếm. "Đến lúc ấy lo đi giải quyết với người dân cũng đủ chết"- ông Dũng chán nản.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm