| Hotline: 0983.970.780

Viết tiếp bài "Thất bại thảm hại của một đại dự án”: Gian nan giải quyết hậu quả

Thứ Ba 05/07/2011 , 12:26 (GMT+7)

NNVN số ra ngày 28/6/2011 đăng bài: “Thất bại thảm hại của một đại dự án”. Điều đáng nói, dự án phá sản đã để lại rất nhiều hậu quả, và chưa biết bao giờ mới có thể giải quyết xong những hệ lụy này.

>> Thất bại thảm hại của một đại dự án

 Một trong những đơn vị đang phải hứng chịu hậu quả từ sự đổ bể của dự án nuôi tôm trên cát của Cty Công nghệ Việt Mỹ (gọi tắt là Cty Việt Mỹ) là Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Hà Tĩnh. Ông Võ Văn Chân - Giám đốc Ngân hàng này cho hay: Sau lễ khởi công hoành tráng với hàng nghìn người đến dự được ít hôm, phía nhà đầu tư dự án đã tiếp xúc và đặt vấn đề vay tiền của Ngân hàng NN-PTNT Hà Tĩnh. "Chúng tôi chỉ cho vay 18,5 tỷ đồng, bằng hình thức thế chấp GCNQSD đất 600 ha. Vậy nhưng đến thời điểm này vẫn còn 8,5 tỷ đồng nợ gốc chưa thu được. Dù đã rất cẩn trọng, nhưng chúng tôi vẫn bị “mắc”. Tôi tự nhận trách nhiệm của mình là buông lỏng quản lý" - ông Chân thành thực nói.

Qua trao đổi với ông Chân, chúng tôi thực sự bất ngờ vì có sự vênh số liệu. Bởi theo báo cáo của đoàn kiểm tra hiện trạng trước lúc thu hồi đất được biết, tổng dự án chính thức được phê duyệt là 2.000 ha và đã được cấp GCNQSD đất là 586,3 ha. Nhưng sau hơn 5 năm không phát huy hiệu quả nên năm 2007 và 2010, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định thu hồi 309,2 ha, nên đến thời điểm hiện tại, Cty Việt Mỹ chỉ còn lại trong tay vẻn vẹn 227,5 ha. Thế nhưng, số diện tích đất thế chấp tại Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Hà Tĩnh lại lên đến 600 ha (theo ông Chân). Không chỉ vậy, Cty này còn thế chấp 100 ha tại Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Thăng Long Hà Nội. Không hiểu Cty Việt Mỹ lấy đất đâu ra mà thế chấp ngân hàng nhiều đến vậy?!

 Mới đây, Sở TN-MT Hà Tĩnh, UBND huyện Thạch Hà và đại diện Cty Việt Mỹ đã có cuộc họp. Theo đó, đại diện Sở TN-MT Hà Tĩnh đã chính thức thông báo quyết định của UBND tỉnh về việc thu hồi toàn bộ diện tích đất đã quy hoạch cho dự án nuôi tôm công nghệ Việt Mỹ. Phía đại diện Cty Việt Mỹ không còn cách nào khác là phải chấp nhận theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, Cty này lại đề nghị các cơ quan liên quan cũng như UBND tỉnh Hà Tĩnh, khi thu hồi đất của Cty bàn giao sang cho DN khác thì DN đó phải có trách nhiệm đền bù, hỗ trợ các khoản mà Cty Việt Mỹ đã đầu tư vào dự án, bởi số tài sản trên, Cty đã và đang thế chấp cho hai ngân hàng và hiện Cty đang nợ một khoản tiền lên đến hàng chục tỷ chưa có cách nào để trả.

Việc thu hồi đất của Cty Việt Mỹ chắc chắn sẽ không hề đơn giản, bởi lẽ, số diện tích đất Cty Việt Mỹ thế chấp tại Ngân hàng NN-PTNT Hà Tĩnh là 600 ha, tại Ngân hàng NN-PTNT Thăng Long là 100 ha. Thế nhưng, thực tế báo cáo của Cty thì số diện tích đất của Cty thế chấp tại 2 ngân hàng này chỉ có 300 ha (?!). Chưa dừng lại ở đó, số diện tích đất thực tế của Cty được cấp còn lại sau 2 lần thu hồi chỉ là 227,1 ha (?!) Diện tích đất thực tế nhỏ hơn nhiều so với đất đã cầm cố tại các ngân hàng, vậy phải tháo gỡ bằng cách nào. Các ngân hàng "siết nợ" ra sao khi Cty này chỉ còn lại vẻn vẹn 227,1 ha đất.  

Được biết, không chỉ nợ ngân hàng, Cty Việt Mỹ còn nợ nhiều chỗ khác, trong đó đáng lưu ý là khoản nợ của các nhà thầu như 18 tỷ đồng của Cty Xây dựng Xuân Hà, Hà Tĩnh và tiền công của người lao động. Với một khoản nợ khổng lồ, Cty lại đang trên đà phá sản, rồi đây rất nhiều đơn vị, cá nhân sẽ phải cắn răng "ôm hận" với đại dự án một thời lẫy lừng, được tung hô lên tận mây xanh này. Tuy nhiên, một câu hỏi khác không thể không đặt ra, sau sự đổ bể của dự án, ai sẽ là người chịu trách nhiệm về việc thẩm định, cấp phép cho một Cty không hề có kinh nghiệm về nuôi tôm, lại có thể lấy hàng nghìn hecta đất làm dự án và bây giờ để lại những hậu quả to lớn như vậy (?!).

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.