| Hotline: 0983.970.780

Vựa chè thành "lò" chế chè bẩn

Thứ Ba 19/07/2011 , 09:28 (GMT+7)

Yên Bái là vùng chè lớn nhất khu vực miền núi phía Bắc, với tổng diện tích gần 12.500 ha, hàng năm thu mua và chế biến từ 85.000-90.000 tấn chè búp tươi. Hiện Yên Bái đang trở thành một trong nhiều "trung tâm" sản xuất chè bẩn lớn nhất khu vực miền núi phía Bắc…

Yên Bái là vùng chè lớn nhất khu vực miền núi phía Bắc, với tổng diện tích gần 12.500 ha, hàng năm thu mua và chế biến từ 85.000-90.000 tấn chè búp tươi. Hiện Yên Bái đang trở thành một trong nhiều "trung tâm" sản xuất chè bẩn lớn nhất khu vực miền núi phía Bắc…

>> Cận cảnh công nghệ chế biến chè bẩn

Trong báo cáo của Sở NN-PTNT Yên Bái, chưa năm nào thống kê số lượng chè vàng đạt mấy trăm tấn, số chè vàng được qui là chè…xanh. Hai khu vực chế biến chè vàng lớn nhất tỉnh Yên Bái là Trấn Yên và Văn Chấn do cả ngàn hộ nông dân đảm nhiệm, mỗi năm chế biến mấy ngàn tấn chè khô đến nay vẫn là ẩn số.

Chè vàng, người dân thường gọi là chè tăm. Bởi chè không vo xoắn lại mà duỗi ra như những chiếc tăm, được các thương nhân Trung Quốc đặt tiền từ đầu vụ với giá cao ngất ngưởng từ 16.500- 18.000đ/kg. "Công nghệ" chế biến chè vàng thuộc loại độc nhất vô nhị về sự mất vệ sinh bậc nhất trên thế giới, nếu ai tận mắt nhìn thấy những cơ sở SX chè vàng thì hẳn sẽ phải rùng mình mà không bao giờ dám dùng loại chè này nữa. 

Chè dài cả gang tay cắt bằng liềm

Đang vào chính vụ SX chè vàng, dọc QL32 suốt mấy chục cây số từ Hưng Thịnh (Trấn Yên) đến Cát Thịnh (Văn Chấn) chè được phơi dọc đường đi, trên mọi mặt bằng mà người dân có thể tận dụng để phơi chè: Lề đường, bãi cỏ, lối đi…những tấm vải bạt trải ra đủ trở thành những sân phơi di động, chè sau khi sao, vò xong đổ ra phơi ở đó. "Công nghệ" chè phơi nắng được người dân áp dụng cả chục năm nay đã không còn là chuyện lạ ở Yên Bái, bất chấp những qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Một lò SX chè vàng ở Trấn Yên, Yên Bái

Gia đình anh Trần Văn V. ở thôn Yên Định là một trong hai cơ sở SX chè vàng lớn nhất xã Hưng Thịnh, khi tôi đến anh đang chở những bao tải chè vừa sao xong bằng chiếc xe máy lấm lem bùn đất đổ ra những tấm vải bạt trải xuống nền đất mới san từ quả đồi ra ngay dọc lối đi lên nhà. Đang là mùa thu hái, gia đình anh tranh thủ trời nắng phơi chè trên mọi mảnh đất, từ sân phơi đến lối đi, bãi cỏ…

Chè phơi trên lối đi, nên người ta có thể thoải mái bước lên chè để vào nhà, ngay cả trên sân cũng phơi kín chè, không một mét vuông đất trống. Cơ sở chế bến chè nhà anh Trần Văn V. đặt cạnh chái nhà rộng chừng chục mét vuông, nền láng xi măng, xung quanh nơi đổ chè trải bạt, những chiếc bạt đen nhẻm dính chặt xuống đất rách tơi tả, chè đổ tràn ra cả ngoài mặt đất lầm bụi.

Phơi chè trên đường

"Công nghệ" chế biến chè vàng bao gồm một thùng chè quay tay, người dân quen gọi là "bom chè", khi chè được sao tái đưa ra hai chiếc máy vò mi ni, mỗi cái vò được khoảng 10 kg chè. Nhìn vào hai chiếc máy vò đang chạy tôi thấy nước màu trắng đục phèo ra mặt máy vò nom như mủ, tôi hỏi V: Chè có cho phụ gia gì không mà nước lại trắng đục thế này? V tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi tôi: Chú bảo phụ gia gì cơ? Tôi bảo: Ví như là bột sắn hay bột đá chẳng hạn? V lắc đầu: Không, nhà cháu không cho bột sắn hay bột đá gì đâu…

Một người phụ nữ đi từ trong nhà ra nghe câu trả lời của V thì mỉm cười. Hưng Thịnh- một xã có đến 150 "bom chè" SX chè vàng, theo những người dân ở đây thì không nhà nào là không dùng bột sắn pha vào chè. Thật khó tin nổi, nhà V. lại không dùng bột sắn để sao chè? Bởi khi thấy tôi mang máy ảnh lên V đã chạy xe máy về trước, lúc tôi đến V. từ trong bếp đi ra còn cẩn thận khép lại cửa bếp. Những chiếc bao tải nhầy nhụa nước đen phèo ra đặt ngổn ngang trên mặt đất, nhìn xuống đôi bàn chân V đen nhẻm nhựa chè, như mách bảo rằng đôi chân ấy đã lội trong chè cả tháng nay rồi.

Không giống như Trần Văn V., vợ chồng anh Dương Văn Đạo chẳng cần giấu giếm khi tôi hỏi về "công nghệ" chế biến chè vàng mà anh gọi là chè tăm: Dạ, nhà cháu có cho bột sắn vào chè chứ. Mọi người làm chè tăm ở đây ai cũng cho như nhà cháu thôi. Mấy năm trước có nhà cho bột đá, khách hàng không mua nữa nên họ thôi. Họ bảo: Cho bột sắn hay bột ngô đều được, đừng cho bột đá vào là được. Khi mua, họ mang theo cốc pha luôn, thấy có bột đá lắng xuống thì họ không mua nữa, còn bột sắn thì vô tư chú ạ…

Cạnh hai chiếc máy vò nhà anh Đạo là một nồi bột sắn to tướng, kế đó là hai chiếc chậu nhựa đựng bột sắn đã nấu sền sệt, vàng khè như nồi cám lợn. Mỗi cối vò vợ anh cho vào hai bát bột sắn, tôi hỏi: Vì sao lại cho bột sắn? Vợ Đạo nhanh nhảu trả lời: Chè già cả gang tay do cắt bằng liềm nếu không cho bột sắn thì lá chè không xoăn lại được. Bột sắn làm cho lá và búp chè dẻo, xoăn lại không nở tóe loe, SX chè tăm là như thế…Nói rồi chị thực hành cho tôi xem việc chị đổ bột sắn vào cối vò chè. Chị cười rất tươi: Mỗi cối vò chè chỉ cho hai bát này thôi, không cho nhiều đâu chú ạ…

Nồi bột sắn cho vào chè

Thấy tôi nói chuyện rất xôm với chủ nhà, em trai của Đạo là Dương Văn Giàng nhà bên cạnh cũng sang góp chuyện. Giàng bốc một nắm chè lên cười vui vẻ: Chè hái bằng liềm đây, nếu không pha bột sắn thì vò sao được. Còn kia là số sắn khô mua về để nghiền thành bột cho vào chè đấy…

Những bao sắn khô băm cả vỏ đen nhẻm, những mẩu sắn khô thòi cả ra ngoài những chiếc bao tải rách chất đống ngay cạnh lò sao chè, Đạo vạch chiếc bao đựng bột sắn múc một bát bột nên cho tôi chụp ảnh cười rất tươi: Đây là "phụ gia" của chè tăm đấy…

Cho bột sắn vào cối vò chè

Tôi hỏi giá cả và khách hàng mua loại chè này, Đạo cười: Nhiều người đến mua, vợ chồng Cường Nguyên ở Mỵ, hay Cty Hữu Hảo. Cty Hữu Hảo mua ít thôi, chủ yếu hai chủ ở Mỵ tới mua, rồi người Vĩnh Tường lên mua, họ đưa cả công- ten- nơ lên chở. Từ đầu năm đến giờ chè không có mà bán, giá chè tăm hiện nay mọi nhà đang bán là 16.500đ/kg. Nghe nói họ mua để bán sang Trung Quốc, chịu chẳng biết họ mua về chế biến như thế nào. Mọi người ở đây cho bột sắn vào chè mấy năm rồi, nghe nói báo có phê phán việc này, khổ nỗi là khách hàng có chê gì đâu, họ chấp nhận thế nào thì chúng cháu làm thế… 

Năm 2010 Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản Yên Bái tổ chức kiểm tra 94 cơ sở chế biến chè. Kết quả kiểm tra VSATTP theo Qui chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 01-07:2009/BNN-PTNT) cho thấy: 81 cơ sở đang hoạt động, 13 cơ sở đóng cửa.

Chất lượng VSATTP của 81 cơ sở chế biến chè đối với 81 cơ sở chỉ có 9 cơ sở xếp loại A, 50 cơ sở xếp loại B, 22 cơ sở xếp loại C. Những cơ sở xếp loại A đều là những Cty chè nhà nước chuyển thành Cty CP và một số HTX SX chè chất lượng cao, có hệ thống nhà xưởng tốt, thiết bị máy móc tiên tiến, công nhân đáp ứng được các qui định về VSATTP.

Vì sao các cơ sở chế biến chất lượng VSATTP thấp lại có đất sống? Sự việc này không phải bây giờ mới được phát hiện, mà đã tồn tại cả chục năm nay vẫn chưa được khắc phục. Lý do, các "ông lớn" trong ngành chè vẫn mua sản phẩm chè kém chất lượng về đấu trộn, khiến những cơ sở chế biến này vẫn ung dung tồn tại.

Năm 2011 Chi cục Quản lý chất lượng NLTS Yên Bái lại tổ chức kiểm tra 94 cơ sở chế biến chè. Nghĩa là chỉ nắm những ông "có tóc", còn hàng ngàn hộ SX chè quay tay, kể cả những hộ SX chè bẩn thì vẫn chưa động tới. "Trung tâm" chè bẩn Yên Bái vẫn cứ tồn tại và…phát triển.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm