| Hotline: 0983.970.780

Ẩn họa từ dự án phim trường

Thứ Tư 30/11/2011 , 10:27 (GMT+7)

Bên cạnh việc đối mặt với ô nhiễm, quyết định phim trường trên đảo Nhím của UBND tỉnh Tây Ninh cũng đang gây nhiều mối lo lớn cho hồ Dầu Tiếng.

Một góc đảo Nhím
Bên cạnh việc đối mặt với ô nhiễm do các trang trại chăn nuôi, cơ sở chế biến mủ cao su, khoai mì vô tư xả thải thì quyết định của UBND tỉnh Tây Ninh về việc làm phim trường trên đảo Nhím, cũng đang gây nhiều mối lo lớn cho hồ Dầu Tiếng.

>> Tiếng kêu cứu từ hồ Dầu Tiếng

Đại dự án phim trường

Đảo Nhím là một hòn đảo lớn nhất trong lòng hồ Dầu Tiếng với diện tích 340 ha. Nằm giữa lòng hồ rộng lớn, phong cảnh hữu tình, còn nhiều nét hoang sơ, nên từ nhiều năm nay, đảo Nhím đã được nhiều doanh nghiệp để mắt tới, với mong muốn biến hòn đảo này thành một trung tâm nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái. Bản thân UBND tỉnh Tây Ninh, từ gần 10 năm nay, cũng đã muốn biến đảo Nhím thành một trung tâm du lịch, giải trí hoành tráng.

Nhiều doanh nghiệp đã đến, đặt vấn đề xúc tiến đầu tư vào đảo Nhím với UBND tỉnh Tây Ninh rồi… đi. Mà kẻ “đi” gần nhất là Cty Petroland thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với ý định xây dựng một khu du lịch sinh thái quy mô lớn, gồm khách sạn 5 sao, khu vui chơi và nghỉ dưỡng.

Năm ngoái, sau khi Tập đoàn Dầu khí rút lui, một nhà đầu tư khác là Cty CP Nghe nhìn Toàn Cầu trực thuộc Tập đoàn An Viên (AVG), đến đặt vấn đề với UBND tỉnh Tây Ninh về việc xúc tiến đầu tư xây dựng ở đảo Nhím một phim trường có quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Theo dự án của AVG, toàn bộ đảo Nhím sẽ được tập đoàn này xây dựng thành một tổ hợp liên hoàn, phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm văn hóa về lĩnh vực truyền hình - điện ảnh kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng ngắn ngày.

 Đảo Nhím sẽ được chia làm ba phân khu. Phân khu thứ nhất (khoảng 119ha), nằm ở khu vực trung tâm đảo, sẽ được đầu tư làm trung tâm sản xuất phim trường. Phân khu thứ hai (khoảng 108ha), nằm phía trên phân khu thứ nhất, là khu vực thực cảnh, bối cảnh phục vụ việc đóng các phim từ cổ trang đến hiện đại. Tại phân khu thứ 2, còn được đầu tư khu vui chơi, giải trí phục vụ du khách tham quan.

Phân khu còn lại nằm phía dưới phân khu thứ nhất, được dùng vào việc xây dựng khu du lịch sinh thái kết hợp làng điện ảnh với những biệt thự nhà vườn, biệt thự mang phong cách khác biệt của điện ảnh. Khu này vừa dành cho các đạo diễn, diễn viên, nghệ sỹ, vừa đón khách du lịch đến nghỉ dưỡng. Để đưa du khách cũng như các đoàn làm phim vào đảo Nhím, ở phía bờ hồ thuộc địa bàn thị trấn Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, một khu vực bến tàu rộng tới 3 ha được quy hoạch để xây dựng. Khoảng cách từ bến tàu đến đảo Nhím khoảng 8,5 km. Toàn bộ đại dự án này có tổng kinh phí đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng, trong đó kinh phí đầu tư giai đoạn đầu là 1.500 tỷ đồng.

Đề án nói trên của AVG đã được UBND tỉnh Tây Ninh chấp thuận về chủ trương trong năm 2010. Đến nay, AVG đã tiến hành xong việc khảo sát, lập quy hoạch 1/2.000. Trong khi AVG còn chưa trình kịp lên UBND tỉnh Tây Ninh bản quy hoạch 1/2.000, thì UBND tỉnh này cũng đã sốt sắng gửi công văn đề nghị Bộ NN-PTNT bổ sung chức năng du lịch cho hồ Dầu Tiếng – một động thái “bật đèn xanh” cho dự án phim trường đảo Nhím.

Tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư du lịch tỉnh Tây Ninh, tổ chức ngày 26/11 vừa rồi, ông Trần Hữu Hậu, GĐ Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Tây Ninh, cho rằng sở dĩ tỉnh Tây Ninh sốt sắng như vậy là vì tỉnh đã tính tới việc biến đảo Nhím thành trung tâm du lịch sinh thái từ năm 2003, nhưng đến giờ vẫn chưa làm được gì. Trong khi đó, Tập đoàn An Viên là tập đoàn lớn, có đủ năng lực lẫn kinh nghiệm xây dựng cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường ở những dự án tương tự.

Lo ngại ô nhiễm, mất an toàn

Dự án phim trường trên đảo Nhím, ngay lập tức đã gây lo ngại về nguy cơ mất an toàn, ô nhiễm hồ Dầu Tiếng. Theo GS.TS Nguyễn Ân Niên, Chủ tịch Hội Khoa học Thuỷ lợi TP HCM, đảo Nhím là đảo bán ngập với cao trình 24,5 m. Trong khi đó cao trình mực nước gia cường chống lũ là 25,1 m. Nếu phim trường xây dựng ở đây thì bắt buộc phải tôn nền lên cao.

Nhưng việc tôn nền này cũng chưa chắc đã tránh được ngập. Trước việc thủ đô Thái Lan vừa bị ngập lụt nặng nề, đang có những cảnh báo tương tự đối với TP HCM, đặc biệt là nguy cơ ngập lụt từ việc xả lũ hồ Dầu Tiếng, GS Nguyễn Ân Niên cho biết, để tránh nguy cơ phải xả lũ hồ Dầu Tiếng (nhất là trong bối cảnh phải bổ sung nguồn nước từ hồ Phước Hòa với lưu lượng 57m3/s nhằm đủ nước cung cấp cho toàn bộ nhu cầu sinh hoạt của TP HCM và mở rộng nguồn tưới ở Tây Ninh, Long An), Chính phủ cần phải đầu tư nâng cao trình hồ lên thêm 2 m.

Khi cao trình hồ nâng cao, khả năng tích nước cũng sẽ tăng lên, khi ấy nước sẽ ngập trắng khu phim trường, thì còn đóng phim gì nữa. Mà khi phim trường bị ngập trắng, nguy cơ phát tán những nguồn ô nhiễm từ trong phim trường vào nước hồ là không nhỏ.

Cũng theo GS Nguyễn Ân Niên, nếu làm phim trường trên đảo Nhím, sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Trước hết là việc tập trung nhiều người ở trung tâm du lịch, khu vực cho diễn viên ở, các chỗ dàn cảnh …, sẽ có nhiều chất thải, gây ô nhiễm nước hồ. Khi làm phim, có những bối cảnh phải gây nổ, gây cháy. Đó là điều không chấp nhận được đối với việc bảo đảm an toàn công trình hồ. Hồ Dầu Tiếng là hồ thuỷ lợi lớn nhất cả nước, có tầm quan trọng đặc biệt, nên không thể vi phạm sự an toàn của hồ này.

GS Nguyễn Ân Niên đặt ra câu hỏi: “Người dân sinh sống lâu năm trên đảo Nhím đã phải di dời đi để làm vùng bán ngập. Vậy thì tại sao tỉnh Tây Ninh lại cho xây dựng phim trường ở đó?”. GS Nguyễn Ân Niên nhấn mạnh: “Hồ Dầu Tiếng là công trình lớn của quốc gia, vì thế, giữ vững môi trường nước hồ Dầu Tiếng là tối cần thiết. Hồ Dầu Tiếng liên quan đến trách nhiệm quản lý của các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, TP HCM và có thể cả Bình Phước. Bởi vậy phải có ban quản lý lưu vực để quản lý chung. Tỉnh Tây Ninh không thể tự ra quyết định cấp đất ở đây”.

Đặc biệt, theo khuyến cáo của PGS. TS Lương Văn Thanh, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Biển, việc xây phim trường ở hồ Dầu Tiếng còn có thể làm phát tán lượng lớn dioxin vốn đang tồn lắng dưới đáy hồ.

Ông Thanh cho biết, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, lưu vực hồ Dầu Tiếng bị rải một lượng chất độc diệt cỏ rất lớn, khoảng gần 800.000 gallons, trong đó có hơn 304.006 gallons chất da cam (1 gallon=3,785 lít).

Dự án khoa học “Đánh giá tồn lưu dioxin và các tác động tới môi trường hồ Dầu Tiếng”, do Viện Kỹ thuật Biển thực hiện, đã đưa ra nhận định “Nếu khai thác cát hoặc xây dựng công trình không hợp lý sẽ làm khuấy động các lớp trầm tích nhiễm dioxin thì chất độc sẽ phát tán vào nguồn nước hồ ngày càng nhiều”.

GS Nguyễn Sinh Huy (ĐH Thủy lợi) cho rằng đã xây dựng phim trường lớn trên đảo Nhím thì tất nhiên sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới nước hồ Dầu Tiếng. Nếu dự án xử lý tốt, thì có thể giảm thiểu được vấn đề này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thường là người ta làm xấu đi về mặt môi trường ở những dự án như vậy.

Ngay việc UBND tỉnh Tây Ninh vội vàng có chủ trương chấp thuận việc đầu tư xây dựng phim trường đảo Nhím cũng đã vi phạm vào những quy định của Nhà nước. Bởi hiện nay, theo Quyết định 498/TTg năm 1993 của Thủ tướng Chính phủ, hồ Dầu Tiếng chỉ có các nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho gần 65 ngàn ha ở Tây Ninh và TP HCM, tạo nguồn cho trên 40 ngàn ha ven sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông, cấp nước cho khu công nghiệp, khu dân cư, xả đẩy mặn và cải thiện môi trường cho hạ du sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông.

Như vậy, hồ Dầu Tiếng chưa hề cho chức năng phục vụ du lịch. Riêng việc quy hoạch bến tàu để đưa du khách, người làm phim ra đảo Nhím trong dự án phim trường nói trên, cũng đã vi phạm vào hành lang an toàn hồ Dầu Tiếng, vì bến tàu này chỉ cách đập phụ của hồ khoảng 500 m.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.