| Hotline: 0983.970.780

Lang thang cùng… thầy lang

Thứ Hai 01/12/2008 , 08:00 (GMT+7)

Tôi tìm đến lương y Tạ Viêm từ lời kể của chị Bình ở xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai (Hà Nội).

Bài I: Gia đình lương y chín đời chữa bệnh

Lương y Tạ Viêm đang cắt thuốc cho bệnh nhân

Tôi tìm đến lương y Tạ Viêm từ lời kể của chị Bình ở xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai (Hà Nội). Bình bảo, chị lấy chồng năm hai mươi hai, đến nay là hai mươi năm. Mười năm đầu, mang thai đến mấy bận mà bận nào cũng sẩy:

- Giá cháu đầu được thành người, thì năm nay đã mười chín rồi.

Chị Bình đã bi quan lắm, nhiều đêm cứ vùi mặt vào gối khóc thầm. Khát con như ruộng hạn khát mưa, nhưng mỗi lần có một mầm sống nhú lên trong người thì lại vừa mừng vừa lo…Nghe lời mách, chị tìm đến nhà thầy Viêm, được thầy cắt thuốc cho, lần ấy giữ được. Rồi đẻ tiếp đứa nữa, cũng mẹ tròn con vuông. Nay thì đứa lớp ba, đứa lớp một, mãn nguyện rồi.

Nhà lương y Tạ Viêm ở ngay đầu xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Tiếp tôi, nhưng thỉnh thoảng thầy phải xin lỗi, chạy xuống phòng khám bệnh cắt thuốc, nơi con trai mình là lương y Tạ Khang đang làm việc, để xử lý những trường hợp khó mà con trai còn lúng túng. Phòng khám khá đông khách. Còn trên nhà thờ, nơi ông tiếp tôi, có treo tranh chân dung đại y sư Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, thì lại vô cùng tĩnh lặng. Hỏi ông về bộ sách “Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh”, ông bảo:

- Nhà có, nhưng mà nghiên cứu bộ sách ấy, đâu phải một sớm một chiều mà lĩnh hội hết được. Đó là tâm huyết một đời của cụ Hải Thượng…

Lương y Tạ Viêm cho biết:

- Tằng tổ tôi sinh khoảng đời Gia Long triều Nguyễn, cụ học chữ Hán nhưng không để chí ở khoa cử mà ở quê làm thuốc rồi truyền nghề cho con, con truyền cho cháu… đến tôi là đời thứ tám, và đến con trai tôi, Tạ Khang, là đời thứ chín. Tính đến nay, nghề thuốc nhà tôi có bề dầy quãng hai thế kỷ rồi. Đến đời tôi, vẫn là học thuốc theo kiểu gia truyền, nhưng con tôi thì ngoài học thuốc theo gia truyền, tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm của cha ông, còn theo học trường Y học Dân tộc TW, nên kiến thức có phần bài bản hơn. Ngoài Tạ Khang, một con trai nữa của tôi cũng theo học tại trường.

Tuy mang cùng một mục đích là trị bệnh cứu người, nhưng giữa Đông y và Tây y có lịch sử khác nhau. Đại chúng Việt Nam mới tiếp xúc với thuốc Tây chừng hơn một thế kỷ, trong khi hàng ngàn năm nay chúng ta vẫn dùng “Nam dược chữa Nam nhân”. Điều đó lý giải vì sao ngày nay, khi mạng lưới y tế hiện đại đã về đến tận thôn làng nhưng nền y học cổ truyền của dân tộc không chết mà vẫn song song tồn tại, dù phương pháp điều trị của Đông và Tây y khác nhau, thuốc cũng khác nhau. 

Theo Đông y, cơ thể con người là một khối thống nhất, hoà đồng với thiên nhiên. Giữa các bộ phận của cơ thể con người có mối quan hệ hữu cơ, mật thiết. Vì thế, gốc bệnh chính là sự mất cân bằng của cơ thể, nên nhiều khi đau ở bộ phận này nhưng các thầy thuốc Đông y lại chữa ở bộ phận khác, vì đó mới là nơi gốc bệnh. Phương pháp khám bệnh của Đông y cũng khác với Tây y.

Với Đông y, thầy thuốc biết được bệnh của người bệnh từ việc kết hợp bốn cách chẩn là Văn (nghe người bệnh kể để biết bệnh), Vọng (nhìn sắc diện người bệnh để đoán bệnh), Vấn (hỏi người bệnh để biết bệnh) và Thiết (xem mạch để biết bệnh). Với lương y Tạ Viêm, mỗi lần khám bệnh, ngoài áp dụng bốn cách trên, thì tiểu sử người bệnh được ông quan tâm, hỏi han rất kỹ lưỡng.

Theo ông, tiểu sử tự nó đã nói lên rất nhiều điều về thể trạng, bệnh lý… của người bệnh. Ví như những phụ nữ bị các chứng về thai sản mà trước khi lấy chồng từng có quan hệ tình dục dẫn đến có thai và đã nạo, hút nhiều lần, khác hẳn với những người phụ nữ lần đầu có thai cũng bị cùng một chứng… Với lương y Tạ Viêm, ông đã kết hợp cả hai cách khám bệnh của Đông và Tây. Nhiều trường hợp, sau khi khám tại nhà, ông yêu cầu bệnh nhân đi làm các xét nghiệm cần thiết ở bệnh viện rồi từ các kết quả của cả hai, ông tiến hành điều trị:

- Khám bệnh của Đông y mang tính trừu tượng. Còn Tây y, với những thiết bị hiện đại, người ta không chỉ nghe mà còn nhìn trực tiếp được những tổn thương trong cơ thể con người nhờ các thiết bị chụp, chiếu, nội soi… Kết hợp được hai phương pháp này, người thầy thuốc sẽ biết gốc bệnh một cách tường tận hơn, rõ ràng hơn, từ đó có cách điều trị hiệu quả hơn…

Là lương y đa khoa, nhưng chuyên sâu nhất của nhà thuốc Đông y gia truyền Tạ Viêm là cúm và các bệnh về thai sản, hiếm muộn. Vì vậy, khách của ông đa số là phụ nữ. Ông cho biết, thai sản là những bệnh rất phức tạp, chính vì chúng liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người, tục ngữ có câu “gái chửa, cửa mả” là vì thế. Thường gặp nhất trong số những bệnh nhân tìm đến nhà thuốc Tạ Viêm là những người từng bị sẩy, đẻ non, thai lưu, có người bị nhiều lần. Chữa vô sinh càng khó khăn hơn. Có trường hợp người phụ nữ bị tắc vòi trứng, ông phải điều trị đến ba bốn năm mới giải quyết được. Hỏi về kết quả điều trị, ông cho biết :

- Tôi không thống kê cụ thể. Nhưng nguyên tắc điều trị của tôi là sau khi thăm, khám, chỉ những trường hợp nào nhận thấy khả năng mình có thể chữa được, tôi mới nhận chữa, còn thì tôi tư vấn cho họ đến bệnh viện, chứ quyết không nhận bừa để người bệnh “tiền mất tật mang”…

Theo chúng tôi, đó là cách làm việc của một thầy thuốc có trách nhiệm và có lương tâm. Điều quan trọng nữa mà chúng tôi nhận thấy ở nhà thuốc này là giá thuốc khá rẻ, phù hợp với túi tiền của người nghèo. Một đợt điều trị ở đây, không tốn kém là mấy. (Còn nữa)

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.