| Hotline: 0983.970.780

Nghị định 64 của Chính phủ không rõ ràng?

Thứ Năm 05/04/2012 , 10:27 (GMT+7)

254 bệnh binh 2/3 của huyện Quốc Oai (Hà Nội) không được giao ruộng canh tác theo Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ (trong khi những bệnh binh 1/3 và 3/3 trong huyện lại được giao),...

Báo NNVN ra ngày 22/3 phản ánh việc 254 bệnh binh 2/3 của huyện Quốc Oai (Hà Nội) không được giao ruộng canh tác theo Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ (trong khi những bệnh binh 1/3 và 3/3 trong huyện lại được giao), dẫn đến quyền lợi của họ bị thiệt thòi, và họ đã khiếu nại hơn 10 năm nay nhưng chưa được giải quyết.

>> Nằm giữa bỗng mất phần chăn

Sau khi báo đăng, với mong muốn sự việc được giải quyết dứt điểm, quyền lợi của mình được bảo đảm, ngày 26/3/2012, một số bệnh binh 2/3, đại diện cho số bệnh binh trên đã đến UBND huyện Quốc Oai, đề nghị UBND huyện thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về việc giải quyết khiếu nại của họ tại Công văn số 1744 “Giao UBND huyện Quốc Oai hoàn chỉnh báo cáo và xác định rõ các căn cứ pháp lý để xác định dối tượng được giao đất nông nghiệp theo quy định tại Nghị định 64/CP của Chính phủ, trên cơ sở đó rà soát lại toàn bộ việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc giao đất nông nghiệp tại thời điểm trên địa bàn huyện Quốc Oai… Chủ trì, phối hợp với lãnh đạo các sở Lao động - Thương binh và xã hội; Sở TN&MT, có mời đại diện của các Bộ TN - MT; Lao động - Thương binh và Xã hội để xin ý kiến tư vấn thống nhất, báo cáo UBNDTP giải quyết dứt điểm vụ việc trong tháng 3/2012”.

Một số bệnh binh 2/3 phản ánh với PV NNVN

Thế nhưng, cũng như không biết bao nhiêu lần trước, họ vẫn chỉ nhận được những câu trả lời loanh quanh. Tiếp họ ngày 26/3/2012, Phó chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Anh Tuấn cho rằng việc họ không được giao ruộng canh tác là vì “Nghị định 64 của Chính phủ chưa rõ ràng”, khiến họ rất thất vọng. Ông Nguyễn Danh Vấn, bệnh binh 2/3 xã Phượng Cách, không giấu được nỗi bức xúc:

- Về vấn đề giao đất canh tác lâu dài cho nông dân, thiết tưởng không có gì rõ ràng hơn Nghị định 64. Theo điều 6 của nghị định đó thì “Đối tượng giao đất nông nghiệp để sử dụng ổn định lâu dài là nhân khẩu nông nghiệp thường trú tại địa phương, kể cả những người đang làm nghĩa vụ quân sự”. Chúng tôi đều là nông dân đi bộ đội, trở về địa phương làm nông nghiệp, có hộ khẩu thường trú tại địa phương từ trước năm 1990. Và theo quy định tại Nghị định 236/HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) thì chúng tôi là bệnh binh, khác hẳn với “bộ đội về hưu hoặc nghỉ mất sức…” như quy định tại điều 8 Nghị định 64/CP, là những đối tượng không được giao ruộng. Coi chúng tôi là bộ đội về hưu hoặc nghỉ mất sức tại địa phương, để rồi cắt ruộng của chúng tôi là cố ý làm trái Nghị định 64/CP của Chính phủ, là tước đoạt quyền lợi của chúng tôi.

"Nếu huyện cho rằng Nghị định 64 chưa rõ ràng, thì với những điểm “chưa rõ ràng” ấy, tại sao huyện không có công văn đề nghị Chính phủ giải đáp cho rõ ràng? Chính phủ có thẩm quyền ra nghị định thì Chính phủ cũng có thẩm quyền giải thích nghị định. Nghị định 64 của Chính phủ ra đời tháng 9/1993, chỉ 6 tháng sau (29/3/1994) Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có Pháp lệnh ưu đãi người có công.

Khoản 2 điều 17 Pháp lệnh này quy định rõ “Thương binh, bệnh binh được ưu tiên giao đất, vay vốn với lãi suất thấp để sản xuất, được miễn giảm các loại thuế”. Tại sao khi Pháp lệnh ra đời, UBND huyện vẫn không điều chính, giao ruộng cho chúng tôi?", ông Nguyễn Phú Bẩy nêu thắc mắc.

Việc UBND huyện Quốc Oai giải thích rằng sở dĩ hơn hai trăm bệnh binh 2/3 của huyện Quốc Oai không được giao đất là vì “Tại thời điểm đó (1992) các hộ không mặn mà gì với ruộng đất… Đến nay do Nhà nước thu hồi, đền bù cao nên các đối tượng trên mới đề nghị giao ruộng”, càng khiến cho những bệnh binh 2/3 bất bình. Bệnh binh 2/3 Nguyễn Văn Cậy bức xúc:

- Lãnh đạo huyện sống quá xa nông dân nên không hiểu được nông dân. Phải khẳng định dứt khoát rằng trừ khi bị bắt buộc, còn thì không người nông dân nào muốn bị thu hồi đất cả, dù Nhà nước có đền bù cao đến đâu, vì đó là nguồn sống duy nhất, là máu thịt của chúng tôi.

Ai cũng biết trước năm 1993, cả nước đói kém vì ruộng đất tập trung vào hợp tác xã. Chỉ từ khi Nghị định 64 ra đời, người nông dân được làm chủ sử dụng đất canh tác ổn định, lâu dài, thì nông dân mới thoát khỏi cảnh một phần gạo ba bốn phần khoai, sắn. Chính nghị định 64 đã cứu cả nước, trong đó phần lớn là nông dân, thoát khỏi đói nghèo. Thế mà dám bảo tại thời điểm đó nông dân không mặn mà gì với ruộng đất. Nói như thế là đổ cái sai lên đầu nông dân.

Và nếu cứ dùng cách hành xử là né tránh cái sai, “đổ cái sai lên đầu nông dân” như UBND huyện Quốc Oai đang làm, thì không bao giờ sự chỉ đạo của UBNDTP Hà Nội có hiệu quả, và hơn hai trăm bệnh binh 2/3 của huyện còn bị thiệt thòi.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.