| Hotline: 0983.970.780

Agribank - Đáp ứng mong mỏi của khách hàng

Thứ Sáu 23/03/2018 , 08:01 (GMT+7)

Ngân hàng NN – PTNT (Agribank) chi nhánh Thanh Hóa được đánh giá là đơn vị tiên phong cho vay tín dụng nông nghiệp, nông thôn và đóng góp cho lĩnh vực an sinh xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, đưa kinh tế địa phương ngày càng phát triển.

Chuyên nghiệp từ cái nhỏ nhất

Cách đây 5 năm, gặp ông Trịnh Ngọc Thanh, Giám đốc Agribank chi nhánh Thanh Hóa, tôi hỏi, điều gì khiến ông trăn trở nhất? Ông nói, việc huy động vốn và cung ứng vốn cho khách hàng đã đáp ứng tốt rồi, vẫn là ngân hàng thương mại dẫn đầu về tỷ trọng và chất lượng phục vụ. Duy chỉ có một việc, ấy là nhà ở tập thể cho anh chị em nhân viên tại các phòng giao dịch, nhất là các huyện miền núi là điều khiến tôi trăn trở.

18-46-36_thnh_ho_khi_truong_diem_gio_dich_luu_dong
Agribank Thanh Hóa khai trương điểm giao dịch lưu động bằng xe chuyên dùng

Cái lý của ông Thanh là muốn người dân và doanh nghiệp giàu lên từ đồng vốn vay của ngân hàng thì bản thân nhân viên tín dụng phải có cuộc sống đảm bảo, tối thiểu là có chỗ ăn, chỗ ngủ. Có như vậy, họ mới say mê cống hiến, làm việc cho mình, phục vụ tốt cho nhân dân mà không màng đến danh lợi.

Xuất phát từ suy nghĩ đó, được sự ủng hộ của cấp trên và chính quyền các địa phương, sự đồng lòng, quyết tâm của toàn hệ thống, đến nay hầu hết các chi nhánh, nhất là chi nhánh cấp huyện của Agribank tại Thanh Hóa đã có nhà và bếp ăn tập thể.

Nhiều cán bộ trẻ mới ra trường và số cán bộ luân chuyển địa bàn khi đến nhận công tác địa điểm mới việc đầu tiên họ không phải lo lắng đến chỗ ăn, chỗ ở nữa. Có thể nói đây là điểm sáng trong công tác chăm lo đến đời sống cho anh chị em cán bộ, nhân viên của Agribank Thanh Hóa.

Cuối năm 2016, trong một hội nghị tại Hà Nội, lãnh đạo Agribank Thanh Hóa chia sẻ, hiện toàn đơn vị có 68 điểm giao dịch ở 27 huyện, thị, thành phố nhưng vẫn chưa đáp ứng hết yêu cầu của khách hàng. Trong đó phải kể đến số khách hàng ở xa trung tâm, cách phòng giao dịch gần nhất 17 – 20km. Trước đề nghị, cần có điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng hoạt động như một phòng giao dịch. Ngay lập tức, HĐTV Agribank Việt Nam đồng ý triển khai.

Hôm rồi chứng kiến lễ ra mắt điểm giao dịch lưu động này tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi thấy khá thuận tiện cho người dân. Phân tích về thế mạnh của loại hình này, ông Trịnh Ngọc Thanh lý giải, việc tích góp đồng tiền của người dân miền núi bây giờ khác trước rồi. Nay họ làm ăn đã biết tích góp và biết sử dụng đồng tiền cho đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, nuôi con ăn học.

“Giả sử, bán một con trâu, hay vài tạ thóc mà chưa dùng đến tiền, trước đây mất ăn mất ngủ, vợ chồng thay phiên nhau để trông nom số tiền đó hoặc phải đi xa mấy chục cây số để gửi tiền cho ngân hàng nhưng nay họ không phải mất công sức, thời gian đó nữa. Hệ thống xe lưu động sẽ có mặt đến tận nơi giải quyết ngay cho họ”, ông Thanh chia sẻ.

Theo ông Thanh, đã từng xảy ra việc mất trộm trong thôn, bản từ tiền bán ngô, bán lợn; hoặc mất tiền trên đường mang đến ngân hàng gửi hoặc đi vay từ ngân hàng về. Song từ nay với việc ra đời điểm giao dịch lưu động thế này thì các tồn tại, hạn chế trên sẽ được khắc phục triệt để.

Có một vấn đề mà nhiều người trong đoàn băn khoăn ấy là điều kiện đi lại và việc đảm bảo an toàn cho xe hoạt động, ông Thanh khẳng định, mạng lưới giao thông trên địa bàn cơ bản đáp ứng đi lại, kể cả những vùng xa như Mường Lát hay các bản Đục, Vịn ở Bát Mọt (Thường Xuân). Trên xe có đầy đủ nhân viên làm việc, hệ thống camera và các biện pháp nghiệp vụ đảm bảo an ninh đã được tính toán và bố trí đâu vào đó.

18-46-36_nguoi_dn_mien_nui_huyen_ngoc_lc_den_diem_gio_dich_luu_dong
Người dân miền núi Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đến điểm giao dịch lưu động của Agribank thực hiện giao dịch

Hai nữa, khi xe đi đến đâu đều có sự phối hợp với chính quyền sở tại để nhận sự hỗ trợ các biện pháp nghiệp vụ khác khi cần thiết. Trước khi đi vào hoạt động chính thức, các xe đã thử nghiệm, thí điểm tại một số nơi và nhận thấy mọi việc đều xuôi chèo mát mái.
 

Xã 30a đầu tiên đạt chuẩn NTM

Chúng tôi có mặt tại xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa vào chiều muộn. Ngọc Phụng là xã đầu tiên trong các huyện 30a của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Vốn là xã thuộc diện khó khăn ở huyện 30a, sau khi được huyện chọn làm điểm xây dựng NTM, xã Ngọc Phụng xác định đây là tiền đề cho xóa đói, giảm nghèo, phát triển nâng cao đời sống nhân dân.

Agribank đồng hành cùng người dân địa phương phát triển kinh tế, thoát nghèo vươn lên làm giàu. Nhờ đó, hệ thống cơ sở vật chất nông thôn được chỉnh trang, tu sửa, xây dựng khang trang, đẹp đẽ. Trong đó, 100% đường giao thông liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa đường giao thông liên thôn, nội đồng được cứng hóa, đảm bảo đường liên thôn, xóm không còn bị ngập nước vào mùa mưa.

Ngọc Phụng đã xóa bỏ nhà ở tạm bợ và các hộ dân xây nhà cao tầng, kiên cố. Trên địa bàn xã có 3 trong số 4 trường học đạt chuẩn quốc gia. 100% số hộ dùng điện sáng sinh hoạt, phương tiện nghe, nhìn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần, văn hóa của người dân. Cuối năm 2015, Ngọc Phụng vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Theo thống kê của xã, đến cuối năm 2017, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn đầu tư của Agribank tại xã Ngọc Phụng tăng 213%,  với tổng dư nợ là 68 tỷ đồng và 843 hộ gia đình là bà con nhân dân xã đang sử dụng vốn vay Agribank.

Ông Vũ Ngọc Nam, Chủ tịch UBND xã khẳng định, có nguồn lực từ Agribank, việc xây dựng NTM thêm khí thế. Agribank đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay, bà con trong xã đầu tư phát triển SXKD hiệu quả, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 26,6% vào năm 2010 xuống còn 4,12% vào năm 2017.

Tận mắt chứng kiến trang trại tổng hợp của gia đình ông bà Trần Văn Lập và Đỗ Thị Chín ở thôn Quyết Tiến, xã Ngọc Phụng sử dụng nguốn vốn vay Agribank để phát triển kinh tế, chúng tôi cảm nhận được thế nào là vốn làm giàu như cách diễn đạt của chính quyền xã.

Thời điểm năm 1997, gia đình ông Lập vay Agribank món nhỏ nhất là 500.000 đồng, rồi vay tăng dần lên 2 triệu đến 50 triệu và tháng 6/2017 vay Agribank (chi nhánh huyện Thường Xuân) 200 triệu đồng.

Bà Đỗ Thị Chín chia sẻ, nhờ đồng vốn của Agribank, tôi có thể phát triển từ nuôi gà, dê, trâu. Lấy ngắn nuôi dài, đến nay gia đình đã xây dựng được trang trại tổng hợp gồm cả gà, dê, trâu, tăng quy mô đàn và trồng được 10 ha keo, 10 ha luồng. Thu nhập của gia đình mỗi năm khoảng 350 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, mỗi năm cho lãi khoảng 150 triệu đồng.

Cũng theo bà Chín, do quy mô nên vẫn phải thuê lao động, số làm việc thường xuyên 10 người, còn lúc cao điểm sử dụng đến 30 người, tất cả đều là lao động địa phương và mức thu nhập của lao động khá hơn nhiều so với đi làm thợ xây hay đi công nhân ở các Cty xa nhà.

Còn gia đình ông Hoàng Văn Vinh ở thôn Hưng Long phấn khởi khi nguồn vốn đầu tư của Agribank, con trai không phải đi làm ăn xa, cùng gia đình làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Ông Vinh nói, năm 2000 tôi vay vốn Agribank để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, khu vực này chuyên trồng mía cho nhà máy đường Lam Sơn và chuyên làm nông nghiệp. Từ tiềm năng này, gia đình đã tích góp mua 1 máy cày cỡ nhỏ, nhưng không đủ công suất phục vụ, đến tháng 9/2017, tôi vay thêm 250 triệu đồng mua 1 máy cày Kobuta 500 mã lực với ưu đãi 2 năm đầu vay không lãi suất, năm thứ 3 lãi suất 50% và vay trong vòng 5 năm. Nhờ đó mà công việc của hai bố con cứ ngày này qua tháng khác, thu nhập khá lắm.

Hiện, theo tính toán của gia đình, máy này có thể phục vụ 30 ha đất trồng lúa và 7,5 ha trồng màu. Nếu với giá hiện tại 300.000 đồng/sào thì mỗi năm gia đình ông Vinh thu được 225 triệu đồng, trừ chi phí chắc sẽ hoàn trả được vốn.

Ông Trịnh Ngọc Thanh, Giám đốc Agribank chi nhánh Thanh Hóa cho biết, hoạt động tại địa bàn tỉnh rộng lớn, đến 31/12/2017, tổng nguồn vốn đạt trên 24.000 tỷ đồng, dư nợ trên 30.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm 92,6%/tổng dư nợ.

Kết quả cho vay thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011- 2017 tại Thanh Hóa đạt trên 42.000 tỷ đồng, dư nợ đến 31/12/2017 gần 20.000 tỷ đồng. Nguồn vốn Agribank đã góp phần tích cực vào kết quả xây dựng NTM của Thanh Hóa.

 

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.