| Hotline: 0983.970.780

Agribank đồng hành cùng TP.HCM trong phát triển “tam nông”

Thứ Ba 15/01/2013 , 11:10 (GMT+7)

“Chúng tôi cam kết đồng hành về tín dụng và dịch vụ ngân hàng với tất cả các chương trình phát triển nông nghiệp - nông thôn của TP.HCM”, đó là khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank.

“Chúng tôi cam kết đồng hành về tín dụng và dịch vụ ngân hàng với tất cả các chương trình phát triển nông nghiệp - nông thôn của TP.HCM”, đó là khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) tại Hội thảo “Vai trò của Agribank về tín dụng và dịch vụ ngân hàng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh” vừa được tổ chức tại TP.HCM.

Tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp nông thôn

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông thôn (NNNT) trong quá trình phát triển của TP.HCM. Nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền thành phố đã triển khai và thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển NNNT, xóa đói giảm nghèo, nền tảng là chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong NNNT trên địa bàn TP, phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao; phát triển làng nghề du lịch; xây dựng mô hình NTM… với nhiều chính sách hỗ trợ.

Theo bà Hồng, mặc dù tỉ trọng đóng góp cho GDP TP ở mức độ thấp so với các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ, song sự phát triển của lĩnh vực NNNT không chỉ thúc đẩy kinh tế khu vực này tăng trưởng ổn định và ngày càng nâng cao chất lượng, mà còn đảm bảo an sinh xã hội, tạo thu nhập và việc làm, cải thiện đời sống người dân ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hiện nay là làm thế nào để cung ứng vốn nhiều hơn, hiệu quả hơn, bảo đảm an toàn nguồn vốn, nhất là trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn.

Riêng Agribank và các ngân hàng trên địa bàn sẽ tháo gỡ cơ chế ra sao để tăng quy mô nguồn vốn và tập trung nguồn vốn với lãi suất thấp cho vay lĩnh vực NNNT; tăng nguồn vốn trung, dài hạn để cho vay phát triển hạ tầng nông thôn; cho vay đầu tư mở rộng SX; nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất khu vực này là vấn đề đang đặt ra cấp bách.


Agribank cam kết đồng hành cùng TP.HCM trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Agribank xác định tiếp tục giữ vững vị thế, phát huy vai trò quan trọng của Ngân hàng Thương mại nhà nước hàng đầu tại TP.HCM, khẳng định vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực NNNT tại khu vực này thông qua ưu tiên đẩy mạnh đầu tư tín dụng gắn với các chương trình, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương TP.HCM.

Tập trung ưu tiên đầu tư cho khu vực NNNT với nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này tăng trưởng hàng năm 15% - 17%. Phấn đấu đến năm 2015, dư nợ cho vay NNNT trên địa bàn TP.HCM chiếm khoảng 50% tổng dư nợ, với cho vay NNNT đạt khoảng 40.000 tỉ đồng; riêng đối với các huyện ngoại thành, dư nợ cho vay NNNT chiếm bình quân 65% tổng dư nợ. Thực hiện đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phục vụ nhiều đối tượng khách hàng trên địa bàn TP.HCM.

Không để nông dân thiếu vốn

Với thị phần chiếm khoảng 9% vốn tín dụng của cả địa bàn, lượng vốn Agribank cung ứng hằng năm tập trung vào các lĩnh vực: thu mua, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu thủy sản, lương thực, đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Hiện tại Agribank đầu tư tín dụng cho khu vực TP.HCM đạt 71.191 tỉ đồng, chiếm 15% tổng dư nợ của Agribank. Trong đó, dư nợ cho vay NNNT đạt 28.854 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 40,5% tổng dư nợ. Các chi nhánh huyện ngoại thành tỉ lệ cho vay NNNT bình quân đạt trên 50%. Nhiều chi nhánh ngoại thành có tỉ lệ cho vay NNNT cao như Cần Giờ (99%), Củ Chi (65%)...

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X của Đảng “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về “Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn”, Quyết định 63/2010/QĐ-TTg về hỗ trợ tổn thất sau thu hoạch, Agribank kết hợp cho vay đầu tư phát triển NNNT với nhiều chương trình cho vay khác nhau như: cho vay thu mua lương thực (dư nợ 1.696 tỉ đồng), cho vay nuôi trồng và khai thác thủy sản (1.456 tỉ đồng), cho vay xuất khẩu lương thực, thủy sản (1.600 tỉ đồng); cho vay chăn nuôi gia súc gia cầm (1.000 tỉ đồng), cho vay đầu tư trồng và khai thác các loại cây lâu năm (cà phê, cao su, chè, hồ tiêu: 700 tỉ đồng)…

Tính riêng cho vay theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ, hằng năm doanh số cho vay đạt khoảng 15.000 tỉ đồng với gần 20.000 lượt khách hàng vay vốn mỗi năm, số khách hàng còn dư nợ gần 17.000 tỉ đồng.

Để phù hợp với định hướng kinh doanh và đặc thù trên địa bàn, Agribank đã triển khai thành công gói sản phẩm tín dụng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực NNNT để thu mua lúa gạo, chế biến lương thực, cà phê, thủy sản... như: TCty Lương thực miền Nam (Vinafood II), TCty Nông nghiệp Sài Gòn, Cty Cổ phần Bảo vệ thực vật Sài Gòn, Cty Agrimex, Cty TNHH Lương thực Bình Tây… Riêng đối với Vinafood II, Agribank đã ký kết thỏa thuận cung cấp chùm sản phẩm dịch vụ ngân hàng trọn gói, với gói tín dụng cam kết 3.500 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, cho rằng, ngân hàng và các cấp chính quyền TP cần phải đổi mới cơ chế, thủ tục và đề ra những giải pháp đồng bộ, có tính chiều sâu nhằm tăng quy mô nguồn vốn và tập trung nguồn vốn với lãi suất thấp cho vay lĩnh vực NNNT. Ông Phụng nêu ra 4 kiến nghị: cho phép người dân vay bổ sung để mua máy móc, thiết bị, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng... chỉ cần có xác nhận của chính quyền địa hương và ngân hàng căn cứ vào số tài sản thế chấp cũ; ngân hàng cần mạnh dạn cơ cấu lại nợ vay cho nông dân và xem xét giảm, dãn nợ đối với các khoản cho vay với lãi suất cao trước đây; phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống của hội nông dân và hệ thống Agribank; đẩy mạnh liên kết “4 nhà”.

Trong khi đó, ông Lê Minh Dũng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, đề nghị Agribank rà soát, điều chỉnh cơ chế phối hợp giữa các bên trong việc thực hiện chính sách, nhất là các thủ tục chi trả kinh phí hỗ trợ lãi vay từ ngân sách cho ngân hàng, đảm bảo đầy đủ và kịp thời. Cũng theo ông Dũng, hiện nay việc các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng vẫn còn nhiều khó khăn do không có tài sản đảm bảo tiền vay theo qui định của ngành ngân hàng. Do đó, trong thời gian tới cần phát huy vai trò của quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân cần vay vốn nhưng không có tài sản đảm bảo tiền vay.

Tâm đắc với các ý kiến hiến kế đẩy mạnh tín dụng và dịch vụ ngân hàng, ông Nguyễn Ngọc Bảo yêu cầu lãnh đạo các chi nhánh của Agribank tại TP.HCM phải bắt tay ngay vào làm mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ. Thứ nhất, năm 2013 xác định rõ tỉ trọng cho vay “tam nông” trong tổng dư nợ. Thứ hai, bám sát vào định hướng phát triển nông nghiệp của TP để xây dựng các chương trình tín dụng phù hợp. Đặc biệt là các chi nhánh trên địa bàn các huyện cần mở ngay hội nghị khách hàng hộ nông dân, mời lãnh đạo địa phương chủ trì; điều tra kinh tế địa bàn, xác định rõ nhu cầu vay vốn, dịch vụ phù hợp, bảo đảm lưu chuyển dòng tiền. “Ngân hàng phải cùng chung nhịp thở với hộ sản xuất”, ông Bảo nhấn mạnh. Ông cũng yêu cầu các chi nhánh làm tốt công tác tư vấn cho khách hàng. Rà soát lại toàn bộ thủ tục để cải tiến. Làm rõ các thủ tục xem điểm nào bất hợp lý để xóa bỏ, tiết kiệm thời gian cho khách hàng. “Agribank bảo đảm không để hộ nông dân nào có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả mà thiếu vốn”, ông Nguyễn Ngọc Bảo cam kết.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm