| Hotline: 0983.970.780

Ai cấm cản việc chuyển đổi SX ở Nông trường Rạng Đông?

Thứ Sáu 24/08/2012 , 09:46 (GMT+7)

Rạng Đông bế tắc không phải do lãnh đạo yếu kém, ăn tàn phá hoại gì, cũng không phải các nông trường viên không biết làm ăn...

Trong tâm trí những người dân miền Bắc XHCN sinh ra trong những năm 60, 70 của thế kỷ trước như chúng tôi, một loạt những cái tên Nông trường Rạng Đông, Nông trường Ba Sao, HTX Vũ Thắng... từng trở thành niềm tự hào, "thương hiệu" của nền SXNN lớn thời tập thể hóa, hợp tác xã toàn xã.

Nay thì Vũ Thắng đã mất, Ba Sao ngắc ngoải, có chăng Rạng Đông còn ngọ nguậy sống được. Ấy thế mà đùng cái ông bạn quê Nghĩa Hưng (Nam Định) điện lên thông báo, Rạng Đông nếu không "tháo ngòi" sớm cũng dễ đi theo vết xe đổ của hàng loạt nông trường quốc doanh từng một thời mọc lên như nấm. Hỏi vì đâu nên nỗi, mới hay Rạng Đông bế tắc không phải do lãnh đạo yếu kém, ăn tàn phá hoại gì, cũng không phải các nông trường viên không biết làm ăn. "Vậy thì do ông trời?", tôi hỏi. Ông bạn thốt lên: "Đúng đấy, do ông trời. Không tin ông về đây mà xem. Mắt thấy tai nghe sẽ rõ hơn".

Suốt chặng đường về Rạng Đông tôi cứ bán tín bán nghi những điều bạn nói. Từ TP Nam Định, về Nam Trực, sang Trực Ninh quan sát hai bên dường thấy lúa mùa tốt bời bời, bất chợt đến huyện Nghĩa Hưng thấy ruộng nào lúa cũng tơi tả, loi thoi như vừa trải qua một trận ngập lụt nặng, lúa không phủ kín đất. Càng về gần hướng Cty TNHH Nhà nước MTV Rạng Đông (nay đã được đổi tên), các ruộng lúa càng tệ hại. Ai đời lúa mùa chỉ còn vài tuần nữa là trỗ mà như mới cấy, cây lúa không có sức sống, còi cọc, lá úa vàng hoặc xơ tướp. Lúa này chắc chắn không cho thu hoạch, hoặc dân chăm sóc khéo cũng chỉ vài chục cân thóc mỗi sào. 

Nông dân Nghĩa Hưng nổi tiếng thâm canh lúa giỏi, từng là ngọn cờ về năng suất lúa ở miền Bắc chẳng lẽ giờ làm ăn xuống dốc thế? Điều này chỉ đến khi gặp ông Đỗ Thanh Hải, Chủ tịch Cty Rạng Đông tôi mới được cắt nghĩa rõ ràng. Khoảng vài năm trở lại đây do biến đổi khí hậu, nước mặn liên tục xâm nhập vào các diện tích gieo cấy lúa của Rạng Đông, thành ra những vùng nước ngọt biến thành nước mặn hoặc mặn - ngọt đan xen nhau (đúng là do ông trời thật- tôi chợt nghĩ). Tuy độ mặn chỉ vài phần ngàn, có thể chưa là gì với những vùng nuôi trồng thủy sản nhưng cây lúa vốn chỉ phù hợp nước ngọt thì không chịu nổi, dù chỉ ngập mặn một hai ngày. Hàng trăm ha lúa của Rạng Đông bị nhiễm mặn, không cho thu hoạch hoặc thu hoạch thấp. Nông trường viên nhận khoán thất thu, Cty cũng không thu được sản, cả hai cùng lao đao.


Mặc dù việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản cho thu nhập cao nhưng tỉnh Nam Định vẫn không ủng hộ phương án chuyển đổi của Cty Rạng Đông (Ảnh minh họa)

Từng có 2 đời cư ngụ ở nông trường (bố mẹ ông Hải từng công tác ở Rạng Đông), ông Hải là người hiểu rất rõ vấn đề này. Trong tổng cộng khoảng 1.000ha đất do Rạng Đông đang quản lý thì hiện một nửa đã bị mặn xâm nhập theo từng mức độ khác nhau. Đặc biệt nồng độ mặn tăng nhanh, cùng với cường độ xâm nhập vào sâu hơn, diện rộng hơn. Trước mặn tiến sâu vào 10 cây số thì chỉ vài năm rồi đã tăng lên 20 cây, và chẳng biết mấy năm nữa mặn còn vào sâu đến đâu. Thành ra trong 850ha đất nông nghiệp (450ha trồng lúa, 335ha thủy sản, còn lại đất thủy lợi) thì đất lúa ngày càng bị thu hẹp. Không chỉ ít đi mà những diện tích cấy lúa cưỡng năng suất rất thấp, nhiều chỗ không có thu. 

Thế là âm thầm diễn ra một cuộc chuyển đổi ở Rạng Đông. Người dân nhận khoán chuyển dần đất vốn trồng lúa sang nuôi cá - tôm - cua. Chuyển bí mật, công khai, bán công khai đều có. Tình hình y hệt khoán chui ở Vĩnh Phú thời Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc. Thực ra, ngay từ năm 2002, ở Rạng Đông đã có phong trào chuyển đổi này, phát triển mạnh nhất vào 2006, tổng cộng được khoảng 165ha. Lúc đầu chuyển đổi tự phát, sau còn được Bộ NN- PTNT về tặng Bằng khen nên khí thế chuyển đổi ào ạt lắm. Ông Hải ủng hộ chuyển đổi bởi theo ông đất hợp với nuôi trồng thủy sản thì nuôi trồng thủy sản, cố cấy lúa làm gì. Thậm chí Báo Nam Định còn về viết bài khen ngợi, coi đó là một hướng đi mới.

Theo tính toán của ông Hải, với các vùng nước mặn lợ nếu nuôi cá mú, cá song giá bán thấp nhất cũng 200-210.000 đ/kg (năm ngoái tới 260.000 đ/kg); cá bống, cá bớp tới ngót 300.000 đ/kg; nuôi tôm cua thu nhập còn cao hơn nhiều (hiện diện tích nuôi trồng các loài hải sản này đã lên tới 125ha). Với các vùng nước ngọt nuôi cá trắm đen, lóc bông, diêu hồng... cũng cho thu nhập không dưới 80 triệu đồng/ha. Đó là nuôi nhỏ lẻ, tận dụng, nuôi thâm canh quy mô công nghiệp thu nhập còn cao hơn nữa. Những khu chuyển đổi với vườn cây, ao cá, nhà cửa san sát, về đêm lấp lóa ánh đèn ở Rạng Đông ngày càng nhiều. Chiếc áo của một nông trường thời bao cấp, làm ăn kiểu rong công, gõ kẻng đã lùi xa. Rạng Đông đã tươi sáng trở lại sau cơ chế quốc doanh, cha chung không ai khóc.

Xâm nhập mặn ngày càng diễn ra mạnh mẽ, quá trình "mặn hóa" Rạng Đông có nguy cơ đẩy nông trường ra gần biển hơn, biến Rạng Đông từ một nông trường trồng lúa chuyển dần sang lúa- thủy sản và cuối cùng có thể chỉ còn là nông trường thủy sản? Trên thực tế, đo là một điều không ai có thể chối cãi. Tuy nhiên khí thế chuyển đổi rầm rộ ở Rạng Đông đang diễn ra suôn sẻ thì bị ngăn trở, kể từ năm 2009. Thậm chí Chủ tịch Cty Đỗ Thanh Hải còn bị "xét lại" vì tội chuyển đổi quá mạnh tay. Cái quy luật khách quan bị chối bỏ, người ta vẫn bắt dân cấy lúa trên đất nhiễm mặn. Mà hậu quả nhãn tiền là hơn 300ha lúa vụ mùa 2012 này của vùng Nghĩa Hưng bị mặn đã gần như mất trắng, trong đó Rạng Đông cũng mất ngót trăm ha.

Hôm tôi đến, Giám đốc Sở NN- PTNT Nam Định vẫn đang gọi điện ồi ồi giục ông Hải xin mót mạ về cấy dặm cho những diện tích lúa chết. Ai đời tháng 7 âm lịch còn đi cấy lúa mùa, chỉ có thu được rơm mà thôi. Tôi hỏi ông Hải, ai cấm Rạng Đông chuyển đổi, ông chỉ ậm ừ vì nói ra sợ "phạm thượng". Chỉ biết tỉnh cấm. Dẫn tôi đi thăm những thửa ruộng lồ lộ đất, không có màu xanh của lúa, con người từng một thời gắn bó với Rạng Đông chỉ biết thở dài. Một hình ảnh tương phản nhau rất rõ: bên nuôi trồng thủy sản tôm, cá được mùa, dân vui vẻ phấn khởi; bên cấy lúa cầm chắc mất mùa, nên ai cũng chán nản. Lý do cấm chuyển đổi? Theo ông Hải, lãnh đạo tỉnh bảo căn cứ vào Nghị định 42 tăng cường quản lý đất lúa.

"Những năm gần đây, Cty TNHH MTV Nông nghiệp Rạng Đông (Nông trường Rạng Đông cũ) đã chuyển đổi vùng cấy lúa, sản xuất muối kém hiệu quả sang nuôi thủy sản tập trung với diện tích là 314ha. Năm 2011, diện tích nuôi thủy sản nước ngọt của Cty là 193ha, chủ yếu là các con nuôi có giá trị kinh tế cao như cá lóc bông, cá diêu hồng, cá trắm đen và các loại cá truyền thống. Năm nay, Cty đã nuôi 158 nghìn con cá lóc bông giống trên diện tích khoảng 40ha, dự kiến sản lượng thu hoạch ước đạt 13-15 tấn/ha, trừ chi phí, lợi nhuận ước đạt hơn 45 triệu đồng/ha. Nhiều hộ đạt hiệu quả kinh tế cao từ nuôi cá lóc bông như hộ các ông: Nguyễn Văn Biêm, Phạm Văn Quang, Phạm Văn Hùng, Nguyễn Minh Công...."

(Theo Báo Nam Định điện tử ngày 22/11/2011)

Thì ra thế. Ngay trên đường từ TP Nam Định về Rạng Đông, dàn dạt các khu công nghiệp lấy cả trăm ha đất hai lúa mọc lên, trong đó nhiều khu đô thị dọc 2 bên dường dẫn lên cầu Tân Đệ vẫn bỏ hoang. Đất 2 lúa màu mỡ như vậy vẫn chuyển đổi, trong khi đất Rạng Đông mặn chát thì ép cấy lúa. Liệu đây có phải là một chủ trương ngược đời của lãnh đạo tỉnh Nam Định? Nhiều lần đánh liều, ông Hải cứ làm văn bản gửi lên tỉnh cố thuyết phục lãnh đạo xin chuyển đổi khoảng 150ha không thể cấy lúa vì năm nào cũng mất mùa nhưng liên tục bị từ chối. Có người còn bảo ông chống lại nghị định Chỉnh phủ. Giờ thì ông đã nản. Trăn trở với tình trạng này, ông Hải mò lên tận Viện Cây lương thực- cây thực phẩm tìm 4 giống lúa kháng mặn về gieo cấy thử, may ra có thể nhân ra diện rộng nhưng không thành công.

Mấy năm nay do cấy lúa mất trắng đã có nhiều hộ nhận khoán trả lại đất nông trường, ông Hải lại chịu khó đi thuyết phục họ cố cấy thêm một vài vụ xem sao. Nhưng thuyết phục sao được khi nhìn sang bên nuôi trồng thủy sản, vườn cây ao cá tươi tốt, tiếng máy tạo oxy cho tôm chạy ro ro, đêm về các khu chuyển đổi này điện sáng cả góc trời, không khí làm ăn tấn tới hiển hiện khắp nơi. Nhìn sang bên ruộng cấy lúa cưỡng, gần cuối vụ lúa vẫn chưa phủ kín đất. Một hình ảnh dù chỉ là người dân bình thường cũng thấy, không hiểu sao lãnh đạo tỉnh Nam Định không nhận ra?

Ông Hải đưa tôi tôi bản báo cáo với những con số biết nói: vụ xuân 2008 có 83/503ha lúa thất thu thì sang vụ mùa tăng lên 104ha, rồi vụ mùa 2009 tăng lên 253/520ha thất thu; vụ xuân 2010 152/494ha thất thu, vụ mùa 2011 lại có 136/428ha không cho thu hoạch hoặc giảm năng suất. Lúa ở Rạng Đông chỉ tạo ra giá trị 15- 20 triệu đồng/ha/năm trong khi vùng nuôi trồng thủy sản chuyển đổi nước mặn lợ lên tới 30- 50 triệu đồng/ha, nước ngọt 25-35 triệu đồng/ha. Điều này minh chứng cho một chủ trương đúng đầy tính thuyết phục nhưng vẫn bị lãnh đạo tỉnh Nam Định và ngành NN- PTNT địa phương bỏ qua.

Cứ ngỡ thời ông Kim Ngọc mới có khoán chui, mới có "kiểm điểm, xét lại" mặc dù chủ trương đó làm lợi rất lớn cho dân, mở ra một cánh cửa cho đất nước từ đói ăn đến dư thừa gạo xuất khẩu. Ở Cty Rạng Đông đầu những năm 2000 rồi, tức là sau Kim tiên sinh tới mấy chục năm hóa ra vẫn có tình trạng ấy. Buồn thay. 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm