| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 19/05/2018 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 19/05/2018

Ai chạy chức, chạy quyền...?

Tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Không ít cán bộ, quản lý doanh nghiệp thiếu ý chí tu dưỡng, rèn luyện, thậm chí lợi dụng sơ hở, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.

nhn-su145802210
Ảnh minh họa

Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... chậm được ngăn chặn và đẩy lùi...”. Đó là một lời cảnh tỉnh nóng bỏng và cần thiết, bởi lẽ các kiểu “chạy” chốn quan trường không chỉ làm tha hoá cán bộ mà còn đẩy xã hội vào tình trạng nhiễu nhương bất ổn!

Chỉ trong một thời gian ngắn, người dân cả nước đã phấn kích và hy vọng khi cuộc chiến chống tham nhũng được phát động mạnh mẽ. Câu nói hùng hồn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “lò đã nóng, cho củi tươi vào cũng cháy” được xem như một lời hiệu triệu để các giới, các ngành lấy lại niềm tin về một xã hội tốt đẹp.

Thực tế, nhiều đại án đã được xử lý, nhiều các bộ cấp cao đã phải đứng trước toà án để cúi đầu nhận lấy hình phạt nghiêm khắc dành cho sai phạm của họ. Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đánh giá: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thậm chí vi phạm pháp luật, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Chỉ tính trong 10 năm gần đây, các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương đã phát hiện hơn 7.000 vụ vi phạm, trong đó có 280 vụ phải xử lý hình sự, hơn 1.700 cán bộ, đảng viên phải xử lý kỷ luật Đảng và 181 người phải xử lý bằng pháp luật".

Các vấn nạn chạy chức, chạy quyền… luôn gắn với lịch sử của các quan tham. Khi kỷ cương buông lỏng, thì chốn công danh bắt đầu muôn kiểu “chạy”. Sách xưa còn ghi lại rất rõ, cuối thời Hậu Lê đã loạn lạc nạn mua quan bán chức thông qua các khoa thi, khiến triều đình phải tổ chức lại kỳ thi Hương năm 1726. Thậm chí, từ năm 1730, trong các kỳ thi Hương, ai nộp ba quan tiền thì miễn khảo hạch coi như đỗ sinh đồ (tú tài). Quan lộ có lối tắt, nên danh phận sụp đổ, và kéo theo cả hệ thống tan nát.

Đến thời nhà Nguyễn, vấn đề đạo đức quan trường lại một lần nữa được đặt ra khẩn cấp. Theo sách “Khâm định Đại nam Hội điển sự lệ, dưới triều Nguyễn, quan lại nhận hối lộ dù chỉ một lạng (10 đồng) cũng bị cách chức không được bổ dụng. Người môi giới bị xử tội nhẹ hơn người nhận hối lộ một bậc. Việc định tội căn cứ số tiền tang vật. Dưới thời vua Minh Mạng, những viên quan sách nhiễu, nhận hối lộ bị trị tội rất nặng, có khi vượt qua cả khung hình phạt pháp luật. Nhà vua thường sử dụng nguyên tắc: “Sát nhất nhân, vạn nhân cụ” (Giết một người để muôn người sợ mà tránh).

Vấn nạn chạy chức, chạy quyền… nếu không khống chế cấp bách, sẽ nhanh chóng hình thành thị trường mua quan bán tước. Khi cái ghế quan trường đặt năng lực và phẩm giá xuống dưới, thì thói cơ hội và tham lam sẽ ngự trị phía trên. Bài học kinh nghiệm “đả hổ diệt ruồi” của Trung Quốc đã cung cấp nhiều bài học thú vị. Xin đơn cử một trường hợp. Tại tỉnh Sơn Đông, Lưu Trình Kiên làm Bí thư Huyện uỷ Cự Dã còn vợ ông là Giang Anh Quyên làm Phó trưởng công an huyện Cự Dã. Hai vợ chồng Lưu Trình Kiên và Giang Anh Quyên đã đưa ra nguyên tắc “giúp ai mới nhận tiền, chỉ nhận tiền những người có khả năng đề bạt” để mua bán chức vụ. Chỉ trong một nhiệm kỳ Bí thư Huyện uỷ Cự Dã, Lưu Trình Kiên và vợ đã nhận hối lộ của 41 người để cất nhắc họ, và thu được số tiền 1,3 triệu USD. Khi đứng trước toà nhận án chung thân, Lưu Trình Kiên đã khai ra bảng giá mua quan bán chức rất đáng giật mình: chức chủ tịch xã hoặc chủ tịch thị trấn là 100 ngàn tệ, chức bí thư xã hoặc bí thư thị trấn là 200 ngàn tệ, còn chức trưởng ban ngành trong huyện là 200 ngàn tệ…

Ở nước ta chưa có trường hợp công khai như quan tham Lưu Trình Kiên, nhưng hiểm hoạ chạy chức, chạy quyền đã ám ảnh lên đời sống cộng đồng. Và đường dây chạy chức, chạy quyền không phải hình thành một sớm một chiều. Bây giờ, dưới dự lãnh đạo của Đảng, câu chuyện chạy chức, chạy quyền một lần nữa được đặt lên bàn nghị sự.

Trung tướng Trần Đơn - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu về đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" với tâm tư: "Tôi đề nghị Trung ương cần nghiên cứu cái này và có biện pháp, chế tài để chúng ta có thể ngăn chặn được. Ít nhất là giảm tối đa việc chạy chức, chạy quyền và có chế tài giám sát người đứng đầu nếu trách nhiệm của anh mà anh để như thế thì không được. Đây chính là mấu chốt dẫn đến câu chuyện tại sao chúng ta có quy chế đầy đủ hết, quy trình đầy đủ nhưng người thực hiện thì sai. Nó xuất phát từ chỗ này. Tôi cho rằng nếu chúng ta làm được điều này thì chúng ta giảm thiểu rất lớn nạn chạy chức, chạy quyền".

Muốn giám sát quyền lực, không có cách nào tốt hơn là phát huy sức mạnh của quần chúng. Dựa vào dân để giám sát cán bộ. Chính tai mắt của dân sẽ làm chùn tay những ai manh nha ý định lợi dụng chức vụ và quyền hạn để trục lợi. Người ta chạy chức, chạy quyền vì tin rằng chỉ cần có một cái ghế ngon lành thì có thể tha hồ bòn rút tài sản công và có thêm nhiều nguồn thu nhập từ hành vi bắt chẹt và hà hiếp người khác.