| Hotline: 0983.970.780

Ai có quyền 'ném đá' vào cái đẹp?

Thứ Bảy 20/01/2018 , 08:30 (GMT+7)

Sau trường hợp Hoa hậu Đại Dương 2017 bị chê lên chê xuống trên các trang mạng xã hội, thì lại đến trường hợp Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2017 nhận được những lời dè bỉu thô tục.

Sự việc nhanh chóng kết thúc, người dùng ngôn ngữ kém văn minh với Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2017 cũng đã chính thức xin lỗi, nhưng dư âm vẫn khiến công chúng chạnh lòng.

dm-luu-ly-2110734198
Hoa hậu Áo dài Đàm Lưu Ly

Trong thời đại kết nối toàn cầu, cái đẹp dễ bị tổn thương như vậy sao? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Hoa hậu Áo dài Đàm Lưu Ly - người đã giành vương miện hơn 20 năm trước, và hiện tại vẫn là một nhân vật có ảnh hưởng trong giới showbiz và giới doanh nhân.

Thưa Hoa hậu Đàm Lưu Ly, sự cố xung quanh Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2017 - H’Hen Niê, chị có theo dõi chứ?

Tôi thực sự rất ngỡ ngàng. Tôi không hiểu tại sao người ta lại có thể sử dụng những câu chữ dơ bẩn như vậy để viết về một Hoa hậu! Yêu ghét là quyền cá nhân, nhưng muốn bình luận về cái đẹp thì hãy biết yêu cái đẹp. Hơn nữa, nhận định về một người phụ nữ, phải đắn đo cho đúng phép lịch sự.

Trên Facebook thì thị phi về người nổi tiếng luôn là một miếng mồi thơm…

Đúng, nhưng không thể nhân danh Facebook là chốn riêng tư để thỏa sức miệt thị người khác. Theo tôi, người của công chúng thì phải chấp nhận mọi sự phán xét của đám đông, nhưng không thể dung túng cho những hành vi thóa mạ người khác. Tôi sẽ khởi kiện, nếu ai đó viết về tôi bằng thái độ vô văn hóa.

Không chỉ có Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2017 bị dính “họa” Facebook, mà cư dân mạng cũng từng bàng hoàng vì kiểu hành xử “chợ búa” của cựu người mẫu Trang Trần với diễn viên hài Xuân Hương…

Theo tôi, chị Xuân Hương đưa vụ việc ra ánh sáng pháp luật là rất đúng. Giới nghệ sĩ mấy năm qua đã lắm scandal rẻ rúng, không thể chấp nhận thêm những chiêu trò bậy bạ trên mạng xã hội. Giới nghệ sĩ cần làm gương cho cộng đồng về những hành vi trong thế giới ảo.

Bây giờ, dường như người ta xem Facebook như là một nơi để trút giận…

Và còn là nơi để vài kẻ tự phong “thánh” cho mình, coi bản thân tài ba và lỗi lạc hơn thiên hạ, bằng những dòng trạng thái chửi bới ồn ào.

Thật đáng buồn, nếu Facebook càng ngày càng khiến xã hội hoảng sợ vì các loại “rác” được xả bừa bãi…

Tôi vẫn cho rằng, Facebook là một thành tựu có giá trị kéo gần những khoảng cách giữa con người với con người. Mặt khác, Facebook cũng giúp mọi tiếng nói, dù thấp bé nhất, vẫn được vang lên một cách bình đẳng. Tuy nhiên, hấp thụ và ứng dụng tiện ích của Facebook như thế nào, lại đòi hỏi phẩm chất văn hóa của người dùng.

Chị có cảm giác phần lớn những người đang sử dụng Facebook đều có mục đích hơi lệch lạc không?

Tôi không cực đoan như vị nữ tiến sĩ gì đó bảo rằng, những người chơi Facebook là “đám quần chúng không hiểu gì cứ ào ào vào ném đá”. Facebook cũng giống như một xã hội cởi mở, có trăm loại người khác nhau và có hàng triệu cá tính khác nhau. Quan trọng là làm sao để người dùng Facebook xác định được rằng một tài khoản trên mạng cũng có ý nghĩa như một thẻ căn cước ngoài đời. Hãy giữ hình đại diện của mình trên Facebook không bị lấm lem cũng giống như giữ gìn thẻ căn cước của mình không bị hư hỏng hoặc hoen ố!

Bàn về Facebook gần đây, không còn ai bàn về trữ lượng thông tin mà lại bàn về văn hóa ứng xử…

Đúng! Trở lại chuyện Hoa hậu H’Hen Niê bị phỉ báng. Tôi nghĩ, không phải ai cũng có quyền ném đá vào cái đẹp. Đừng nhân danh cái đẹp để làm việc không đẹp với cái đẹp. Để viết về một Hoa hậu không đơn giản, nếu dựa trên sự hằn hộc vô lối thì càng không thể viết về Hoa hậu cho thấu tình đạt lý.

Để bớt tình trạng “ném đá” loạn xạ trên Facebook, có thể bắt đầu từ đâu?

Bắt đầu từ thành phần tinh hoa. Những người có danh phận trong đời cũng là người có danh phận trên mạng, như nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo, nhà khoa học… Facebook là phương tiện tốc độ nhất để truyền tải tâm tư, chỉ cần thành phần tinh hoa đưa ra những ý kiến đúng đắn và thuyết phục thì sẽ điều chỉnh được những cơn thịnh nộ vớ vẩn hoặc những ngôn từ thiếu kiềm chế của những cư dân khác trên mạng.

Đó có phải một nhiệm vụ bất khả thi chăng?

Không hề! Tôi tin vào sự sàng lọc của cuộc sống. Cái xấu, cái dở chỉ chiếm thượng phong tạm thời, chứ không thể đè bẹp cái đẹp, cái hay. Như hành vi thóa mạ H’Hen Niê chẳng hạn, chính dư luận trên mạng đã lên án gay gắt, trước khi cơ quan nhà nước ra văn bản xử lý đấy chứ!

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện. Chúc chị năm mới nhiều may mắn!

(Kiến thức gia đình số 3)

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.