| Hotline: 0983.970.780

Ai cũng ngước nhìn

Thứ Sáu 29/10/2010 , 11:05 (GMT+7)

Ngang qua xã Hải Thượng, thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, ai cũng muốn ngước nhìn bởi làng quê đẹp như tranh.

Trên hành trình thiên lý Bắc- Nam, khi ngang qua xã Hải Thượng, thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, ai cũng muốn ngước nhìn bởi làng quê đẹp như tranh. Có hai yếu tố làm cho Hải Thượng lung linh là sự cống hiến của người dân cho cộng đồng và niềm tự hào truyền thống quê hương luôn rạng ngời trên nét mặt của mỗi người dân. Hải Thượng vừa được chọn làm xã điểm xây dựng mô hình NTM của tỉnh Quảng Trị.

Những cá nhân đột phá

Thời nào cũng vậy, Hải Thượng luôn sinh ra những con người dám đổi mới, thách thức để các nơi khác học theo. Tôi gặp bà Phan Thị Cam Thảo, người được bà con mến yêu gọi là “người thổi tù và hàng tổng”, dù đã ngoài tuổi 80 vẫn miệt mài ươm mầm cho thế hệ trẻ. Bà Cam Thảo nói rằng chú trọng giáo dục tư tưởng, đạo đức cho các em học sinh là việc làm quan trọng nhất. Mỗi tháng, các em học sinh tiểu học, THCS và THPT ở thôn Thượng Xá được chia ra các lớp đến nhà bà sinh hoạt. Mỗi khối được tham gia một đêm vào tối thứ Bảy của ba tuần đầu trong tháng.

Muốn được vào học lớp của bà, các học sinh từ lớp 1 đến 12 phải nghiêm túc tự kiểm điểm lại mình, liên hệ với 5 điều Bác Hồ dạy, xem có em nào chưa thực hiện đúng. Sau đó các em được vào lớp học để nghe bà kể chuyện truyền thống quê hương và những tâm gương cao thượng, bà mong muốn gieo vào tâm hồn các em những suy nghĩ tích cực, trong sáng. Mỗi lời kể, mỗi câu chuyện của bà như tiếp thêm lòng say mê học tập và tình yêu quê hương, đất nước cho các em.

Kết thúc mỗi năm học, các em đạt học sinh khá, giỏi được bà khen thưởng bằng một chuyến đi học lịch sử ngay tại các di tích như Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, sân bay Tà Cơn, địa đạo Vịnh Mốc, thành cổ Quảng Trị, nhà tưởng niệm Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn...những bài học không có trong giáo trình nhưng ý nghĩa rất thiết thực.

Nếu như bà Cam Thảo chú trọng việc rèn luyện nhân phẩm cho thế hệ trẻ thì anh Hồ Chí Hướng, ở thôn Đại An Khê, lại làm đẹp quê hương bằng cách mang sản vật ra nước ngoài tiếp thị. Anh tự hào: “Tôi vừa đi Lào, Thái Lan để tiếp thị hàng nông sản của Hải Thượng, đặc biệt lúa của Hải Thượng thơm ngon tuyệt vời”. Con người anh giống cái tên của anh, luôn vươn lên khó khăn, khát khao chinh phục. Xuất phát điểm từ một cơ sở ban đầu là xay xát lúa gạo, phục vụ nhu cầu của người dân trong xã, sau gần mười năm anh Chí Hướng đã có hai cơ sở xay xát các loại nông sản đến 5 tỷ đồng.

Cái tài của anh Chí Hướng là các mặt hàng nông sản của anh làm ra đều xuất được ra nước ngoài, chứ không chỉ bán ở thị trường trong nước. Anh Hướng kể có lần sang Lào chào hàng với các doanh nghiệp sản xuất nông sản, khi thấy đối tác nói gạo Thái thơm, bột bắp của Thái ngon, anh xin được kiểm chứng ngay sản phẩm thì họ bảo phải đợi vài ngày sau mới có người mang mẫu đến. Không để cơ hội qua đi, anh liền kéo ba lô ra lấy gạo Hải Thượng và bột bắp của mình ra mời họ thưởng thức.

Thấy chất lượng nông sản Việt Nam tốt quá, ngay lập tức anh được doanh nghiệp nước ngoài nhận đặt hàng đều đều. “Thời nay làm cái gì cũng phải biết tính toán để đi trước người ta. Tôi đi chân đất, lội ruộng bùn non nhưng tầm nhìn nhất định sẽ không phải là chân đất”, anh Chí Hướng nói. Mỗi năm xã Hải Thượng làm được 3.500 tấn lúa, trừ đi phần tích trữ lương thực để ăn hàng tháng, số lúa còn lại của bà con được anh Chí Hướng bao tiêu không sót một kg. Mua hết sản phẩm nông nghiệp cho bà con rồi anh còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động.

Ở xã Hải Thượng, những người điển hình như anh Chí Hướng, bà Cam Thảo nhiều lắm. Chính họ đã góp công không nhỏ để tạo nên một Hải Thượng xứng đáng để các địa phương đến tham quan, học hỏi mỗi ngày.

Góp 3,6 vạn m2 đất mở đường

Sau khi nói chuyện với các nhân vật trên, tôi tìm đường về UBND xã. Từ ngã ba Long Hưng trên Quốc lộ 1A, đi theo con đường nhựa dài hơn 1 km thì đến. Đường về trung tâm xã Hải Thượng rộng thênh thang. Hai bên đường những gốc xà cừ cổ thụ vươn cành xoè tán kín bưng, khó tìm thấy ánh nắng. Song song với hai hàng cây là con kênh nước xanh biếc. Tôi tin rằng một người dù có kiệm lời gì chăng nữa, nhưng khi qua vùng quê này cũng phải thốt lên phong cảnh ở đây hữu tình và quá ấn tượng. Đây là đoạn đường trung tâm xã đẹp vào cỡ bậc nhất tỉnh Quảng Trị.

"Dù là xã nổi tiếng của tỉnh Quảng Trị trên nhiều lĩnh vực song xét tất cả thì Hải Thượng mới chỉ đạt được 10/19 tiêu chí xây dựng NTM. Có nhiều tiêu chí chỉ riêng sự nhiệt tình và tự giác của người dân không vẫn chưa đủ, rất cần sự đầu tư của cấp trên chúng tôi mới có điều kiện hoàn thành mục tiêu được”, ông Lê Ngọc Anh cho biết.
Ông Lê Ngọc Anh, Chủ tịch UBND xã Hải Thượng, nói còn có một chi tiết ít người biết về chuyện những con đường rộng thênh thang ở xã này.Ngoài con đường ấn tượng trên, mới đây người dân xã Hải Thượng đã hiến kế cho chính quyền huyện Hải Lăng, mở thêm con đường dài gần 5 km, nối từ Quốc lộ 1A về đến khu du lịch sinh thái trằm Trà Lộc. Khu du lịch nổi tiếng ấy nằm ở xã Hải Xuân. Song chỉ có mở đường về khu du lịch này băng qua xã mình thì hình ảnh Hải Thượng mới được du khách biết đến nhiều hơn.

Nghiệt một nỗi, muốn mở đường thì lấy tiền đâu ra để đền bù cho dân, khi cấp trên quy hoạch con đường du lịch này có chiều rộng 9 mét. Không để cơ hội đi qua, người dân Hải Thượng mở “Hội nghị Diên Hồng”, tất cả đều nhất trí hiến đất ở, đất sản xuất giúp nhà nước mở đường. Ông Phan Đình Thành, người hiến gần 300 m2 đất, bộc bạch: “Thời buổi nay biết rằng tấc đất, tấc vàng, nhưng bà con chúng tôi đồng sức đồng lòng hiến 36.000 m2 mở đường cho quê hương ngày càng đàng hoàng hơn. Đường có rộng, làng mới sang”.

Từ ngày con đường được mở ra, đúng là như các nông dân tiên đoán. Trường học, doanh nghiệp... mọc lên hai bên mặt tiền. Buôn bán, dịch vụ cho du khách được mở mang. Các cụ ngồi uống nước chè xanh rồi tự khen nhau. Tầm nhìn chân đất của nông dân thật thức thời!

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất