| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 18/04/2018 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 18/04/2018

Ai đã giúp VINACA lừa đảo?

Một cơ quan chống làm hàng giả, lại đi tôn vinh một loại hàng giả? Chuyện có lẽ chưa đâu có trên thế giới...

Việc thuốc VINACA được đồn thổi là có khả năng hỗ trợ điều trị ung thư, được bán rộng rãi với giá rất cao, vừa bị phát hiện là một loại hàng giả, chưa được Bộ Y tế cấp phép, được làm bằng bột than tre, trong một cơ sở bẩn thỉu, chỉ rộng chừng 10 m2 ở TP Hải Phòng, đã gây chấn động toàn xã hội.

Các sản phẩm của Công ty TNHH Vinaca

Nhân vụ việc này, dư luận nhớ ra rằng năm 2017, sản phẩm này đã được Viện Công nghệ chống làm hàng giả, một cơ quan trực thuộc Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) tôn vinh rầm rộ, là sản phẩm đạt top 10 “thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam”.

Một cơ quan chống làm hàng giả, lại đi tôn vinh một loại hàng giả? Chuyện có lẽ chưa đâu có trên thế giới. Phải chăng tấm bằng tôn vinh này đã trở thành một “lá chắn” vô cùng hiệu quả, để VINACA lừa đảo?

Và, cũng như những vụ lùm xùm khác, trước những câu hỏi của dư luận, thì “bài ca đổ lỗi” lại được cất lên. Chủ tịch VATAP tuy thừa nhận rằng Viện Công nghệ chống làm hàng giả “Là một đơn vị trực thuộc VATAP”, nhưng lại “hoạt động độc lập, có con dấu riêng, có tư cách pháp nhân”, vì vậy mà “VATAP...Không liên quan”. Tuy nhiên, có lẽ thấy câu trả lời của mình là rất hài hước, nên sau đó vị này đã “vớt” thêm rằng “khi vụ việc thuốc hỗ trợ điều trị ung thư làm bằng bột than tre bị phát hiện” thì ông đã “yêu cầu Viện Công nghệ chống làm hàng giả báo cáo”.

Thật là “nói gian, nó giàn ra mặt”. Nếu đã không liên quan, thì làm gì có quyền yêu cầu người ta báo cáo? Bà Viện trưởng Viện Công nghệ chống làm hàng giả, trưởng ban tổ chức sự kiện vinh danh, lặn mất tăm. Còn ông quyền giám đốc trung tâm tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thương hiệu (trực thuộc VATAP), thường trực ban tổ chức chương trình tôp 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam, thì quanh co rằng “thời điểm vinh danh, đơn vị này hoạt động tốt, có hàng trăm chi nhánh...”.

Đơn vị hoạt động tốt, có hàng trăm chi nhánh vào thời điểm vinh danh? Muốn tôn vinh một sản phẩm, thì đơn vị tổ chức phải thực hiện một quy trình kiểm tra, khảo sát vô cùng nghiêm ngặt, từ giấy phép sản xuất, nguyên liệu đầu vào cho đến công nghệ, thiết bị... Để sản xuất ra loại sản phẩm đó. Viện Công nghệ chống làm hàng giả và VATAP có biết việc sản xuất thuốc hỗ trợ điều trị ung thư VINACA được làm từ bột than tre, sản xuất hoàn toàn thủ công trong một ngôi nhà bẩn thỉu, chỉ rộng cừng 10 m2, đã diễn ra từ nhiều năm không? Họ có bao giờ đến nơi sản xuất nói trên của VINACA không? Có bao giờ kiểm tra xem bên trong mỗi viên thuốc là cái gì không? Hay chỉ nghe VINACA báo cáo, và kèm theo “cái gì” nữa?

Không gì có thể biện minh. Trong vụ tôn vinh này, VATAP và Viện Công nghệ chống làm hàng giả đã góp phần giúp VINACA lừa đảo hàng triệu khách hàng. Và từ nay, liệu những sản phẩm được đơn vị này “tôn vinh”, có còn được xã hội tin tưởng nữa không?