| Hotline: 0983.970.780

Ai đã lừa 66 hộ dân xã Song An?

Thứ Sáu 09/01/2015 , 08:25 (GMT+7)

Khi 66 hộ dân yêu cầu ông Hoàng Liễn trả lại mặt bằng để họ sản xuất, thì lúc đó họ mới biết đất của họ đã bị xã và huyện đem cho ông Hoàng Liễn thuê 49 năm.

Theo xác nhận đề ngày 30/10/2014 của ông Hoàng Liễn, có hộ khảu thường trú (HKTT) tại tổ 48, phường Quang Trung, TP. Thái Bình, thì năm 2004, gia đình ông có nhu cầu mở một trại chăn nuôi ở thôn An Phúc, xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. 

Theo xác nhận đề ngày 30/10/2014 của ông Hoàng Liễn, có HKTT tại tổ 48, phường Quang Trung, TP Thái Bình, thì năm 2004, gia đình ông có nhu cầu mở một trại chăn nuôi ở thôn An Phúc, xã Song An, huyện Vũ Thư. Do đó, ông đã thuê đất của 66 hộ dân thôn An Phúc, với tổng diện tích 30.300 m2, tại xứ đồng Mòi Đông.

Đó đều là đất canh tác quỹ I mà các hộ dân được giao theo Nghị định 64/CP năm 1993 của Chính phủ và quyết định 652 của UBND tỉnh Thái Bình. Thời hạn thuê là 9 năm (2004-2013). Giá trị thuê là 8.300.000đ/sào/9 năm.

Biên bản về việc thuê đất trên đã được lập ngày 15/9/2004, có sự thỏa thuận của UBND xã Song An. Ông đã trả tiền đầy đủ cho 66 hộ dân với mức trên, đồng thời xây dựng chuồng trại trên diện tích đó.

Thế nhưng đại diện xã Song An là ông Nguyễn Thanh Hải, chủ tịch UBND xã và đại diện UBND huyện Vũ Thư là ông Phạm Hồng Bàng, chủ tịch UBND huyện, lại ký hợp đồng cho ông Liễn thuê diện tích đất trên với thời hạn 49 năm.

Đến năm 2013, hết thời hạn thuê đất 9 năm, 66 hộ dân trên yêu cầu ông Hoàng Liễn trả lại mặt bằng để họ sản xuất, thì lúc đó họ mới biết đất của họ đã bị xã và huyện đem cho ông Hoàng Liễn thuê 49 năm.

Đại diện cho 66 hộ dân, bà Phạm Thị Dung, Chủ tịch chi Hội Phụ nữ thôn An Phúc, cho biết: "Cho đến nay, ngoài một biên bản họp dân trong thôn, có chữ ký của các hộ dân đồng ý cho ông Hoàng Liễn thuê đất trong 9 năm. Bà con chúng tôi không ký bất cứ một văn bản nào khác liên quan đến chuyện thuê đất trên cả. Thế mà trong hồ sơ thuê đất của ông Hoàng Liễn lại có “biên bản thỏa thuận” cho ông Liễn thuê 49 năm, có đủ chữ ký của 66 hộ dân.

66 hộ dân trên đã nhiều lần có đơn đề nghị cấp có thẩm quyền làm rõ việc tự ý mang đất canh tác của họ cho thuê với thời hạn 49 năm, trong khi họ chưa có quyết định thu hồi, và chưa nhận được tiền bồi thường thỏa đáng. Nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Đó toàn là các ông huyện, ông xã tự lập ra, giả chữ ký của 66 hộ dân. Hợp đồng thuê đất 49 năm cũng chỉ có ông Cao Khắc Ngự, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện và ông Hoàng Liễn ký với nhau".

Vấn đề ở đây là: Cho thuê đất với thời hạn 49 năm là thẩm quyền của UBND tỉnh chứ không phải thẩm quyền của UBND huyện. Và để có đất cho thuê 49 năm, thì phải qua một trình tự hết sức chặt chẽ.

Thứ nhất là cấp có thẩm quyền phải có quyết định thu hồi diện tích 30.300 m2 trên của 66 hộ dân. Thứ hai là phải có phương án đền bù theo quy định hiện hành của Nhà nước cho các hộ dân bị thu hồi đất. Chỉ khi các hộ dân trên nhận đủ tiền đền bù, bàn giao đất cho Nhà nước, thì lúc đó Nhà nước mới mang đất đó cho thuê được.

Thứ ba là, trước khi cho ông Hoàng Liễn thuê đất, cấp có thẩm quyền phải có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đất canh tác hai lúa thành đất làm trang trại chăn nuôi.

Ông Phạm Hồng Bàng, Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư, ký quyết định số 1897/QĐ-UBND, cho ông Hoàng Liễn thuê đất 49 năm là lạm quyền. Bởi ông Hoàng Liễn không có nguyện vọng thuê đất 49 năm, ông chỉ thỏa thuận với 66 hộ dân thuê đất của họ thời gian 9 năm, và đã trả tiền cho dân theo thỏa thuận.

Vậy tại sao ông Phạm Hồng Bàng và ông Nguyễn Thanh Hải lại quá “nhiệt tình”, để vượt cả thẩm quyền mà cho ông Liễn thuê đến 49 năm? Ông Hoàng Liễn đã nộp đủ tiền thuê đất 49 năm chưa? Nếu nộp đủ rồi thì tiền đó vào túi ai?

Bà Phạm Thị Dung cho biết thêm, các hộ dân trên bức xúc vì bị lừa khi cho thuê đất một, thì họ còn bức xúc với ông Khiếu Hồng Dũng, chủ tịch UBND xã (người thay ông Nguyễn Thanh Hải) gấp hai.

Trước sự việc sai trái rành rành, quyền lợi của người dân bị xâm hại nhưng thay vì làm rõ sự thật để trả lại quyền lợi cho 66 hộ dân của xã mình, thì ông Dũng lại có thái độ rất xấc xược, coi thường người dân.

Bà Dung không bức xúc: "Ông Khiếu Hồng Dũng ký giấy mời tôi lên UBND xã để giải quyết đơn của chúng tôi. Cuộc họp hôm ấy có cả Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, Trưởng phòng Tư pháp huyện, và một số cán bộ ban, ngành khác của huyện nữa cùng dự. Nhưng khi tôi vừa giơ tay xin phát biểu thì ông ấy đã đuổi tôi ra khỏi cuộc họp.

Không chỉ thế. Mở miệng nói với dân là ông ấy bảo chúng tôi là lũ dân đen, biết gì. Xã Song An chúng tôi được chọn là xã xây dựng mô hình NTM. Trong 19 tiêu chí về NTM, có tiêu chí về văn hóa. Thế mà không hiểu sao ông chủ tịch lại xử sự với dân một cách thiếu văn hóa như thế?".

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.