| Hotline: 0983.970.780

Ai quản lý chất lượng phân Vedagro dạng lỏng?

Thứ Tư 19/06/2013 , 09:51 (GMT+7)

Theo tìm hiểu của PV, phân bón Vedagro dạng lỏng đang tiêu thụ trên thị trường, nhiều nơi theo kiểu “3 không"...

Liên tiếp 3 năm gần đây, nhiều diện tích trồng mì (sắn) tại Đồng Nai bị đổ bệnh khiến sản lượng thất thu nghiêm trọng (từ 30 - 50%). Điều đáng nói, tất cả các ruộng mì này đều bón phân Vedagro dạng lỏng của Cty CP hữu hạn Vedan Việt Nam (huyện Long Thành, Đồng Nai), loại sản phẩm từng gây tranh cãi: Phân bón hay chất thải của công nghiệp bột ngọt?

TẠI PHÂN HAY THỜI TIẾT?

Ông Nguyễn Trọng Tỷ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Phước (TP Biên Hòa) cho biết: Bệnh nấm trên cây mì phát sinh mạnh từ vụ 2010 - 2011 khi toàn bộ hàng trăm ha mì trồng xen và chuyên canh của xã đều đổ bệnh. Đến vụ 2011 - 2012 bệnh bắt đầu giảm dần, nhưng thu hoạch củ rất nhỏ, sản lượng giảm gần 50%. Đến vụ mì đông xuân 2012 - 2013 này, bệnh lại tái xuất: mì trồng được 3 - 5 tháng đang xanh bỗng dưng rũ lá, chỉ còn mỗi đọt và đến khi trời nắng thì nhiều diện tích bị chết khô.

PV đi khảo sát quanh khu vực ấp Long Đức 2, nơi trồng mì lớn nhất xã Tam Phước thì thấy hầu khắp các ruộng mì đều phát triển không đồng đều, cây cao, cây thấp, nhiều khoảng trống lộ ra giữa cánh đồng do cây mì chết rải rác từ nhiều tháng trước. Anh Bùi Quang Tuấn, ngụ ấp Long Đức 2 cho biết: “Vụ 2010 - 2011 tôi thiệt hại trên 10 ha không thu hoạch được củ vì mì bỗng dưng đổ bệnh. Nghe người ta bảo là do nấm, thấy lá từ từ vàng, héo rũ, rồi chết. Sang vụ 2011 - 2012, bệnh tiếp tục diễn ra nhưng vì chủ động phòng ngừa, may mắn chỉ bị giảm sản lượng 50%. Tiếp tục sang vụ năm nay, nhiều bụi mì tôi nhổ lên thấy rễ bị thối. Điều lạ là trước đây dù trồng trái vụ vẫn cho sản lượng khá, nhưng 3 năm gần đây diện tích trồng trái vụ đều bị thiệt hại, thậm chí mất trắng”.


Từ Tết Nguyên đán 2013 đến nay, bệnh trên cây mì tiếp tục phát sinh tại Long Thành (Đồng Nai)

Cũng là hộ từng bị thiệt hại nặng nề, ông Vũ Phong ngụ cùng ấp, không ngừng ca thán: “Hai năm trước tôi mất trắng 8 ha vì mì đổ bệnh. Tại các hội thảo, chúng tôi chất vấn bên khuyến nông thì họ tế nhị nói rằng: Phân chỉ là một trong những tác nhân thôi, chứ còn do khâu xử lý đất nữa”. Ông Phong cũng cho biết, khoảng 13 - 14 năm nay, toàn bộ diện tích mì khu vực này đều tưới phân Vedagro dạng lỏng. Những năm đầu phân còn có mùi mật đường, tưới xuống cỏ chết ngay, còn mì lên xanh mơn mởn, ai cũng khoái. “Ban đầu họ mang xe bồn chở phân lỏng về đổ khắp các cánh đồng, cho không nông dân. Khi chúng tôi dùng nhiều, bắt đầu họ lấy tiền và giá ngày càng tăng”. Những nông dân này cũng khẳng định, khi đất trồng mì gia tăng, nhu cầu phân lớn, thì càng về sau mùi phân càng trở nên khó chịu như nước thải.

Về đây tìm hiểu, chúng tôi cũng bất ngờ khi gặp được rất nhiều hộ nông dân thiệt hại nặng nề do mì phát bệnh, như hộ anh Nguyễn Ngọc Khải từng bị thiệt hại trên 10 ha, mất trắng gần 200 triệu đồng khiến gia đình “cụt vốn”. Đặc biệt là hộ chị Nguyễn Thị Thủy cũng bị thiệt hại tới 30 ha trồng mì. Chị Thủy đã phải bán gần hết đất đai và 25 mét đất mặt đường liên xã để trả nợ. “Đến giờ này chúng tôi cũng chẳng biết đích xác là do phân hay thời tiết gây họa” - chị Thủy nói.

CẦN KIỂM TRA “CHÂN RẾT” TIÊU THỤ!

Theo tìm hiểu của PV, phân bón Vedagro dạng lỏng đang tiêu thụ trên thị trường, nhiều nơi theo kiểu “3 không”: không nhãn mác, không hướng dẫn sử dụng và không có hạn dùng một cách minh bạch, công khai như các loại phân khác.



Máy bơm và xe bồn “3 không”, chuyên chở phân lỏng đổ thẳng xuống đồng ruộng

Để tìm hiểu mạng lưới tiêu thụ phân Vedagro dạng lỏng, trong vai khách hàng trồng mì, chúng tôi liên lạc đến Cty CP hữu hạn Vedan Việt Nam để dò hỏi mua trực tiếp với hy vọng sẽ có được giá gốc. Tuy nhiên, một nhân viên của Cty cho biết không bán trực tiếp cho khách hàng và yêu cầu liên lạc với một người tên Thiện là đại lý cấp 1 tại Long Thành (Đồng Nai). “Bên Cty đã ký hợp đồng với đại lý này tại khu vực Long Thành rồi nên anh phải qua đây thôi. Giá tại Cty là 350.000 đồng một tấn, đại lý chỉ lấy tiền vận chuyển thôi”.

Theo thông tin được cung cấp, chúng tôi liên hệ với chủ đại lý tên Thiện, lập tức anh này tư vấn: “Đất tốt anh bón 6 tấn, đất xấu anh bón 8 tấn phân cho 1 ha. Còn giá tùy thuộc vào lượng phân mua là bao nhiêu”. Chúng tôi nói cần bón cho 1 ha mì, anh này nói: “Phân lúc nào cũng có sẵn ở chỗ tôi, giá 1 tấn là 550.000 đồng, nhưng anh trồng 1 ha tôi không bán, ít quá! Xe tôi chở 1 lần là 20 tấn, mua cỡ đó tôi mới đi”. Sau khi hỏi địa chỉ đất trồng mì của khách, Thiện liền giới thiệu “cánh tay nối dài” là đại lý cấp 2 của anh này tại ấp Long Đức 2: "Anh cứ đến đó hỏi Cường tưới phân Vedagro là ai cũng biết”.

Từ thông tin trên, PV đã tới khu vực chứa phân Vedagro dạng lỏng do đại lý tên Cường làm chủ, đúng thời điểm mọi người đã nghỉ trưa ăn cơm. Nhìn bề ngoài, không ai biết đây là nơi chuyên cung cấp phân bón Vedagro dạng lỏng cho hàng loạt xã khu vực huyện Long Thành, TP Biên Hòa và nhiều tỉnh lân cận khác. Giữa khoảng đất trống rộng rãi, đại lý này xây một bể chứa phân lỏng rất lớn (ước tính có thể chứa hàng trăm tấn). Kế bên miệng bể, một chiếc máy hút phân đồ sộ được nối vòi nhựa dài hàng chục mét, chuyên hút phân lên chiếc bồn màu xanh cỡ 20 tấn chực chờ sẵn trên xe.


Bể chứa phân Vedagro dạng lỏng tại đại lý Cường

Đến đầu giờ chiều, PV tìm gặp trực tiếp ông chủ tên Cường và đặt nghi vấn về loại phân lỏng này, lập tức anh ta phản pháo: “Năm nay Vedan đâu có cần bán? Có hàng đâu mà bán! Đầy người hỏi tưới mà tôi không tưới cho đấy! Ai cũng bảo tại phân Vedan (khiến mì bệnh), vậy mà có năn nỉ Cty cũng không bán nhiều. Năm nay phân nó lên đến gần 700.000 đồng/tấn rồi!”. Ông Cường cũng khẳng định: “Nhiều năm qua tôi bao nguyên cả khu vực này, trung bình mỗi năm bán tới 10.000 tấn Vedagro dạng lỏng trở lên, thậm chí bán cả cho nông dân các tỉnh khác. “Cái phân bao anh bỏ hết 10 triệu, phân Vedagro bỏ hết có 7 triệu, cái nào ngon hơn?” - ông này lớn tiếng.

Theo tìm hiểu của PV, để tạo “niềm tin” cho phân Vedagro dạng lỏng, ông Cường còn thuê hàng chục ha đất tại xã Tam Phước để đổ phân này xuống trồng mì như một cách quảng bá cho loại phân lỏng từng gây tranh cãi: Phân bón hay chất thải của công nghiệp bột ngọt? Thiết nghĩa, để có câu trả lời chính xác nhằm hạn chế tổn hại cho nông dân, tránh thoái hóa đất và ô nhiễm môi trường, đề nghị cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra: Quy trình đưa phân Vedagro dạng lỏng có chặt chẽ và đúng luật không? Loại phân này có phải do lơ là kiểm soát nên bị trộn thêm chất thải độc hại nhằm giảm chi phí xử lý môi trường hay không?

TS.Nguyễn Đăng Nghĩa - GĐ Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam (Viện Thổ nhưỡng - Nông hóa Việt Nam):

Phân bón lỏng có tác động rất nhanh đến cây trồng và môi trường xung quanh vì nó ở dạng hòa tan hoàn toàn. Chất bổ dư thừa nhiều quá cũng gây độc, chưa kể trong phân còn có các gốc phụ khi đưa xuống ruộng, gặp mưa tràn xuống kênh mương, ao hồ nó sẽ tranh chấp COD và BOD (2 chỉ số về oxy hóa học và oxy sinh học) tác động đến động vật thủy sinh.

Trước đây Nghị định 36 và bây giờ là Nghị định 100 cho phép một số nguyên tố vi lượng ở một mức nào đó thì được công bố chất lượng và trở thành phân mà không thông qua Hội đồng, nhiều DN cứ dựa vào đấy để không công bố những chất gây hại (DN chỉ công bố những chất phù hợp với Nghị định).

Theo tôi được biết, nhiều DN dựa vào “lỗ hổng” của Nghị định này, đã dùng các loại phụ phẩm để sản xuất phân lỏng và đưa ra thị trường tiêu thụ. Việc làm đó đang gây ảnh hưởng đến nhiều đối tượng cây trồng, vùng đất vì sẽ khiến ô nhiễm đất, mặt nước và giảm độ pH rất nhanh, thậm chí gây độc nếu liều lượng sử dụng phân lỏng quá lớn.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Dồn lực tiêm vacxin phòng bệnh dại trên chó, mèo

Trước diễn biến bệnh dại trên người có chiều hướng gia tăng, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra văn bản chỉ đạo đảm bảo tỷ lệ tiêm vacxin đạt trên 80% tổng đàn chó, mèo.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất