| Hotline: 0983.970.780

Ai về bên bến Bình Ca

Thứ Tư 30/04/2014 , 07:00 (GMT+7)

Dòng sông Lô chảy đến một khúc giao ở tỉnh Tuyên Quang do gặp phải dải núi bên bờ tả nên uốn dòng mạnh về bên hữu ngạn. Khúc sông ấy có tên là bến Bình Ca.

Bên hữu ngạn là xã An Khang, huyện Yên Sơn, bãi bờ bằng phẳng, còn bên tả ngạn xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương núi cao chất ngất, dốc đứng như thành.

Khúc sông ấy có tên là bến Bình Ca, nơi ra đời Tiểu đoàn Bình Ca với những chiến công lừng lẫy trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi

Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt

Nắng cháy sông Lô hò ô tiếng hát

Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca

("Ta đi tới" - Tố Hữu)

Và tháng Tư, tháng Năm này, có ai về bên bến nước Bình Ca?

I.

Người đàn bà lẫm chẫm leo từng bậc thang dẫn lên Tượng đài Chiến thắng Bình Ca nằm tít trên đỉnh ngọn núi Đền, ngọn núi mà người dân địa phương vẫn gọi là núi Cột Cờ. Ngày nào cũng vậy. Nắng cháy hay mưa dầm cũng vậy. Từng bước chân chậm rãi dần theo năm tháng nhưng chưa một lần người ta thấy bà rời xa chốn này.

Tượng đài là một bức phù điêu tạc hình mũi tàu giặc bị đánh đắm cùng những khối hoa văn sóng nước. Ở chính giữa là hình lá cờ truyền thống ghi lại bức thư khen của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết về sự kiện chiến thắng Bình Ca: “Trận Bình Ca - Tiểu đoàn 12 đã đánh lui một trận đổ bộ của giặc, xung phong cướp súng bắn chìm pháo thuyền, ghi một chiến công đầu tiên mở đầu cho những chiến công rực rỡ khác trên sông Lô”.

Chếch về phía mép sông Lô có một tấm bia nữa, bia chiến thắng: “Tại đây, ngày 12/10/1947, trung đội 12 thuộc đại đội 4 của tiểu đoàn 42 dùng súng badoka Việt Nam bắn chìm pháo thuyền LCVP của Pháp”...

12-29-29_nh2
Bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ca ngợi chiến thắng Bình Ca

Tất cả những chứng tích ấy chỉ là một phần rất nhỏ của Bình Ca. Bây giờ, bên bến nước chỉ có một căn nhà nhỏ biệt lập của người đàn bà làm công việc trông coi khu di tích. Bà Nguyễn Thị Đông, năm nay đã gần 70.

“Tôi lớn lên trên bến Bình Ca. Từ chứng kiến cảnh bộ đội hi sinh, bị thương để làm nên những chiến công lừng lẫy. Mẹ tôi lái đò đưa bộ đội. Từ bé, tôi đã theo mẹ làm nghề lái đò trên sông Lô. Lớn lên, lấy chồng là bộ đội, ông ấy hi sinh để lại một mình tôi với con đò, với bến nước Bình Ca. Tất cả những sự kiện trong cuộc đời tôi đều gắn với bến nước Bình Ca này”, bà bảo thế.

Bà Đông sống với mẹ mình là cụ Trần Thị Quốc ở xã An Khang đối diện bên sông. Năm diễn ra trận đánh Bình Ca bà Đông mới chỉ lên hai. Mẹ bà kể lại rằng, năm ấy, khi giặc giã tràn lên sông Lô, cả làng đi đào hầm ẩn nấp.

Mẹ bà bịt miệng con nhìn lính Pháp bắn chết 3 con lợn nhà mình châm lửa đốt làng. Khi bộ đội và dân quân đánh đắm tàu, mẹ bà, một tay nách con, một tay chèo đò hò hét dân làng ra bến ăn mừng chiến thắng.

Mẹ bà mất, bà làm thay việc trông coi ngôi đền và lái đò đưa quân trên bến Bình Ca. Đến tuổi thanh xuân thì nên duyên với một anh bộ đội. Đám cưới của họ được tổ chức ngay trên bến nước Bình Ca.

Đôi vợ chồng trẻ đang chuẩn bị đón đứa con đầu lòng thì anh chồng được lệnh chuyển vào chiến trường miền Nam rồi mãi không về nữa. 42 năm, một mình bà nuôi con, một mình lái đò, một mình hương khói cho các anh hùng liệt sĩ trên bến sông này. 

Mấy năm trước, khi chính quyền có ý định xây Đài tưởng niệm Chiến thắng Bình Ca, bà tình nguyện hiến cả quả đồi đất hương hỏa và tình nguyện trông coi, chăm sóc. Ngày ngày quét dọn. Mỗi tháng 2 lần, bà Đông nấu những nồi cháo thật to gánh lên tượng đài chia thành hàng trăm bát nhỏ để thờ cúng các anh hùng liệt sĩ.

12-29-29_nh3
Bà Đông

Trước lúc chia tay, bà đọc cho tôi nghe một đoạn trong cuốn nhật ký của liệt sĩ Trần Minh Tiến, một chiến sĩ của Tiểu đoàn Bình Ca viết cho người yêu trước lúc đi vào chiến trường ác liệt Quảng Trị: “Nếu anh không về nữa thì em đừng quá buồn nản. Hãy tự hào vì anh ngã xuống vì quê hương và Tổ quốc. Em còn trẻ, hãy suy nghĩ cân nhắc trước khi đi cùng ai thì anh cũng mừng. Chúng mình vẫn được gặp nhau trong những giấc mơ đẹp nhất của mỗi đời người”.

Những lời ấy, bà Đông vẫn xem như viết cho thế hệ những phụ nữ như bà. Đó cũng là lý do bà ở lại bến nước này mấy chục năm trời và sẽ ở nốt phần đời còn lại. Đã đủ thuyết phục chưa?

II.

Cách bến nước Bình Ca độ hai cây số là nhà truyền thống xã Vĩnh Lợi. Phó Bí thư Đảng ủy xã Trình Xuân Chử là người dẫn tôi lên đó. Nhà cấp bốn. Ở giữa là bức tranh ghi mấy câu thơ của nguyên Bí thư Đảng bộ xã Vĩnh Lợi nói về bến nước quê hương mình: "Vĩnh Lợi có bến Bình Ca/ Chín năm chống Pháp sử ghi sổ vàng/ Việt Nam đất nước anh hùng/ Ghi công bến nước nghĩa tình quê ta".

Dọc hai bên tường nhà truyền thống là vô vàn những bức ảnh các anh hùng liệt sĩ. Chỉ lác đác vài người có ảnh. Còn lại là những bông hoa hồng được vẽ lên để thờ. Tôi để ý đến một cái tên: Tô Thắng. Cái tên ấy đặc biệt là vì bên dưới bông hoa hồng có ghi những câu khá lạ: “Tên anh là Tô Thắng. Quê cha ở đảo Mác- ti- ních với hàng dừa xanh, in hình trên nền trời, biển xanh biếc. Quê mẹ Việt Nam với ngàn cau cao vút lên không. Cha anh mất sớm. Việt Bắc thu đông 1947 anh đã góp phần vào chiến thắng sông Lô. Anh bị thương, trong lúc mê man anh hát: Ta mơ trần gian lúc san bằng hết biên thùy”.

Cuối cùng là dòng chú thích: "Tô Thắng là người bắn phát badoka đánh đắm tàu Pháp trong trận chiến Bình Ca lịch sử".

12-29-29_nh4
Bến Bình Ca hôm nay

Hầu hết người Cao Lan ở xã Vĩnh Lợi đều thờ người anh hùng da đen Tô Thắng. Cho dù sau đó ông bị biệt tích ở nơi nào không ai hay biết. Tôi đã cố công đi tìm những manh mối về tung tích của người anh hùng này nhưng không ai hay biết.

Ông Chử nói rằng: Bến nước Bình Ca, đất Vĩnh Lợi không có người nào ở trong Tiểu đoàn Bình Ca lịch sử, nhưng dân quân, nhân dân Vĩnh Lợi một lòng một dạ ghi nhớ công lao của những anh hùng năm xưa.

Chiến thắng Bình Ca, trong cuốn sách "Tuyên Quang - Thủ đô kháng chiến" viết: Thu Đông 1947, thực dân Pháp mở cuộc tiến công quy mô lớn lên Việt Bắc hòng tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến.

Đối phó với cuộc tiến công của địch, bảo vệ An toàn khu là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Bộ Tổng chỉ huy chủ trương “Kiên quyết bảo vệ cửa ngõ phía Tây của Việt Bắc”. Tiểu đoàn 42, được giao nhiệm vụ trấn giữ bến Bình Ca.

Ngày 10/10/1947 nhận được Chỉ thị viết tay của Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp: “Tiểu đoàn sống chết với con đường Bình Ca - Thái Nguyên”.

Ngày 12/10/1947, máy bay địch thám thính dọc sông Lô lọt vào tầm bắn. Phát đạn thứ ba bắn đúng thân chiếc LCVP. Tàu bốc cháy. Ngày 13/10/1947, quân địch tiến về phía Đa Năng, bất ngờ bom, mìn, lựu đạn, súng các loại đồng loạt phát nổ.

Khu uỷ, Bộ chỉ huy quân Khu 10 khẳng định: “Chiến thắng Bình Ca đã mở đầu cho một loạt những chiến thắng của mặt trận. Chiến thắng Bình Ca đã báo hiệu một sự chuyển biến mới về tình hình chiến cuộc. Quân Pháp không còn có thể bình yên vô sự tiến vào Khu 10 như đất không người nữa”.

Sau chiến thắng ấy, Tiểu đoàn 42 được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đổi tên thành Tiểu đoàn Bình Ca, lập nên những chiến công hiển hách.

 

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm