| Hotline: 0983.970.780

Ai xem và ai mua tranh?

Thứ Tư 11/01/2012 , 11:03 (GMT+7)

Không phải vô cớ mà các nghệ sỹ, các chủ phòng tranh (các gallery), các nhà sưu tầm nghệ thuật lại chọn dịp cuối năm để mở triển lãm hội họa.

Khách xem tranh tại triển lãm “Made in Huong” của nữ họa sỹ Trần Thị Hương tại Hà Nội

Hằng năm, khi nắng thu vàng lên rực rỡ, rồi chớm đông sang và kéo dài cho tới tận khi hoa đào nở, đó là mùa của triển lãm mỹ thuật. Không phải vô cớ mà các nghệ sỹ, các chủ phòng tranh (các gallery), các nhà sưu tầm nghệ thuật lại chọn dịp cuối năm để mở triển lãm hội họa.

Từ khi kinh tế mở cửa (sau thời kỳ đổi mới) khoảng những năm 1990 trở lại đây, Hội họa Việt Nam được thế giới quan tâm đến, các tác phẩm nghệ thuật được những người sưu tầm và những người yêu nghệ thuật nước ngoài tìm mua. Phần lớn trong số họ là khách du lịch đến Việt Nam, họ thường sang vào dịp cuối năm - mùa nghỉ lễ Noel và đón chào năm mới. Các chủ gallery hiểu được điều này, họ lên kế hoạch và sắp xếp các cuộc trưng bày triển lãm hội họa vào cùng dịp có lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam nhiều nhất.

Trong năm 2011, tuy hai từ "suy thoái" của kinh tế toàn cầu có lẽ được nhắc đến nhiều nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng dường như điều đó không ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động triển lãm hội họa - mỹ thuật của Việt Nam. Bằng chứng là trong ba tháng trở lại đây liên tiếp có các cuộc khai mạc triển lãm mỹ thuật ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam với sự tham gia của rất nhiều các nghệ sỹ, họa sỹ tên tuổi, các nghệ sỹ, họa sỹ đương đại, họa sỹ trẻ Việt Nam. Như triển lãm "Đặng Xuân Hòa - Tranh trừu tượng", diễn ra từ 7/10 đến 7/11/2011 tại Eight Gallery; triển lãm "U lành tính", diễn ra từ 6 đến 30/10/2011 tại Trung tâm Văn hóa Pháp – L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội với sự tham gia của sáu nghệ sỹ Nguyễn Huy An, Ngô Thành Bắc, Nguyễn Dương Hải Đăng, Hoàng Minh Đức, Nguyễn Song, Vũ Đức Toàn...

Số lượng các cuộc triển lãm mỹ thuật thì nhiều đến vậy nhưng ai là người đi xem? Đây là một câu hỏi với nhiều nỗi suy tư của người viết bài này. Trên thực tế, nếu nói một cách rộng, thì khán giả xem tranh (khán giả mỹ thuật nói chung) luôn ít ỏi ở bất cứ nước nào, đặc biệt ở nước ta. Khoảng cách giữa nghệ thuật và thị hiếu của công chúng nói chung khá xa và không được cập nhật.

Ở các nước châu Âu và Mỹ, xem tranh, xem bảo tàng là truyền thống lâu đời, ít nhất 200 năm qua, và cũng có cả truyền thống mua tranh tượng một cách thông thường. Tuy nhiên lượng khán giả này, vẫn chủ yếu nằm trong giới trí thức trung lưu, xã hội phát triển là được đánh giá bởi số lượng trí thức trung lưu này chiếm bao nhiêu phần trăm trong dân số.

Ở Việt Nam, triển lãm mở ra thì chủ yếu là để cho giới nghệ sỹ có dịp, có chỗ để gặp nhau giao lưu trò chuyện, rất ít người ngoài giới nghệ sỹ đến dự, nếu có chỉ là bạn bè của chủ nhân buổi triển lãm còn tuyệt nhiên không có người dưng đến dự và xem tranh.

Triển lãm mở ra chỉ đông hôm khai mạc còn các ngày tiếp theo thì lác đác vài người đến xem. Cần tầng lớp trí thức trung lưu (chưa dám nói đến quần chúng) quan tâm nhiều hơn đến nghệ thuật thì chẳng ai tự nhiên đi đến xem triển lãm mỹ thuật làm gì, đó là tình trạng rất buồn của nền Mỹ thuật Việt Nam...

Giải pháp của nhiều nước châu Á, là giáo dục nghệ thuật bắt buộc. Thực tế ở nhiều nước chương trình lịch sử nghệ thuật được đưa vào cả các trường kỹ thuật và kinh tế. Tiêu chuẩn cán bộ cũng được đánh giá bởi sự am hiểu nghệ thuật ở mức phổ cập. Sự bắt buộc trước hết nhằm vào giới viên chức, bộ đội, công an và học sinh, sinh viên. Tức hễ có triển lãm mỹ thuật lớn và quan trọng họ đều phải đi xem và có người hướng dẫn.

Ở nước ta chưa có tiền lệ này, các triển lãm do nhà nước (hội, vụ) tổ chức, cũng mang nhiều tính phong trào, nên kém hấp dẫn. Các nghệ sỹ đương đại thì quá tân kỳ, không có giáo dục nghệ thuật nào cho người xem, nếu xem phần nhiều là hiếu kỳ. Giới doanh nhân có tiền nhưng ít người sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật. Họ có thể bỏ một khoản tiền rất lớn đến vài trăm triệu, thậm chí lên đến vài tỷ đồng để mua một cây cảnh làm vật trang trí trong nhà hay trong sân vườn nhà. Nhiều khi họ bị trách oan "là trọc phú nhưng không có gu thẩm mỹ" nhưng chơi cây cảnh cũng là một tiêu chí thẩm mỹ, còn vì sao họ không mua tác phẩm tranh hay tượng lại là vì nhiều lí‎‎ do khác.

Người viết bày này có cảm nhận riêng rằng trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế hiện nay, người nghệ sỹ có tinh thần lạc quan và làm việc thật hăng say, họ đang cố gắng mang những bữa tiệc tinh thần tới công chúng nhằm xua đi bớt những lo toan, nhọc nhằn của cuộc sống. Và người nghệ sỹ khi sáng tác nghệ thuật là để động viên và xoa dịu tinh thần của chính họ.

Đến đây, một câu hỏi nữa được đặt ra: Ai đi mua tranh? Đối tượng mua tranh chủ yếu vẫn là người nước ngoài, số ít là người trong nước, vài cơ quan nhà nước, vài nhà sưu tập. Thị trường tranh Việt Nam có thể nói là rất non trẻ và khó xác định, chủ yếu phát triển từ sau thời kỳ Đổi mới, nhất là từ năm 1988 đến nay. Trong những năm 1990-1996, hội họa Việt Nam được coi là thế mạnh ở châu Á, nên giai đoạn này được nhiều người mua, và cũng là giai đoạn các họa sỹ trẻ vẽ rất đẹp, nhất là sau thời gian bao cấp kéo dài, có nhiều vấn đề về chiến tranh, đời sống hậu chiến được phản ánh. Sau đó, thị trường tranh Việt Nam cũng sa sút, cho đến nay nhiều gallery phá sản, chuyển nghề, tuy nhiên các họa sỹ thành danh vẫn có thể bán được tùy từng người và tùy từng quan hệ.

Hiện toàn quốc có chừng 5.000 người làm mỹ thuật thường xuyên, tuy nhiên người vẽ (họa sỹ) có tính chuyên nghiệp chừng 200 người. Số bán được thường xuyên cũng chỉ là vài chục, và vẫn phải làm thêm nhiều nghề khác. Giá tranh Việt Nam, thấp là từ vài trăm nghìn đồng, đến vài trăm đô la, cao là vài nghìn đô đến chục nghìn đô, còn lại là cá biệt. Việc làm tranh giả, tranh nhái, cũng làm thị trường tranh Việt Nam mất uy tín và khó bán.

Có thể nói, những triển lãm mỹ thuật những năm gần đây rất lãng phí, đầu tư làm triển lãm, chưa kể vẽ nặn rất tốn kém, tiền thuê phòng trưng bày triển lãm cũng rất đắt từ 2 đến 3 triệu đồng một ngày. Nhiều người nói "nghệ sỹ thích chơi ngông", phải chăng là như vậy?!

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất