| Hotline: 0983.970.780

Ai xúi giục bơm tạp chất?

Thứ Ba 20/07/2010 , 10:45 (GMT+7)

Ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng Nông lâm thủy sản khẳng định: chính các DN chế biến là thủ phạm.

* Xử lí phải “trống dong cờ mở” thật ầm ĩ thì họ mới xấu hổ 

Ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng Nông lâm thủy sản (QLCL NLTS, Bộ NN-PTNT)

Ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng Nông lâm thủy sản (QLCL NLTS, Bộ NN-PTNT), người từng có kinh nghiệm nhiều năm trong việc dẹp nạn bơm tạp chất vào tôm khẳng định, chính các DN chế biến là thủ phạm. 

Ông Cương cho biết, đây là vấn nạn đã tồn tại từ những năm 90 tới nay chứ không phải bây giờ mới có. Việc Chính phủ cũng như Bộ NN-PTNT từ tháng 3/2010 đến nay liên tiếp ra Nghị định, quyết định tăng cường ngăn chặn vấn nạn này, đặc biệt có việc cắt chứng nhận ATVSTP đối với các DN có tôm tạp chất, không cho XK sang nước ngoài theo ông Cương là động thái rất tích cực và cần thiết. Tuy nhiên theo ông, cần có biện pháp mạnh tay hơn nữa đối với các DN mua tôm có tạp chất, bởi chính các DN là thế lực đứng đằng sau xúi giục, điều khiển. 

Thưa ông, chủ đại lý thu mới trực tiếp bơm tạp chất vào tôm, DN chế biến chỉ là nạn nhân vì mua phải loại tôm này chứ? 

Họ nói thế cũng đúng, nhưng là chỉ là đối với một số DN chế biến hàng đông lạnh (tôm đông lạnh nguyên con, bóc đầu, lột nõn...) thì mới là nạn nhân thực sự thôi. Còn lại rất nhiều DN chế biến, mà đặc biệt là chế biến tôm luộc chín, tôm lột vỏ tẩm bột rán chính là thủ phạm đứng đằng sau giật dây, điều khiển các chủ buôn thực hiện việc bơm tạp chất, chứ không phải hoàn toàn do chủ buôn như DN rêu rao. Tôi khẳng định như vậy là có căn cứ. 

Vì sao nạn bơm tạp chất vào tôm chỉ xảy rầm rộ khi thiếu nguyên liệu thưa ông? 

100% DN chế biến khẳng định có thể phát hiện chính xác tôm có tạp chất bằng mắt thường và sờ tay. Những năm được mùa tôm, DN không sợ thiếu  nguyên liệu thì họ phát hiện tôm có tạp chất là loại ngay. Vì thế, cũng không có chủ đại lý gom tôm nào dám bơm tạp chất cả, vì không bán được cho ai. Thế nhưng vào vụ giáp hạt (không vào mùa thu hoạch chính) hoặc gặp thời kỳ nhiều dịch bệnh như hiện nay, tôm nguyên liệu khan hiếm, trong khi đơn đặt hàng theo kế hoạch lại nhiều. Lúc này, các DN bắt đầu tranh nhau mua nguyên liệu. Một số DN chế biến, đặc biệt là chế biến tôm luộc chín, tôm lột vỏ tẩm bột rán đã điều khiển các đại lý thu mua thực hiện việc bơm tạp chất. 

Họ điều khiển vì mục đích gì? 

Đại đa số DN chế biến tôm đông lạnh nguyên con, vặt đầu, bóc nõn...khẳng định họ không bao giờ mua tôm có tạp chất, kể cả lúc hiếm nguyên liệu. Bởi vừa phải tăng chí phí loại bỏ tạp chất, thịt tôm lại bị dập nát nên XK sang các nước họ biết ngay. Nhưng DN làm tôm luộc chín, tôm bóc nõn tẩm bột rán thì họ không sợ tôm có tạp chất. Ví dụ như tôm bị bơm Agar, khi luộc chín thì Agar tan chảy hết. Tôm bóc nõn tẩm bột rán cũng vậy vì bản thân Agar cũng không độc hại gì. Vì vậy, chỉ có DN chế biến các loại tôm này là chấp nhận mua tôm có Agar, và khi thiếu nguyên liệu, để tranh giành họ chấp nhận cả việc mua tôm bơm Agar với giá ngang ngửa với tôm không bơm.

DN chế biến tôm tươi đông lạnh XK lúc này chỉ còn biết đứng nhìn họ mua nguyên liệu về rào rào. Còn đại lý bơm Agar vào tôm thì dĩ nhiên là không ai dại gì bán cho DN làm tôm đông lạnh. Bởi các DN này chỉ chấp nhận mua tôm có Agar khi trừ đi khối lượng tạp chất cũng như tiền công loại bỏ tạp chất. Những đại lý khác, trước đây làm ăn lành mạnh lúc đó thấy “anh” đại lý kia bơm tạp chất mà vẫn bán được giá tôm cao như thường nên cũng đồng loạt bơm theo. Nếu không thì họ chịu lỗ.  

Có nghĩa ông "kết tội" DN thu mua chính là thủ phạm? 

Đúng thế. Chính lối tranh giành nguyên liệu thiếu lành mạnh là căn nguyên dẫn tới việc bơm tạp chất vào tôm tràn lan khi khan hiếm tôm nguyên liệu. 

Ông nói đôi lúc một số DN chế biến tôm đông lạnh cũng làm vậy? Ông có bằng chứng cụ thể không? 

Bơm tạp chất vào tôm có thể vào đầu, vào thân hoặc tất cả nên kể cả ông DN làm tôm đông lạnh vẫn chấp nhận mua tôm có tạp chất. Năm 2005, tôi đã phải nhờ cả Công an phối hợp nghiệp vụ, điều tra ghi âm được 2 đoạn hội thoại, đến giờ tôi vẫn lưu bằng chứng hẳn hoi. Có cả trường hợp trưởng phòng kiểm tra chất lượng của một DN chế biến tôm đông lạnh nọ gọi điện cho giám đốc hỏi rằng: “Anh ơi, tôm có tạp chất, có mua không?”.

Ông giám đốc hỏi lại: “Nó bơm vào đâu?”. Khi nghe anh kiểm tra chất lượng bảo rằng tôm bị bơm tạp chất vào đầu thì vị giám đốc kia chỉ đạo ngay: “Mua đi, đang có đơn đặt hàng làm tôm đông lạnh vặt đầu”. Lại có trường hợp DN gọi cho 1 đại lý, nói ngày mai anh làm tôm vặt đầu, nếu bơm agar thì bơm vào đầu nhé! 

Ở nước ngoài, có tình trạng bơm tạp chất vào tôm không? Đã có lô hàng nào của DN Việt Nam bị trả về do có tạp chất chưa? 

Trung Quốc, Indonexia...cũng có hệ thống đại lý thu mua trung gian giống Việt Nam nên tình trạng này cũng có. Cơ quan chức năng của họ cũng rất đau đầu. Nhưng việc này họ giám sát rất chặt từ cơ sở nuôi nên hạn chế nhiều. Chúng ta chưa có lô hàng nào bị trả về do có tạp chất, nhưng thực ra lô nào có họ đều biết cả. Như đã có lần Hiệp hội NK Nhật Bản có văn bản nhắc nhở chúng ta vấn đề này.  

Để hạn chế tình trạng này, nên tập trung mạnh vào đâu? 

Vừa rồi Bộ NN-PTNT có những quy định tăng cường xử lí DN chế biến, như vậy là đã chặn được phần ngọn rồi. Còn lại phải tập trung xử lí mạnh vào đại lý. Kinh nghiệm của tôi, lúc bắt được bơm tạp chất, có đủ căn cứ là xử phạt ngay. Đại lý thu mua không có giấy phép gì không có gì mà rút được. Vì thế phải về tận nơi cơ sở đó, lên loa thông báo cho địa phương biết. Xử lí phải “trống dong cờ mở” thật ầm ĩ thì họ mới xấu hổ.

Năm 2005, cũng chính DN của Chủ tịch VASEP bị bắt khi bơm tạp chất 

“Để chống nạn bơm tạp chất vào tôm, trước đây chúng tôi còn lập cả đường dây nóng để nhận thông tin tố giác. Thế nhưng rất nhiều thông tin ảo do các DN “chơi đểu” nhau. Rất nhiều lần, tôi nhận được thông tin một số DN chế biến tôm có bơm tạp chất ở Sóc Trăng. Rình rập điều tra, rồi khi ập vào, có DN chế biến sẵn sàng bóc hết cả 5 tấn tôm cho kiểm tra nhưng chẳng thấy tạp chất đâu. Uất quá, tôi lần ra cái số ĐT đã thông tin tố cáo kia thì đó lại là số ĐT của một DN khác làm tôm luộc chín. Khi đoàn liên ngành ập vào lôi tôm ra thì chính DN này lại đang chế biến toàn tôm bơm Agar.

Sở dĩ họ tung hỏa mù như vậy bởi lợi dụng lúc chúng tôi đang tập trung điều tra xử lí DN kia, thì ông DN đi tố cáo đã tranh thủ mua được những 2 nghìn tấn tôm có tạp chất. Bắt thóp được trò này, năm 2005 một vị Chủ tịch VASEP viết đơn cho Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nói rằng nạn bơm tạp chất đang dữ lắm, đề nghị cho cơ quan chức năng đi dẹp. Lúc đó tôi xuống kiểm tra chính DN của vị Chủ tịch VASEP thì lại chính DN này đang chế biến tôm có tạp chất.

Cơ quan chức năng, nếu không tỉnh táo thì không khéo lại là công cụ cho DN làm bậy".

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất