| Hotline: 0983.970.780

Alô! Thắc mắc gì xin bà con cứ hỏi

Thứ Sáu 12/11/2010 , 10:14 (GMT+7)

Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ nông lâm Đông Bắc đã tạo ra một bước đột phá khi lập nên đường dây nóng tư vấn miễn phí cho bà con nông dân.

Một giờ học thực hành nghề chăn nuôi gia cầm do Trường CĐNCNNLĐB đào tạo

Xưa nay nhiều người chỉ biết có đường dây nóng để tố giác tội phạm và tai nạn giao thông, đường dây nóng chăm sóc khách hàng của các công ty viễn thông hay đường dây nóng của các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến... Cũng là đường dây nóng nhưng lập nên để tư vấn miễn phí cho bà con nông dân, Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ nông lâm Đông Bắc (CĐNCNNLĐB) đang tạo ra một bước đột phá trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT).

Là người bạn tin cậy của bà con

Đề án dạy nghề cho LĐNT của Chính phủ đề ra mục tiêu bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động. Ngoài việc hoàn thành chỉ tiêu được giao thì chất lượng đã qua đào tạo của học viên cũng là mục tiêu vô cùng quan trọng mà các đơn vị dạy nghề cần đặc biệt quan tâm. Đối tượng hướng đến của đề án dạy nghề là người trong độ tuổi lao động có trình độ học vấn, sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Trong đó, ưu tiên dạy nghề cho người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác… nên công tác dạy nghề cho các thành phần, đối tượng xã hội này cần phải được quan tâm sát sao.

Đóng trên địa bàn xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu sinh sống nên Trường CĐNCNNLĐB có rất ít thuận lợi. Mặc dù còn rất khó khăn, song hưởng ứng chủ trương, đề án dạy nghề cho LĐNT của Chính phủ, năm 2009, Trường CĐNCNNLĐB đã đào tạo được tổng cộng 1.127 học viên nông thôn cho tỉnh Lạng Sơn và một số tỉnh miền núi phía Bắc khác là Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Giang...

Thầy Nguyễn Thành Vân – Hiệu trưởng Trường CĐNCNNLĐB cho biết, các ngành nghề được nhà trường chọn đào tạo cho LĐNT phải thiết thực và phục vụ trực tiếp đến đời sống sản xuất của người nông dân. Chính vì vậy, bà con rất hào hứng và phấn khởi, đi học nhiệt tình đầy đủ vì hiểu được lợi ích thiết thực của việc học đem lại. Tuy nhiên, do còn phải tranh thủ tăng gia lao động sản xuất, thời gian các khóa học không thể kéo dài nên nhiều khi bà con mình tiếp thu kiến thức trên lớp hay qua bài giảng chưa được là bao.

Thầy Vân cho hay, nhằm khắc phục tình trạng điểm danh để lấy mấy chục nghìn tiền trợ cấp, gây lãng phí tiền của Nhà nước và công sức bỏ ra của thầy cô trong trường, Ban giám hiệu Trường CĐNCNNLĐB đã họp và quyết định thiết lập số điện thoại đường dây nóng để người dân nào không có điều kiện đi học vẫn có thể nắm bắt được kinh nghiệm kiến thức trong trồng trọt và chăn nuôi. Những gì chưa hiểu chưa thông trên lớp bà con có thể gọi điện đến số điện thoại công khai của Nhà trường để được tư vấn miễn phí.

“Mặc dù đường dây nóng phát huy hiệu quả rất tốt, nhưng bà con ở đây vẫn còn nghèo, nhiều nhà chưa có điện thoại, với lại bà con mình có phải ai cũng có tiền gọi điện liên tục được đâu nên ngoài việc thiết lập đường dây nóng chúng tôi còn thành lập tổ trực công tác liên tục trong giờ hàng chính để bà con có thể đến trực tiếp tại trường để được tư vấn’’- thầy Vân tâm sự.

Lợi đơn lợi kép

Thầy Nguyễn Chính – Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, từ ngày đường dây nóng được thành lập, hầu như ngày nào bà con cũng gọi điện hoặc trực tiếp đến hỏi nhà trường từ cách dùng thuốc khi gia súc gia cầm mắc bệnh, rồi cây trồng bị sâu bệnh thì phun thuốc gì, phun vào lúc nào và phun trong bao lâu. Thậm chí, các loại mặt hàng nông, lâm sản hiện nay bán giá bao nhiêu là hợp lý đều được bà con hỏi cặn kẽ và nhà trường giải đáp thấu đáo tỉ mỉ.

Cụ Nguyễn Văn Phong, ở xã Minh Sơn bộc bạch: “Nhà tôi trước đây có rất nhiều đất đồi bỏ hoang rất lãng phí. Ban đầu tôi nghĩ trồng cây thì cần gì phải học, chỉ cần đào hố trồng xuống để nó tự phát triển là xong, cùng lắm là canh không cho trâu bò nó phá, khi cây lên cao rồi mình cứ để đấy khi nào cần thu hoạch thì chặt thôi. Vậy mà sau khi tham gia lớp dạy nghề trồng rừng kinh tế do Trường CĐNCNNLĐB tổ chức, tôi mới biết trồng rừng đòi hỏi phải nhiều kinh nghiệm đến thế, đúng là có học có khác’’.

Nhiều bà con nông dân lúc đầu gọi vào số điện thoại nhà trường cung cấp cứ nghĩ mình gọi nhầm vào tổng đài tư vấn khách hàng của hãng viễn thông nào đó. Chỉ khi nghe được câu nói thân thiện “Có thắc mắc gì xin bà con cứ hỏi” người dân mới yên tâm là mình đã gọi đúng địa chỉ cần tư vấn. "0913555695, nghe đây...".
Thầy Chính cho biết, do đóng trên địa bàn chủ yếu là đồi núi nên trọng tâm trong đào tạo nghề cho LĐNT của Trường CĐNCNNLĐB là trồng rừng kinh tế. Trước đây bà con ở đây chủ yếu trồng rừng theo lối quảng canh, trồng rất thưa thớt, trồng xong thì bỏ cây ở đó hàng chục năm mới thu hoạch được có dăm bảy triệu đồng/ha. Sau khi có kiến thức trong tay rồi, người dân đã biết chuyển sang trồng rừng thâm canh, lợi nhuận so với trước có thể đem so sánh ngay lập tức khi chỉ cần sau 5 – 6 năm đã cho thu hoạch 20 triệu rồi, lãi gấp ba gấp bốn lần so với cách trồng rừng cũ. “Với người nông dân khi đã nhìn thấy lợi ích thiết thực như vậy, có ngăn họ trồng rừng thâm canh cũng không được ấy chứ!’’- thầy Chính phấn khởi nói.

Từ khi đường dây nóng trở nên quen thuộc với bà con nông dân tỉnh Lang Sơn, không chỉ phía người dân được lợi mà uy tín của Trường CĐNCNNLĐB không ngừng được nâng cao. Năm 2010, Trường CĐNCNNLĐB nâng chỉ tiêu đào tạo nghề cho LĐNT lên 3.000 học viên. Không chỉ chú trọng dạy cho nông dân cách trồng rừng kinh tế nhà trường còn mở rộng quy mô đào tạo lên 10 ngành nghề như: Trồng nấm, cải tạo vườn tạp, kỹ thuật trồng rau an toàn, kỹ thuật thú y, chăn nuôi gia súc gia cầm...

Với kinh nghiệm và kết quả đúc kết được trong hai năm qua, thầy Nguyễn Thành Vân dự kiến sang năm 2011, Trường CĐNCNNLĐB sẽ đào tạo từ 3.000 – 5.000 nghìn LĐNT. Đặc biệt, thầy Vân cho biết hiện nay số người gọi điện đến đường dây nóng của nhà trường ngày một đông hơn, câu hỏi cũng khó hơn, mang tầm vĩ mô hơn trước rất nhiều. Điều đó cho thấy nhận thức và tư duy của bà con mình đã được nâng lên rõ rệt.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.