| Hotline: 0983.970.780

Ám ảnh làng ung thư: Hoang mang nguồn nước nhiễm độc

Thứ Hai 29/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

Gần 6 tháng nay, người dân làng quê nghèo xã Định Liên, huyện Yên Định (Thanh Hóa) thấp thỏm lo âu khi chứng kiến gần chục người chết vì căn bệnh ung thư./ Sống trong sợ hãi

2 ngày 3 người chết vì ung thư

Chiều muộn nhưng cái nắng cháy da cắt thịt vẫn chưa chịu giảm nhiệt. Trong ngôi nhà cấp bốn trống huơ, trống hoác, anh Lê Văn Hướng, thôn 3, làng Duyên Thượng đang lúi húi phơi mẻ lúa mới thu hoạch chuẩn bị đem bán để trả nợ ngân hàng.

Số là năm 2001 tai họa ập đến căn nhà nhỏ khi anh phát hiện mẹ mình là bà Nguyễn Thị Hiền mắc căn bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối.

“Mẹ tôi đau bụng trước đó nhưng cứ nghĩ đau dạ dày thông thường nên tôi mua thuốc về cho mẹ uống. Uống bao nhiêu thuốc cũng không đỡ, tôi đưa mẹ ra Hà Nội kiểm tra thì nhận được kết quả “K dạ dày”. Trời đất như sụp xuống. Tôi bán hết trâu bò, lợn gà, lúa thóc đưa mẹ quay lại Hà Nội cắt hẳn dạ dày nhưng vẫn không cứu được bà. Căn bệnh quái ác đã cướp đi mẹ của tôi khi bà mới 52 tuổi”, anh Hướng rưng rưng nhớ lại.

Mẹ mất được 7 năm, kinh tế gia đình chưa kịp hồi phục thì một lần nữa “tử thần” gọi tên bố anh - ông Lê Xuân Gửi (SN 1954).

Năm 2012, ông Gửi lên cơn sốt liên tục, anh Hướng đưa bố đi khám, lấy thuốc về uống nhưng không thể cắt được sốt, ít hôm sau một cục u lớn nổi trên cổ ông Gửi.

Nghĩ chuyện chẳng lành, anh đưa bố ra Hà Nội khám thì nhận được hung tin bố bị ung thư vòm họng. Anh Hướng lại bỏ hết công việc, vay nợ ngân hàng 150 triệu đồng khăn gói cùng bố xuống BV Thanh Hóa, ra viện K Hà Nội xạ trị nhưng chỉ được 3 năm thì ông Gửi qua đời vào ngày 27/1/2015 (âm lịch).

“Một lần đi khám ở Hà Nội mất tầm 17 triệu đồng, tia xạ ở Thanh Hóa phải đặt cọc ít nhất 36 triệu. Trong khi quần quật cả mùa làm một mẫu ruộng cũng chỉ được hơn chục triệu bạc, đó là chưa trừ chi phí đầu tư. Vợ chồng tôi phải vay mấy trăm triệu chữa bệnh cho bố, bây giờ vẫn còn nợ hơn 100 triệu chưa biết lấy đâu để trả”, anh Hướng thở dài.

Hiện tại vợ chồng anh Hướng đang nuôi 3 đứa con ăn học, trong khi nguồn thu nhập chính chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng và chăn nuôi nhỏ trong gia đình.

Anh Hướng chỉ tay vào mẻ lúa chừng vài tạ giữa sân bảo: “Mẻ lúa này cả nhà tôi ăn quanh năm không hết nhưng bán đi chưa đủ một mũi hóa chất điều trị bệnh ung thư. Nhà tôi từ khá giả nay cũng trở thành hộ nghèo rồi”.

14-46-10_3
Anh Hướng lo lắng về tình trạng ung thư ngày càng gia tăng ở làng Duyên Thượng

Bố mẹ anh Hướng ra đi để lại cho con một khoản nợ khổng lồ, nhưng bên kia xóm, chị Lê Thị Thu (33 tuổi) vừa phải kiếm tiền trả nợ vừa phải chống chọi với căn bệnh ung thư tuyến giáp.

Năm 2008, trong một lần đi khám ở BV Trung ương Quân đội 108 bác sỹ kết luận chị bị ung thư tuyến giáp. Quá hoang mang vì tuổi đời còn trẻ, hai đứa con thơ dại không biết mồ côi mẹ lúc nào, chị buồn khóc ngày này qua ngày khác. Dần dần khi được mọi người động viên, chị trấn an lại tinh thần theo kiểu phó mặc số phận rồi điều trị từ đó cho đến nay.

Chị Thu nói: “Gần 7 năm nay tôi uống thuốc nhiều hơn ăn, bao nhiêu tiền của vét sạch để chữa bệnh nhưng không biết sẽ duy trì sự sống được bao lâu khi ngày ngày tôi phải chứng kiến rất nhiều người trong làng ra đi vì căn bệnh này”.

Ngồi bên cạnh chị Thu, ông Lê Văn Ngợi, Trạm trưởng Trạm y tế xã Định Liên thở dài tiếp lời với một tràng danh sách những gia đình có hai, ba người chết vì bệnh ung thư, như: Gia đình bà Lưu Thị Ấn, thôn 5, làng Bái Thượng có chồng và 2 con trai mất vì ung thư dạ dày, ung thư phổi; ông Lưu Thiện Kiền, thôn 6, Bái Thượng chết vì ung thư trung thất, con trai ông Lưu Thiện Đương chết vì ung thư gan…

Đặc biệt, gia đình ông Lê Văn Khang, làng Duyên Thượng có 3 người con là Lê Văn Bao, Lê Văn Ban, Lê Văn Lan đều bị chung một căn bệnh - ung thư. Hiện, ông Ban đã mất, hai người còn lại đang điều trị ở BV K Hà Nội.

“Tôi còn nhớ cuối năm 2014 chỉ trong 2 ngày có tới 3 người là ông Mở, ông Phương và ông Quê chết vì ung thư. Con số này thật đáng báo động”, ông Ngợi cho biết thêm.

Đâu là nguyên nhân?

Dạo trước tỷ lệ người mắc bệnh ung thư chủ yếu tập trung ở làng Bái Thủy nhưng 2 năm lại nay “cơn bão” ung thư lại hoành hành ở làng Duyên Thượng khiến người dân nơi đây vô cùng hoang mang, lo lắng.

Theo con số thống kê chưa đầy đủ của Trạm Y tế xã Định Liên, chỉ tính trong vòng 8 năm (2005-2013) trên địa bàn toàn xã đã phát hiện 120 trường hợp bị ung thư, trong đó 96 trường hợp đã tử vong, riêng năm 2014 có 12 người chết, số còn lại đều đang trong tình trạng nguy kịch.
Đa phần bị ung thư dạ dày rồi đến ung thư phổi, gan, vòm họng, ung thư vú… Tỷ lệ số người mắc bệnh ở lứa tuổi 41-50 chiếm trên 31%; từ 71 tuổi trở lên chiếm hơn 24%; từ 61-70 tuổi chiếm 22%; từ 31-40 tuổi chiếm hơn 7%...

Ông Bùi Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Định Liên cho hay, mặc dù tháng 7/2007, các cơ quan chuyên môn đã có kết luận 6/8 mẫu nước lấy tại 8 vị trí giếng khoan của 7 hộ gia đình làng Bái Thủy và 1 mẫu giếng khoan tại Trung tâm Y tế xã Định Liên bị nhiễm Asen vượt mức tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 đến 4,5 lần (Tiêu chuẩn vệ sinh ăn uống ban hành theo Quyết định số 1329/2002/BYT/QĐ ngày 18/2/2002 và TCVN 6182-1996) nhưng rất có thể còn những nguyên nhân khác gây nên căn bệnh ung thư cho người dân trên địa bàn.

Là người trực tiếp chứng kiến hơn 20 xã viên thuộc đội bảo vệ thực vật (HTX những năm 1980 về trước) chết vì bệnh ung thư nên ông Ngợi đặt nghi vấn: “Nhiều khả năng đất bị ô nhiễm do phun thuốc BVTV quá nhiều nên mới khiến nhiều người mắc bệnh ung thư như hiện nay”.

Theo đó, trong khoảng hơn 10 năm từ 1988 trở về trước, Định Liên là xã có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn. Để phòng trừ sâu bệnh HTX sử dụng máy nổ bơm trực tiếp thuốc BVTV dạng bột DDT, 666 xuống đồng ruộng trong thời gian dài.

“Nhiều hôm bơm với số lượng lớn, cả cánh đồng trắng xóa bột thuốc BVTV, mùi hôi bốc lên nồng nặc”, ông Ngợi nói.

Danh sách người chết do căn bệnh ung thư ở Định Liên ngày một nối dài nhưng đã 8 năm trôi qua, người dân nơi đây vẫn phải “sống chung với lũ”, sử dụng nguồn nước nhiễm Asen nặng, trong khi dự án nước sạch chưa biết khi nào mới đến được với họ.

“Chúng tôi mong mỏi các cơ quan chức năng cần có một công trình đánh giá đúng nguyên nhân gây ra căn bệnh ung thư quái ác trên địa bàn để người dân có phương án phòng tránh hiệu quả”, ông Bùi Thanh Hải kiến nghị qua báo chí.

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm