| Hotline: 0983.970.780

Ăn cỗ chia phần

Thứ Ba 09/11/2010 , 11:09 (GMT+7)

Tại một số vùng quê nghèo ở Thái Bình hiện nay vẫn còn tồn tại một phong tục lạc hậu: Đó là tục đi ăn cỗ chia phần.

Sau đám cưới, các bà các cô chia phần mỗi người một túi bóng mang thức ăn về

Các cụ xưa thường nói: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” để răn dạy con cháu khi ăn phải biết giữ gìn ý tứ, bởi miếng ăn cũng thể hiện văn hóa và nếp sống văn minh của mỗi con người. Nhưng tại một số vùng quê nghèo ở Thái Bình hiện nay vẫn còn tồn tại một phong tục lạc hậu: Đó là tục đi ăn cỗ chia phần.

Chuyện đi ăn đám hiếu, hỉ không còn là chuyện đi ăn mừng, chúc phúc hay chia buồn cùng gia chủ mà lại trở thành chuyện đáng buồn: Cử người đi ăn đại diện để nhận phần về…

Bà Nguyễn Thị Mùi, quê mãi tận Sóc Trăng, lấy chồng là người Thái Hồng, Thái Thụy, Thái Bình. Hai vợ chồng bà gặp nhau ở Sóc Trăng rồi xây dựng gia đình, lập nghiệp ở đó đã hơn chục năm. Mải mưu sinh, từ đó đến nay, bà vẫn chưa có dịp về thăm quê chồng để ra mắt bà con họ mạc. Một ngày đầu tháng 10, thu xếp công việc, hai vợ chồng bà quyết định khăn gói về thăm quê hương.

Trong một lần đi ăn cỗ cưới ở quê chồng, bà đã gặp phải một chuyện mà bà khóc dở mếu dở. Chuyện thế này: Hôm ấy, trong mâm cỗ chỉ có mình bà là người lạ, còn lại đều là người địa phương. Khi bà vừa ngồi xuống, đã thấy các bà, các chị kia xăm xắn thay nhau gắp thức ăn vào bát cho bà. Lấy làm xúc động trước tấm chân tình của chị em họ mạc, ban đầu, bà Mùi cũng vui vẻ ăn lấy vài miếng để đáp lễ.

Nhưng rồi, bà đến phát hoảng khi thấy họ cứ thi nhau ấn vào bát của bà tất cả những món có trong mâm, không cần biết bà có muốn ăn hay không. Thấy những “người lạ” quanh mình chỉ ngồi ăn loanh quanh vài món rau dưa với cơm canh, bà Mùi biết ý liền gắp những món khác để mời lại cho phải phép. Nhưng thật lạ, hễ bà cứ gắp mời họ miếng gì, họ lại đặt xuống mâm và bảo: “Cảm ơn bà! Bà cứ xơi đi, mặc kệ chúng em”. Phát ngại, bà Mùi đành phải buông bát đũa đứng dậy.

Người ta không ăn, một mình ăn sao đành?. Đến lúc ra ngồi ngoài bàn uống nước, bà Mùi mới thấy những người kia, mỗi người bỏ trong túi áo ra một túi bóng, rồi gắp những thức ăn được coi là khẩu phần của mình đem về. Hóa ra, những người trong mâm đều là người cùng làng nên đã hiểu ý nhau, có mình bà Mùi là khách lạ nên phải gắp hết thức ăn cho khách để phần còn lại dễ chia. “Lần sau, nếu có ai mời đi ăn cỗ cưới ở đây, tôi cũng đành xin khiếu. Đi ăn cỗ mà như thế thì xấu hổ lắm, có mỗi mình mình dám gắp thức ăn, lại mang tiếng là kẻ tham ăn tục uống”- bà Mùi bày tỏ.

Đem thắc mắc này hỏi mấy người họ hàng nhà chồng, bà Mùi còn bị “chỉ trích” là lạc hậu, là không văn minh. Mấy bà cô bảo: “Ối giời! Bây giờ ở thành phố cũng thế nữa là nhà quê. Cô không thấy người thành phố đi ăn nhà hàng, ăn không hết thì lấy túi bóng đem gói hết về đấy à? Tiền mình bỏ ra, việc gì phải sĩ diện? Mà người thành phố cũng là học nếp nghĩ của phương Tây chứ ở đâu ra? Người quê bây giờ đang muốn đuổi kịp người thành phố đấy”.

Nhưng các bà, các cô kia đâu hiểu rằng, tuy đều là gói về nhưng đó lại là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Một bên là mình bỏ tiền ra mua, ăn không hết thì gói mang về, để tiết kiệm, chống lãng phí là điều hết sức bình thường. Nhưng một bên là người ta mời mình đến ăn, mình lại chỉ ăn qua quýt rồi vét sạch đem về thì có đáng chê trách hay không?

Giữ lấy lệ làng, là giữ lấy những phong tục đẹp, để tôn vinh truyền thống văn hóa tinh thần của người Việt ta xưa. Chứ những tục lệ xấu, mang đậm nét văn hóa cổ hủ, lạc hậu, thiết nghĩ, cũng nên loại bỏ sớm như loại bỏ một hủ tục vậy.
Còn cô Phạm Thu Phương cũng chứng kiến một chuyện mà cô cho là “không hay cho lắm”. Chả là, cô xa quê đã lâu, giờ mới có dịp về nên mừng lắm. Được người mời đi ăn cỗ cưới, cô đồng ý ngay, coi như đây là dịp để giao lưu, thăm hỏi bà con xóm giềng. Đến ăn cỗ cưới, thấy người nhà quê chỉ chăm gắp rau mà "chê” thịt, cô thầm vui cho quê mình ngày càng phát triển. Nhưng điều cô ngạc nhiên nhất là, sao họ ăn nhiều cơm và canh thế?

 Vì chủ nhà bảo, canh “khuyến mại” cứ gọi thoải mái, nên mâm của cô gọi liền tù tì những 3-4 bát canh. Chỉ mình cô là ăn giò, thịt nên mâm cỗ của cô thừa lại khá nhiều thức ăn. Sau một hồi trò chuyện loanh quanh, lúc đứng dậy ra về, cô nhìn lại mâm cỗ của mình, thấy bát đũa đã sạch trơn. Cô lấy làm ngạc nhiên lắm?

Ngày xưa, ở làng tôi mỗi khi có đám, những ai được mời đi ăn cỗ thì mừng ra mặt. Một người đi ăn thì lo cho “một kho” người ở nhà. Thế nên mới bảo nhau chỉ ăn cơm với nước sáo và vài món xào lặt vặt, còn “để dành” gói đem về. Thôi thì ngày ấy cuộc sống còn khó khăn, con người có phần nhỏ bé, bon chen chỉ vì miếng ăn cũng là điều dễ hiểu. Nhưng đến thời nay, khi cuộc sống ở nông thôn đã khá giả hơn, cái “lệ” đi ăn cỗ lấy phần vẫn cứ “vùi sâu chôn chặt” vào nếp nghĩ, nếp làm của người dân quê tôi như một tục lụy khó bỏ.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.