| Hotline: 0983.970.780

Ăn đúng, sống vui

Thứ Bảy 22/04/2017 , 13:30 (GMT+7)

Một số người hỏi chúng tôi làm sao ăn Số 7 trong phương pháp thực dưỡng được lâu dài? Chúng tôi thường trả lời: thứ nhất phải hiểu hạt gạo lứt, thứ hai phải có mục đích cao thượng. Có được hai điều này chúng ta sẽ có cuộc sống an vui.

Hiểu hạt gạo lứt

Ăn gạo lứt là ăn đúng thức ăn của loài người, là thuận với trật tự thiên nhiên. Trật tự thiên nhiên là mỗi loài có thức ăn riêng và loài này ăn xâm phạm thức ăn của loài khác là dẫn đến mất mạng. Loài bò ăn cỏ, loài cọp ăn thịt và loài người ăn hạt cốc, trong đó có gạo lứt. Bắt loài cọp ăn cỏ thì loài cọp sẽ chết sớm, tương tự bắt loài bò ăn thịt loài bò cũng chết sớm.

09-36-37_tr38
Ăn gạo lứt là ăn đúng thức ăn của loài người, là thuận với trật tự thiên nhiên (Ảnh minh họa)

Vậy loài người không ăn gạo lứt mà ăn các loại thức ăn khác thì loài người cũng bị mất mạng dần dần thông qua bệnh tật. Ai vi phạm trật tự nhẹ thì bệnh nhẹ, vi phạm nặng thì bệnh nặng, vi phạm nặng nữa sẽ mất mạng. “Thuận thiên dã tồn, nghịch thiên dã vong”. Hiểu được điều này và sử dụng gạo lứt làm thức ăn chính thì bệnh tật sẽ hết, tại nạn sẽ tránh xa, sức khỏe ngày càng tăng cường và trí tuệ ngày càng sáng suốt.

Gạo lứt có tính quân bình Âm Dương tự nhiên. Các thức ăn khác không đạt đươc mức quân bình này, hoặc là thiên về Âm hoặc là thiên về Dương. Khi có sự tính toán của chúng ta để thức ăn đạt được quân bình âm dương thì sự quân bình này không còn tự nhiên nữa.

Để phân định Âm Dương trong thức ăn, tiên sinh G. Ohsawa (người sáng lập phương pháp thực dưỡng vào đầu Thế kỷ XX) dựa vào tỷ lệ Kali (K) trên Natri (Na) (K/Na) có trong thức ăn. Thức ăn có K/Na = 5 là thức ăn quân bình; K/Na > 5, là âm hơn; K/Na < 5, là dương hơn. Tỷ lệ K/Na trong gạo lứt là 4,5 nên gạo lứt được xem là quân bình âm dương.

Đông y đã khẳng định cơ thể khỏe mạnh là cơ thể quân bình âm dương và cơ thể bệnh tật là cơ thể mất quân bình âm dương. Gạo lứt là tốt nhất cho cơ thể, duy trì sự quân bình của cơ thể, không làm cơ thể mất quân bình, nghĩa là duy trì sự khỏe mạnh. Nếu cơ thể bị mất quân bình, tức là bị bệnh, gạo lứt có khả năng giúp cơ thể lập lại quân bình, tức là đẩy lùi bệnh tật.

Điều này đúng theo lý luận của Đông y: chữa bệnh là lập lại quân bình âm dương cho cơ thể. Cho nên, dù chúng ta bị bệnh gì mà ăn gạo lứt một thời gian thì bệnh sẽ khỏi. Hai vị danh y của Việt Nam là Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông cũng đã công nhận rằng gạo lứt là dược thảo quý nhất.

Gạo lứt hợp với hệ tiêu hóa của chúng ta. Chúng ta có răng hàm để nhai và nghiền thức ăn nhờ xương hàm có thể mở lên xuống và đưa qua lại được. Chúng ta không có răng nanh sắc nhọn như loài ăn thịt. Xương hàm của loài ăn thịt chỉ cử động lên xuống, không cử động qua lại được. Loài ăn thịt thường nuốt trọng thức ăn. Chúng ta có men amylas trong nước bọt có khả năng thủy phân tinh bột trong hạt gạo thành đường glucose.

Đường glucose là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu và trực tiếp cho cơ thể. Nồng độ axit chlohydric trong bao tử loài ăn thịt mạnh gấp 10 lần hơn loài người. Nồng độ axít cao như vậy mới tiêu hóa được thịt sống và xương. Ruột của loài người so với thân thể ngắn hơn ruột của loài ăn cỏ nhưng dài hơn ruột loài ăn thịt.

Ruột của loài ăn thịt dài khoảng gấp 3 lần chiều dài thân thể để thải nhanh chất độc tạo từ thịt ra ngoài, ngược lại ruột của loài ăn cỏ dài gấp 6 lần chiều dài thân thể để có đủ thời gian tiêu hóa thức ăn. Thức ăn hợp với hệ tiêu hóa cũng là yếu tố hợp với trật tự thiên nhiên.

Ăn gạo lứt dễ tiêu. Ăn gạo lứt làm cơ thể không mất nhiều năng lượng để tiêu hóa nên những người ăn gạo lứt thấy dễ tiêu và bụng nhẹ nhàng. Các loại thức ăn khác rất khó tiêu và làm cơ thể mất nhiều năng lượng để tiêu hóa, để khử độc, để tống khứ ra ngoài; vì thế bụng lúc nào cũng nặng nề. Các thức ăn khác không những tạo gánh nặng cho mà còn làm rối loạn hệ tiêu hóa nữa.

Các nhà khoa học hiện đại đã công nhận rằng ruột là não bộ thứ hai. Nếu để bụng trống trải, nhẹ nhàng thì đầu óc nhẹ nhàng, thư thái hơn và khả năng tư duy sáng suốt hơn. Còn nếu bụng bị nặng nề thì đầu óc cũng nặng nề theo và khả năng tư duy bị mơ mờ. Các vị thiền sư nói rằng trí thông minh nằm ở bộ não trên đầu còn trí tuệ nằm ở phần rốn dưới bụng.

Ăn gạo lứt là không phung phí thức ăn vì cơ thể hấp thu gần như toàn bộ gạo lứt ăn vào. Các loại thức ăn khác cơ thể chỉ hấp thu một phần và phần còn lại thành phân thải ra ngoài. Chúng ta không nên tranh giành những thức ăn không phù hợp với những loài khác. Chúng ta không ăn phần đó thì loài khác được nhờ, loài khác được ăn phần đó và loài khác không bị giết thịt.

Ăn gạo lứt là thực hiện kiệm phước, để dành phước cho những lúc nguy khó. Theo nhà Phật, ba cái thường làm mất phước là cái ăn, cái mặc và cái ở. Ăn gạo lứt là không phung phí phước, không biến phước thành phân rồi thải bỏ.

Ăn gạo lứt là ăn đúng với thức ăn của người Việt như Quốc tổ Hùng Vương đã dạy trong sự tích “Bánh Chưng Bánh Dầy”. Bánh chưng bánh dầy làm từ gạo và nếp. Người xưa không sử dụng nhà máy xay gạo nên hạt gạo là hạt gạo lứt; chỉ gọi là gạo, không phân biệt gạo xát trắng hay gạo lứt. Từ khi có nhà máy xay gạo là lúc có sự phân biệt gạo lứt với gạo xát trắng. Trong sự tích, bánh chưng bánh dầy được chọn chứng tỏ rằng gạo và nếp là thượng phẩm, vượt trên sơn hào hải vị, nem công chả phụng và những thực phẩm khác.

Lang Liêu, người dâng bánh chưng bánh dầy, được chọn truyền ngôi vua chứng tỏ Lang Liêu đủ đức đủ tài. Cái đức cái tài này được nuôi dưỡng bằng chính những hạt gạo, hạt nếp làm ra loại bánh này, chứ không phải thực phẩm khác. Phương tây có câu “You are what you eat, bạn là những gì bạn ăn vào”. Tiên sinh Ohsawa nói “Chúng ta là thức ăn”. Chúng ta muốn sướng hay khổ, muốn thông minh hay đần độn, muốn hiền lương hay hung dữ, muốn làm vua hay làm giặc đều do thức ăn mà thành.

Gạo lứt không những giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn giúp phát triển trí thông minh và trí tuệ. Gạo lứt và hạt cốc (lúa mì, lúa mạch, hạt kê, bo bo…) đã tạo ra những vị minh triết của nhân loại như Đức Phật, Đức Chúa, Đức Lão Tử… Chỉ có loài người mới được tạo hóa ban tặng đặc quyền sử dụng thức ăn quân bình tự nhiên là gạo lứt và hạt cốc.

Những loài động vật khác đều ăn những thức ăn mất quân bình, chẳng hạn cá thịt thuộc loại Dương và rau củ thuộc loại Âm; nên động vật không có trí khôn như loài người. Muốn có thánh trí chúng ta phải ăn gạo lứt. Tuy nhiên, con người có nhiều cách tu tập để khai mở thánh trí nhưng không thể bỏ qua nền tảng cơ bản là ăn uống đúng.

Tại sao con người phải ăn gạo lứt hoặc hạt cốc? Không ai biết cả. Không có người nào đủ khả năng trả lời được câu hỏi này, giống như cũng không ai trả lời được tại sao loài bò ăn cỏ, loài cọp ăn thịt, tại sao mặt trời mọc ở hướng đông. Chỉ có tạo hóa mới trả lời được.

Tạo hóa tạo ra loài bò thì tạo hóa tạo luôn thức ăn cho loài bò. Tạo hóa tạo ra loài cọp thì tạo hóa qui định luôn thức ăn cho loài cọp. Tạo hóa tạo ra loài người thì tạo hóa qui định luôn thức ăn cho loài người. Cho nên loài người không có quyền qui định thức ăn cho loài người. Ai mà tự cho mình cái quyền tạo ra thức ăn cho con người là người đó chống lại tạo hóa, trái với luật tự nhiên.
 

Mục đích cao thượng

Chúng ta ăn thực dưỡng với mong cầu cho thân thể của mình được khỏe mạnh, tâm của mình được an vui, trí của mình được sáng suốt. Đó là mong cầu chính đáng. Tuy nhiên, mong cầu này ít nhiều mang tính ích kỷ. Chúng ta ăn thực dưỡng với mong cầu người thân mình cũng ăn để được khỏe mạnh, để có cuộc sống vui sướng. Mong cầu này chính đáng nhưng còn mang dáng dấp của lợi ích gia tộc.

Ăn thực dưỡng với mong cầu dân tộc mình cũng ăn để được cường tráng và xã hội bình yên. Mong cầu này chính đáng nhưng thể hiện “cái tôi” của mình còn lớn. Ăn thực dưỡng vì lợi ích của loài người, vì lợi ích của muôn loài, thể hiện tâm mong cầu chân chính cao thượng.

Tiên sinh Ohsawa thấy được cảnh khổ đau (bệnh tật và chiến tranh) của nhân loại sinh ra từ việc ăn uống sai trái. Tiên sinh mong muốn mọi người hiểu ra tầm quan trọng của ăn uống để thoát khỏi khổ cảnh. Mẹ của tiên sinh mất khi tiên sinh mới 10 tuổi. Tiên sinh luôn tự hỏi tại sao một người mẹ diệu hiền tần tảo lại mất sớm như vậy.

Cuối cùng tiên sinh trả lời được câu hỏi này. Đó là do ăn uống trái với thiên nhiên. Nhờ ăn uống đúng mà tiên sinh đã tự chữa hết bệnh lao phổi, ung thư dạ dày, bệnh tim và bệnh thận. Từ đó, tiên sinh dâng hiến cả phần đời còn lại để nghiên cứu ăn uống và Triết lý Âm Dương.

Niềm vui lớn của tiên sinh là truyền bá phương pháp thực dưỡng và Vô Song Nguyên Lý, là muốn mọi người hiểu Trật Tự Của Vũ Trụ. Tiên sinh nói: “Tôi nói rất nhiều lần rằng tất cả bệnh tật đều chữa lành trong vòng 10 ngày bằng thực dưỡng và bằng Vô Song Nguyên Lý”.

Những mong cầu mang tính ích kỷ sẽ đẩy chúng ta đến chỗ tự mãn và kiêu ngạo khi đạt được chúng. Khi chúng tôi bắt đầu ăn Số 7, sư phụ bảo “coi chừng chết trên Số 7”. Sự nhắc thức của sư phụ làm chúng tôi bừng tỉnh và càng ngày càng thấy sự nhắc thức đó luôn đúng và cần thiết. Ăn Số 7 chỉ là một phần trong cuộc sống, thực dưỡng cũng chỉ là một phần trong cuộc sống; chúng chỉ là phương tiện hiện thời của mình để đạt tới mục đích cao thượng. Ngày xưa, làm gì có Số 7, không ai đề cập đến thực dưỡng vậy mà vẫn có những vị minh triết ra đời. Bởi vì người xưa đã sinh sống và ăn uống thuận với thiên nhiên mà người bây giờ gọi là thực dưỡng.

Thực dưỡng không phải là tất cả. Nếu không có sự nhắc thức của sư phụ, biết đâu chúng tôi đã tưởng tượng rằng thực dưỡng là “số một”, “ăn Số 7 là cao nhất”. Trí tưởng tượng cứ thế đẩy mình lên hàng “số một”, “thiên hạ không ai bằng mình”.

Càng ngày cái tôi càng lớn, càng ngày tính kiêu ngạo càng tăng sẽ đi đến chỗ hết phê phán người này đến phê phán người khác, hết chê cái này đến chê cái khác. Tự cho mình cái quyền đi giảng dạy cho người khác. Tự cho mình cái quyền mạt sát người khác, chửi rủa người khác. Rồi tự cho mình cái quyền đi thương hại người khác. Tự thấy mình bự quá, quan trọng quá nên mới cho mình cái quyền to như thế. Nếu xem mình là cỏ rác thì những cái quyền này mất tiêu. Tiên sinh Ohsawa bảo “Bệnh gì cũng có thể chữa khỏi trừ bệnh kiêu ngạo”.

Ăn uống đúng không những thay đổi được thể xác mà còn thay đổi được tâm hồn. Ăn đúng sống vui là vậy.

(Kiến thức gia đình số 15)

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.