| Hotline: 0983.970.780

An Giang: 71 vụ vỡ hụi khiến hàng chục gia đình khốn đốn

Thứ Sáu 23/02/2018 , 14:34 (GMT+7)

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh An Giang xảy ra 71 vụ vỡ hụi. Nhiều chủ hụi ôm hàng tỷ đồng bỏ trốn khiến hàng chục gia đình lâm vào cảnh khốn đốn, có trường hợp tự tử vì áp lực quá căng thẳng.

Bà Châu đại diện cho hàng chục hụi viên đang trình bày vụ vỡ hụi của bà Nhung

Việc vỡ hụi với số tiền cực lớn gây nhiều hậu quả nghiêm trọng và gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
 

Chơi hụi chỉ thỏa thuận miệng

Một trong những nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là các hụi viên chơi hụi chủ yếu thỏa thuận bằng miệng, có khi qua điện thoại và tin tưởng lẫn nhau.

Nhiều dây hụi không có sổ sách ghi chép, mạnh ai nấy ghi và tự trao đổi miệng thanh toán với nhau, phần lớn các hụi viên không hiểu các quy định của pháp luật.

Đáng chú ý là có rất nhiều hụi viên nghĩ đơn giản chơi hụi giống như gửi tiết kiệm nhưng lãi suất cao hơn, do đó để dành hốt chót và hậu quả là nhiều người trắng tay, lâm vào bế tắc do mất hết tài sản dành dụm nhiều năm.

Một số chủ hụi lợi dụng việc chơi hụi để ghi khống danh sách hụi viên nhằm chiếm đoạt tài sản, có nhiều trường hợp một số hụi viên hốt trước lấy vốn nhưng do làm ăn thua lỗ, mất khả năng đóng hụi, bỏ trốn… dẫn đến chủ hụi không có khả năng thanh toán, dẫn đến vỡ hụi dây chuyền.
 

Những vụ vỡ hụi lớn gây mất ANTT

Điển hình, năm 2017, tại địa bàn huyện Phú Tân xảy ra 10 vụ vỡ hụi có quy mô lớn, với số tiền ước tính khoảng 20 tỷ đồng. Ngày 5-10-2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam chủ hụi Trần Thị Màu (sinh năm 1986, ngụ thị trấn Chợ Vàm).

Trần Thị Màu đã làm chủ tổng cộng 14 dây hụi, làm giả nhiều hụi viên, hụi khống để chiếm đoạt tài sản. Một chủ hụi khác là Trần Thị Ngọc Hân (sinh năm 1980, ngụ thị trấn Phú Mỹ) đã làm chủ 34 dây hụi, ghi khống 90 hụi viên để hốt khoảng 4 tỷ đồng, gây thiệt hại cho các hụi viên khoảng 3,5 tỷ đồng rồi tuyên bố vỡ hụi… làm nhiều người điêu đứng.

Tại huyện Chợ Mới, nhiều vụ vỡ hụi lớn gây bức xúc trong dư luận như: vụ vỡ hụi do bà Trần Thanh Cầu (sinh năm 1971, ngụ xã An Thạnh Trung) làm chủ hụi. Bà Cầu làm chủ 12 dây hụi, đã ghi khống tên hụi viên để hốt 73 phần hụi được trên 2 tỷ đồng rồi tuyên bố vỡ hụi. Đặc biệt, vụ vỡ hụi tại xã Mỹ An có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.

Chủ hụi tên Nguyễn Thị Nhung (sinh năm 1986, ngụ xã Mỹ An), làm chủ 40 dây hụi. Theo đơn tố cáo, bà Nhung đã ghi khống hụi viên để hốt và chiếm đoạt khoảng 8,8 tỷ đồng, đáng chú ý là trong số các hụi viên có khọảng 50 người là cán bộ, viên chức xã, ấp đã tham gia chơi hụi do bà Nhung làm chủ.

Đến tháng 4-2017, bà Nhung tuyên bố vỡ hụi và uống thuốc diệt chuột để tự vẫn nhưng không chết, do được đưa đi cấp cứu kịp thời. Hiện nay, các ngành pháp luật đang thụ lý điều tra vụ vỡ hụi của bà Nhung.

Trao đổi với báo NNVN, Thượng tá Đỗ Văn Mười Bốn- Trưởng phòng Tham Mưu Công an Tỉnh An Giang cho biết: “Việc chơi hụi được pháp luật cho phép nhưng phải tuân theo những quy định, thủ tục nhất định. Đây là cách để người dân tích góp vốn, giúp đỡ nhau làm ăn phát triển kinh tế, tuy nhiên thực tế, việc chơi hụi bị biến thể, người chơi thì chủ quan, tin tưởng chủ hụi nên không lường trước những rủi ro”.

Để phòng ngừa, ngăn chặn các vụ vỡ hụi, thời gian tới cần tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người biết cách chơi hụi lành mạnh, đúng pháp luật, phải có sổ sách, chứng từ ghi chép đầy đủ, minh bạch; chủ hụi phải là người có uy tín cao, nhân thân tốt, có tài sản bảo đảm. Các cơ quan pháp luật cần xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng chơi hụi để chiếm đoạt tài sản của người dân- Thượng tá Bốn nhấn mạnh.

Năm 2017, theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh xảy ra 71 vụ vỡ hụi liên quan đến hàng trăm người, gây thiệt hại trên 31 tỷ đồng, xảy ra tại TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc và các huyện: An Phú, Phú Tân, Thoại Sơn, Chợ Mới, Tịnh Biên, Tri Tôn…

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.