| Hotline: 0983.970.780

Ẩn họa những ngôi nhà trên vách núi

Thứ Năm 08/10/2015 , 07:15 (GMT+7)

Hàng chục ngôi nhà của người dân thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định) được xây dựng cheo leo trên triền núi Gành. Khi mùa mưa bão đến, mối nguy sạt lở núi luôn rình rập.

Cái chết treo trên đầu

Nhìn lên núi Gành, chúng tôi thật sự thấy hoa mắt với những ngôi nhà nằm chênh vênh giữa lưng chừng núi. Sau một buổi ra đồng làm việc, chưa hết mệt nhọc, người dân sống ở đây lại phải mướt mồ hôi leo lên núi để về nhà cơm nước, nghỉ ngơi.

Xe máy dựng dưới chân núi, họ khom người lê từng bước chân mệt mỏi qua những con đường mòn tí tẹo, hiểm trở mới đến được nhà.

Ông Huỳnh Văn Thông ở thôn Đức Phổ 1, là cư dân trên triền núi Gành đã gần 20 năm nay. Mùa mưa bão năm nào gia đình ông cũng được chính quyền đến vận động di dời ra khỏi nhà vì sợ sạt lở núi, nguy hiểm đến tính mạng.

“Do ở dưới không có đất nên tôi mới lên đây dựng nhà. Mấy năm trước nghe nói có khu tái định cư di dời người dân ở núi Gành đi, nghe vậy mà mừng, vì gia đình mình có cơ hội thoát khỏi vùng nguy hiểm này, nhưng chờ mãi không thấy gì cả”, ông Thông cho hay.

Đã 4 năm rồi, trước mỗi mùa mưa bão là ông Nguyễn Thái Bình, Trưởng thôn Đức Phổ 1, lại phải lê chân lên những triền dốc cao dẫn lên núi Gành để vận động người dân di dời.

Theo ông Bình, tại núi Gành hiện có 24 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu sinh sống, có những ngôi nhà được dựng trên triền núi từ những năm 1980.

Hầu hết người dân sống trên núi Gành đều là dân lao động, cuộc sống khó khăn, kiếm đủ ăn hàng ngày đã khó nói gì đến có tiền mua đất cất nhà dưới vùng thấp. Ở đây có 24 hộ dân mà đã có 5 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo.

Năm 2010, để tránh nguy hiểm cho người dân, chính quyền địa phương đã tính đến chuyện bố trí đất ở ngoài cồn Năm Ông (xã Cát Minh) và hỗ trợ mỗi hộ 10 triệu đồng để 24 hộ dân sống trên núi Gành di dời, nhưng không thực hiện được vì không có vốn xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư.

Nói như vậy có nghĩa là 24 hộ dân sống ở núi Gành còn phải chung sống dài dài với hiểm nguy. Mùa mưa bão đến rồi, người dân ở đây đã bắt đầu ăn ngủ không yên!

“Ngôi nhà cao nhất trên núi Gành nằm cách đường gần 100 m. Cách đây khoảng 7 năm, khi mưa lớn sạt lở, rồi đá trên núi đè sập tường nhà gây ra cái chết cho ông Phạm Hùng. Đến mùa mưa bão hằng năm, huyện, xã, thôn lại tập trung vận động di dời người dân đến nơi an toàn”, ông Nguyễn Thái Bình nói.

Mong ngày xuống núi

Sống chung với nỗi lo sạt lở đất đá suốt mấy chục năm nay, 24 hộ dân tại khu vực núi Gành đã thấy ớn. Thế nhưng điều kiện nào để họ có thể rời khỏi vùng nguy hiểm này hiện vẫn đang rất mù mờ đối với họ.

14-58-03_3
Người dân ở đây mong có ngày được “xuống núi”

Theo ông Võ Văn Thế, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Minh, trong 24 hộ dân sống ở núi Gành có đến 7-8 hộ chưa thể tiếp cận được với nguồn nước sạch sinh hoạt, vì nhà được xây ở vị trí quá cao so với mặt đường.

“Địa phương đã nhiều lần đề nghị lên cấp trên về việc xây dựng khu tái định cư, di dời 24 hộ sống trên núi Gành xuống để bảo toàn tính mạng của họ trong những mùa mưa bão. Thế nhưng vì chưa có vốn nên không làm được”, ông Thế bộc bạch.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Xuân Bình, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở NN- PTNT tỉnh Bình Định cho biết, từ năm 2005 đã vận động di dời người dân khỏi núi Gành, nhưng người dân không chịu đi.

Hiện tại, chính sách Trung ương hỗ trợ di dời là 20 triệu đồng/hộ. Mức hỗ trợ nói trên là quá ít so với chuyện di dời nhà cửa, gia đình đến nơi ở mới, do đó họ cứ phải bám trụ, bất chấp hiểm nguy.

Thêm vào đó, xã Cát Minh không có quỹ đất để làm khu tái định cư tập trung, việc di dời xen ghép thì chưa làm được.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất