| Hotline: 0983.970.780

Ẩn sĩ giúp đời

Thứ Bảy 30/07/2011 , 15:53 (GMT+7)

Ở Thái Nguyên có hai lương y rất nổi tiếng, không chỉ y thuật giỏi mà vài chục năm nay, họ đã tận tụy cứu chữa bệnh nhân nghèo mà không màng đến tiền bạc, lợi lộc.

Ở Thái Nguyên có hai lương y rất nổi tiếng, không chỉ y thuật giỏi mà vài chục năm nay, họ đã tận tụy cứu chữa bệnh nhân nghèo mà không màng đến tiền bạc, lợi lộc.

>> 50 năm trị rắn cắn không công
>> Vị lương y của người nhiễm chất độc da cam
>> Cứu hàng vạn bệnh nhân bỏng
>> Chuyện ông Thoàn chữa bỏng

Bệnh viện di động

Đó là cách mà người dân huyện vùng cao Võ Nhai (Thái Nguyên) quen gọi phòng mạch tư ở thị trấn Đình Cả của lương y Lý Xuân Nần. Ở bất kì vị trí và bất kể thời gian nào, nếu người dân gọi, lương y Nần tức tốc phóng xe máy đến để sơ cấp cứu những ca chấn thương. Điều đáng nói là lương y Nần làm công việc trên hoàn toàn tự nguyện, không thu tiền của bệnh nhân.

Lương y Lý Xuân Nần sinh năm 1950. Năm 20 tuổi, chàng trai người dân tộc Tày quê ở huyện Hà Quảng (Cao Bằng) trở thành sinh viên trường Đại học y Thái Nguyên. Năm 1972, như bao lớp sinh viên lúc ấy, ông Nần tạm gác việc học để lên đường bảo vệ Tổ quốc. Năm 1975, xuất ngũ trở về, ông Nần tiếp tục theo học khoa đông y. Sau tốt nghiệp, ông Nần được giữ lại công tác tại trường một thời gian, đến năm 1985, ông được điều chuyển về giữ chức Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Võ Nhai. Năm 1993, ông được chuyển sang làm chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện. Cùng năm này, ông Nần mở phòng mạch tư tại phố huyện.

Lương y Lý Xuân Nần

Ông Nần cho biết, kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại trung tâm y tế, ông thấy số lượng bệnh nhân mắc các bệnh về thần kinh, dây chằng và thoái hoá rất lớn. Đó chính là những căn bệnh chủ yếu của đồng bào miền núi mà lương y Nần lại có thế mạnh trong việc điều trị. Vì lẽ đó, phòng mạch của ông rất đông bệnh nhân đến thăm khám. Lương y Nần phải tranh thủ khám chữa bệnh cho đồng bào ngoài giờ, bất kể khuya sớm. Ông nhờ cả vợ con phụ giúp phòng mạch.

Vợ ông, bà Hà Thị Tàn, giáo viên trường tiểu học, cứ hết giờ lên lớp lại phụ chồng bốc thuốc. Hai cô con gái lớn giúp bố lo hậu cần, cơm nước cho những bệnh nhân lưu trú tại nhà. 18 năm làm phòng mạch, ông Nần chưa thu tiền khám bệnh của bất kể một bệnh nhân nào. Chữa bệnh, ông chỉ lấy lấy tiền mua thuốc bằng với giá thuốc bệnh viện mà không tính công. Một số trường hợp bệnh nhân là trẻ em, người già, người nghèo có điều kiện đặc biệt khó khăn, ông Nần đã bàn với vợ miễn giảm hoặc không thu tiền chữa trị.

Bệnh nhân Ma Thị Từng (xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai) cho biết, chị bị thoái hoá đốt sống cổ thể nặng dẫn đến sái cổ, không quay được cổ. Khi đến phòng mạch của lương y Nần, qua 5 ngày điều trị, chị đã có thể đạp xe về nhà cách phố huyện 50 km. Những ngày lưu trú, biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị Từng, lương y Nần đã nuôi ăn không và chữa bệnh không lấy tiền.

Nghĩa cử cao đẹp đó đã được vợ chồng ông Nần lý giải, đơn giản là mình thương người. Người dân nơi này rất nghèo, mình cũng đã từng xuất thân cơ hàn nên thông cảm với đồng bào nhiều lắm. Thêm nữa “cả 2 vợ chồng tôi đều xuất thân từ những gia đình giàu truyền thống cách mạng”. Cụ thân sinh ra ông Nần là Lý Văn Khuấy, từng là đội viên Đội Nhi đồng Cứu quốc xóm Cáy Tắc, xã Kéo Yên, huyện Hà Quảng, Cao Bằng. Ông Khuấy là người vinh dự được Già Ké (Bác Hồ) đặt tên là Quyết cùng với 7 đội viên khác trong Đội Nhi đồng Cứu quốc: Kiên, Quyết, Đấu, Tranh, Thực, Hành, Khởi, Nghĩa. Cụ thân sinh ra bà Tàn là cụ Hà Văn Châm, một thành viên trong nhóm sáng lập ra Đội Cứu quốc 2.

Không phân biệt sang, hèn

Bà Ma Thị Kim Liên, Phó chủ tịch Hội đông y tỉnh Thái Nguyên, khi nói về y đức của các lương y trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thì đặc biệt trân trọng tinh thần chữa bệnh cứu người của lương y Nguyễn Thế Thuyết. Theo lời giới thiệu của bà Liên, mới chỉ đến đầu huyện Phú Lương, hỏi lương y Thuyết, chúng tôi đã được người dân chỉ đường cặn kẽ, qua gần 20 km để đến xóm Làng Lai, xã Động Đạt. Lương y Thuyết được nhiều người biết đến với khả năng đặc trị các bệnh tiểu đường, trúng phong kinh lạc, trúng phong tạng phủ, tai biến mạch máu não... Những tưởng ông nổi tiếng như vậy thì tuổi đã cao nhưng khi gặp, chúng tôi mới vỡ lẽ, năm nay lương y Nguyễn Thế Thuyết vừa tròn 47 tuổi.

Lương Nguyễn Thế Thuyết

Sau khi xuất ngũ, chính thức làm nghề gia truyền từ năm 24 tuổi, lương y Nguyễn Thế Thuyết cho biết, trung bình mỗi ngày ông khám cho khoảng 60 bệnh nhân. Việc khám bệnh hơn 2 thập kỷ qua là hoàn toàn miễn phí. Ông Thuyết cũng miễn phí chữa trị đối với các bệnh nhân là người già, trẻ em, người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các căn bệnh đơn giản không phải điều trị lâu hoặc không phải dùng thuốc như khêu cam, khêu sài ở trẻ em. Hàng năm, ông còn tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào vùng sâu, vùng xa. Đối với các bệnh nhân phải nằm điều trị tại nhà, lương y Thuyết đã miễn phí tiền ăn, ở.

Theo ông Thuyết, thấy bệnh mà không giúp là có tội, bệnh nhân không có tiền thì mình vẫn phải chữa. Trong căn nhà lá đơn sơ, có phần trống trải của mình, để cặn kẽ về quan điểm đó, ông Thuyết cho biết, làm nghề y có tâm, có đức thì không thể giàu được.

Gia đình ông Thuyết có 4 khẩu nhưng làm tới 1 ha chè, 3 ha rừng, 5 sào lúa. Vợ ông còn mở cửa hàng buôn bán nhỏ. Ông Thuyết tâm sự: "Với tôi, thu nhập ổn định từ nông nghiệp là cái gốc để mang phúc đến cho đời". Chính vì vậy mà cơ sở khám chữa bệnh của lương y Thuyết lúc nào cũng như một bệnh viện thu nhỏ.

Ông Thái Văn Vinh, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Thái Nguyên, cho biết hiện tại tỉnh Thái Nguyên có 1400 hội viên. Có không ít lương y đã phát huy được tinh thần y đức cao cả của mình nhưng số thực hiện được nghĩa cử đó một cách ổn định, bền vững như mô hình của lương y Nguyễn Thế Thuyết, lương y Lý Xuân Nần thì còn hạn chế. Hội Đông y tỉnh cũng đã nghiên cứu để xây dựng mô hình hoạt động theo cách tổ chức của 2 lương y nói trên.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.