| Hotline: 0983.970.780

Ăn sinh nhật lên lão ở Khau Phạ

Thứ Bảy 29/08/2015 , 09:18 (GMT+7)

Dưới đỉnh Khau Phạ, xã Hoàng Văn Thụ (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn), hàng trăm năm qua vẫn tồn tại một tục cổ của đồng bào dân tộc Nùng, đó là tổ chức sinh nhật cho những người lên lão.

Tiệc có lợn quay, xôi, gà và cả bánh sinh nhật. Mỗi năm một lần, đúng ngày sinh (âm lịch), những người từ 60 tuổi trở lên được con cháu mời bà then, thầy mo về “hắt khoăn” (gọi vía gọi hồn), mở tiệc chiêu đãi cả làng.

Ngày ấy, cổng trời Khau Phạ lại rộn lên tiếng hát then, điệu sli giữa trập trùng núi rừng.

“Hắt phạt, hắt khoăn”

Trời nắng như rót mật, cả cánh rừng dưới chân Khau Phạ mùi hoa hồi thơm ngào ngạt. Ông Lăng Văn Cót, thôn Nà Lùng (SN 1936), người đánh trần, đứng trên bậc cửa phe phẩy chiếc quạt nan.

Ông Cót cười móm mém mời khách vào uống nước. Căn nhà đất bên trong mát lạnh, khắp nơi ngổn ngang hoa hồi, ngô.

Sinh nhật, trong tiếng Nùng là “hắt phạt”. Tôi hỏi ông, tục "hắt phạt" có từ bao giờ. Ông Cót cười hồn hậu, xua tay: "Cái này tao chịu thôi, từ thời các cụ gì đó, đời này nối đời kia, giữ lấy cái tục thôi".

Theo lệ, những người từ 60 tuổi trở lên mới được làm sinh nhật. Nay đời sống khấm khá hơn, có nhà làm cho cha mẹ từ tuổi 50. Trong nhà có bao nhiêu người con, mỗi người gánh vác tổ chức một năm. Bắt đầu từ con cả, con thứ hai cho tới hết rồi vòng lại lượt tiếp theo.

“Nhà tao có 4 con trai, năm nay vòng lại đứa cả, xếp hàng ấy chứ”, ông Cót cười khà khà. Lễ vật khi làm "hắt phạt" không bao giờ được thiếu là một con lợn quay và xôi gà.

17-10-58_2
Ông Cót khoe quà sinh nhật của mình

Ngoài người được tổ chức sinh nhật, một nhân vật không thể thiếu của buổi lễ là bà then hoặc thầy mo. Theo ông Cót, không có những người này, buổi lễ không thể tiến hành.

Lễ vật được chuẩn bị từ chiều và đặt lên bàn thờ. Gà lên chuồng, bà then hoặc thầy mo vận áo choàng ngồi trước bàn thờ tiến hành “hắt khoăn”.

Trong tiếng Nùng, "hắt khoăn" nghĩa là gọi vía, gọi hồn. Nhưng lại là hồn vía của chính người được tổ chức sinh nhật. Tôi thắc mắc, ông Cót bảo, thì cả năm, cái hồn cái vía nó cũng đi lang thang chứ, thế là mình mệt, ăn kém, phải gọi nó về chứ.

Cả đêm, bà then vừa hát vừa làm lễ cho tới sáng thì xong. Mọi người xung quanh, quây quần ăn uống, hát then, sli chúc mừng sinh nhật.

Ông Cót sinh ngày 11/11/1936 âm lịch. Năm rồi, ông được tổ chức sinh nhật đến 30 - 40 mâm cơm, mời cả thôn đến chung vui. Thậm chí, bạn bè xã bên, nhớ ngày sinh cũng tìm sang chúc mừng.

Đặc sắc nhất là phần quà sinh nhật. Nhà nào có tiền mừng tiền, có gạo, đỗ hay bất kỳ thứ gì gia chủ đều nhận. Tiền được bỏ vào một chiếc ống tre, gạo cho vào một chiếc thúng.

Tôi hỏi, đông khách thế, ông có bị chúc say không? Ông Cót lắc đầu, không uống nhiều đâu, chủ yếu là hát, trò chuyện với nhau thôi. Mỗi mâm 8 người, vừa ăn vừa hát then, sli. Ai cao hứng có thể đứng dậy hát riêng một bài để chúc mừng.

Ông Cót bê hộp đựng trà khoe: "Đây, quà sinh nhật của tao đây. Bánh kẹo thì chia cho trẻ con rồi, vỏ vứt đi phí quá nên tao giữ lại đựng trà".

Vui khỏe, thanh thản

Nhìn thân hình rắn rỏi, dáng đi nhanh thoăn thoắt như sóc rừng, chẳng ai nghĩ, ông Cót năm nay đã tròn 80. Ông Cót bảo, hôm nào trời nắng, đem kim chỉ ra ngồi đầu hè, ông vẫn may vá như thường. Tôi mắt tròn mắt dẹt.

“Mỗi ngày, ông ăn được mấy bát cơm?”, tôi hỏi. Ông Cót rủ rỉ, cơm thì ngày 3 - 4 bát, rượu thì không uống đâu, bỏ 5 năm rồi, sinh nhật hoặc có khách quý đến nhà mới uống một ít thôi.

Leo đồi như chạy, ông Cót dẫn tôi lên thăm nhà bà Lý Thị Cóc (77 tuổi), vừa được tổ chức sinh nhật tháng trước. Bà Cóc sinh ngày 19/6/1939. Bà không nói được tiếng phổ thông, ông Cót ngồi giữa làm phiên dịch viên bất đắc dĩ cho tôi.

17-10-58_4
Sống vui vẻ, thanh thản khi tuổi già

"Hỏi đến "hắt phạt", bà Cóc cười lớn tỏ vẻ sung sướng lộ hàm răng đen tuyền do ăn trầu, lục tục chạy vào buồng bê ra một đống bánh kẹo.

Ông Cót bảo, bà Cóc còn giữ được nhiều quà lắm, mới sinh nhật tháng trước mà. Bà Cóc đưa tôi gói bánh quy nói liến thoắng gì đó, tôi nghe hiểu mỗi hai từ “kin khẩu” - mời ăn bánh.

17-10-58_3
Bà Cóc khoe quà sinh nhật của mình

Lại lục tục chạy vào bếp, bà Cóc cầm ra một chai rượu nhỏ lẩm bẩm “kin lẩu, kin lẩu a” - mời uống rượu. Tôi hiểu, liền gật đầu. Ông Cót, bà Cóc cầm chén “cạch” một cái rồi uống, tôi cũng uống theo.

“Người dân ở đây thật thà, hiếu khách lắm à. Khách quý đến nhà mà không mời được một chén rượu là không vui”, ông Cót phân trần.

Tháng rồi, bà Cóc được con cái làm 30 mâm, mời cả thôn đến mừng sinh nhật. “Mấy người bạn ở xã Nhạc Kỳ cũng sang chúc mừng tôi mà. Tôi ở Nhạc Kỳ, qua bên này lấy chồng thôi”, bà nói.

Tiền mừng được 6 triệu đồng, bà Cóc đưa hết cho con trả tiền mua lễ, thức ăn. Ông Cót cũng bảo, giữ làm gì tiền, già rồi có đi đâu mà tiêu. Sinh nhật năm ngoái, được 10 triệu, ông bảo, đưa tất cho thằng út trả tiền mua lợn, gà. Anh này không nghe, chỉ nhận 7 triệu, còn 3 triệu biếu lại ông phòng lúc đau ốm để thuốc thang.

17-10-58_5
Bà Cóc vẫn nấu rượu, làm ruộng dù đã gần 80 tuổi

Cả ông Cót và bà Cóc đều bảo, chả hiểu sao, cứ làm sinh nhật xong người bỗng dưng khỏe ra. Như bà Cóc, nhà làm 4 sào ruộng, một mình “đánh bay” đám mạ, cắt xén gọn gàng, con cái chỉ việc xách đi mà cấy.

Lợn, ngan, gà… ngoài vườn con nào cũng béo tốt, nhìn đến vui mắt. Trong bếp, sực nức mùi men rượu chờ ngày đỏ lửa.

Tục hay, nét đẹp

"Hắt phạt" của người Nùng, nghe có vẻ tốn kém nhưng không nhất thiết phải làm linh đình mà tùy kinh tế gia đình.

“Tục "hắt phạt" của người Nùng mang ý nghĩa báo hiếu cha mẹ ngay khi còn sống. Khi chết thì không tổ chức làm giỗ. "Hắt phạt" cũng như lễ mừng thọ của người Kinh ở dưới xuôi thôi”, ông Cót trầm ngâm.

Bà Hoàng Thị Ky (sinh năm 14/9/1940), thôn Cốc Mặn bảo, nhà chả có đâu, sinh nhật vẫn nhớ, con cái trong nhà sắm một con gà, đĩa xôi đặt lên bàn thờ tổ tiên. Thầy mo cũng được mời đến làm lễ, nhưng chỉ một lúc là xong. Còn lại làm 2-3 mâm cơm mời con cháu, chắt trong nhà đến ăn thôi.

“Nhà không có lợn gà đâu, phải ra ngoài chợ mua. Chỉ con cháu trong nhà ăn thôi. Lúc nào có điều kiện mới làm to, mời hàng xóm, bạn bè đến được”, bà Ky tâm sự.

Ông Lô Văn Báo, 63 tuổi, con cái bảo tổ chức sinh nhật, ông xua tay, tao còn khỏe lắm, khi nào ốm yếu mới phải gọi hồn, vía chứ.

 Mà đúng thật, hôm tôi vào thăm nhà, ông Báo đang trên đồi hái hoa hồi. Ông trèo cây nhanh thoăn thoắt, đúng “chất” đàn ông núi rừng Khau Phạ.

Ông Cót thì bảo, tục cổ của các cụ thì nên giữ, nhưng không nhất thiết phải năm nào cũng làm. Nhà có bao nhiêu con, mỗi đứa tổ chức cho một lần là được rồi. Hết một vòng, con cái có điều kiện thì tổ chức, không làm con gà cúng tổ tiên là xong.

Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ - ông Hoàng Quốc Khợ cho biết, đây là một tục lệ lâu đời của người Nùng bản địa, một nét văn hóa đặc trưng của đỉnh Khau Phạ.

“Cả xã hiện có 242 hội viên người cao tuổi. Vì điều kiện kinh tế không cho phép nên chúng tôi thường tổ chức ghép mừng thọ cho các cụ vào các dịp lễ, Tết. Tục sinh nhật của người không đơn giản là tiệc tùng linh đình, đó là sự cầu mong sức khỏe cho cha mẹ của con cái”, ông Khợ giải thích.

Xem thêm
Siết chặt quản lý gây nuôi động vật rừng, hoang dã

Sóc Trăng Việc kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở gây nuôi động vật rừng, hoang dã góp phần nâng cao ý thức tuân thủ quy định pháp luật cho các hộ nuôi.

Thị trường tín chỉ carbon phát triển nhanh, cạnh tranh khốc liệt

Sự phát triển nhanh chóng của thị trường tín chỉ carbon ở các quốc gia mang đến thách thức đáng kể cho Việt Nam trong việc cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Dấu ấn kiểm lâm trong công cuộc bảo vệ rừng Việt Bắc

Điểm nổi bật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Thái Nguyên thời gian qua là xây dựng địa bàn không có điểm nóng về khai thác, kinh doanh lâm sản trái phép.

Bình luận mới nhất