| Hotline: 0983.970.780

Ăn Tết với nông dân

Thứ Năm 10/02/2011 , 10:18 (GMT+7)

Tại sao TGĐ Thòn lại quan tâm đến chuyện mùa màng như vậy? Bởi Cty CP BVTV An Giang gắn liền với nông dân như anh em sinh đôi chung một dòng máu.

TGĐ Thòn ngồi nhậu với nông dân
Cũng như mọi người, ngày mùng một Tết dành cho ông bà cha mẹ. Sáng mùng 2 Tết anh Huỳnh Văn Thòn bắt đầu chuyến du xuân về với miệt vườn Nam bộ. Thấy trời đầy nắng anh vui lắm. Bởi trước Tết Tân Mão trời u ám đầy sương mù, có vẻ như báo hiệu một đợt dịch sâu rầy. Bây giờ nắng bừng lên rực rỡ trên những cánh mai vàng là điềm lành báo hiệu một vụ mùa bội thu.

Tại sao TGĐ Thòn lại quan tâm đến chuyện mùa màng như vậy? Bởi Cty CP BVTV An Giang gắn liền với nông dân như anh em sinh đôi chung một dòng máu. Nông dân vui, Cty vui. Nông dân buồn, Cty anh cũng vậy. Anh từng nói, sức mua của nông dân chính là sức khỏe của nền kinh tế đất nước, trong đó dĩ nhiên có Cty anh. Về một lẽ khác Cty đang thực hiện chuỗi giá trị nông nghiệp, khép kín từ việc xây dựng vùng nguyên liệu đến tiêu thụ lúa gạo. Nghe thì đơn giản nhưng là một núi công việc đầy khó khăn.

Cty cử kỹ sư nông nghiệp cùng ăn cùng ở cùng làm với nông dân, ngoài việc cung cấp giống, vật tư, dịch vụ cơ khí, chế biến… Bằng lợi tức có được từ toàn bộ chuỗi giá trị nông nghiệp, Cty có thể chủ động tính toán, phân chia lại lợi nhuận công bằng, hợp lý với bà con nông dân. Chương trình cùng nông dân ra đồng của Cty đến nay đã được 4 năm. Mới đầu nông dân cũng nghi ngờ. Tình anh em giữa Cty với nông dân có phải là tình anh em kiểu Lý Thông với Thạch Sanh hay không. Nhưng sau nhiều năm làm việc, Thạch Sanh không mất một hạt gạo lại luôn được mùa nên anh Thạch đã có lòng tin. Vụ này anh Thạch đã kí hợp đồng trồng lúa chất lượng cao. Khi thu hoạch được Cty ký hợp đồng thu mua cao hơn giá thị trường. Người nông dân nhiều năm qua đơn độc trên ruộng, tự trồng lúa tự lo mua bán. Nay đã có người bạn đồng hành. Cây lúa dưới ruộng đã có kỹ sư cùng lo. Hạt lúa thu hoạch đã có doanh nghiệp thu mua.

Xế trưa xe đã đến xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, An Giang. Đây là điểm đầu tiên xây dựng XN Chế biến và xuất khẩu gạo của Cty. Xe dừng, ghé vào thăm điểm tư vấn kĩ thuật của FF (cách gọi tắt của Cty chỉ kĩ sư nông nghiệp). Sáu chàng FF đang ngồi nói chuyện cùng mấy bác nông dân. Tất cả đều bất ngờ. Nông dân Nguyễn Văn Nhạt ngạc nhiên: “Tui không ngờ lại gặp TGĐ tại đây”. Anh Thòn cười: “Tại sao không?”. “Tui mấy lần thấy TGĐ trên ti vi ngồi cạnh những ông lớn khác thì Tết đến TGĐ phải đi chúc Tết các ông lớn sao lại về đây?". “Tôi không về đây thì về đâu. Quê hương cũng là cha là mẹ. Cha mẹ tôi ngày trước cũng là nông dân xịn đó nghe”.

Mọi người cười vang, sau vài lần nâng ly bia TGĐ Thòn hỏi anh Nhạt: “FF của tôi làm ăn hay dở điều chi nói cho tôi biết?". Anh Nhạt cười tươi: “Trời đất, tụi tui mừng hết biết. Cây lúa có kĩ sư bên cạnh giống như con người có bác sĩ đứng bên. Suy dinh dưỡng ư, FF báo liền. Bệnh tật cũng biết ngay từ khi mới chớm. Lúa má chỉ việc ăn cho no đến mùa rồi trổ bông. Tôi nghĩ cây lúa bây giờ sướng nhất rồi đó”. Mọi người lại cười. Anh Nhạt trước đây cha mẹ cho 8 công đất. Sau thời gian chăm chỉ làm ruộng lo tích lũy bây giờ đã là ông chủ của 5 ha. Từ vụ ĐX 2006 có FF làm cùng đến nay năng suất mỗi vụ tăng đều 100kg/ha. Mở nhật kí đồng ruộng tính chi phí đầu vào giảm 1,5 đến 2 triệu đồng/ha. Hỏi ăn Tết có gì vui, anh Nhạt nói: “Năm nay yên cái bụng hơn và chắc ăn vì có đầu ra. Thú thiệt, khi thấy nhà máy Vĩnh Bình xây dựng ở đây, bà con trong huyện mừng lắm. Có nhà máy xay xát của Cty lúa chắc chắn được mùa. Nông dân không còn lo Cty hứa hão!

Tạm biệt Vĩnh Bình, anh Thòn về xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất- Kiên Giang. Đây là vùng lúa lớn, có khả năng bị dịch hại nhiều. Đường vào làng hẹp, không phải đường đất mà đường tráng xi măng. Xe mô tô chạy trên cây cầu bê tông chứ không leo cầu khỉ như mấy năm trước. Khi xe chạy qua một ngôi nhà ngói lấp ló sau lũy tre, anh bảo chàng FF dừng lại. Anh đứng ở bụi tre nghe khúc đờn ca tài tử từ trong vọng ra. Bất chợt thấy anh cũng khe khẽ hát theo giọng hát trầm ấm của một chàng trai. Tôi lắng nghe, đó là bài "Dòng sông quê em". Hai giờ chiều anh cùng FF đi thăm ruộng. Cả cánh đồng lúa xanh như một tấm thảm nhung cực lớn trải tít tận ra mé biển đẹp đến mê hồn! Chú Ba Nghiêm (70 tuổi) nghe tin chạy theo mời cả đoàn vào nhà nhậu. Tết nhất ở miệt vườn không nhậu không xong. Thùng bia cùng mồi nhậu đã được bày sẵn. Chú Ba cười tươi lớn tiếng: “Lúa như thế, sâu rầy không có. Năm nay được mùa lớn rồi ông Giám đốc. Bây giờ có thể uống cho xỉn, quậy cho đã”.

Hoàng hôn sập xuống, túi phong bao lì xì của anh đã hết. Trên chuyến xe chạy về thành phố anh tâm sự: "Tôi mừng, nông dân mình bây giờ có thể gọi là sướng. No ấm không phải bàn đến nữa mà họ còn biết ăn ngon, biết xây nhà đẹp để ở. Nhờ những kĩ sư nông nghiệp nên họ đã biết làm việc một cách khoa học". Thế nhưng, anh trầm ngâm không khéo mươi năm nữa sợ lại nghèo như cũ. Bởi họ sanh nhiều quá. Tôi sực nhớ, đi qua vùng quê nào cũng thấy con nít túa ra. Có cô gái mới đôi mươi vừa bế thằng con lớn chập chững biết đi mà bụng đã to vồng.

Rồi anh Thòn lại nói ước mong cùng với nông dân xây dựng vùng trồng lúa đặc sản để lúa có thương hiệu. Lúc đó, lúa bán được giá cao hơn, người nông dân sẽ giàu có hơn. Mùa xuân tới họ sẽ cười tươi hơn. Hình như có ai nói: “Những nhà DN lớn họ có cái nhìn giống như nhà tiên tri”.

Xem thêm
Mang Yang là nơi rất tốt để phát triển đàn bò sữa

Khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, nguồn nước sạch…, là những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển bò sữa ở Mang Yang, Gia Lai.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

1 ha hồi cho thu nhập 400 triệu đồng/năm

BẮC KẠN Giá bán khoảng 30.000đ/kg, có những năm đỉnh điểm lên tới 70.000đ/kg, cây hồi đem lại thu nhập cao, trở thành cây giảm nghèo, làm giàu của nhiều nông hộ ở tỉnh Bắc Kạn.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.