| Hotline: 0983.970.780

Ấn tượng Đồng Nai: Người dân quyết định

Thứ Tư 10/09/2014 , 08:15 (GMT+7)

Đồng Nai được xem là địa phương dẫn đầu các tỉnh khu vực phía Nam về xây dựng NTM. / Ấn tượng Đồng Nai: Sức sống mới Xuân Đường

Đạt được điều đó, theo ông Hồ Quế Hậu (ảnh), Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Đồng Nai, đó là do "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

17-11-29_ong-ho-que-hu-pho-truong-bn-ntm-tinh-dong-ni

Được biết, Đồng Nai dẫn đầu các tỉnh phía Nam về xây dựng NTM. Xin ông cho biết một số kết quả đạt được trong thời gian qua.

Qua 3 năm xây dựng, 100% xã nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng NTM.

Đến nay đã có 16 xã hoàn thành xây dựng NTM. Điểm quan trọng nhất từ khi triển khai thực hiện là nhận thức của đảng viên và cán bộ công chức cũng như các tầng lớp nhân dân ngày càng sâu rộng hơn. Vì thế, việc thực hiện xây dựng NTM tại 136 xã đang rất thuận lợi. Chủ trương chung trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 8 của tỉnh đến 2015 phải có trên 20% số xã đạt chuẩn NTM.

Nguồn vốn xây dựng NTM ở Đồng Nai được huy động thế nào? Khi kêu gọi sự đóng góp của người dân có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

Đồng Nai đã đưa ra chương trình vận động mọi nguồn lực tham gia xây dựng NTM và hiện đang áp dụng rất tốt. Qua công tác vận động, nhân dân đã tham gia đóng góp sức người sức của vào làm đường giao thông, điện, nước và các công trình thủy lợi…

Ở Đồng Nai, xây dựng NTM bằng các nguồn vốn nhưng riêng nguồn vốn tín dụng chiếm tới 70%. Tiếp theo là nguồn từ DN và nhân dân chiếm khoảng 20%, trong đó của dân đóng góp khoảng 17%.

Đặc biệt như huyện Xuân Lộc là địa phương dẫn đầu trong xây dựng NTM, nguồn vốn từ người dân tham giam đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn lên đến 35%. 

Vấn đề môi trường trên địa bàn nông thôn hiện chuyển biến ra sao?

Về nhận thức của nhân dân vùng nông thôn giờ đã chuyển biến mạnh, như ngày trước trên cánh đồng, vỏ thuốc BVTV vứt la liệt, đi đâu cũng thấy gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, bây giờ về những xã NTM thì tuyệt nhiên không có.

Hay về rác thải sinh hoạt, ngày xưa ở những vùng nông thôn rất bừa bãi mất vệ sinh, nhưng nay đã tổ chức đi thu gom đốt hoặc tập trung về khu bãi rác. Về môi trường nói chung, trên địa bàn tỉnh cơ bản đã làm rất tốt, trong chăn nuôi cũng đã có hầm biogas xử lý.

Trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng NTM, ông nhận thấy bài học nào quan trọng nhất?

Tại mỗi địa phương trong tỉnh đều có cách làm riêng về xây dựng NTM, điển hình nhất như huyện Xuân Lộc đang là lá cờ đầu của Đồng Nai.

Mặc dù với nguồn kinh phí hằng năm được tỉnh phân bổ xuống giống như các địa phương khác, nhưng huyện Xuân Lộc không triển khai dàn trải mà đầu tư tập trung nên vận động nhân dân rất dễ và dân nhiệt tình tham gia hưởng ứng.

Còn kinh nghiệm trong xây dựng NTM, chúng tôi thực hiện thành công phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

 Cụ thể, khi thực hiện chương trình, các nơi đều có các ban giám sát cộng đồng, ban giám sát cơ sở ở từng tổ, ấp… Khi người dân đã hiểu và tích cực đóng góp cho công tác xây dựng NTM thì họ cũng có quyền tham gia trực tiếp giám sát việc sử dụng nguồn tài chính thế nào? Có đúng và hợp lý không?

Trong 16 xã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành xây dựng NTM, ông đánh giá thế nào về sự hài lòng của người dân?

Trong quá trình triển khai tuyên truyền, vận động thực hiện xây dựng NTM, chúng tôi luôn tạo ra sự dân chủ, công khai để tất cả người dân đều được biết, từ đó họ hiểu và đồng lòng tham gia.

Có thể thấy sự chuyển biến rất rõ: Khi chưa có Chương trình NTM thì trong SX cứ mạnh ai nấy làm theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ; nhưng từ khi bắt tay vào xây dựng NTM đã có sự liên kết của các đơn vị, địa phương trong tổ chức SX cánh đồng mẫu lớn, các CLB, HTX đều chung tay chung sức chia sẻ, giúp thu nhập người dân tăng lên hơn gấp đôi.

Nếu như năm 2010 thu nhập bình quân chỉ đạt 10 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2013 đã tăng lên 30 triệu đồng/người/ năm.

Riêng 16 xã đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân lên đến trên 40 triệu đồng/người/năm, gần gấp đôi so với mức thu nhập bình quân được quy định trong bộ tiêu chí chung đang áp dụng cả nước. Đây chính là việc người dân hài lòng nhất.

Trong quá trình thực hiện, ông nhận thấy tiêu chí nào khó thực hiện và bất cập hay không?

Theo tôi, vẫn còn khá nhiều tiêu chí chưa hợp lý, cần đề nghị điều chỉnh để tránh gây khó khăn và lãng phí.

Ví dụ: Nhà văn hóa ấp, theo quy định chuẩn phải xây trên diện tích 500 m2, như vậy là rất lớn và kinh phí cũng phải mất khoảng 600 triệu đồng, việc này huy động dân rất khó mà cơ bản vẫn phải chờ Nhà nước đầu tư.

 Hơn nữa, nhận thức của dân cũng như đội ngũ cán bộ địa phương không đồng tình nhưng do bị ép nên đành phải làm. Ở Đồng Nai vận dụng cho ghép nhà văn hóa ấp với trụ sở ấp, nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề tư tưởng. 

Còn thiết chế văn hóa nông thôn, tình trạng hiện nay rất khó thực hiện, hoặc có nơi thực hiện được thì chất lượng hoạt động cũng rất kém hiệu quả. Nguyên nhân, do khâu tổ chức cơ cấu kiêm nhiệm mà không có nhân sự chuyên trách, không có nghiệp vụ hoạt động và không có kinh phí hoạt động.

Kết quả, nhà văn hóa thiếu thiết chế hoạt động cho nên "vắng như chùa Bà Đanh”. Chúng tôi hay nói vui là “nhà luôn khóa” chứ không phải là nhà văn hóa vì có mấy ai đến sinh hoạt đâu?

Đặc biệt, về quy mô xây dựng nhà văn hóa ấp ở vùng nông thôn quá lớn, thay vì chỉ 150 m2 là vừa đủ, mà càng xây nhà văn hóa thì dân càng kêu, lãng phí.  

Xin cám ơn ông!

Chợ càng chuẩn, càng... bỏ hoang

“Riêng chợ nông thôn, quy chuẩn của chợ bắt phải xây dựng quá lớn, như ở xã xây dựng chợ tối thiểu phải 3.000 m2 (chợ cấp 3), trong khi nhu cầu thực tế chỉ khoảng 1.000 m2 là đủ rồi.

Hơn nữa, Nhà nước không đầu tư mà phải buộc huy động các thành phần kinh tế, DN, do vậy có xã không xây dựng nổi cái chợ vì không kêu gọi được đơn vị đầu tư.

Chúng tôi đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công thương cho ra loại chợ cấp 4 để áp dụng phù hợp.

Còn càng làm chợ theo đúng chuẩn thì chợ ngày càng bỏ hoang nhiều, thậm chí ngay cả khi tư nhân đầu tư xây dựng chợ vẫn “chết” như thường”, ông Hồ Quế Hậu.

 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.