| Hotline: 0983.970.780

Ấn tượng Kyoto

Chủ Nhật 14/02/2016 , 14:35 (GMT+7)

Cuối thu vừa rồi, tác giả được mời sang Nhật Bản dự Hội nghị Quark Mater - 2015 (Vật chất Quark - 2015) tại Kobe. Vào dịp quý hiếm đó, các nhà vật lý Nhật đã ưu ái sắp xếp cho tác giả một chuyến thăm cố đô Kyoto. 

Cuối thu vừa rồi, tác giả được mời sang Nhật Bản dự Hội nghị Quark Mater - 2015 (Vật chất Quark - 2015) tại Kobe. Vào dịp quý hiếm đó, các nhà vật lý Nhật đã ưu ái sắp xếp cho tác giả một chuyến thăm cố đô Kyoto. Tác giả muốn sớm chia sẻ với các độc giả Nông Nghiệp Việt Nam - tờ báo mà tác giả luôn gắn bó - những ấn tượng vẫn còn tươi rói trong ký ức của mình, sợ để lâu dễ phai nhòa mất!

Trong cuộc đời dài làm báo liên tục 59 năm của mình (1957 - 2016), không một tuần nào rời cây bút, không một năm nào “lỡ bước sang ngang” chuyền ngành làm nghề khác, tôi đã có cơ may thăm 21 nước và vùng lãnh thổ.

Thế nhưng, chưa một lần nào thăm đất nước Phù Tang (tên xưa của Nhật Bản), một cường quốc kinh tế và khoa học ở châu Á, thật là một “lỗ hổng” lớn trong vốn kiến văn của bản thân! Bởi thế, tôi rất vui khi nhận được bức thư mời, từ Nhật Bản (nguyên văn tiếng Anh) của các nhà vật lý nước này:

“… Chúng tôi biết ông, một nhà báo khoa học có tiếng từ Việt Nam (a distinguished scientific journalist from Vietnam), đang dự định viết một số bài tường thuật trên báo chí Việt Nam về các hoạt động khoa học và văn hóa ở Nhật Bản. Điều đó khích lệ chúng tôi giới thiệu với ông những bước tiến trong lĩnh vực nghiên cứu đầy hứng thú về vật chất quark, và đó cũng là điều sẽ góp phần làm sâu sắc thêm mối tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Hội nghị Quark Matter lần này là cuộc gặp quan trọng nhất và rộng rãi nhất trên thế giới, trong lĩnh vực khoa học hạt nhân khảo sát vật chất quark ở những điều kiện cực đoan (…).

Chúng tôi chờ đợi được đón chào ông tại Quark Matter 2015 ở Kobe”.

Bức thư mang chữ ký của ba vị đồng chủ tịch Ban Tổ chức địa phương là: GS Hideki Hamagaki (Đại học Tokyo); TS Tetsuo Hatsuda và TS Yasuyuki Akiba, (Trung tâm Nishina thuộc RIKEN).

Đầu năm 1997, sau khi về hưu tại Báo Nhân Dân, tôi được bác Hữu Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí đối ngoại tiếng Anh Vietnam Cultural Window (Cửa sổ Văn hóa Việt Nam) thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mời về giúp bác ấy một tay, giữ chức Phó Chủ tịch tờ tạp chí ấy, bởi vì năm đó bác Hữu Ngọc đã 80 tuổi, nhưng vẫn… quá bận bịu! Thế mà tôi thì, theo bác ấy nghĩ, hãy còn… “trẻ”!

15-52-45_img_3905b
Một ngôi chùa có kiểu dáng lạ trong quần thể các ngôi chùa ở Thanh Thủy Tự

Làm ở tờ tạp chí đối ngoại này, tôi có cơ hội in hàng trăm bài báo tiếng Anh và hai cuốn sách bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, viết về giới trí thức Việt Nam, dành cho độc giả nước ngoài. Những bài báo và cuốn sách ấy, tự tôi cảm thấy cũng “xoàng” thôi, nhưng không ngờ được một số bạn trí thức nước ngoài “để mắt” tới, trong đó có các nhà vật lý Nhật Bản. Thế là tôi nhận được bức thư mời, và vào lúc 0 giờ 5 phút ngày 27/9/2015, tôi lên đường sang Nhật Bản.

Những thông tin cập nhật về Hội nghị khoa học Quark Matter - 2015, tôi đã đưa kịp thời lên báo mạng. Trong bài này, tôi chỉ kể qua ấn tượng của mình khi thăm cố đô nước Nhật.

Suốt 11 thế kỷ là thủ đô nước Nhật

Khi thăm Hội An, ta có cảm giác như được sống lại không gian cách đây mấy thế kỷ. Khi thăm Kyoto, ta sẽ có cảm giác như được sống lại không gian cách đây hơn một thiên niên kỷ, tức là của thế kỷ thứ VIII ở phương Đông.

Bởi vì, Kyoto [京 都] đọc theo âm Hán - Việt là Kinh Đô, được xây dựng theo hình mẫu kinh đô Trường An, Trung Quốc, đời nhà Đường. Trường An được coi là đô thành đẹp nhất của miền Viễn Đông và rất có thể của cả thế giới thời Trung đại.

GS Nguyễn Tài Cẩn, nhà ngôn ngữ học được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, đã từng viết cuốn sách chuyên khảo Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán - Việt, dày 350 trang, trả lời một câu hỏi lớn: Cách đọc Hán - Việt bắt nguồn từ đâu, và vào lúc nào? Bằng kiến thức ngữ âm học hiện đại rất uyên bác, ông đã chứng minh được rằng cách đọc ấy bắt nguồn từ cách đọc tiếng Hán của kinh đô Trường An đời nhà Đường, được thái thú Sĩ Nhiếp truyền dạy tại Luy Lâu.

Thế mà GS Cẩn, lúc sinh thời, còn tâm sự với tôi, một cậu em họ của ông, rằng ông rất khâm phục cuốn sách mới in A handbook of Old Chinese Phonology (Sách chỉ dẫn về ngữ âm tiếng Hán cổ) của nhà Đông phương học người Mỹ W. X. Baxter, dày 900 trang, chỉ riêng phần miêu tả một phiên chợ ở Trường An đã chiếm tới mấy chục trang! GS Cẩn cũng ca ngợi cuốn sách của nhà bác học người Nga S. A. Starostin Phục nguyên hệ thống tiếng Hán cổ. Điều đó chứng tỏ Trường An nổi tiếng đến mức, cuối thế kỷ XX, vẫn còn vang vọng tới Mỹ và Nga!

Người Nhật cực kỳ chịu khó học hỏi, thấy ai giỏi giang hơn mình điều gì là tìm mọi cách học cho bằng được, học cho đến khi “hết chữ của thầy”, rồi tìm cách vượt xa hơn thầy. Trong suốt 1.500 năm, họ học Trung Quốc, sau đó, chuyển sang học Hà Lan (gọi là ngành Lan học), rồi học Đức, học Mỹ, không bao giờ tự mãn. Và, rốt cuộc, họ tiến xa hơn thầy trong nhiều lĩnh vực mà họ học được. Hàn Quốc và Singopore cũng đang đi theo con đường “tầm sư học đạo” để cố gắng tiến nhanh, tiến xa hơn thầy…

Ai cũng biết nghệ thuật bonsai của Nhật Bản là học từ nghệ thuật bồn tài (bồn [盆] là chậu, tài [栽] là trồng, tức là trồng cây trong chậu cảnh) của người Trung Hoa, nhưng giờ đây những chậu bonsai của Nhật bán cao giá hơn bồn tài của Trung Quốc. Công nghệ chế tạo ô tô của hãng Ford (Mỹ) được người Nhật học, nhưng rồi xe ô tô Toyota của Nhật bán chạy hơn xe Ford, ngay cả trên thị trường Mỹ. Máy tính để bàn và máy tính xách tay, người Nhật đều học của Âu - Mỹ, nhưng rồi họ chế tạo ra những desktop và laptop đẹp hơn, hiện đại hơn, bán chạy hơn, vượt cả mấy “ông thầy” của họ bên Âu - Mỹ.

Nhưng, đừng tưởng nhầm rằng, người Nhật chỉ “giỏi bắt chước”, mà “kém sáng tạo”. Nếu kém sáng tạo, thì sao họ lại giành 22 giải thưởng Nobel, nhiều nhất là trong các ngành khoa học cơ bản như vật lý, hóa học và sinh lý học - y học; cộng thêm 3 Huy chương Fields trong toán học. Ngô Bảo Châu là người thứ 4 ở châu Á giành được Huy chương Fields, đáng tự hào quá đi chứ, nhưng dù sao vẫn là trường hợp cá biệt, chứ chưa phản ánh đúng tình trạng chung về khoa học cơ bản ở nước Việt Nam ta hiện nay.

15-52-45_img_3921
Thanh Thủy Tự, tức là Chùa Nước Trong, có nghĩa là Nước Thánh, Nước Phật, ngôi chùa được dựng trên sườn núi chênh vênh, chống đỡ bằng những cột gỗ cao vút, xây cất cách đây hơn 13 thế kỷ, sân chùa vươn ra ngoài được lát bằng gỗ bách

Suốt 11 thế kỷ là kinh đô của một nền văn hóa lớn, độc đáo ở phương Đông, bởi thế, cho đến nay, Kyoto vẫn còn gìn giữ được hơn 2.000 ngôi chùa đạo Phật và ngôi đền đạo Thần (một tôn giáo truyền thống ở Nhật Bản), cũng như cung điện Hoàng gia, vườn Thượng uyển, lâu đài, lăng tạ thời xưa…

Trong Thế chiến II, người Mỹ đã định ném bom nguyên tử xuống Kyoto, nhưng rồi họ cảm thấy “không nỡ phá hủy vẻ đẹp của thành phố này”, theo hồi ức của một số tướng lĩnh Mỹ.

Mặc dù đã từng thăm Trung Quốc 11 lần, chiêm ngưỡng không ít ngôi chùa kỳ vĩ ở Bắc Kinh, Hàng Châu, Tô Châu, Côn Minh…, tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp lạ lùng và thanh nhã của mấy ngôi chùa ở Kyoto như Thanh Thủy tự, Kim Các tự…

Cái tài của người Nhật là học nước ngoài, nhưng vẫn sáng tạo theo phong cách riêng của chính mình.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất