| Hotline: 0983.970.780

Thứ Sáu 08/12/2017 , 07:22 (GMT+7)

07:22 - 08/12/2017

'Anh Chí' chẳng 'chết' được đâu!

Nên có lẽ, vấn đề không phải ở tác phẩm mà ở cách truyền tải tác phẩm. Làm sao có thể có được những cách hiểu trọn vẹn và những sự cảm nhận thấu đáo với văn chương khi chúng ta “tra tấn” học trò bằng những giờ học “thầy đọc, trò chép”, nhồi nhét kiến thức, với cách dạy áp đặt và buồn ngủ?

Thú thực là rất lâu rồi tôi mới lại thấy nổ ra tranh cãi xung quanh một vấn đề liên quan tới văn học, đúng hơn là về một nhân vật văn học. Bởi biến động cuộc sống dữ dội quá, nhiều vấn đề nhức nhối quá gắn với “cơm ăn áo mặc” hằng ngày nên người ta không có đủ thời gian để bàn về sự “hàn lâm” của những câu chuyện văn chương nữa. Thế nên, khoan nói đến những chuyện khác, khi dư luận quan tâm đến Chí Phèo, tôi lại thấy âm ỉ vui trong lòng.

Suốt mấy chục năm trôi qua, truyện ngắn Chí Phèo của cố nhà văn Nam Cao đã trở thành một “tượng đài” mà những nhân vật trong đó đã trở thành kinh điển, trở nên quá quen thuộc với hầu hết các thế hệ người Việt. Cho nên, như một lẽ đương nhiên, học sinh nào trên ghế nhà trường cũng phải biết đến Chí Phèo.

Không cần học sao được khi ở đất nước này, ngay cả những kẻ không học hành cũng không ai không biết đến cái thói ăn vạ của anh Chí hay “bát cháo hành Thị Nở”! Kể cả cái câu “ai cho tôi làm người lương thiện” mà anh Chí nói cũng trở thành “bất hủ”.

Cũng chính vì thế, ý kiến loại tác phẩm Chí Phèo ra khỏi sách giáo khoa của Ths. Nguyễn Sóng Hiền, nghiên cứu sinh Trường ĐH Newcastle (Australia) ngay khi vừa được đưa ra thì lập tức đã bị “ném đá” tơi tả.

Thầy giáo Văn học Trịnh Quỳnh, Giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh (Nam Định) cho rằng, “người đề xuất loại bỏ Chí Phèo khỏi sách giáo khoa đã làm mất đi tính nhân văn của nó”. Còn TS. Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên dạy Ngữ văn tại trường THPT Chuyên Chu Văn An, Hà Nội thì nói thẳng rằng: “Loại bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình SGK phổ thông là ý kiến tuyệt đối không thể chấp nhận”. Có người chỉ trích đây là “một góc nhìn hớt váng”.

Thậm chí, GS. Nguyễn Minh Thuyết không bình luận nhiều mà chỉ nhấn mạnh đúng một câu: “Đây là một ý kiến non nớt, thô thiển, không đáng để dư luận và báo chí quan tâm bàn cãi”.

Nhìn chung, các nhà giáo và chuyên gia văn học đều đánh giá, đề xuất của anh Nguyễn Sóng Hiền đến từ việc anh này chỉ đang nhìn vào tác phẩm đơn thuần bằng cái nhìn mang tính xã hội học.

Tôi sẽ không biến blog này thành một bài văn phân tích tác phẩm văn học hay một bài bày tỏ cảm nghĩ về nhân vật Chí Phèo. Tuy nhiên, nói thật, tôi không khỏi giật mình với giải thích của anh Nguyễn Sóng Hiền về đề xuất “gây sốc” của anh.

Anh Hiền lý giải rằng, xét ở góc độ giáo dục thì tác phẩm này tác động tiêu cực tới tâm lý của các em học sinh lớp 11, giai đoạn mà sự phát triển về tâm sinh lý khá phức tạp. “Ở độ tuổi này các em rất dễ nổi loạn, thích thể hiện mình, muốn khẳng định cái tôi. Vì vậy những cái xấu dễ bị tiêm nhiễm và tiêm nhiễm nhanh hơn những cái tốt”, anh nói.

Cụ thể, Chí là đại diện cho bần cố nông bị áp bức bóc lột và biến thành quỷ dữ: Chí xin đểu, đập phá, chửi bới, rạch mặt ăn vạ, cưỡng bức Nở, uống rượu say, giết người và tự sát. “Vậy nếu chúng ta ủng hộ Chí, bảo vệ Chí chúng ta sẽ lý giải với các em thế nào khi một kẻ cùng đường, quẫn bức không lối thoát thì nên uống rượu say, cầm dao giết người rồi tự sát sao?”, anh Hiền lập luận.

Thẳng thắn mà nói thì Chí Phèo có hay không đưa vào chương trình giảng dạy phổ thông thì sức sống của tác phẩm này sẽ vẫn lâu dài, vì những vấn đề mà tác phẩm đưa ra cũng như tính “điển hình” của các nhân vật trong tác phẩm không hề giới hạn ở xã hội cũ. Bất cứ ai cũng có thể gặp một phần con người mình trong “anh Chí”.

Đừng nói là việc dạy Chí Phèo “tiêm nhiễm” thái độ sống tiêu cực lên các cháu học sinh, mà kể cả không đưa tác phẩm vào chương trình giảng dạy thì xã hội ngày nay cũng vẫn đang tồn tại rất lắm “Chí Phèo” rồi.

Chỉ có điều, từ cách “cảm thụ” của anh Hiền (và chắc chắn còn rất nhiều người khác có cách hiểu về tác phẩm như vậy), nên chăng nhìn lại cách giảng dạy văn học trong nhà trường hiện nay? Đành rằng, với mỗi một tác phẩm sẽ có những cách nhìn, cách hiểu khác nhau, nhưng vì sao nên nỗi lại có một bộ phận độc giả chỉ coi Chí Phèo là một thằng khùng nát rượu, chuyên rạch mặt ăn vạ mà thôi?

Nên có lẽ, vấn đề không phải ở tác phẩm mà ở cách truyền tải tác phẩm. Làm sao có thể có được những cách hiểu trọn vẹn và những sự cảm nhận thấu đáo với văn chương khi chúng ta “tra tấn” học trò bằng những giờ học “thầy đọc, trò chép”, nhồi nhét kiến thức, với cách dạy áp đặt và buồn ngủ?

“Chí Phèo” sẽ không “chết” nếu bị loại khỏi SGK nhưng thật dễ để “giết chết” tác phẩm bằng cách “giết chết” tình yêu văn học của giới trẻ ngay từ trên ghế nhà trường!