| Hotline: 0983.970.780

Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Zimbabwe

Thứ Ba 21/11/2017 , 11:05 (GMT+7)

Chính quyền Bắc Kinh đang bị nghi ngờ đứng sau kế hoạch lật đổ Tổng thống Robert Mugabe do quân đội Zimbabwe vừa thực hiện. Trung Quốc từng là đồng minh thân cận của ông Mugabe suốt hơn 3 thập niên.

Tổng thống Robert Mugabe là người bạn cũ của Trung Quốc


Chấp nhận rút lui

Reuters hôm 20/11 đưa tin, Tổng thống Robert Mugabe đã chấp nhận thảo đơn từ chức dưới áp lực, kết quả quá trình thương lượng với các tướng lĩnh quân đội Zimbabwe. Điều kiện của thoả thuận này là ông Mugabe và vợ bà, Grace Mugabe sẽ được miễn trừ hoàn toàn, đồng thời được giữ gia sản. Quyết định từ chức của ông Mugabe có thể được thực hiện trong ngày hôm nay, khi quốc hội nước này nhóm họp.

Trước đó, công chúng Zimbabwe đã bày tỏ sự giận dữ do việc ông Mugabe kiên quyết không rút lui, bất chấp việc đã bị đảng ZANU-PF cầm quyền loại khỏi vị trí lãnh đạo. ZANU-PF đồng thời bầu cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa làm lãnh đạo mới. Trong bài phát biểu dài 20 phút trên truyền hình Zimbabwe, ông Mugabe đã không đề cập tới chuyện từ chức, mà chỉ lên tiếng khẳng định “đất nước cần trở lại bình thường”. Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết, trên thực tế Tổng thống Mugabe đã chấp nhận từ chức, nhưng được yêu cầu không công bố thời điểm trên, do phía quân đội không muốn chịu tiếng đã thực hiện cuộc đảo chính lật đổ ông. AFP đưa thêm một lý do khác, là ông Mugabe muốn ra điều kiện với phe đảo chính nhằm bảo vệ cho gia đình và vợ.

Tại Zimbabwe những ngày vừa qua, hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình, kêu gọi ông Mugabe từ chức. Và tới ngày hôm qua, xe thiết giáp quân đội vẫn án ngữ tại nhiều vị trí trọng yếu ở thủ đô Harare. Trường Đại học Zimbabwe đã hoãn ngày thi cử để sinh viên hát các bài hát phản đối ông Mugabe.
 

Có bàn tay của Trung Quốc?

Những nghi ngờ về sự can thiệp của Bắc Kinh đối với quyết định lật đổ ông Mugabe của quân đội nước này đã dấy lên ngay từ những ngày đầu tiên. Cơ sở của phán đoán này là chuyến công du Bắc Kinh chỉ 1 tuần trước đó của Tư lệnh Constantino Chiwenga. Trong chuyến đi trên, ông Chiwenga đã gặp Uỷ viên Quân uỷ Trung ương Trung Quốc, tướng Li Zuocheng và cả Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn.

Tin cho biết khi trở lại Zimbabwe, ông Chiwenga đã suýt bị cảnh sát bắt giữ ngay tại sân bay, nhưng được các binh sĩ giải cứu nhờ nguồn tin tình báo. Dưới sự chỉ đạo của tướng Chiwenga, quân đội sau đó quản thúc ông Mugabe tại nhà, trước khi thực hiện các bước tước bỏ quyền lực của nhà lãnh đạo đã 93 tuổi.

Trên thực tế, Trung Quốc đã duy trì ảnh hưởng lớn với Zimbabwe, bắt đầu từ việc âm thầm viện trợ vũ khí, đạn dược và tài chính cho quân du kích của ông Mugabe trong cuộc chiến giành độc lập từ những năm thập niên 1970. Sau khi Zimbabwe giành thắng lợi và ông Mugabe lên nắm quyền, Trung Quốc tiếp tục gia tăng ảnh hưởng của mình ở quốc gia này.

CNN cho biết, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Zimbabwe. Trong năm 2015, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu của Zimbabwe.

Năm 2002, sau khi Mỹ và EU áp đặt cấm vận đối với Zimbabwe, số dự án đầu tư của Trung Quốc vào nước này tăng lên hơn 100. Bắc Kinh cũng phủ quyết các kế hoạch áp đặt trừng phạt đối đối với Zimbabwe từ Liên Hợp Quốc. Tháng 12/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Zimbabwe đã hứa hẹn sẽ tăng viện trợ và đầu tư phát triển lên tới 5 tỉ USD. Mới hồi tháng 1 năm nay, ông Mugabe từng được ông Tập động viên, rằng Trung Quốc “không bao giờ quên những người bạn cũ”.

Theo CNN, trong thời gian gần đây các chính sách của ông Mugabe đã ảnh hưởng tới nhiều dự án của Trung Quốc. Một số buộc phải huỷ bỏ hoặc chuyển sang nước khác, gây thiệt hại lớn cho Bắc Kinh. Ông Mugabe từng được Trung Quốc ủng hộ, trước và sau khi lên nắm quyền. Tuy nhiên theo Guardian, Phó Tổng thống Mnangagwa tương tự, cũng là một cựu chiến binh du kích thời đấu tranh giành độc lập, và thuộc những người đầu tiên được cử sang Trung Quốc để huấn luyện. Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây khẳng định, sẽ duy trì quan hệ hợp tác hữu nghị với Zimbabwe.

(Theo CNN, Guardian, Reuters)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.