| Hotline: 0983.970.780

Anh rể trọng nam khinh nữ

Thứ Năm 21/02/2013 , 10:31 (GMT+7)

Nếu như lấy một người chồng với tư tưởng không phải phong kiến thì chị ấy đã không khổ, nhưng anh rể cháu lại cần một đứa con trai.

Ảnh minh họa
Cô kính mến!

Cháu thấy thương chị gái cháu quá cô ơi.

Bố mẹ cháu là nông dân chính gốc, nhà cháu có 4 anh em. Trước đây nhà cháu nghèo lắm, tin anh trai đỗ đại học làm cho cả nhà vừa mừng vừa lo. Vậy nên chị thứ hai của cháu học hết lớp 9 thì nghỉ học ở nhà giúp bố mẹ nuôi anh và hai em đi học. Ngày anh trai ra trường là ngày chị đi lấy chồng, một năm sau đó thì bố cháu qua đời. Khó khăn nối tiếp khó khăn nhưng rồi gia đình cháu cũng vượt qua.

Vấn đề cháu muốn nói là chuyện của người chị thứ hai cháu. Lấy chồng được 1 tháng thì vợ chồng anh chị chuyển vào Nam sống, hiện tại đã xây dựng được nhà cửa đàng hoàng. Anh chị sinh được ba con đều là con gái cả. Nếu như lấy một người chồng với tư tưởng không phải phong kiến thì chị ấy đã không khổ, nhưng anh rể cháu lại cần một đứa con trai.

Cháu thấy lạ là anh không phải con trưởng, anh là con trai thứ mà. Chị ấy sinh cháu thứ ba mới được 3 tháng nhưng mọi việc đều phải tự làm. Anh rể bỏ bê tất cả cho chị ấy, từ việc nấu ăn, giặt đồ, đi chợ đến việc đón hai cháu đầu… Cả hai bên nội ngoại ở Nghệ An, chỉ có anh chị sống ở Đồng Nai nên không ai giúp được gì cho chị của cháu.

Thỉnh thoảng chị gọi điện khóc lóc vì chuyện anh rể say xỉn suốt chẳng xem chị ra gì. Cháu thấy thương chị mình quá cô à. Chị bảo anh rể nói sẽ đi tìm vợ khác, và sẽ bỏ chị. Chị ấy có thể sống được nhưng với ba đứa con gái đang quá nhỏ thì làm sao đây cô? Nhiều người bảo anh rể là con gái hay con trai gì cũng được, khuyên nhiều, nói nhiều nhưng anh rể có chịu nghe đâu cô?

Giờ cháu phải làm sao để giúp chị bớt khổ, giúp anh rể bỏ tư tưởng phong kiến ấy đây cô? Cô cho cháu lời khuyên nhé!

Cô giấu email giúp cháu. 

Cháu thân mến!

Cô cũng lấy làm lạ rằng sao bây giờ nhiều đàn ông lại trở máu phong kiến như vậy. Xã hội VN đã băng qua một giai đoạn khá tiến bộ trong nữ quyền, trong cách mạng dân sinh, trong giáo dục… Đàn ông thời cô biết có lý tưởng phụng sự đất nước, gia đình riêng được tôn trọng, chuyện nối dõi tông đường bị xếp xuống hàng thứ sau Tổ quốc, con gái và con trai được tôn trọng như nhau trong nhà.

Trong gia tộc của chồng cô có mấy người không có trai nối dõi. Đặc biệt có một người là cháu đại tôn của mười đời, nay chỉ sinh ba con gái nên bỗng dưng nhà mất họ. Bà mẹ còn sống và bà đau lắm nhưng người con, người chồng ấy vẫn không lung lay, vẫn yêu vợ và gia đình nhỏ của mình.

Thì ra, mọi việc do đàn ông, sinh gái hay trai cũng do đàn ông mà nếu người đó nghĩ cho tận cùng như vậy thì không có vấn đề gì lấn cấn cả. Ở miền Nam của cô, con gái còn lo cho ba mẹ hơn con trai và con dâu, vì vậy con gái vẫn có thể thờ phụng ba mẹ được. Không chỉ chuyện văn hóa ôm bàn thờ mà tuổi già của mình, con gái phụng dưỡng chu toàn hơn, vì vậy việc nối dài tộc họ chỉ quan trọng một phần.

Anh rể cháu đã thành người tác tệ. Người đã vậy thì sớm muộn gì nhà cũng tan. Có lẽ anh ta hy vọng đứa con thứ ba là trai nhưng anh ta đã hết hy vọng ngay khi đứa bé chào đời. Vì vậy có vẻ ruồng rẫy chị của cháu ngay sau đó. Và buồn, anh ta tìm vui trong rượu mà đã rượu thì thế nào cũng sinh chuyện.

 Cả nhà hãy để cho anh chị ấy vật lộn với bi kịch của họ đã. Không nên can dự sớm rồi sẽ đổ thêm dầu vào lửa. Mỗi người đều có cái số của mình, cái nghiệp của chị gái cháu khá nặng nên sinh con cho chồng nhiều hơn người khác mà chồng vẫn không vừa lòng.

Nếu chuyện nghiêm trọng hơn, đến mức phải ly dị thì ai nuôi con sẽ được nhà cửa và người kia phải trợ cấp. Dĩ nhiên chu cấp theo tòa qui định không bao nhiêu và người đàn ông hay phó thác cho vợ. Dĩ nhiên chị của cháu sẽ nếm mùi trần ai và sẽ thấm đẫm cái câu “đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”.

Lúc ấy, gia tộc hãy ra tay giúp. Không có cách nào khác là giúp công và giúp tiền để chị đứng vững với đám con nhỏ. Có biết bao bà mẹ nuôi con bằng gánh đồng nát đó thôi. Không người mẹ nào dở tệ khi trên vai là những đứa con. Cuộc sống sẽ khiến cho người đó tháo vát lên ngoài sức tưởng tượng của người thân.

 Và rồi thời gian sẽ ủng hộ, dạy con giỏi thì chúng sẽ giỏi và ngoan, đó là mùa bội thu của tuổi già người mẹ. Cái khó nhất là con ngoan, vì vậy mà đừng bỏ nhau trong hận thù, bạo lực, để những đứa trẻ lớn lên bình thường, lành mạnh.

Phần cháu là em gái, chị mình học vấn thấp, vì đã từng hy sinh cho gia đình. Thương chị là phải thương cụ thể, tận tình, để chị có chỗ dựa và giúp các cháu có tuổi thơ khả dĩ. Hãy động viên anh trai và những người dưới chị đứng bên cạnh chị lâu dài, dù ở xa thì cũng có cách giúp nếu quyết tâm.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.