| Hotline: 0983.970.780

Áp đặt, quan liêu

Thứ Năm 14/06/2012 , 11:00 (GMT+7)

Sau cả 2 bản án tòa tuyên đã gây nên làn sóng phản ứng dữ dội, bởi tòa buộc một cụ già gần 80 tuổi và con cái phải ra đứng đường.

NNVN ra ngày 31/5/2012 có bài: "Phiên tòa bị phản ứng dữ dội" phản ánh về vụ án tranh chấp đất đai giữa nguyên đơn là ông Hoàng Ngọc Thiện, phía bị đơn là bà Phạm Thị Hữu (thôn Hội Yên, xã Hải Quế, Hải Lăng, Quảng Trị). Sau cả 2 bản án tòa tuyên đã gây nên làn sóng phản ứng dữ dội, bởi tòa buộc một cụ già gần 80 tuổi và con cái phải ra đứng đường.

>> Phiên tòa bị phản ứng dữ dội

Hà khắc

Vụ án trên đã được 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên buộc bà Hữu phải trả lại nhà ở và đất cho nguyên đơn là ông Hoàng Ngọc Thiện. Mặc dầu được các cấp chính quyền, nhân dân trong vùng phản ứng dữ dội, báo chí lên tiếng phản ánh trực diện với các cơ quan chức năng trên địa bàn; gia đình bà Phạm Thị Hữu cũng đã gửi đơn kháng cáo kêu oan lên tòa Giám đốc thẩm nhưng ngày 25/5/2012, Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Hải Lăng đã gửi Thông báo số 14/TB-THA về việc cưỡng chế thi hành án, buộc bà Hữu phải giao căn nhà cấp 4C (không có phần mái) với 1.228 m2 đất tại thửa số 331, tờ bản đồ số 05 thuộc thôn Hội Yên cho ông Hoàng Ngọc Thiện.

Thông báo có đoạn: "Kinh phí cưỡng chế bà Hữu phải trả là 3.970.000đ; thời gian cưỡng chế sẽ được thực hiện vào lúc 8h30' ngày 15/6/2012. Nếu bà Phạm Thị Hữu cố tình vắng mặt lực lượng tham gia cưỡng chế sẽ tiến hành thực hiện vụ cưỡng chế vắng mặt theo quy định của pháp luật".

Khi nhận được thông báo trên, cả làng Hội Yên ai nấy đều đứng lặng như trời trồng bởi họ không ngờ rằng, tòa án là "cán cân công lý" mà lại xử án thiếu công tâm đến mức như vậy.


Người dân Hội Yên trình bày bức xúc với PV

Ông Hoàng Ngọc Thiện (không phải nguyên đơn), Chủ nhiệm HTX thôn Hội Yên, bày tỏ: "Trong lúc bà Hữu đang lâm bệnh nặng, nằm điều trị ở bệnh viện tại TP HCM, con cái cũng đang ở trong đó. Làng xóm chúng tôi khẩn thiết đề nghị việc thi hành án nên dừng lại. Nếu họ cố tình cưỡng chế trong lúc gia chủ vắng nhà buộc xóm làng chúng tôi phải dựng tạm lều ngoài đường để có nơi đặt bàn thờ gia tiên cho bà Hữu".

Trong căn nhà rách nát của bà Hữu, các ông Hoàng Ngọc Khai (87 tuổi, bí danh là Ngọc Chàn), nguyên Ban cán sự thôn năm 1976; ông Hoàng Anh Minh, nguyên thư ký thôn từ năm 1975 - 1978; ông Nguyễn Văn Dục, Phó Bí thư chi bộ thôn Hội Yên cùng nhiều bậc cao niên khác đều khẳng định: Trước đây gia đình bà Hữu có nhà và đất ở phía dưới sông gần ngã tư thôn Hội Yên do dòng tộc để lại và mảnh đất này hiện đã được cấp cho các hộ Võ Duy Phúc, Cao Đình Ánh, Hoàng Ngọc Nghị sử dụng.

Năm 1976, thực hiện chủ trương di dân để lấy đất phục vụ SXNN (làm đê Nam Thạch Hãn - lời của ông Hoàng Ngọc Khai) nhiều hộ dân trong đó có gia đình bà Hữu đã nhường lại đất đai, nhà cửa và mồ mả cha ông cho Nhà nước. Sau đó bà Hữu đã được chính quyền địa phương cấp cho mảnh đất mà ông Hoàng Ngọc Bách (bố ông Hoàng Ngọc Thiện) đã bỏ lại khi chạy vào Nam.

Ông Hoàng Anh Minh bức xúc: "Thực tế này là không thể phủ nhận nhưng không hiểu tại sao ở hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm lại "phán" như thế. Tôi là một nhân chứng sống của vụ việc nhưng khi xử họ không hề mời tôi tham dự, giấy xác minh sự việc của tôi cũng không có trong hồ sơ vụ án. Do vậy tôi cho rằng kết quả phiên tòa là không khách quan, nó chỉ mang tính lợi ích nhóm và lợi ích cá nhân".

Ông Võ Duy Phúc là một trong số những hộ hiện đang ở trên mảnh đất của bà Hữu trước đây cũng khẳng định rằng, đất của bà Hữu trước đây một phần đã được dùng để đào kênh dẫn nước phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp và nay các chứng cứ tài sản trên đất của bà Hữu vẫn còn đó cơ mà.


Bà Hữu lâm bệnh nặng đang điều trị tại Bệnh viện Gia Định, TPHCM

Tòa gọi ai là giặc?

Trước bản án tòa tuyên bất thường, ông Hoàng Văn Em, Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị, thừa nhận, trong cả hai phiên xét xử, tòa đã dùng cụm từ "năm 1972 gia đình ông Bách chạy giặc vào các tỉnh phía Nam". Nếu nói như ông "quan tòa" là chạy giặc thì người dân Quảng Trị phải chạy ra Bắc chứ sao lại bỏ quê hương trong lúc nước sôi lửa bỏng chạy vô Nam. Thế thì xin hỏi quan tòa giặc ở đây là ai?

Ông Em cũng thừa nhận việc tòa án dùng từ chạy giặc để chỉ việc ông Hoàng Ngọc Bách bỏ Quảng Trị chạy vào Nam là thiếu thận trọng. "Cách dùng từ chạy giặc như thế khiến người đọc có thể hiểu là do ở Quảng Trị thời bấy giờ chiến sự rất nóng bỏng nên ông Bách phải chạy giặc vào Nam (giặc ở đây là chỉ sự nóng bỏng của cuộc chiến - lời ông Em) nhưng từ này cũng khiến người ta hiểu ra là ông Bách sợ quân giải phóng nên chạy vào Nam lánh nạn. Tôi phải nhắc nhở anh em là rút kinh nghiệm qua sự việc này", ông Em nói.

Một điều cần phải nhắc đến nữa là việc quan tòa luôn miệng đòi giấy tờ lưu trữ nhưng lại bỏ qua chứng cứ là những nhân chứng sống, họ là những cán bộ xã, thôn, lão thành cách mạng, thậm chí cả lãnh đạo UBND xã Hải Quế đương nhiệm cũng đều thừa nhận sự việc bà Hữu nhường đất cho Nhà nước là có thật. Thế nhưng cả hai cấp tòa đều không để ý tới các ý kiến của các nhân chứng trên. Tòa cũng không tiến hành xác minh hồ sơ lưu tại cấp huyện, cấp tỉnh mà chỉ qua lời khai của ông Hồ Như Thanh, Chủ tịch UBND xã Hải Quế, rằng “không có hồ sơ lưu” để rồi coi như không có sự việc đó xảy ra? Ngược lại ông Thanh đã ký xác nhận vào đơn của ông Hoàng Anh Quyết, nguyên Bí thư chi bộ xã Hải Quế từ năm 1975-1979, nay là Phó GĐ Sở VH-TT-DL xác nhận việc di dân từ sông Hói, ngã tư thôn Hội Yên lên làng là một chủ trương lớn của xã lúc bấy giờ.

Điều đó đã thể hiện sự áp đặt, quan liêu, bất chấp sự thật của hai cấp tòa tỉnh Quảng Trị, dẫn đến những bản án gây bất bình trong xã hội.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất