| Hotline: 0983.970.780

Áp dụng tưới nhỏ lẻ, năng suất vườn cam tăng vọt

Thứ Sáu 29/07/2016 , 09:27 (GMT+7)

Nhờ hệ thống tưới nhỏ lẻ, những vườn cam tại huyện miền núi Quỳ Hợp (Nghệ An) trước đây chỉ đạt năng suất chưa đến 20 tấn/ha thì nay đã lên tới 35 - 40 tấn/ha.

Cam là loại cây trồng không chịu được ngập úng nhưng lại rất cần nước cho quá trình sinh trưởng và phát triển, nhất là thời kỳ quả non. Nhờ hệ thống tưới nhỏ lẻ, những vườn cam tại huyện miền núi Quỳ Hợp (Nghệ An) trước đây chỉ đạt năng suất chưa đến 20 tấn/ha thì nay đã lên tới 35 - 40 tấn/ha.

Nhiều hộ trồng cam phấn khởi, không trông chờ vào chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh Nghệ An mà tự đầu tư xây dựng hệ thống tưới nhằm nâng cao năng suất, sản lượng cam và hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.

Niên vụ 2013, với 1,2ha cam Xã Đoài, gia đình ông Lê Trọng Kỷ, thuộc đội Chè 4, Cty TNHH MTV Nông công nghiệp 3/2 dự tính sẽ thu về trên 20 tấn quả nhưng do hạn hán không có nước tưới, cam non rụng thối cả khu vườn nên chỉ thu về 10 tấn.

“Quả cam vừa to bằng ngón chân cái thì gặp đúng đợt nắng nóng đỉnh điểm, không có nước tưới nên rụng mất hơn 1/2 lượng quả. Năm đó, gia đình tôi thất thu hơn 500 triệu đồng, nhiều hộ trồng cam khác tại huyện Quỳ Hợp cũng chịu chung số phận. Chỉ những gia đình có hệ thống nước tưới đầy đủ thì không những cam không rụng quả mà năng suất còn tăng lên gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi”, ông Kỷ cho biết.

Cũng từ vụ cam 2013, cùng với chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh Nghệ An về xây dựng hệ thống tưới nhỏ lẻ cho cây ăn quả, ông Kỷ đầu tư thêm 40 triệu đồng khoan giếng, mua máy nổ, lắp hệ thống vòi nước ngầm chạy quanh vườn cam.

07-54-18_3
Nhờ được tưới nước đầy đủ, những vườn cam xanh mướt, quả trĩu cành

 

Khi vào mùa nắng nóng, cứ 2 - 3 ngày, ông lại bơm nước, tưới đậm cho vườn cam. Kết quả là những vụ cam tiếp theo, năng suất cam Xã Đoài đạt trên 30 tấn/ha/năm.

Với mỗi ha cam, ông đút túi trên 1 tỷ đồng/năm. Năm nay, với 2ha cam kinh doanh đã ra quả non trĩu cành, gia đình ông ước tính sẽ thu về gần 70 tấn quả.

Ông Kỷ cho biết thêm, khoan giếng công nghiệp ở độ sâu 30 - 60m hết khoảng 20 triệu đồng nhưng nguồn nước tưới dồi dào kể cả thời điểm hạn hán đỉnh điểm. Cùng với đầu tư thêm hệ thống ống dẫn, máy nổ hoặc đường dây điện trên dưới 20 triệu đồng nữa, hệ thống tưới cho cam sẽ hoàn thiện.

Hệ thống này tồn tại được trên 20 năm, chi phí tuy cao so với người nông dân nhưng so với lợi ích mang về lên đến hàng trăm triệu đồng/ha cam/năm thì chưa thấm tháp vào đâu.

Từ một vài mô hình, đến nay hầu hết các hộ trồng cam thuộc Cty TNHH MTV Nông công nghiệp 3/2 đã bỏ tiền ra đầu tư lắp đặt. Nhiều hộ ngăn các dòng suối để bơm nước vào vườn cam, một số hộ còn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt nhằm tiết kiệm nước. Những vườn cam được tưới đầy đủ và chăm bón đúng kỹ thuật lá vẫn xanh tốt, quả sai trĩu cành giữa mùa hè gay gắt. Còn những hộ không có hệ thống tưới, cam, quýt xơ xác, năng suất, sản lượng thấp hơn hẳn.

07-54-18_4
Một số hộ đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt

 

Theo thống kê, hiện Cty TNHH MTV Nông công nghiệp 3/2 hiện có 700 hộ tham gia trồng cam với diện tích 750ha. Trong số này có trên 600 hộ đã có hệ thống nước tưới nhỏ lẻ lắp đặt tại vườn.

Ông Trần Đình Sơn, Phó phòng Kế hoạch Cty TNHH MTV Nông công nghiệp 3/2 cho biết: “Cam là cây trồng rất cần nước, nhất là trong giai đoạn quả non. Giai đoạn này, nếu hạn hán thiếu nước, quả sẽ rụng gần hết. Những quả còn lại trên cây cũng thiếu sức sống, mẫu mã xấu. Khi chưa có hệ thống tưới nhỏ lẻ, nhiều vườn cam chỉ đạt năng suất 15 - 20 tấn/ha, thậm chí 7 - 8 tấn/ha.

Nhưng nay, năng suất cam tại vùng đất này có thể đạt tới 40 tấn/ha, hiệu quả kinh tế từ cây cam tăng gấp đôi nhờ có hệ thống tưới. Hiện nay, chúng tôi vẫn đang thực hiện các bước để tiếp tục hỗ trợ các hộ trồng cam theo chính sách của UBND tỉnh Nghệ An”.

Theo thống kê, sau 5 năm triển khai chính sách của UBND tỉnh Nghệ An, tại Cty TNHH MTV Nông công nghiệp 3/2 đã có 201 hệ thống tưới nhỏ lẻ cho vườn cam hoàn thiện với tổng số tiền 1.825 triệu đồng. Năm 2016, ngân sách được duyệt cho các hộ trồng cam của Cty là 300 triệu đồng. Các hộ dân sẽ được hỗ trợ tối đa 40% kinh phí xây dựng, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ lẻ. Không trông chờ ỷ lại chính sách hỗ trợ, nhiều hộ dân đã đầu tư, xây dựng hệ thống tưới nhỏ lẻ với kinh phí trên 50 triệu đồng/hệ thống.

+ Ông Hoàng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cam Vinh, GĐ Cty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành đóng tại xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) cho biết, Cty hiện có 680 hộ công nhân trồng cam với tổng diện tích 800ha (trong đó có 344ha kinh doanh). Trên 80% số hộ trồng cam đã có hệ thống tưới nhỏ lẻ, trong đó có 50% được hưởng lợi lợi từ chính sách kích cầu tưới nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình từ UBND tỉnh Nghệ An. Có khoảng 5% số hộ đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel. Nhờ các hệ thống tưới này, năng suất cam tại công ty đã tăng ít nhất 50%.

+ Thực hiện Quyết định số 10/2010/QĐ-UBND, ngày 20/1/2010 của UBND tỉnh Nghệ An về hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn và thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đến nay toàn tỉnh đã hỗ trợ được hàng trăm hệ thống tưới cho cây trồng cạn như chè, cà phê, mía, cam...

Các hộ xây dựng hệ thống tưới nhỏ lẻ cho cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả và cỏ trồng tập trung có quy mô 1 ha trở lên làm thức ăn chăn nuôi sẽ được UBND tỉnh hỗ trợ 40% giá trị các công trình như: Giếng đào, giếng khoan, máy bơm nhỏ di động, ống tưới PVC hoặc bằng cao su; hỗ trợ 40% giá trị công trình nhưng tối đa không quá 20 triệu đồng cho 1 hồ đập nhỏ có dung tích từ 30.000 - 70.000m3 nằm trong vùng quy hoạch phát triển cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả để tạo nguồn nước tưới và giữ ẩm...

 

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm