| Hotline: 0983.970.780

Ấp Hà Đông trên Đà Lạt, đất của con trăn có sừng

Thứ Năm 29/09/2016 , 08:49 (GMT+7)

Khi ấp mới của người Hà Đông được thành lập trên đất Đà Lạt, dân định đặt tên là ấp Hoàng Trọng Phu để nhớ công lao di dân lập ấp của ông, coi như là Thành hoàng vậy. Nhưng ông cám ơn và từ chối...

Nhưng ông cám ơn và từ chối: “Thôi, cứ lấy tên là ấp Hà Đông để mà mai sau con cháu nhớ về cội nguồn”.

 

Đất của con trăn có sừng

Tuổi trẻ hướng ngoại, thích phiêu lưu. Là công nhân xếp chữ của tờ báo tiếng Pháp mang tên La Voulté, vô tình ông Ngô Văn Bính đọc cột tin đăng tải chương trình tuyển người di dân vào Đà Lạt do Tổng đốc Hà Đông là Hoàng Trọng Phu chiêu mộ. Thế là ông xin đi. Xa Hà Nội vào Đà Lạt lập nghiệp, năm đấy ông Ngô Văn Bính mới 18 tuổi.

Cùng đi với ông chuyến đó còn hơn 30 người ở các làng Quảng Bá, Nghi Tàm, Ngọc Hà, Tây Tựu, Vạn Phúc, Xuân Tảo, gồng gánh, cuốc xẻng, nồi niêu, xoong chảo, lục tục lên tàu ra ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội trên đường Lê Duẩn - PV).

Ông Bính nhớ mãi câu hỏi của Tổng đốc Hoàng Trọng Phu trước khi lên đường: “Vì sao cháu đi?”. “Dạ… Bẩm quan lớn, cháu thích đi xa”.

Trước đó, ông Ngô Văn Bính đọc trên Tạp chí Nam Phong bài “Lâm Viên hành trình nhật ký” của Nam tước Đoàn Đình Duyệt. “Từ Eo gió trở lên, xe chạy nhanh được quãng chừng 50 km. Đường lúc này bằng phẳng, có chỗ như miền Trung Châu. Ven đường có độ năm, ba cái sách (xóm cô rào) của người Thượng.

Nhà lụp xụp, thô sơ. Đất trồng lúa mỗi nơi chỉ được độ một, hai khoảnh nhỏ, còn lại là đất trống mênh mông, nhìn ra thấy hoang vu cả ngàn dặm tới tận cùng tầm mắt. Nếu di dân lập ấp, khai khẩn canh tác thì có thể có được hai, ba trăm thôn”. Nhật trình đó đã kích thích thêm máu giang hồ bẩm sinh trong con người Ngô Văn Bính.

Ấp Hà Đông xưa sình lầy trải dài theo thung lũng từ phía thượng nguồn hồ Vạn Kiếp, khu Cité de Coux tới giáp ấp Nghệ Tĩnh. Ấp Nghệ Tĩnh do quan Quản đạo Đà Lạt là Phạm Khắc Hòe đưa dân Nghệ Tĩnh vào lập ấp sau ấp Hà Đông vài năm. Ấp Hà Đông rất nhiều trăn. Đêm trăng, trăn lừ lừ trườn lên, xuyên qua những bụi lau sậy đung đưa; khi thì đen sì trong bóng tối, lúc lấp lánh dưới ánh trăng…

Giờ đây, ấp Hà Đông đã thành tổ dân phố đông vui, tấp nập. Còn những năm 1930, báo chí viết về Đà Lạt còn có cả hình ảnh con trăn có sừng khiến ai nấy đều ngỡ ngàng. Nguyên do, hươu nai kéo đi uống nước thì gặp trăn. Con nai nào xấu số thì bị trăn nuốt. Vì trăn nuốt nai từ phía sau, đến khi nuốt gần hết thì vướng đôi sừng. Con trăn lại gặp người nên vội vã di chuyển, mang cả cặp sừng nai theo.

 

Để mai sau con cháu nhớ về cội nguồn

Quản đạo đầu tiên của Đà Lạt là Trần Văn Lý nhận thấy Đà Lạt là vùng khí hậu mát mẻ, nhiều đất hoang chưa khai phá, nhu cầu rau quả tươi sống của người Pháp cũng tăng lên. Bản thân từng làm Tri phủ Thọ Xuân (Thanh Hóa), quá am hiểu nông dân miền Bắc thiếu đất canh tác, Quản đạo Trần Văn Lý đã đề nghị Tổng đốc tỉnh Hà Đông Hoàng Trọng Phu đồng thời kiêm Chủ tịch Ủy ban tương tế xã hội trung ương Bắc Kỳ di dân vào lập ấp tại Đà Lạt.

Nhận lời đề nghị của Quản đạo Trần Văn Lý, Tổng đốc Hoàng Trọng Phu đã giao cho Thương tá Canh nông tỉnh Hà Đông là Lê Văn Định xây dựng kế hoạch và chuẩn bị thực hiện việc di dân Hà Đông vào lập ấp tại Đà Lạt.

Ông Lê Văn Định đã đứng ra vay 500 đồng từ quỹ của Ủy ban tương tế xã hội trung ương Bắc Kỳ (thời giá khi đó, 2 đồng mua được 1 tạ gạo - PV). Trong đó, ông trích ra 300 đồng gửi vào Đà Lạt nhờ Quản đạo Trần Văn Lý chuẩn bị cơ sở vật chất ban đầu để ổn định cuộc sống của di dân. Phần còn lại, ông Định dùng mua vé tàu hỏa và cấp cho những người được tuyển chọn vào đợt đầu chi tiêu và mua sắm công cụ.

06-05-49_img_0330
Rau xanh ấp Hà Đông – Đà Lạt

 

Đầu năm 1938, hơn 30 nam giới, do chức sắc của các làng xã ven Hồ Tây đề cử, đã được tuyển chọn tập trung về trụ sở Hội Tiểu canh nông công nghệ Hà Đông. Tại đây, họ lại được ông Vũ Đình Mấm - Tham tá Canh nông tỉnh Hà Đông hướng dẫn thêm về cách trồng rau và hoa.

Ngày 29/5/1938, nhóm cư dân đầu tiên gốc Hà Đông gồm 33 người (27 nam, 6 nữ) là những nông dân khỏe mạnh thạo nghề làm vườn được huấn luyện kỹ càng phương thức canh tác tiên tiến theo mô hình châu Âu đã lên tàu hỏa vào Đà Lạt. Đầu năm 1939, thêm 19 người vào ấp. Từ năm 1940 đến năm 1942 lại thêm 47 người. Cuối năm 1943, thống kê cả ấp Hà Đông đã có tới 57 gia đình cùng nhau chung lưng xây dựng quê mới. Trong số đó có ông Ngô Văn Bính.

Sau tết Kỷ Mão (1939), mang theo 2.000 củ lay-ơn vào Đà Lạt, chỉ 2 tháng sau, thấy đây là vùng đất làm ăn tốt, ông Bính đã viết thư về quê động viên cha mẹ đến xin với ông Lê Văn Định tạo điều kiện cho vào Đà Lạt. Một trường hợp khác là ông Nguyễn Văn Bồng, cũng được Tổng đốc Hoàng Trọng Phu viết giấy giới thiệu vào Đà Lạt (năm 1941).

Theo lời kể của ông Ngô Văn Bính và ông Ngô Văn Ngôn cho con cháu, năm 1940 Tổng đốc Hoàng Trọng Phu vào thăm ấp. Bà con cử ông Ngô Văn Ất đến gặp và xin được lấy tên của Tổng đốc đặt cho tên ấp là ấp Hoàng Trọng Phu. Nhưng Tổng đốc đã khéo léo từ chối và đề nghị bà con nên lấy tên là ấp Hà Đông để mai sau con cháu nhớ về cội nguồn. Đề nghị này cũng được chính quyền Đà Lạt chấp thuận. Cái tên ấp Hà Đông chính thức ra đời từ đó. Ngày nay, ấp Hà Đông thuộc phường 8, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất