| Hotline: 0983.970.780

Áp lực an cư

Chủ Nhật 23/10/2016 , 08:01 (GMT+7)

Từ xưa, các cụ đã dạy “an cư lạc nghiệp”. Tuy vậy, ngày nay, với nhiều bạn trẻ, quan niệm này dường như sai lầm, cần phải thay đổi.

08-49-55_trng-8
Ảnh minh họa
 

Tốt nghiệp đại học loại giỏi, Thu Hoài có việc làm tại một công ty lớn với mức lương khá. Tuy nhiên, dù thu nhập cao, nhưng Hoài chẳng để dành được đồng nào. Đã quá tuổi 35 mà cô vẫn chưa lấy chồng, dù thường xuyên bị cha mẹ hối thúc, nhắc nhở. Trong khi đó, bạn bè của Hoài đều đã “yên bề gia thất”.

Vài người dù lương thấp hơn nhưng vợ chồng họ dành dụm hoặc vay mượn ngân hàng nên đã mua được nhà riêng, sắm ô tô đi làm, ngày nghỉ đưa cả nhà đi chơi... Hỏi Hoài sao không làm vậy, cô khoát tay: “Ai cũng chỉ sống một lần trong đời. Mà cuộc đời thì ngắn ngủi lắm. Nếu cứ cắm cúi làm việc, rồi thắt lưng buộc bụng dành dụm tiền mua nhà, sắm xe rồi lại tiếp tục còng lưng kiếm tiền trả nợ những món nợ xe cộ, nhà cửa, rồi chăm chồng, nuôi con... thì lãng phí một đời.

Mình khao khát một cuộc sống thoải mái, tự do, không bị ràng buộc, làm những gì mình thích. Mình muốn đến những vùng đất mới để khám phá, ăn những món ăn ngon, lạ... Bởi vì, chẳng mấy chốc mình sẽ già, yếu, chẳng còn ham muốn. Lúc đó, tiền bạc cũng không thể mua được. Vả lại, mình đi suốt nên chỉ cần ở trọ chứ không thèm mua nhà!”.

Tuấn Anh, sinh viên năm cuối một trường đại học cũng chia sẻ: “Cuối năm nay mình tốt nghiệp. Mình nghĩ, nếu may mắn có việc làm là phải lo quần quật kiếm tiền. Mà phải làm sao kiếm được thật nhiều tiền để không chỉ nuôi sống bản thân mà còn phải lo mua nhà, rồi mua xe... Sau đó lo cưới vợ, sinh con...

Các đàn anh đi trước, do không kiếm được nhiều tiền nên khi mua nhà phải vay ngân hàng rồi kéo cày trả nợ. Nợ mẹ đẻ nợ con nên đến khi trả được số nợ khổng lồ đó thì họ đã già, đã ở cái tuổi không còn hưởng thụ, chẳng còn ham hố gì nữa. Tính ra cả cuộc đời làm nô lệ cho đồng tiền, chẳng biết thế nào là sung sướng! Mình không muốn sống như họ!”.

Bích Hà, nhân viên Marketing thì tuyên bố: “Là con gái nên mình cực kỳ thích mua sắm. Mình có thể nhịn ăn nhưng không thể nhịn mua váy áo, son phấn... Vì thế, có tiền là mình đầu tư cho sở thích shopping. Còn trẻ thì làm đẹp. Mai mốt già rồi, chẳng còn cơ hội mà diện nữa đâu!”.

Các bạn kể trên làm đúng như những gì họ suy nghĩ. Năm nào Hoài cũng đi du lịch. Cô đã ngắm tê giác ở Nam Phi, đã thăm quan các hầm mộ Ai Cập, đã dạo chợ vàng và trang sức của Thổ Nhĩ Kỳ, đã lang thang bên bờ sông Hằng của Ấn Độ... Song, khi bây giờ, gần 40 tuổi, cô bắt đầu có cảm giác lười đi. Nhưng muốn nghỉ ngơi thì hơi khó vì căn phòng trọ của cô lúc nào cũng ồn ào. Mà muốn mua nhà ở cho thoải mái thì hơi khó vì cô có dành dụm được đồng nào đâu?

Tuấn Anh may mắn có việc làm trong một công ty tư nhân với đồng lương nếu tiết kiệm thì cũng gọi là rủng rỉnh. Nhưng vốn thích sống thoải mái, “có đồng nào xào đồng ấy” nên hết tháng thì cậu nhẵn tiền.

Vì vậy, cậu chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện nhà xe. Nhưng để thỏa mãn ước mơ du lịch và khám phá, cậu thường tham gia các nhóm phượt với những người cùng cảnh ngộ. Mới đây, trong một lần phượt khám phá Hà Giang. cậu đã gặp “nửa thứ 2” của mình, là một cô nhân viên hành chính lương ba cọc ba đồng. Khi tình chuyện “góp gạo thổi cơm chung”, Tuấn Anh mới thấy cần tiền để “an cư”.

Lúc này cậu mới tiếc, sao ngày trước không dành dụm chút ít? Dù muộn, nhưng cậu và vợ sắp cưới đã lên kế hoạch “xây tổ” bằng cách sẽ dành thời gian kiếm việc làm thêm. Thậm chí, nếu có cơ hội, sẽ chuyển việc, tìm một nơi nào khá hơn. “Cùng lắm, nếu phải vay ngân hàng rồi kéo cày trả nợ, mình cũng sẽ thử!”- Tuấn Anh chia sẻ.

Bích Hà may mắn hơn: Cô lấy được một anh chồng khá giàu, với “hạ tầng cơ sở”: vững chắc: có nhà riêng, xe hơi... Tuy vậy, dù đã làm vợ, làm mẹ, nhưng Hà vẫn không thể từ bỏ sở thích ăn diện, làm đẹp... nên tháng nào số tiền chồng đưa cũng thiếu hụt do những khoản chi “ngoài ngân sách” như váy áo, mỹ phẩm, Spa, tắm trắng... Vừa rồi, con trai nhập viện, Hà cùng chồng phải đôn đáo vay mượn. Chồng cô ngao ngán: “Với kiểu chi tiêu như phá tiền của em thì dù chúng mình đã an cư, chẳng biết bao giờ mới lạc nghiệp?”.

Tóm lại, dù xã hội hiện đại, câu nói “an cư lạc nghiệp” vẫn còn nguyên giá trị. Mỗi người chúng ta phải biết cân bằng cuộc sống. Khi kiếm ra tiền, phải biết tiết kiệm và tích lũy. Chỉ hưởng thụ trong tầm kiểm soát để tránh bị động lúc khó khăn.

(Kiến thức gia đình số 41)

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.