| Hotline: 0983.970.780

Áp lực nợ nần

Thứ Ba 08/06/2010 , 10:35 (GMT+7)

Chỉ vì món nợ 15 triệu đồng chạy việc mà gia đình con hiện tại lúc nào cũng sống trong áp lực (chồng con không hay biết)...

Ảnh minh họa
Cô Dạ Hương kính mến!

Sinh ra trong gia đình nông dân bình thường, tốt nghiệp PTTH, con không thi lên nữa, nhường phần cho các em. Hiện tại con đã có gia đình riêng và 3 đứa em của con đều đang học đại học và cao đẳng.

Chồng con là một giáo viên dạy Văn của trường THCS, hiền lành, tốt bụng, tâm lý. Năm đó, một người bà con hứa chạy việc cho con, gia đình con đã chạy vạy để có 15 triệu đưa cho bác ấy. Ngỡ lấy chồng xong con sẽ được đi làm, chờ mãi chờ mãi, khi con gần sinh thì bác ấy bị tai nạn mất. Số nợ đó gia đình nói vay cho con, sau có chồng thì tự tích cóp trả lấy. Cứ đến kỳ đóng lãi là con giấu chồng đi gửi nhưng lương anh ấy ít, con không có thu nhập gì, con mệt mỏi mà không dám chia sẻ với chồng. Nhưng hình như anh ấy biết, anh đến với con bằng tình yêu, nhưng liệu nó có đủ lớn để anh thông cảm với con không?

Con rất tiết kiệm, rất chu đáo, bố mẹ anh khó tính và các chị của anh nói con đã chinh phục nhà chồng bằng tình yêu chân thành. Còn anh, đôi khi anh như tỏ ra ban ơn khi cưới con nên con thấy bị tổn thương. Anh bảo anh rất nhiều cô yêu vậy mà anh cưới con, một cô gái không nghề nghiệp, không tiền bạc. Khi có bầu con hay khóc ban đêm, hay trò chuyện với đứa con trong bụng: rồi mọi việc sẽ qua, mẹ sống là vì con. Con phải đi làm, anh bảo con còn nhỏ. Trong gia đình anh con không được mua sắm thứ gì nếu chưa được cho phép. Con buồn rũ và xấu xí hẳn. Nhiều lúc con có ý định bỏ đi, chia tay, mang con nhỏ theo nhưng con trai con sẽ khổ lây.

Bốn tháng qua con chăn nuôi được 7 triệu đồng lời nhưng anh bảo đưa cho mẹ cất để sau này đầu tư cho con trai ăn học. Giờ con làm sao đấy? 15 triệu lãi cứ đến, nếu con nói thật, liệu anh có khinh con hơn không? Có lúc anh nói: em là món nợ mà tôi phải mang vào. Con đã làm gì ra nợ, con tự làm ruộng được, chăn nuôi tốt, rau dưa tự làm, lương anh đưa bảo giữ chứ không được tiêu pha, sinh mới có 15 ngày là phải dậy đi giặt giũ, anh có giúp được gì đâu. Một lần con xin anh một buổi để nói chuyện, con nói một hơi 30 phút, nghe xong, anh tát vào mặt con rồi bỏ đi đến tận hôm sau.

Cô ơi, 15 triệu, nếu không lấy chồng chỉ 1 năm chăn nuôi con trả được nợ. Con nhà nông thì sợ gì vất vả. Nhưng lấy chồng con bị quản lý đến từng đồng, áp lực tinh thần ấy khiến con muốn chia tay. Nhưng con có được nuôi con không, nếu không, thà con cam chịu thì hơn.

Con không muốn một ngày nào đó nhà con mang tiếng xấu, con sợ mình sẽ làm điều không phải với mọi người. Con biết con sẽ tự mình vươn lên và trang trải được. Liệu ly hôn thì con của con thế nào hở cô?

Con gái xin giấu tên và địa chỉ

Cháu thương mến!

Chuyện chạy việc bằng tiền bây giờ đã thành phổ biến, 15 triệu là còn ít đấy. Chính vì nó không còn là sự lạ nên nó không phải hành vi có thể làm xấu mặt cháu hay gia đình cháu với chồng và với nhà chồng cháu. Chuyện giống như cái nhọt, giấu mãi cũng không xong, có khi chồng cháu không giúp được gì nhưng cậu ta phải biết sự thật này. Cái nhọt ấy nó làm cháu bất an và mất tự tin với nhà chồng. Không gì khổ tâm hơn khi một người thẳng thớm mà phải sống cong queo. Không gì thất thế hơn khi mình không làm ra tiền mà còn phải chèn nhét cho một khoản nợ không minh bạch được.

Chẳng lẽ chuyện chỉ có vậy mà bỏ nhau? Nhưng phải có cách sống để không bị bắt nạt thêm.

Trước hết cháu phải nói với bố mẹ mình chuyện 15 triệu. Bố mẹ vay lúc cháu chưa lấy chồng, chưa có gia đình, để chạy việc cho cháu, vì vậy, không thể để cho cháu một mình cay đắng với số tiền ấy được. Ít nhất bố mẹ cũng mời chồng cháu đến để nói với chồng biết, nhưng thực tế, cậu ta đâu có liên quan gì với số nợ đó. Vậy thì bố mẹ cùng cháu tính toán đi, sao để cháu bơi một mình trong thiệt thòi vậy? Ngày hè 3 đứa em có thể đi làm phụ chị trả nợ không, bố mẹ cháu có thể cáng đáng nợ không, hay mượn chác bà con bạn bè hay ai đó? Ở nông thôn 15 triệu bằng người nghèo thành phố vướng 150 triệu, cô hiểu chứ, nhưng không thể để cháu âm thầm gánh lấy nó mãi. Việc phải được mổ xẻ ra, để cháu thanh thản, tự tin, không cần che giấu và lắt léo với từng đồng chi tiêu để trả lãi.

Thứ đến, phải từ từ và kiêu hãnh với vị thế con dâu thời hiện đại. Phải giỏi việc ruộng rẫy, chăn nuôi, tức là kiếm được tiền từ công sức và trí tuệ của mình (có người nuôi con đi đại học bằng nấu rượu và nuôi heo đấy). Và cô biết, qua lá thư, cháu là người sâu sắc, ân cần, chu đáo, cháu sẽ được nhà chồng thương. Nhưng không vì vậy mà làm bao nhiêu tiền cũng đưa mẹ chồng cất, không đâu nhá, có kinh tế thì mới có độc lập, anh đừng coi tôi như vú em hay ô sin nhá. Cứ lẳng lặng và kiên cường, nếu cần, lương anh anh góp nuôi con, tôi không khiến anh phải nuôi nhưng đừng coi tôi như cái tủ sắt vô tri vô giác. Gớm, lương giáo viên cấp II thì bao nhiêu mà tinh tướng với vợ thế? Nhưng cậu ta là giáo viên Văn, sao lại ít nhân bản với phụ nữ, mà còn tát tai vợ nữa chứ.

Cháu phải giải quyết chuyện nợ nần và tiếp tục vì con đi đã. Khi đã thật cứng cáp, cháu sẽ cần biết mình làm gì. Con quá nhỏ, các em chưa ra trường, vài năm nữa các em đâu vào đấy, chúng sẽ là hậu phương lớn cho mẹ con cháu đấy. Nhưng chồng đã vậy thì không nên đẻ nữa, cô rất tin khi cháu nói, cháu làm nông nghiệp giỏi, cháu không ngại gì cả. Cần gì phải đi học nghề hay ra chợ làm công nhân, ở nông thôn mà giỏi giang và khéo tính thì cũng đâu có kém cạnh gì, đúng không cháu?

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất