| Hotline: 0983.970.780

Áp vong- dở khóc dở cười

Thứ Tư 20/07/2011 , 11:48 (GMT+7)

Chiêu bài “áp vong” vào người thân của liệt sĩ để tìm mộ khiến không ít chuyện dở cười dở khóc.

Dù trời nóng như thiêu như đốt nhưng vẫn có hàng trăm người đợi đến cả tháng trời để “vong” nhập

Xuất hiện giống nhau và cách tìm kiếm mộ liệt sĩ của các “nhà ngoại cảm” này dập khuôn y đúc. Chiêu bài “áp vong” vào người thân của liệt sĩ để tìm mộ khiến không ít chuyện dở cười dở khóc.

Chờ "vong" nhập trong “lò bát quái”

Đến đầu xóm Hoà Hội, xã Nam Cát (Nam Đàn, Nghệ An) đã thấy người dân căng bạt, dựng biển cho gửi xe. Tôi đếm sơ sơ có hàng chục hàng quán của các gia đình vây quanh “Trung tâm tìm mộ liệt sĩ Nam Cát” của cô H. Vừa bước vào đầu ngõ, mùi hương nồng nặc khiến chúng tôi cay xè mắt. Cảnh tượng trên sân hiện ra nếu ai đến lần đầu đều choáng váng. Trên nền sân có đến mấy chục chiếc bàn nhựa, phía trên được mọi người đặt bát nhang lẫn đồ cúng lễ. Bàn nào cũng nghi ngút khói. Bên mỗi bàn nhựa có một gia đình từ 5- 10 người đi cùng.

Giữa trưa hè, trời xứ Nghệ nóng đến 40 độ C, mọi người kiên trì ngồi thiền trước bát nhang - theo cách nói của các “siêu nhân” để đợi liệt sĩ về. Khói thuốc, khói hương đậm đặc cùng với hơi người bốc lên biến khoảng sân nhà cô H biến thành cái lò bát quái. Nhiều người nóng quá không chịu được định mang quạt ra nhưng người nhà cô H yêu cầu không được bật vì sợ “vong” bay mất. Ngay cả ánh sáng cũng phải hạn chế. Càng về trưa cái nóng từ mái tôn hấp xuống càng khiến cho không khí thêm ngột ngạt, căng thẳng. Tuy vậy, mọi người vẫn cứ kiên trì ngồi thiền đợi “vong” nhập.

Người thân liệt sĩ ngồi vây quanh chiếc bàn. Trông ai cũng phờ phạc, mệt mỏi. Có người ngồi giữa gật gù, toàn thân rung lắc liên tục, cái đầu cứ ngọ nguậy giống như người lên đồng. Người thân xung quanh hỏi đủ thứ chuyện, nào là anh chiến đâu ở đâu, quê quán, vợ con ra sao… Họ đưa ra những dữ liệu liên quan đến người liệt sĩ, với hy vọng tìm kiếm được thông tin. Tuy nhiên hàng trăm câu hỏi đưa ra, người được cho là “vong” nhập kia cũng chỉ gật gật cái đầu mà không nói gì.

Đang mải nhìn người đàn ông bị “vong” nhập, tôi bỗng giật mình khi người phụ nữ ở bàn bên cạnh kêu gào thảm thiết. Hết khóc, nói, rồi chị ta cười khà khà như người bị mắc bệnh tâm thần. Những người xung quanh thấy thế càng phấn khởi hơn, họ đua nhau hỏi han đủ thứ chuyện. Có người thỉnh thoảng lại giật lên đùng đùng, mọi người xung quanh lại xúm lại tưởng “vong” nhập. Phía giáp tường còn có mấy phụ nữ nằm thẳng cẳng, miệng nói lảm nhảm những câu chuyện vu vơ, chẳng ra đầu ra cuối.

Qua làn khói hương nghi ngút, chúng tôi tìm đến chỗ được gọi là “Ban tổ chức” để đăng ký tên. Người trực ban bảo, giờ đã có gần 8.000 người đăng ký rồi, anh muốn đợi đến lượt phải… 3 năm nữa. “Thế cô H đâu mà không ra giúp mọi người?”, nghe tôi hỏi vậy, ông trực ban bảo: “Ông ngu thế. Cô H chỉ là người lĩnh xướng. Cô tập hợp các vong linh liệt sĩ về đây. Khi nào người nhà của họ đến, cô "giao" liệt sĩ đó nhập vào chính người thân của họ để tìm mộ”.

Tìm hiểu sâu, hoá ra cô H chỉ có mỗi nhiệm vụ nhận lễ của các thân nhân rồi cúng ở bàn thờ chính. Ngoài sân, cô kê một loạt bàn nhựa nhỏ, người thân cứ đặt lễ lên, thắp hương, cầu khẩn đợi “vong” liệt sĩ về nhập. Đến các cơ sở ngoại cảm khác cũng vậy, họ bê nguyên mô hình của cô H về áp dụng tại trung tâm của mình. Cứ như thế có gia đình thân nhân ngồi ròng rã 2 tháng trời mà “vong” vẫn chưa nhập về.

Chúng tôi gặp bà Liên quê ở Diễn Châu (Nghệ An) mới hiểu hết niềm mong mỏi suốt mấy chục năm qua của gia đình. Bà đăng ký tìm mộ cho cậu em chồng từ đầu năm, giờ mới đến lượt. 6 người nhà bà Liên đã ngồi thiền tại “lò bát quái” 6 ngày rồi mà chưa thấy “vong” về. Mỗi ngày ở lại đây là thêm phần tốn kém. Mọi người phải gác việc đồng áng, tiền ăn uống, ngủ nghỉ cũng khá tốn kém mà chưa mang lại kết quả. Ấy thế mà bà Liên vẫn quyết tâm: “Nhiều người ngồi đợi cả 2 tháng trời. Gia đình tôi cũng quyết đợi cho bằng được”.

Sai bét

Cứ như thế hết ngày này sang tháng khác, thân nhân của liệt sĩ vẫn kiên trì bám “lò bát quái” của các nhà ngoại cảm. Nhiều gia đình có dấu hiệu “vong” nhập là tức tốc lên đường đi tìm mộ. Những tưởng hành trình của họ sẽ thu lại kết quả tốt đẹp nhưng tất cả chỉ là hư vô.

Gia đình ông Đinh Xuân Thường ở xóm 5, xã Xuân Hoà đi tìm mộ của liệt sĩ Đinh Xuân Cầu bằng phương pháp ngoại cảm tại các cơ sở ngoại cảm mà chúng tôi đã nêu. Khi “áp vong”, gia đình được thông báo và chỉ mộ của liệt sĩ Cầu đang nằm ở một khu rừng tại Bình Dương. Tuy nhiên điều này trái ngược với thực tế, bởi 2 cựu chiến binh là ông Nguyễn Công Thành và Trần Văn Thường là đồng đội của liệt sĩ Cầu khẳng định liệt sĩ Cầu hy sinh tại Lào và chính 2 ông đã an táng liệt sĩ tại Lào. Như vậy mộ của liệt sĩ Đinh Xuân Cầu không thể có chân chạy về Bình Dương được.

Một trường hợp khác là gia đình anh Hoàng Văn Tùng ở Tân Kỳ (Nghệ An). Đầu tháng 6/2011, gia đình anh có đến cơ sở ngoại cảm ở Nam Đàn tìm mộ của bác ruột mình là liệt sĩ Hoàng Văn Vĩnh, hy sinh năm 1967 tại Quảng Trị. Tại đây, cơ sở này làm một số thủ tục cúng bái, gọi hồn. Thế rồi chẳng hiểu sao, em Hoàng Thị Thu (24 tuổi), em ruột của anh Tùng, bỗng dưng thay đổi sắc mặt, lời nói biểu hiện khác thường. Gia đình anh nghĩ, liệt sĩ Vĩnh đã nhập hồn vào cháu gái để chỉ đường và địa điểm hi sinh. Thế là gia đình anh Tùng quyết định nghe theo lời chỉ dẫn của "hồn" và các hướng dẫn của cơ sở ngoại cảm này, đi vào Quảng Trị để tìm, cất bốc hài cốt liệt sĩ Vĩnh.

Gia đình anh đến thôn Võ Xá, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh (Quảng Trị) để cất mộ. Đến gần 10h ngày 6/6, em Thu vẫn trong trạng thái lơ mơ, mắt khép hờ đến một phần mộ, tìm đến nghĩa địa Võ Xá, rồi nằm lên một phần mộ và khóc ngất. Tại đây, "hồn" bảo là "nhà" của liệt sĩ Vĩnh. Khi cất bốc phần mộ này, gia đình anh Tùng mới phát hiện áo quan chưa phân hủy, bên trong có bộ áo vest, gói thuốc và bật lửa.

Mặc dù vậy, vì quá tin vào lời của nhà ngoại cảm nên gia đình anh Tùng đưa hài cốt về quê an táng và cứ nghĩ đó là hài cốt của liệt sỹ Vĩnh. Khi đã an táng cho cho liệt sĩ Vĩnh xong, gia đình anh Tùng mới tá hoả là mình đào nhầm mộ của một người dân tại thôn Võ Xá. Và rồi, công an huyện Gio Linh đã phải vào cuộc, chứng minh rằng đó không phải là hài cốt của liệt sĩ Vĩnh.

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.